[WeTrekology] Say Độ Cao Là Gì? Những Điều Cần Biết Về Chứng Say Độ Cao

Ngày cập nhật 19/07/2024 01:35 PM - 22.757 lượt xem

Say độ cao nếu không phát hiện sớm và có các biện pháp điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Cùng WETREK.VN tìm hiểu về chứng say độ cao để bạn tự nhận biết và bảo vệ mình hay bạn đồng hành trong những chuyến leo núi cao.

Những nguyên tắc vàng:

  1. Nếu cảm thấy không khoẻ, nguy cơ cao nhất đó là bạn đã bị say độ cao
  2. Đừng tiếp tục leo lên cao khi bạn thấy mình có triệu chứng say độ cao
  3. Nếu càng lúc bạn càng cảm thấy tệ hơn, hãy xuống núi ngay lập tức

(* theo Tiến sĩ David Shlim, người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại Trung tâm y tế CIWEC Clinic Travel - Nepal)

altitude-sickness-wetrek_vn-3

Đừng chết vì say độ cao

Mỗi năm, có rất nhiều người chết vì say độ cao trong khi những rủi ro đó hoàn toàn có thể ngăn chặn được. Nếu bạn đang có ý định leo núi ở độ cao trên 2500m (800ft), hãy lưu ý và cảnh báo cả những người bạn đồng hành của mình về những điều sau đây, chúng sẽ giúp bạn bảo toàn tính mạng.

Say độ cao là gì?

Có 3 kiểu say độ cao: Say núi cấp tính, chứng phù phổi do độ cao và chứng phù não do độ cao

Say độ cao ở mức nhẹ được gọi là Say núi cấp tính (Acute Mountain Sickness - AMS) và khá giống với trạng thái nôn nao - bạn sẽ cảm thấy đau đầu, buồn nôn và mệt mỏi. Triệu chứng này rất phổ biến, một số người chỉ bị ở mức độ nhẹ, một số người khác sẽ bị nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn bị AMS thì đây là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang có nguy cơ mắc các loại say độ cao rất nguy hiểm: Phù phổi do độ cao (HAPE) và phù não do độ cao (HACE). Cả HAPE và HACE đều có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ đồng hồ.

HAPE là chứng phù phổi do độ cao - High Altitude Pulmonary Oedema, và HACE là chứng phù não do độ cao - High Altitude Cerebral Oedema. Những thuật ngữ y tế này đơn giản có nghĩa là “Chất lỏng trong phổi/não”.

Phù phổi do độ cao (HAPE)

HAPE là sự tràn chất lỏng trong phổi và gây khó thở. Không hề bình thường chút nào khi bạn cảm thấy khó thở trong lúc nghỉ ngơi - ngay cả khi ở trên đỉnh núi Everest. Đây là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn bị HAPE và sẽ khó giữ được tính mạng. HAPE cũng có thể có triệu chứng là sốt và ho ra bọt. Bệnh nhân sẽ bị HAPE và HACE cùng lúc.

Phù não do độ cao (HACE)

HACE là sự tràn chất lỏng trong não. Bệnh nhân sẽ bị mê man, loạng choạng, không đi vững. Những triệu chứng này không phải là hành vi điển hình thể hiện sự lười biếng hay kích động dữ dội. Trạng thái buồn ngủ và không tỉnh táo diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn trước khi tử vong.

Phương pháp điều trị HAPE và HACE

  • Việc cần thiết nhất là phải xuống núi ngay lập tức
  • Hãy uống thuốc Dexamethasone và Acetazolamide, nếu có sẵn
  • Túi nén khí và oxy có thể giúp bạn kéo dài thời gian

Nguyên nhân gây ra chứng say độ cao?

Có hai lí do chính gây ra chứng say độ cao: leo núi với tốc độ trên 500m mỗi ngày và luyện tập với cường độ quá cao. Có thể chất tốt chưa chắc là đã an toàn tuyệt đối - ngay cả vận động viên Olympic cũng có thể bị say độ cao. Chứng say độ cao này xảy ra bởi khi lên cao, lượng oxy để bạn hô hấp sẽ giảm đi rất nhiều.

Để ngăn chặn chứng say độ cao

Hãy leo núi một cách từ từ, bình tĩnh để cơ thể bạn có thời gian thích ứng với độ cao. Cơ thể người có một khả năng thích ứng với khí hậu tuyệt vời, nhưng cần phải có thời gian. Chẳng hạn, cần khoàng 1 tuần để cơ thể có thể thích ứng với độ cao 5000m.

Có thể uống thuốc để phòng ngừa bị say độ cao không? 

Cũng giống như với những chứng bệnh khác, có rất nhiều những phương pháp chữa trị của thầy lang và phương thuốc thảo dược được đưa ra và khằng định rằng có thể phòng ngừa chứng say độ cao nhưng chúng chưa hề được kiểm định. Những phương thức này có thể sẽ khiến chứng say núi cấp tính (AMS) nặng hơn hoặc bị tác dụng phụ - bởi có rất nhiều loại thảo dược có chứa độc dược. Chỉ có một loại thuốc duy nhất được biết đến là có thể ngăn chặn AMS và an toàn là  Acetazolamide (diamox). Nó sẽ gây ra một vài tác dụng phụ nhỏ như ngứa ngón tay và có vị lạ lạ trong miệng.

altitude-sickness-wetrek_vn

SAY ĐỘ CAO Ở MỨC ĐỘ NHẸ: SAY NÚI CẤP TÍNH (AMS)

Say núi cấp tính thường bị ở đâu?

Hầu hết những người leo núi đều cảm thấy bình thường ở độ cao 2500m, nơi có áp suất khí quyển tương đương với áp suất mà cabin máy bay chịu được. Tuy nhiên, dù chỉ ở độ cao khoảng 1500m trên mực nước biển, bạn cũng có thể thấy khó thở hơn khi vận động bình thường và tầm nhìn vào ban đêm có thể bị suy giảm. Ở độ cao trên 2500m, triệu chứng của chứng say độ cao sẽ rõ rệt hơn

Những tên gọi khác của chứng say núi cấp tính?

Chứng say núi cấp tính đôi khi đơn giản được gọi là say độ cao, say núi hay ở Nam Mỹ gọi là chứng Soroche.

Triệu chứng của say núi cấp tính được dự liệu như thế nào?

Triệu chứng đáng chú ý nhất đó là bị đau đầu, và còn có thể bị buồn nôn, hôn mê, chóng mặt và mất ngủ. Các triệu chứng này giống với trạng thái nôn nao ở mức độ nặng. Mức độ say núi cấp tính có thể được chẩn đoán bằng một bảng điểm tự đánh giá. Nếu bạn đã leo lên trên 2500m, bị đau đầu và tổng điểm của bạn ít nhất là 3 điểm, điều đó có nghĩa là bạn đã bị say núi cấp tính.

Những người như thế nào thì bị say núi cấp tính?

Bất kì ai leo núi ở độ cao trên 2500m đều có thể có nguy cơ bị say núi cấp tính. Thường thì phải mất đến vài giờ đồng hồ ở độ cao đó bạn mới có thể nhận thấy những triệu chứng này. Một điều bí ẩn của chứng bệnh này đó là rất khó có thể dự đoán được ai sẽ có thể mắc phải. Có rất nhiều những câu chuyện về những người khoẻ mạnh có những triệu chứng của say núi cấp tính, trong khi những người bạn đồng hành nhiều tuổi của họ lại bình thường.

Có nhiều nhân tố liên quan đến nguy cơ làm cho chứng bệnh này ngày càng tồi tệ hơn. Càng leo cao, càng leo nhanh, nguy cơ bị say núi cấp tính càng cao. Trong cuộc hành trình nghiên cứu về say độ cao Apex, bay từ mực nước biển lên đỉnh La Paz (3600m) ở thủ đô Bolivian khiến hơn nửa số thành viên trong đoàn bị say núi cấp tính chỉ sau một ngày họ đến nơi. Nếu bạn có tiền sử bị say núi cấp tính thì nguy cơ rất cao là bạn sẽ bị tái phát. Những người lớn tuổi hơn thường có nguy cơ bị say núi cấp tính thấp hơn - nhưng điều này có thể do họ có sự ổn định tâm lí cao hơn và leo với tốc độ chậm hơn.

Nguyên nhân gây ra chứng say núi cấp tính?

Do trên núi cao có ít oxy hơn nên không có gì bất ngờ nếu bạn cảm thấy không khoẻ khi leo lên cao, nhưng bằng cách nào sự thiếu hụt oxy dẫn đến say độ cao thì vẫn chưa được giải đáp. Một số nhà khoa học tin rằng do não bị sưng, tuy nhiên bằng chứng cho giả thuyết này chưa được xác thực. Lý thuyết này là: ở những người nhạy cảm, khi não bị sưng lên sẽ dẫn đến sự tăng áp lực bên trong hộp sọ và dẫn đến triệu chứng say núi cấp tính. Não bị sưng có thể do lưu lượng máu truyền lên não tăng lên hoặc do các mạch máu não bị hở.

Những phương pháp điều trị chứng say độ cao (say núi)?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh nên phòng ngừa trước chứng say núi cấp tính sẽ tốt hơn. Tuân thủ theo những nguyên tắc vàng nghĩa là cơ thể bạn sẽ thích ứng được với khí hậu khi bạn leo lên cao, do đó bạn sẽ có ít nguy cơ bị say núi nặng hơn. Tuy nhiên, nếu cần leo lên nhanh hơn, bạn có thể cân nhắc và sử dụng thuốc Acetazolamide (hay còn gọi là Diamox). Acetazolamide có thể giúp người leo núi giảm thiểu triệu chứng của say núi cấp tính, mặc dù có thể sẽ có một vài tác dụng phụ: bàn tay và bàn chân bạn sẽ bị ngứa và khiến bạn cảm thấy đồ uống có ga có mùi vị lạ.

Cũng giống như các kiểu say độ cao khác, nếu bạn bị say núi cấp tính, cách tốt nhất là hãy đi xuống núi. Thuốc đau đầu chỉ có thể làm nhẹ cơn đau chứ không thể điều trị được tình trạng này. Acetazolamide có thể sẽ có tác dụng, đặc biệt là khi bạn nghỉ ngơi khoảng một hoặc hai ngày ở một độ cao nhất định để cơ thể bạn có thời gian hồi phục. Bạn TUYỆT ĐỐI không được leo cao hơn nữa nếu đã bị say núi cấp tính.

Nếu một người bạn đồng hành của bạn có triệu chứng bị say núi cấp tính và bị mê man, tinh thần không ổn định, đau đầu càng lúc càng dữ dội hoặc nôn mửa, có thể là họ đã bị chứng bệnh phù não do độ cao (HACE) nguy hiểm đến tính mạng.

altitude-sickness-wetrek_vn-1

PHÙ PHỔI DO ĐỘ CAO (HAPE)

HAPE là sự tích tụ chất lỏng trong phổi cực nguy hiểm và ngăn không cho không gian trong phổi mở ra và hấp thu không khí trong lành khi thở. Khi mắc phải chứng bệnh này, người bệnh sẽ nhanh chóng thiếu oxy, khiến cho sự tích tụ chất lỏng trong phổi càng tệ hơn. Cứ như vậy, HAPE sẽ gây tử vong trong vài giờ đồng hồ.

Những triệu chứng của HAPE?

HAPE thường diễn ra sau 2 hoặc 3 ngày ở độ cao trên 2500m. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy khó thở hơn so với những người xung quanh, đặc biệt là khi mất sức. Đa số sẽ có triệu chứng của say núi cấp tính. Họ sẽ ho và có thể sẽ ho ra bọt màu trắng hoặc hồng. Triệu chứng khó thở này tiếp diễn sẽ khiến bệnh nhân nhanh chóng cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi. Nhịp tim có thể sẽ tăng lên, môi chuyển xanh và thân nhiệt cao. Rất dễ nhầm lẫn giữa triệu chứng của HAPE với nhiễm trùng phổi, nhưng khi ở độ cao lớn, cần nghĩ đến nguy cơ bị HAPE và đưa người bệnh xuống độ cao thấp hơn. 

Những người như thế nào sẽ bị HAPE?

Thật không may, hiện tại chưa thể chẩn đoán được những người như thế nào sẽ có nguy cơ bị HAPE. Do đó, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Những người đã từng bị HAPE trước đó sẽ có nguy cơ bị tái phát cao. Bởi vậy, chắc hẳn phải có một vài lí do nào đó khiến cho một số cá thể nhất định có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao. Leo núi với tốc độ cao và khi leo đến một độ cao nhất định nào đó sẽ khiến bạn rất dễ bị HAPE. Luyện tập quá sức với cường độ cao cũng sẽ dễ bị HAPE và bằng chứng cho thấy là những người bị nhiễm trùng phổi hoặc có triệu chứng cảm lạnh thông thường trước khi leo núi cũng có nguy cơ bị HAPE cao.

Nguyên nhân dẫn đến HAPE?

Mặc dù trong nhiều năm đã có rất nhiều nghiên cứu về nguyên nhân của chứng HAPE nhưng vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Người ta cho rằng khi chất lỏng tràn túi khí trong phổi sẽ ngăn không cho oxy đi vào trong máu và dẫn đến một loạt các triệu chứng dữ dội sẽ gây tử vong cho người bệnh. Cũng như trong nhiều quá trình sinh học, có rất nhiều yếu tố đóng vai trò quan trọng góp phần gây ra bệnh và có một bằng chứng ủng hộ cho các những học thuyết về làm thế nào mà những chất lỏng này lại tràn vào túi khi được. 

Thông thường, oxy đi vào trong máu và được cung cấp cho cơ thể từ phổi. Mỗi lần bạn hít vào, không khí sẽ đi theo túi khí nhỏ cho đến cuối các nhánh khí trong phổi. Cùng lúc đó, máu từ tim sẽ được truyền đến gần các túi khí mỏng để oxy có thể đi vào máu trong khi các chất thải được đào thải ra ngoài. Sau đó những dòng máu giàu oxy sẽ được truyền trở về tim và được đưa đi khắp cơ thể. Tuy nhiên, nếu không may bạn hít phải một vật thể nhỏ vào phổi, rất có thể nó sẽ làm tắc một nhánh thở nào đó. Lượng oxy được cung cấp cho túi thở sẽ ít đi. Để ngăn chặn bộ phận này trong phổi cung cấp máu thiếu oxy cho tim (và kết quả là cung cấp máu thiếu oxy cho các bộ phận khác của cơ thể) thì các mạch máu sẽ co lại hoặc siết lại. Đây là điều chỉnh có lợi và là một ví dụ về tính tự bảo vệ của cơ thể.

Tuy nhiên ở trên cao, quá trình này lại là một nguyên nhân dẫn đến HAPE. Vì khi phổi thiếu oxy, phổi sẽ phản ứng như trên - mạch máu ở tất cả các khu vực sẽ co lại. Máu trong những mạch máu đó bị nén lại và áp lực đẩy lên, ép các chất lỏng ra khỏi máu và tràn vào các túi khí. 

Nhiều chất không tốt và nguy hiểm được sinh ra trong máu khi cơ thể bị thiếu oxy và chúng có thể trực tiếp gây tổn hại đến màng đặc biệt giữa không khí và máu trong phổi, khiến chất lỏng rò rỉ nhiều hơn và làm cho chứng HAPE nặng hơn.

Những phương pháp điều trị HAPE?

Cách chữa trị tốt nhất cho chứng HAPE là đi xuống núi. Cung cấp thêm oxy và/hoặc tăng áp suất không khí xung quanh người bệnh với túi oxy Gamow có thể đảo ngược quá trình, tuy nhiên cũng không thể thay thế được việc phải nhanh chóng xuống núi. Một vài loại thuốc có thể là hữu dụng, tuy nhiên chỉ nên dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ có chuyên môn. Nifedipine là một loại thuốc có thể giúp mạch máu trong phổi được lưu thông, giúp giảm được áp suất cao trong những mạch máu đó và ngăn không cho chúng ép chất lỏng tràn vào phổi. Theo một cơ chế khác, Sildenafil (Viagra®) cũng giúp lưu thông mạch máu trong phổi và có thể là môt cách chữa trị hiệu quả cho chứng HAPE. Theo nghiên cứu mới đây, các bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc Steroid, Dexamethasone. Cách chữa trị bằng thuốc cũng chỉ là một biện pháp tạm thời, cách tốt nhất vẫn là phải xuống núi.

altitude-sickness-wetrek_vn-2

PHÙ NÃO DO ĐỘ CAO (HACE)

HACE là sự tích tụ chất lỏng trong não. HACE có thể gây tử vong và cần có những hành động khẩn cấp để cứu chữa.

Những triệu chứng của HACE?

HACE được cho là chứng say núi cấp tính ở mức độ nặng. Một cơn đau đầu dữ dội, nôn mửa hay mê man có thể sẽ dẫn đến tình trạng đứng không vững, lú lẫn, buồn ngủ và rất có thể sẽ bị hôn mê. HACE có thể gây tử vong chỉ trong vài giờ đồng hồ. Một người bị HACE sẽ rất khó có thể đi gót chạm ngón chân theo một đường thẳng - đây là một cách kiểm tra hiệu quả để biết được một người nào đó có phải có bị say núi cấp tính mức độ nặng hay không. Cần nghĩ đến nguy cơ bị HACE khi bạn thấy bạn đồng hành của mình có những biểu hiện khác thường.

Những người như thế nào sẽ bị HACE?

Khoảng 1% trong số những người leo lên độ cao trên 3000m bị HACE. Theo nghiên cứu, độ cao thấp nhất mà đã từng có người bị HACE là 2100m. Những người bị HAPE cũng có thể bị HACE và ngược lại. Những tác nhân làm tăng nguy cơ bị HACE cũng giống với những tác nhân gây ra chứng say núi cấp tính và HAPE. Càng leo nhanh và leo lên cao thì nguy cơ bị HACE càng lớn. Người ta cho rằng những người chủ yếu bị HACE là những người leo núi không để ý tới triệu chứng cho thấy mình đã bị say núi cấp tính, không dừng lại hoặc xuống núi mà vẫn tiếp tục leo lên cao hơn.

Nguyên nhân gây ra HACE?

Hiện nay vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến chứng HACE. Một vài tác nhân có thể gây ra chứng bệnh này bao gồm sự gia tăng lưu lượng máu lên não. Sự gia tăng lưu lượng máu lên não là một phản ứng bình thường khi máu truyền lên não bị thiếu oxy. Tuy nhiên, nếu những mạch máu này trong não bị phá huỷ, chất lỏng sẽ bị rò rỉ và hậu quả là sẽ dẫn đến HACE. Mặc dù biết rằng phản ứng này sẽ được sinh ra khi bị thiếu oxy và có thể phá huỷ mạch máu, nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng các mạch máu trong não thực sự sẽ bị rò rỉ chất lỏng nhiều hơn.

Chữa trị chứng HACE như thế nào?

Đi xuống núi là phương thức chữa trị HACE hiệu quả nhất và cần được thực hiện ngay lập tức nếu bạn nghi bị HACE. Có thể sử dụng một chiếc túi Gamow, phòng ngủ di động (portable altitude chamber) như một biện pháp tạm thời, và nếu có thể thì hãy cung cấp thêm oxy và uống thuốc Dexamethasone.

Hãy chia sẻ những thông tin này đến càng nhiều người càng tốt, nhất là đối với những người có dự định hay thường xuyên leo núi cao. Thực hiện theo những quy tắc này có thể góp phần bảo vệ bạn, người thân và bạn bè, và góp phần giảm số lượng người tử vong trên núi mỗi năm vì chứng say độ cao. 

Phương Dung

Chia sẻ bài viết:
Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
[WeTrekology] Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là gì?

[WeTrekology] Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là gì?

Đi bộ đường dài nhanh (Fastpacking) là một hoạt động kết hợp giữa chạy bộ địa hình đường dài và đi bộ đường dài với trang bị siêu nhẹ. Bạn di chuyển nhanh chóng - chủ yếu là chạy hoặc đi bộ, đôi khi đi bộ nhanh - trong khi di chuyển quãng đường dài và mang theo các vật dụng cần thiết nhất cho một chuyến đi nhiều ngày. Di chuyển nhanh chóng với một bộ đồ nhẹ cho phép bạn thoát khỏi đám đông, đi sâu hơn vào nơi hoang dã và ở lại lâu hơn nếu bạn chỉ chạy đường mòn. Hãy cùng WeTrek tìm hiểu về Fastpacking nhé!
[WeTrekology] Hướng Dẫn Cách Chọn, Sử Dụng Balo Leo Núi Đầy Đủ Nhất

[WeTrekology] Hướng Dẫn Cách Chọn, Sử Dụng Balo Leo Núi Đầy Đủ Nhất

Hướng dẫn đầy đủ nhất về cách lựa chọn, sử dụng các loại balo leo núi, balo dã ngoại. Balô leo núi có các tính năng thông dụng như: Có khả năng thu gọn balô tới trọng lượng tốt thiểu (tháo nắp đậy, khung balô, đai hông) để sử dụng khi vượt núi. Hẹp hơn, bóng bẩy hơn và đôi khi có chất lượng cao cấp hơn các loại balô thông thường, cho phép cử động tay không bị vướng víu.
[WeTrekology] Ngăn Ngừa Và Chăm Sóc Khi Bị Phồng Rộp

[WeTrekology] Ngăn Ngừa Và Chăm Sóc Khi Bị Phồng Rộp

Ngày nay, phồng rộp dưới bàn chân biến thành một trong những chấn thương phổ biến nhất với các nhà leo núi. Tin tốt là tri thức ngày nay của chúng ta về chúng cũng đã tiến bộ
[WeTrekology] Hướng Dẫn Lên Kế Hoạch Dã Ngoại Cùng Gia Đình

[WeTrekology] Hướng Dẫn Lên Kế Hoạch Dã Ngoại Cùng Gia Đình

Hướng Dẫn Cách Lên Kế Hoạch Cho Chuyến Đi Dã Ngoại Cùng Gia Đình, Từ Trẻ Nhỏ Đến Người Già.
[WeTrekology] Bạn Sẽ Cần Bao Nhiêu Nhiên Liệu Đốt Lò Trong Một Chuyến Đi Dã Ngoại?

[WeTrekology] Bạn Sẽ Cần Bao Nhiêu Nhiên Liệu Đốt Lò Trong Một Chuyến Đi Dã Ngoại?

Theo hướng dẫn chung, bạn chỉ nên mang vừa đủ nhiên liệu để đun sôi một lít nước cho mỗi người, mỗi bữa ăn và hãy tính toán cả thời gian bếp sôi cũng như tổng thời gian cháy. Đọc tiếp để tìm hiểu cách tính toán nhu cầu nhiên liệu của bạn.
[WeTrekology] Khái Niệm về Trekking

[WeTrekology] Khái Niệm về Trekking

Trekking là gì? Bài viết này phân tích chi tiết và làm rõ trekking nghĩa là gì? Được WETREK.VN tổng hợp và chuẩn bị công phu. Trekking là một hoạt động giải trí ngoài trời hay một hoạt động dã ngoại (Outdoor Recreation hay Outdoor Activity) mà người đi trekking (hay được gọi là trekker) có những chuyến đi bộ đường dài, đi bộ leo núi nhiều ngày (multi-day hiking) tới những vùng ngoại ô, ngoài đô thị, phần lớn tới vùng đồi núi có địa hình gồ ghề, lởm chởm. Trekking ở đây khác với trekking mang ý nghĩa “đi di cư”. Nhiều trekker còn tham gia vào những chuyến đi dài ngày hơn, vượt qua nhiều vùng miền trên khắp thế giới, họ coi trekking như là một cách để di chuyển từ địa điểm này đến địa điểm khác.
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc