Nhật ký ngày về Fansipan - Vang tiếng Quốc Ca trên nóc nhà Đông Dương (30.8 - 2.9.2013)

Ngày đăng 29/11/2017 04:38 PM - 6.646 lượt xem

Nhật kí… ngày…tháng….năm



Thân tặng WeTrekers!!!
Fanxipan trong tôi!!!!
Tôi luôn tin vào số phận. Đối với tôi, bất kì sự gặp gỡ nào trong cuộc sống cũng là những cơ duyên tiền định, Wetrek và Fanxipan cũng là những cơ duyên đáng nhớ trong cuộc đời của tôi!!!

Chuyến xe đêm lắc lư từ Sapa đổ đèo như muốn “lộn ruột mèo” cuối cùng cũng đưa đoàn chúng tôi về lại với Hà Nội một cách an toàn. Đã xa rồi Sapa, cái thị trấn êm đềm, “nơi gặp gỡ đất trời” ấy, đã xa rồi sắc tím biêng biếc của hoa rừng, xa cái không gian hoang vu tĩnh lặng của Hoàng Liên đại ngàn và xa rồi cái đỉnh núi mù sương, cái đỉnh cao mà hàng trăm trái tim trong đoàn chúng tôi cùng hướng tới, cùng khát khao vượt qua khó khăn để chinh phục……….. Fanxipan…

Quay ngược thời gian, cái quãng thời gian dài đằng đẵng để mong chờ tới ngày đi, chúng tôi đã kịp chia sẻ với nhau những kinh nghiệm, dặn dò nhau cần chuẩn bị những gì để làm hành trang thật tốt cho chuyến đi sắp tới.
8h tối thứ sáu, 30/08/2013
3 chiếc xe ô tô to chờ đón chúng tôi. Mọi người cất hành lý, chia nhóm, phát đồ rồi hò nhau ra chụp ảnh,những bức ảnh đầu tiên đầy hứng khởi, lẫn trong ánh sáng của một vài chiếc xe là màu sắc rực rỡ của áo và nụ cười tươi rói của chúng tôi. Nhanh chóng lên xe, chúng tôi lên đường. Những chiếc xe cứ nối nhau, chìm vào màn đêm, đưa chúng tôi tới Sapa vào sáng hôm sau….
Thứ 7, ngày 31/08/2013, ngày hành trình đầu tiên
Thay đồ, chuẩn bị hành trang chinh phục đỉnh cao, chúng tôi bỏ lại Sapa những đồ dùng chưa cần thiết, cố gắng mang vác thật gọn nhẹ. Xe lại chở chúng tôi tới Trạm Tôn, cả đoàn đã bắt đầu nhốn nháo nhộn nhạo, ai cũng chẳng thể tập trung vào hàng lối, điểm danh, những đôi mắt chỉ háo hức hướng lên ngọn núi xa xăm đằng kia. Và thế là sau bao giờ phút mong đợi, chúng tôi đi… Balo trên vai, bỏ lại sau lưng những ngày nghỉ lễ nằm nhà ngủ nướng khét lẹt, bỏ lại lũ bạn “ế mốc meo” có lẽ vẫn đang ngủ tít mít chả nhớ gì tới mình, chúng tôi bám nhau đi, nối nhau đi thành đoàn dài. Xen lẫn đoàn áo xanh của Wetrek chúng tôi là các đoàn lẻ tẻ khác và các màu áo đặc trưng của các anh chị dân tộc thồ đồ cho chúng tôi. Hoàng Liên âm u mấy ngày nay như mở hội, từng tốp người theo lối mòn mà đi, tiếng cười nói, trêu đùa văng vẳng bên tai. Hoàng Liên mùa này như càng muốn tăng thêm thử thách cho chúng tôi. Những cơn mưa rừng mấy ngày trước đó làm con đường trở nên lầy lội, ẩm ướt và âm u. Chúng tôi cứ thể thả sức đi, người đi nhanh, người đi chậm, đi thành từng nhóm. Có khi tôi đuối sức đi tụt lại khỏi nhóm này để thong dong chờ nhóm kia đi tới. Chúng tôi giúp nhau trèo lên dốc núi này, trượt xuống sườn núi kia, có khi chẳng quen nhau nhưng nào có tiếc chi những cái kéo tay hay đẩy nhau leo lên những dốc núi trơn trượt. Có những đoạn, chân không bám vững, chúng tôi phải dùng cả tay, cả mông mà di chuyển, nhưng nụ cười không bao giờ tắt trên khuôn mặt chúng tôi và càng tươi tắn hơn khi có bất kì một camera nào chĩa tới. Mới đi thôi mà đôi găng tay gai của chúng tôi đã ướt đẫm bởi nước từ các bụi cây khi chúng tôi bám bụi leo lên, giầy và các gấu quần bùn đất đã bám lên. Càng đi, đôi chân càng mỏi, balo càng trở nên nặng trĩu trên vai. Có những lúc, đôi chân chúng tôi như muốn khuỵu xuống, muốn tìm một chỗ nào ngồi nghỉ cũng phải đi cố, vì có những đoạn đường nhỏ hẹp không thể dừng lại. Nếu như ở dưới xuôi, “đôi mông” của bạn được thiết đãi bởi những chiếc ghế êm ái hay ít ra cũng là những chiếc ghế bằng phẳng thì ở đây chúng tôi có phần hơi “ngược đãi” với cái bàn tọa của mình. Chẳng hề chi khi đôi chân mệt mỏi, chúng tôi thả người xuống bãi cỏ đẫm sương, những tảng đá ghồ ghề hay những thân cây mục nằm đổ xuống ngang đường, để rồi khi sốc balo đứng dậy lên đường, mông quần ai cũng ướt và dính bùn đất, nhưng ai mà quan tâm chứ, chúng tôi lại tiếp tục đi. Tốp này động viên tốp kia, thậm chí, đoàn này động viên đoàn kia. Hoàng Liên đã trở nên không xa lạ với chúng tôi, và nhất là tình người, chúng tôi càng không xa lạ với nhau. Mặc dù tôi không biết bạn là ai, đến từ đâu và bạn cũng vậy, nhưng đôi chân chúng ta cùng trên một con đường, trái tim chúng ta cùng đang hướng về một điểm, và khát khao, ý chí của chúng ta cùng chung một hướng. Băng rừng, lội suối, quả thật là chúng tôi vẫn còn hơi e rè bởi những đám bùn lầy, cố đi làm sao cho sạch nhất có thể nhưng nhiều khi không tránh khỏi những đám bùn quá rộng, mà khi vô tình bước vào, tôi cảm giác như đôi giầy của mình như muốn tụt ra khỏi chân. Có những đoạn dốc dài, chúng tôi dừng lại khá lâu để di chuyển chậm, bảo đảm an toàn. Hay cũng có những đoạn, chúng tôi dừng lại, nhường đường cho các anh chị poster gùi đồ đi trước. Chẳng biết bạn thế nào, nhưng trong lòng tôi, những con người của núi rừng, với cái “mùi” rất đặc trưng ấy, với cái kiểu mặt “ ngây ngô” ấy, với dáng người nhanh nhẹn, săn chắc ấy đã gây cho tôi rất nhiều cảm tình và thương mến. Cả đống đồ cồng kềnh trên lưng, chả biết mồ hôi hay mưa rừng trên những khuôn mặt khó đoán tuổi, chỉ với đôi dép tổ ong đơn sơ, họ đi phăm phăm, như kiểu bùn lầy là bạn, đá núi là người thân quen vậy. Cứ thế chúng tôi đi…Những chai nước được phát đã bắt đầu hết, chúng tôi thở dốc và bắt đầu hỏi các anh chị Poster: Anh ơi sắp tới chỗ nghỉ chưa? Họ trả lời chúng tôi bằng chất giọng lơ lớ ngây ngô nhưng rất thật: Chưa!!! Chúng tôi lại thở, lại hỏi: “Còn bao lâu nữa?””2 tiếng nữa”, 55 phứt nữa. Họ kiên trì trả lời từng đoàn người, thậm chí từng người chúng tôi với một câu hỏi như nhau. Đúng là những người con của núi rừng, vẫn còn e ngại, hoang sơ nhưng vô cùng an toàn và thân thiện. Có đôi khi, trên một vài đoạn đường bằng phẳng, tôi vừa đi vừa nhìn xung quanh, những vực cứ hun hút chỉ toàn thấy màu xanh của cây, tôi lại chạnh lòng nhớ về em trai nhỏ, cũng đã từng giống như chúng tôi, hăm hở đi chinh phục đỉnh cao, để giờ em biệt tích nơi nao, hay Rừng thiêng đã đón nhận em ở một nơi khuất sâu nào đấy, tận trong đáy lòng, vẫn ôm ấp một hy vọng sống khắc khoải cho em. Tôi cứ đi, khuôn mặt ít khi ngẩng lên nhìn xa được, mà chỉ cắm cúi nhìn vào bước chân người khác mà nối gót theo. Có những đoạn tôi đuối sức, ngồi nghỉ một mình giữa núi rừng bao la, chờ một lúc lại thấy bóng dáng nhóm khác, họ động viên tôi, chúng tôi động viên nhau: Đi thôi em, cố lên. Tôi lại đi. Nhiều lúc, khó khăn, sự sợ hãi đánh gục ý chí của tôi:” Ôi biết thế này mình ở nhà”, “Quay lại thôi” nhưng rồi tôi nghĩ tới Hà Nội, nghĩ tới bạn bè, nghĩ tới người thân yêu, nghĩ tới chính bản thân tôi, đôi bàn chân lại rảo bước, và ý chí tôi sống lại, tôi phải đi, phải lành lạnh an toàn trở về. Thỉnh thoảng chúng tôi lại rộn ràng hú gọi nhau, trêu đùa nhau, để xua tan mệt mỏi. Thỉnh thoảng chúng tôi cất lên tiếng hát nho nhỏ: “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi. Để ta khắc tên mình trên trời………”. Tôi tự hỏi mình, chả rõ anh Trần Lập chinh phục Fan mấy lần rồi, mà anh sáng tác ra bài hát hay đến thế. Cuối cùng tôi cũng bò lên được tới độ cao 2200m trong tốp đi cuối, điểm dừng chân ăn trưa. Những tấm bạt lớn được trải rộng ra, chúng tôi được ăn xôi nếp nương chấm muối vừng. Ngon hay không cũng tùy từng khẩu vị từng người nhưng quả thật “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, gói xôi nếp nhỏ cũng giúp chúng tôi hồi phục được phần nào. Và có lẽ, chưa bao giờ, đoàn chúng tôi được ăn một miếng dưa hấu ngon như thế cho phần “tráng miệng”. Cũng sắp 2h chiều, mọi người lại rục rịch đi, chinh phục đoạn đường để lên độ cao 2800m để nghỉ ngơi. Cũng do sợ trời tối nên nhiều người trong đoàn chúng tôi, xôi chưa kịp xuôi trong dạ dày đã lại phải khoác balo lên đường, trong đó có tôi, nhiều khi không thể tránh khỏi những cơn đau nhỏ. Đoàn người lại đi. Càng lên cao, không khí càng loãng, tai nhiều khi ù đi. Có những đoạn phải qua suối, nước lạnh buốt, mặc dù đã đi qua ủng nilong, nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự giá lạnh của suổi rừng. Có những khi đi lên đỉnh quả núi này, chúng tôi được mãn nhãn với không gian hùng vĩ, mây bay lởn vởn, gió trời mát lạnh. Từ quả núi này, chúng tôi hò hét, í ới gọi với tới đoàn đang đi ở khúc núi kia. Nhìn từ trên cao, đoàn chúng tôi như một con rắn xanh khổng lồ đang rong chơi giữa một dải rừng đầy cây xanh và mây trắng vậy. Tôi không còn nhớ, mình đã nghỉ ở bao nhiêu bục đá, bao nhiêu gốc cây, lê lết thân xác, thậm chí nằm đè lên balo bao lần trên thảm cỏ nữa nhưng cuối cùng, điểm dừng chân nghỉ qua đêm cũng hiện ra trước mắt chúng tôi. Những cái lều dựng ọp ẹp trên cái bãi lầy lội. Trời đã tối nhá nhem, Chúng tôi nhanh chóng chui vào lều. Sợ hãi, mệt mỏi. Lúc này bao nhiêu cái bọn vắt, dĩn, rắn bắt đầu xuất hiện trong đầu của chúng tôi. Chúng tôi che chắn cho nhau để thay đồ, mỗi người một cái đèn pin. Sương vùng cao chả khác gì những cơn mưa dầy hạt, cái lều bạt của chúng tôi bắt đầu nặng trĩu, đầu chúng tôi quấn khăn, đội mũ mà đã thấy ướt hết. Cái rét làm chúng tôi run rẩy, nhưng không làm tắt đi nụ cười và độ “tự sướng” của chúng tôi. Lúc này sóng điện thoại cũng đã chập chờn có, chúng tôi phải tranh thủ gọi và thông báo về cho người thân. Đối với tôi, khoảnh khắc này thật là vô giá. Tôi cứ ôm chăm chăm cái điện thoại, nhìn chăm chăm vào cái cột sóng, mong chờ những tin nhắn của bạn bè người thân. Đói, lạnh, mệt mỏi. Ngồi trong lều cứ trồi lên tụt xuống vì ở dưới lều toàn thân cây, chúng tôi cố nằm run rẩy chờ cơm. Rồi những bát đồ ăn cũng lên. Trong ánh sáng nhá nhem, mười mấy con người trong một lều, chia sẻ với nhau đồ ăn thức uống, chúng tôi cố gắng ăn để lấy lại sức. Cái gì cũng nguội ngắt, to đùng, thậm chí còn hơi sống. Chúng tôi trệu trạo ăn, trêu đùa nhau rồi nhanh chóng chui vào túi ngủ. Mưa rừng đã làm lều chúng tôi như sập xuống. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ chả mấy ngon lành. Dưới lưng là lổn nhổn cành cây còn trên mặt lạnh buốt vì nước thấm qua lều. Đêm kinh hoàng sắp qua….
5h sáng Chủ nhật, ngày 01/09/2013,quãng cuối chinh phục đỉnh cao
Chúng tôi đã dậy lục đục gọi nhau lúc nhá nhem sáng. Đồ ăn sáng được đưa vào. Mỗi người được bát mỳ tôm nguội với quả trứng tráng bên trong. Chúng tôi lại cặm cụi ăn, rồi chuẩn bị hành lý chinh phục đỉnh cao. Ngày hôm nay mưa rơi rả rich, khiến chỗ chúng tôi đã lầy lội càng lầy lội hơn. Chui ra khỏi lều, mặc áo mưa, mang đồ cần thiết, để lại balo, chúng tôi đã kéo nhau đi. Có những đoàn đi từ 5h sáng, khi trời còn chưa thấy chút ánh sáng nào. Trước khi chinh phục nốt 300m độ cao cuối cùng, tôi vẫn còn thấy các anh poster, miệng líu lo thứ ngôn ngữ chỉ họ mới hiểu, tay cầm 2 bát mỳ chạy lăng xăng các lều, đưa cho những người còn thiếu, vẫn với khuôn mặt ngây ngô, hoang dại…..
Ngay từ những bước đầu của 300m cuối cùng, tôi đã thấy tinh thần mình…vô cùng sợ hãi:
“Hoàng Liên ơi trời lại đổ cơn mưa
Con đường nhỏ lại trở nên thật nhỏ
Từng khóm cây, hàng trúc lẫn bụi cỏ
Xin giữ gót giầy khỏi trượt dốc sâu…..”
Bùn lầy ngấm vào giầy tôi, ướt tất tôi và làm tê buốt đôi bàn chân bé nhỏ. Tôi tiếp tục theo mọi người đi, cho gan bàn chân nóng lên. Có những lúc, mình tôi đứng dưới cơn mưa, thở dốc, chân trơn trượt, tay bám chắc bụi cây rồi lại mon men đi tiếp. Đường càng nhỏ, nhiều tảng đá, có khi được em dân tộc cầm tay lôi đi nhẹ như bay, đến đoạn đá thì kéo, tôi thích thú cười khanh khách, em quay lại nhìn tôi ngây ngô…Có những đoạn dốc cao trơn trượt, có những đoạn đá tảng lênh khênh, đầu gối run rẩy. Bộ quần áo mưa từ chân tới mông bẩn tèm lem, thậm chí có những người còn bị rách. Chúng tôi cứ đi, và mưa cứ rơi. Leo hết đá này tới cây kia. Cứ lên rồi xuống và rồi lại hỏi “ Sắp tới nơi chưa”. Lúc này cũng đã có những đoàn chinh phục đỉnh cao trở về, biết bao tâm trạng, cảm xúc, họ động viên chúng tôi, những người đang tiếp tục, và chúng tôi chúc mừng họ, những người đã thành công. Con đường càng ngày càng trở nên lầy lội, chân đi dưới bùn là thưởng xuyên. Càng đi, càng hi vọng tới gần, càng cảm thấy mất hút và xa xôi. Tim tôi bắt đầu đập mạnh khác thường khi những âm thanh của chiến thắng vang dội tới tai một cách thật gần. Tôi càng đi nhanh, bám chắc. Và chúng tôi đã thành công. Bước chân chúng tôi đã ở trên đỉnh núi huyền thoại, nóc nhà của Đông Dương, với đỉnh cao 3143m. Cởi hết mũ mão, áo mưa, trên người là sắc thắm của áo cờ Tổ quốc, chúng tôi khoác vai nhau hò hét, đốt pháo sáng, mở champagne mừng chiến thắng và cùng nhau hát vang Quốc ca. Niềm tự hào và hạnh phúc sôi sục trong tim. Cái giây phút ấy sẽ là những khoảnh khắc vô giá trong cuộc đời mỗi chúng tôi, và của tôi cũng vậy. Chúng tôi đã chiến thắng khó khăn, và quan trọng là chiến thắng chính bản thân mình để vươn tới đỉnh cao, để được “hét tên mình trên trời”, để được thu vào tầm mắt non sông ta hùng vĩ. Đó là những cảm xúc thăng hoa bất diệt. 
9 giờ hơn sáng ngày 01/09/2013: Cùng hát vang Quốc Ca trên Nóc nhà Đông Dương
 “Tôi đã chạm tới Fan, đỉnh cao tuyệt vời
. Giữa muôn trùng mây gió với ngàn khơi
. Phóng tầm mắt tôi thu vào tất cả. 
Dang rộng tay tôi ôm cả đất trời…..”


Trở về……………..
Sau những phút giây thăng hoa mừng chiến thắng, chúng tôi lại gọi nhau trở về không trời tối. Đường về vẫn vậy nhưng có vẻ nhẹ nhàng hơn. Trời đã hửng nắng, chúng tôi đi phăm phăm, chia sẻ những cảm xúc và lại động viên những đoàn khác đang trên đường chinh phục đỉnh cao. Lại balo trên vai, túi xôi nếp nương, chúng tôi về…Từng đoàn từng đoàn, bám nhau đi về……….Trong đầu tôi văng vẳng lời bài hát của Hà Okio:
“…Còn lại nơi ấy mắt biếc
. Còn lại nơi ấy luyến tiếc. 
Còn lại nơi ấy dấu vết. 
Còn lại nơi ấy giá rét
. Còn lại nơi ấy, nơi phố quen ta gặp nhau, ta gặp nhau….”
22h00 ngày 01/09/2013: 
Những người cuối cùng trong đoàn chúng tôi từ Hoàng Liên về tới Sapa. Kết thúc một cuộc hành trình đầy ngoạn mục, và còn hứa hẹn những cuộc hành trình tiếp theo….
02/09/2013:
Sau khi xuống tới Sapa, ăn tối, một số người trong đoàn thu xếp về luôn, đa số chúng tôi ở lại Sapa dưỡng sức. Sau 1 đêm nghỉ ngơi tại Sapa, chúng tôi như trở thành những con người khác. Nhìn ai cũng lạ lẫm, xinh đẹp khác thường. Không còn khăn mũ quấn kín, giầy tất bẩn nhem mà là những chàng trai cô gái xinh đẹp, vui tươi. Chúng tôi lại tiếp tục chia nhóm ra thăm thú thị trấn bé nhỏ trong sương. Nhóm đi bản, nhóm đi đèo, nhóm đi loanh quanh và lại có thật nhiều kỉ niệm bên nhau. Kỉ niệm thế nào, ra làm sao, với những ai thì có lẽ mỗi người đã cất trong tim và trong trí nhớ. 


Những chiếc xe ô tô lại cần mẫn đưa những người còn lại ở Sapa về Hà Nội. Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn, hội ngộ nào cũng tới ngày chia tay. Chúng tôi lại trở về cuộc sống thường nhật vốn có, thân thể còn bầm dập đau mỏi nhưng trái tim đã lại khắc khoải về một thử thách hành trình mới về một ngày không xa!!!!!

Ps: Gửi tới Wetrek cùng toàn thể WeTrekers, những người đã tổ chức và đồng hành cùng tôi trong những ngày kỉ niệm qua: Dẫu còn nhiều thiếu sót, dẫu chưa thể quen hết, dẫu có nhiều tiếc nuối nhưng xin được gửi tới mọi người, lời cảm ơn chân thành nhất từ tận đáy lòng, lời chúc mừng hân hoan nhất từ tận trái tim. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc và thành công. Và nhất là, sẽ có những chuyến đi đáng nhớ trong suốt cuộc đời này ^^ 
Love alls!

Cả đoàn chuẩn bị cùng nhau chinh phục đỉnh Fansipan!

 

--- Written by Nga Ngố - 1 member leo Fansipan 2.9.2013 cùng WeTrek!

Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
[WeTrekology] Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là gì?

[WeTrekology] Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là gì?

Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là một hoạt động kết hợp giữa chạy bộ địa hình đường dài và đi bộ đường dài với trang bị siêu nhẹ. Bạn di chuyển nhanh chóng - chủ yếu là chạy hoặc đi bộ, đôi khi đi bộ nhanh - trong khi di chuyển quãng đường dài và mang theo các vật dụng cần thiết nhất cho một chuyến đi nhiều ngày. Di chuyển nhanh chóng với một bộ đồ nhẹ cho phép bạn thoát khỏi đám đông, đi sâu hơn vào nơi hoang dã và ở lại lâu hơn nếu bạn chỉ chạy đường mòn. Hãy cùng WeTrek tìm hiểu về Fastpacking nhé!
[WeTrekology] Hướng Dẫn Cách Chọn, Sử Dụng Balo Leo Núi Đầy Đủ Nhất

[WeTrekology] Hướng Dẫn Cách Chọn, Sử Dụng Balo Leo Núi Đầy Đủ Nhất

Hướng dẫn đầy đủ nhất về cách lựa chọn, sử dụng các loại balo leo núi, balo dã ngoại. Balô leo núi có các tính năng thông dụng như: Có khả năng thu gọn balô tới trọng lượng tốt thiểu (tháo nắp đậy, khung balô, đai hông) để sử dụng khi vượt núi. Hẹp hơn, bóng bẩy hơn và đôi khi có chất lượng cao cấp hơn các loại balô thông thường, cho phép cử động tay không bị vướng víu.
[WeTrekology] Ngăn Ngừa Và Chăm Sóc Khi Bị Phồng Rộp

[WeTrekology] Ngăn Ngừa Và Chăm Sóc Khi Bị Phồng Rộp

Ngày nay, phồng rộp dưới bàn chân biến thành một trong những chấn thương phổ biến nhất với các nhà leo núi. Tin tốt là tri thức ngày nay của chúng ta về chúng cũng đã tiến bộ
[WeTrekology] Hướng Dẫn Lên Kế Hoạch Dã Ngoại Cùng Gia Đình

[WeTrekology] Hướng Dẫn Lên Kế Hoạch Dã Ngoại Cùng Gia Đình

Hướng Dẫn Cách Lên Kế Hoạch Cho Chuyến Đi Dã Ngoại Cùng Gia Đình, Từ Trẻ Nhỏ Đến Người Già.
[WeTrekology] Bạn Sẽ Cần Bao Nhiêu Nhiên Liệu Đốt Lò Trong Một Chuyến Đi Dã Ngoại?

[WeTrekology] Bạn Sẽ Cần Bao Nhiêu Nhiên Liệu Đốt Lò Trong Một Chuyến Đi Dã Ngoại?

Theo hướng dẫn chung, bạn chỉ nên mang vừa đủ nhiên liệu để đun sôi một lít nước cho mỗi người, mỗi bữa ăn và hãy tính toán cả thời gian bếp sôi cũng như tổng thời gian cháy. Đọc tiếp để tìm hiểu cách tính toán nhu cầu nhiên liệu của bạn.
[WeTrekology] Khái Niệm về Trekking

[WeTrekology] Khái Niệm về Trekking

Trekking là gì? Bài viết này phân tích chi tiết và làm rõ trekking nghĩa là gì? Được WETREK.VN tổng hợp và chuẩn bị công phu. Trekking là một hoạt động giải trí ngoài trời hay một hoạt động dã ngoại (Outdoor Recreation hay Outdoor Activity) mà người đi trekking (hay được gọi là trekker) có những chuyến đi bộ đường dài, đi bộ leo núi nhiều ngày (multi-day hiking) tới những vùng ngoại ô, ngoài đô thị, phần lớn tới vùng đồi núi có địa hình gồ ghề, lởm chởm. Trekking ở đây khác với trekking mang ý nghĩa “đi di cư”. Nhiều trekker còn tham gia vào những chuyến đi dài ngày hơn, vượt qua nhiều vùng miền trên khắp thế giới, họ coi trekking như là một cách để di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc