Không còn trơ trụi như những ngày tháng 2, khi tiết trời nồm ẩm mưa xuân, những cánh hoa đỏ thắm bắt đầu bung nở nhuộm đỏ một góc trời. Mùa hoa gạo Hà Giang tháng 3 chính thức khoe sắc.
Tháng 3 về, xuân chẳng còn nồng nàn hương sắc như buổi ban đầu đầy lưu luyến, bỗng nghe đâu đó trong vạt nắng đang e ấp trước hiên nhà, tiếng hạ xôn xao gõ cửa. Tháng 3 về, thấy lòng ngập ngừng trong những niềm thương, thương nhớ miền cao nguyên đá đã bao lần ta lỡ hẹn sẽ quay về. Để rồi khi mùa thay áo đổi màu, chùng chình chi nữa khi nhịp chân đang muốn bước, lên miền thượng, tìm về chốn Hà Giang nơi cực Bắc xa xôi, thưởng thức trọn vẹn đất trời miền biên viễn an yên mà thơ mộng trong thời khắc giao mùa.
Dân gian ta thường có câu "Ma cây gạo, cú cáo cây đề", nhưng vẻ đẹp của hoa gạo ở Hà Giang khiến người ta quên đi nỗi sợ đó. Như một ánh đèn đỏ thắp sáng nơi địa đầu tổ quốc, Hà Giang tháng 3 ngập trong sắc đỏ của hoa gạo, hoa gạo chiếu sáng cả tháng 3 mưa dầm.
Giữa cái nắng oi ả phía Bắc, Hà Giang mùa hè vẫn không thua kém gì so với khung cảnh đầu năm. Trên những cao nguyên đá trải dài, vẻ đẹp hoa gạo bao phủ cả không gian mỗi khi tháng 3 đua nhau kéo về. Những vạt cây gạo đỏ rực tô điểm cho bầu trời Hà Giang bức tranh tuyệt đẹp như có sự chấm phá bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ.
Năm nay, hoa gạo ở Hà Giang nở sớm vào đầu tháng 3 và trùng với thời điểm "xuân muộn" tại vùng cao nguyên đá, nơi những cây hoa đào mới bung nở rực rỡ.
Hoa gạo là cái tên người xuôi đã quen gọi, miền ngược lại gọi là Mộc Miên, với đồng bảo Tây Nguyên gọi là hoa Pơ Lang. Ở vùng đất thấp, những cây hoa gạo thường được nhìn thấy gần các ngôi đền, lối vào các ngôi làng. Khung cảnh này gợi nên sự yên bình, dễ chịu và thoáng đãng của một vùng miền núi phía Bắc.
Hoa gạo là loài cây thân cao và thẳng với lá rụng vào mùa đông. Hoa có màu đỏ 5 cánh, mọc vào mùa xuân trước khi cây ra lá non. Thân cây có các gai để ngăn cản sự tấn công của động vật.
Ở Hà Giang, ở đâu cũng có sự xuất hiện của hoa gạo. Nhưng thường từ lối dọc quốc lộ 4C dẫn đến trung tâm cao nguyên đá Đồng Văn và con đường xuôi về từ huyện Mèo Vạc là nơi mọc nhiều nhất. Trong đó ấn tượng hơn cả là quãng đường tính từ xã Cản Tỉ đến xã Đông Hà thuộc huyện Quản Bạ.
Sông Nho Quế chảy trên dải đất Việt Nam khoảng 46 km, qua lớp đá tai mèo lởm chởm của hệ thống công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tạo nên dòng chảy mạnh với vô số thác ghềnh trắng xóa. Dòng nước xen giữa những hẻm vực, thung lũng ẩn hiện giữa non cao núi bạc và mây trời Hà Giang.
Sông Nho Quế chảy qua khe núi Tu Sản và đèo Mã Pí Lèng huyện Mèo Vạc, cách Lũng Cú khoảng 15km được xem là một cảnh đẹp trần gian. Dòng sông uốn mình quanh khe núi Tu Sản đá tai mèo đầy hiểm trở, bên trên là những ruộng bậc thang trải dài trên triền núi. Đi trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng bốn mùa bồng bềnh trong mây, nhìn xuống hẻm Tu Sản sâu hàng nghìn mét, ta có thể ngắm nhìn dòng sông Nho Quế xanh lục trong vắt uốn lượn quanh triền núi và cảm nhận sự hùng vĩ của thiên nhiên được thể hiện qua sự giãn nở của các tầng địa chất.
Ngồi thuyền lướt trên dòng Nho Quế ngắm hoa gạo là trải nghiệm ấn tượng và phiêu du nhất.
Sông Nho Quế có những đoạn chảy qua nhiều tầng đá tai mèo sắc nhọn hình thành những thác ghềnh trắng xóa. Vô số các khúc quanh, bãi đá lố nhố trên mặt nước, cuộn xoáy, rền rĩ như một bầy ngựa hung hăng, kì dị…nhưng cũng có đoạn nước sông êm ả trôi lững lờ, mơ màng như dải tóc mây dài bất tận của người thiếu nữ. Nước sông mang một màu xanh ngọc đẹp say đắm lòng người, hòa cùng màu xanh của núi rừng tạo và săc đỏ của hoa gạo vẽ nên một bức tranh Hà Giang tuyệt đẹp.
Mùa hoa gạo năm nay nở đúng dịp diễn ra lễ hội đua thuyền truyền thống
(Theo VnExpress, dulich.tuoitre)