Bạn sẽ không thấy được tầm quan trọng của một bộ đai bảo hộ leo núi thích hợp lớn đến mức nào, cho tới khi treo mình trên một vách núi đá hoặc một bức tường băng cheo leo. Nhưng loại đai bảo hộ nào sẽ thích hợp thì lại do loại hình leo núi bạn sẽ tham gia quyết định.
Cấu tạo của đai bảo hộ leo núi
Nếu bạn mới tập leo núi, đầu tiên hãy tìm hiểu cấu tạo của một bộ đai bảo hộ leo núi
- Đai hông (đai swami): Các NSX đều cố gắng đem đến sự thoải mái cùng với trọng lượng nhẹ cho bộ phận này. Có thể có 1 hoặc 2 chốt để điều chỉnh lại cỡ đai.
- Chốt: Bao gồm 1 hoặc 2 chốt kim loại siết tay hoặc tự động khóa. Chốt thông thường sẽ nằm lệch một chút để tránh vướng với dây treo chính. Trên đai bảo hộ leo núi, chắc chắn sẽ có chốt để chỉnh đai hông, nhưng không nhất thiết có chốt của đai chân.
- Đai chân: Là đệm giữ chân thoải mái, có thể căn chỉnh độ rộng để có thể thay đồ ngay khi đang treo lơ lửng. Đai chân được làm từ nhiều chất liệu khác nhau.
- Vòng treo phụ tùng: Được thiết kế để treo các trang thiết bị như móc dây hai đầu hoặc neo. Hầu hết đai bảo hộ leo núi đều có 4 vòng treo, nhưng một số loại chuyên dụng có thể nhiều hơn nữa. Vòng treo phụ tùng thường làm bằng dây vải hoặc nhựa. Một số đai bảo hộ còn có vòng treo tháo rời, cho phép người dùng có thể tùy chọn theo ý thích. Lưu ý: không bao giờ được móc vòng treo phụ tùng với neo bám để làm dây bảo hộ.
- Quai nâng: thường được khâu chắc chắn phía sau đai bảo hộ leo núi, quai nâng được dùng để gắn với dây bảo hộ hoặc dây kéo. Chú ý: quai nâng không được thiết kế để chịu tải lâu hoặc nối với neo bám. Tương tự đó, không sử dụng quai nâng để bám leo lên hoặc tuột xuống theo kiểu sấp lưng.
- Vòng đỡ: Được làm bằng vải nylon, đây là bộ phậnchắc chắn nhất, cũng là bộ phận duy nhất được kiểm tra chịu tải trên đai bảo hộ leo núi. Bất kỳ thiết bị bảo hộ nào cũng nên gắn với vòng đỡ (ví dụ móc treo leo núi khóa cố định khi leo lên hoặc tuột xuống). Chú ý: không nên móc tất cả vào vòng đỡ, do vòng không thiết kế với mục đích này nên sẽ nhanh bị dãn và hỏng hơn.
- Vòng buộc: Là 2 vòng nhỏ hơn được móc với vòng đỡ. Dù không qua kiểm nghiệm nhưng 2 vòng này rất chắc. Kết quả nghiên cứu cho thấy tải trọng tối đa của vòng buộc là khoảng 12-14 kN (1.2 - 1.4 tấn). Vòng buộc sẽ tăng thêm vị trí kết nối, nên các loại dây dù, dây thừng hoặc dây đai nên móc với 2 vòng buộc phía trên và dưới này. Chú ý: không dùng móc treo leo núi với vòng buộc để leo lên hoặc tuột xuống - sẽ làm giảm khả năng chịu lực của móc treo. Phải sử dùng vòng đỡ cho các mục đích này.
- Dây nâng: Dây nâng là dây vải hoặc nhựa, nối khoảng cách giữa 2 đai chân và đai hông. Nếu dây nâng có thể tách khỏi đai hông, đai bảo hộ leo núi sẽ là loại tháo rời. Rất nhiều loại đai bảo hộ leo núi là loại này, cho phép người leo núi tháo đai chân mà không cần tháo bỏ hết đồ nghề, nhất là khi cần đi vệ sinh. Nhưng nhiều đai bảo hộ leo núi thể thao hoặc thể hình lại có dây nâng cố định, không thể tháo rời được. Dây nâng cũng có thể chỉnh lên xuống tùy ý, giúp thay đổi hình dạng đai bảo hộ và hay đổi sự thoải mái khi bạn treo mình trên cao.
Các loại đai bảo hộ leo núi
Đai bảo hộ leo núi được thiết kế riêng cho từng kiểu leo, cụ thể như:
Đai bảo hộ leo núi thể thao hoặc thể hình: rất gọn nhẹ cho những chuyến đi ít đồ, nhanh chóng, cho dù trong phòng tập hay địa hình thực tế: Một số tính năng điển hình:
- Chốt đai hông siết tay hoặc tự động: nhanh chóng và dễ dàng đóng hoặc mở.
- 2 vòng treo phụ tùng: thường chỉ 2 vòng là vừa đủ.
- Vòng đỡ nhỏ: giúp giảm thiểu trọng lượng.
- Khó căn chỉnh đai chân: nhiều mẫu đai bảo hộ thuộc nhóm này không có chốt chỉnh đai chân nhằm trông gọn nhẹ và giảm trọng lượng. Thay vào đó, họ dùng chất liệu vải có thể co dãn. Do hình thức leo núi này không yêu cầu nhiều lớp trang phục, nên việc này cũng không gây vấn đề gì.
|
|
Đai bảo hộ leo núi truyền thống: kiểu leo núi truyền thống cần nhiều phụ tùng hơn leo núi thể thao, nên đai bảo hộ nhóm này thường tăng tối đa vị trí sử dụng nhưng vẫn đảm bảo nhẹ và thoải mái. Các tính năng chính:
- Chốt điều chỉnh đai chân: có thể là loại tự động hoặc siết tay.
- 4 vòng treo phụ tùng hoặc nhiều hơn: do bạn sẽ cần rất nhiều phụ tùng khác nhau.
- Đệm giữ dày và bền chắc: tăng sự thoải mái khi sử dụng đai bảo hộ trong thời gian dài (người mới tập đỡ và leo núi đa điểm cần đai dày hơn).
- Có thêm đệm đỡ lưng dưới: giúp giữ ổn định phần lưng dưới và eo.
- Quai nâng: để gắn với dây bảo hộ.
|
|
|
Đai bảo hộ leo núi băng hoặc hỗn hợp: tương tự như loại leo núi truyền thống, nhưng được thiết kế cho điều kiện giá lạnh. Tính năng điển hình như:
- Chốt điều chỉnh đai chân: Có thể là loại tự động hoặc siết tay. Điều chỉnh dễ dàng để thật vừa vặn với quần áo giữ ấm.
- 4 vòng treo phụ tùng hoặc nhiều hơn: để treo các phụ tùng đặc biệt khi leo trên địa hình băng tuyết, với 1 hoặc 2 vòng treo sẽ dùng để treo đinh và dụng cụ phá băng.
- Có thêm đệm đỡ lưng dưới: giúp giữ ổn định phần lưng dưới và eo.
- Quai nâng: để gắn với dây bảo hộ.
|
|
Đai bảo hộ leo núi địa hình: loại đai bảo hộ này có thể sử dụng quanh năm, với trọng lượng nhẹ, đai chân căn chỉnh được và dễ dàng sử dụng. Một số tính năng nổi trội như:
- Chốt điều chỉnh đai chân: loại siết tay hoặc tự động, hoàn toàn có thể căn chỉnh cho rộng hay chặt hơn.
- Tối đa 4 vòng treo phụ tùng: nhằm giảm thiểu lượng phụ tùng treo trên người, nhưng có thể dùng túi đựng kèm.
- Chất liệu mỏng: được thiết kế để nhét vừa vào túi nhỏ gọn, dễ dàng mang theo khi mà bạn không cần phải mặc đai bảo hộ nguyên cả ngày.
- Vòng đỡ nhỏ: nhằm giảm trọng lượng. Thậm chí một số mẫu còn bỏ hẳn vòng đỡ, và người leo núi phải treo mình và đáp xuống nhờ đai hông và đai chân.
- Quai nâng: để gắn với dây bảo hộ.
|
Ngoài các mục đích trên, bạn cũng có thể thấy đai bảo hộ được thiết kế cho các mục đích khác nhau, với các mẫu thiết kế khác nhau cho phù hợp với từng trường hợp.
- Thám hiểm vách núi:
- Bổ sung thêm bộ phận nâng đỡ, thường làm bằng chất liệu chống nước.
- 2 vòng dây buộc thay thế vòng đỡ.
- Chất liệu dày và bản rộng để chịu cọ xát với đá.
- Thi đấu:
- Vòng treo phụ tùng được tháo bỏ do không cần mang thêm gì.
- Vòng đỡ nhỏ, hoặc có thể không có.
- Được thiết kế nhẹ nhất có thể để bạn không cảm thấy bị trì trệ gì.
- Leo vách núi đứng:
- Đệm đỡ rộng hơn để giữ bạn thoải mái khi phải treo lơ lửng trong thời gian dài.
- 2 vòng đỡ để đảm bảo an toàn tối đa và cho phép nhiều kiểu móc treo khác nhau.
- Thường có từ 6 - 10 vòng treo để mang theo lượng lớn phụ tùng cần thiết khi leo núi có hỗ trợ tại các vách núi dựng đứng.
- Đai bảo hộ toàn thân/cứu hộ:
- Thường kết hợp giữa đai bảo hộ đeo ngực và đai bảo hộ đeo hông.
- Tính cố định cao hơn để có thể chịu tải trọng cao hoặc cân bằng các vật thể lớn (ví dụ như người bị thương, thân cây to,...)
- Không sử dụng để leo núi.
Đai bảo hộ leo núi cho phụ nữ và trẻ em
Đai bảo hộ leo núi cho phụ nữ Khá nhiều kiểu đai bảo hộ được thiết kế riêng phù hợp với thể hình nữ giới, với khả năng vừa vặn và thoải mái tối đa. Bạn nên hiểu rằng đai bảo hộ cho nam sẽ không vừa vặn được như đai bảo hộ cho nữ. Đai bảo hộ cho nữ có một số điểm như:
- Đai hông được chỉnh lại hình dáng.
- Gia tăng độ nâng đỡ.
- Thu ngắn khoảng cách giữa đai hông và đai chân.
Đai bảo hộ leo núi cho trẻ em
Đai bảo hộ leo núi cho trẻ em cũng có những tính năng như loại dành cho người lớn, nhưng được thiết kế để phù hợp với khổ người của trẻ. Trẻ nhỏ thường có trọng lượng phân bố tập trung (do tỉ lệ đầu-thân lớn) và nên sử dụng bộ đai bảo hộ toàn thân. Đai bảo hộ toàn thân cho trẻ thường thuộc loại B, được thiết kế cho trẻ nặng không quá 40 kg và từ 5 đuổi trở xuống. Khi trọng lượng trẻ phân bố đều hơn (tỉ lệ đầu-thân giảm đi), loại đai bảo hộ đeo hông sẽ thích hợp hơn. Như thế trẻ sẽ được làm quen với cách sử dụng đai bảo hộ an toàn cơ bản ngay từ nhỏ, do đai bảo hộ đeo hông của người lớn và trẻ em được thiết kế và đều đạt tiêu chuẩn như nhau. Đai bảo hộ đeo hông cũng sẽ chuyển bị trí treo xuống thấp hơn, có thể tránh việc nút dây cọ xát vào mặt trẻ. |
|
Cách kiểm tra và thử đai bảo hộ leo núi
Sau đây là một số hướng dẫn, áp dụng cho nhiều loại đai bảo hộ leo núi. Tuy nhiên, tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất dành riêng cho loại đai bảo hộ của bạn luôn là quan trọng nhất. Các bước đeo đai bảo hộ leo núi
- Nới lỏng hai đai chân (nếu có thể chỉnh được) và đai hông.
- Xỏ 2 chân vào đai chân. Chú ý không để hai đai chân bắt chéo nhau, vòng đỡ không bị xoắn và đai hông không bị lật ngược. Vòng đỡ phải nằm ở phía trước của đai bảo hộ.
- Chỉnh lại đai hông để đai nằm ngay trên xương chậu, thường ở ngay dưới rốn. Đai hông ở vị trí này sẽ đảm bảo bạn không bị tuột đai kể cả khi ngã chúc đầu xuống đất. Khi đai đã nằm đúng vị trí thì siết chặt lại.
- Khoảng cách giữa hông và đai bảo hộ của bạn chỉ nên nhét vừa đủ 2 ngón tay. Đảm bảo các chốt đã được siết lại (nếu là chốt tự động thì không cần kiểm tra lại nữa).
- Đai bảo hộ loại vừa vặn nhất nên để bạn có thể chỉnh lên cỡ lớn hơn hoặc nhỏ hơn, và kích thước có thể thay đổi tùy ý. Đai bảo hộ được ở cỡ rộng nhất hay bé nhất không phải không an toàn, nhưng có thể sẽ khiến bạn khó đeo vào và hạn chế khả năng linh hoạt.
- Lần lượt chỉnh lại hai đai chân. Một số đai bảo hộ không cho phép chỉnh đai chân mà sử dụng chất liệu nhựa để đai chân có thể co dãn.
- Vị trí chính xác của đai chân không quan trọng bằng đai hông, chỉ cần bạn cảm thấy thoải mái là được. Nhớ rằng đai chân phải linh hoạt, không được siết vào da gây đau. Tốt nhất hãy để đai chân nằm gần bẹn và rộng đủ cho vừa 2 ngón tay vào giữa chân và đai chân.
- Đai chân càng chặt, bạn càng cảm thấy an toàn và thoải mái khi treo tự do, tuy nhiên cử động sẽ bị hạn chế nhiều. Ngược lại, đai chân càng lỏng, bạn càng cử động dễ dàng linh hoạt hơn, nhưng sẽ không thoải mái khi treo mình trên vách núi. Đai bảo hộ sẽ vẫn an toàn trong cả hai trường hợp, nên bạn chắc chắn phải đảm bảo mình thoải mái nhất có thể.
- Cuối cùng, kiểm tra chốt ở mỗi đai đã được siết chặt kỹ càng, sau đó bạn có thể dùng thử đai bảo hộ.
Các bước kiểm tra đai bảo hộ đeo hông
- Không thể nào biết được liệu một chiếc đai bảo hộ có thật thoải mái hay không nếu bạn không thử nó. Khi treo lên dùng thử, đai bảo hộ nên thật sự thoải mái, và bạn có thể ngồi thẳng lưng (như đang ngồi trên ghế).
- Đai hông không nên bị xê dịch quá nhiều. Nếu có, thắt chặt lại cho đến khi bạn thấy không xê dịch nữa. Đai bảo hộ cũng không nên siết quá chặt vào da bạn. Nếu cảm thấy một số chỗ chật quá mức, bạn nên cân nhắc một loại đai bảo hộ khác. Bạn cũng nên thử bằng cách cố kéo đai hông xuống dưới xương chậu, để chắc chắn đai không thể tuột qua được. Nếu có thể thử với dây, hãy thử nhiều tư thế treo người khác nhau để kiểm tra đai hông có bị tuột hay không.
- Nếu bạn cảm thấy phải tốn nhiều sức để có thể ngồi thẳng, bạn nên chỉnh lại độ cao của đai bảo hộ. Mỗi đai chân đều có chốt nhựa phía sau để căn chỉnh. Thu ngắn khoảng cách giữa đai hông và đai chân để bạn có thể ngồi thẳng lưng mà không cần cố quá mức. Nếu không hiệu quả, hay thử loại đai bảo hộ khác.
- Nhớ rằng, cơ thể mỗi người là khác nhau và không phải đai bảo hộ nào cũng sẽ vừa vặn hoàn hảo. Có rất nhiều loại đai bảo hộ, nên hãy thử thật nhiều loại khác nhau để xem loại nào sẽ vừa với bạn nhất.
Tiêu chuẩn của đai bảo hộ leo núi
Như nhiều phụ kiện leo núi khác, đai bảo hộ leo núi được thiết kế để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhưng lực mà đai bảo hộ có thể chịu lớn hơn nhiều so với lực có thể gây tổn thương cho cơ quan nội tạng. Thông tin này có thể không quan trong khi bạn chọn mua đai bảo hộ, tuy nhiên một người leo núi thông minh nên nhớ kỹ điều này.
Mọi loại đai bảo hộ leo núi đều phải qua các bước kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn của Liên đoàn Leo núi Quốc tế UIAA, hoặc Tiêu chuẩn của Ủy ban châu Âu (EN 1277). Cả hai tiêu chuẩn này do các nhóm kiểm tra độc lập tiến hành để đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng giữa rất nhiều dòng sản phẩm khác nhau.
Đai bảo hộ leo núi được phân loại theo hình dáng và cách sử dụng. Mọi loại đai bảo hộ đã nêu trong bài viết đều bao gồm 1 đai hông và 2 đai chân, thuộc nhóm đai bảo hộ loại C. Trong loại này, vòng đỡ được kiểm nghiệm với tải trọng 15 kN (~1.5 tấn). Đai bảo hộ toàn thân cho trẻ em được xếp vào loại B - đai bảo hộ toàn thân cỡ nhỏ - và chỉ chịu được tải trọng tối đa 40 kg. Vòng đỡ trên đai bảo hộ loại này được kiểm nghiệm với mức tối thiểu 10 kN (~1 tấn).
DUKI Hoàng