Tử Hoài Vũ và Triệu Yến là một cặp đôi và cùng là công nhân ở nhà máy sản xuất linh kiện tivi màu ở Hàm Dương, Thiểm Tây (Trung Quốc).
Ngày 29/04/1992, hai người cùng 4 đồng nghiệp khác là Cao Sơn, Ngô Quân, Úc Huy và Dương Hồng Hà cùng tổ chức thám hiểm leo núi Thái Bạch, nằm ở tây nam tỉnh Thiểm Tây trên ranh giới ba huyện My, Thái Bạch và Chu Chí.
Ở dưới chân núi Thái Bạch, đoàn 6 người đã vô tình gặp được hai sinh viên của trường Đại học Tây Bắc là Hàn Thụy và Vương Trung Dân. Thế là 8 người cùng hợp thành một đội, bắt đầu cuộc hành trình tưởng chừng an vui nhưng lại đầy nguy hiểm phía trước.
Cuộc thám hiểm không biết được ngày về
Núi Thái Bạch là đỉnh núi cao nhất trong dãy Tần Lĩnh với chiều cao hơn 3.771m so với mặt nước biển. Mặc dù nơi đây có phong cảnh tuyệt đẹp, nhưng địa hình vô cùng hiểm trở, không có người dân sinh sống, không có tín hiệu điện thoại, khí hậu biến đổi thất thường, thậm chí còn có rất nhiều khu rừng hoang sơ chưa từng có người đặt chân đến.
Trong nhiều năm gần đây, núi Thái Bạch đã cướp đi rất nhiều mạng sống của những đoàn thám hiểm, trở thành một trong những ngọn núi nguy hiểm nhất Trung Quốc.
Tám nhà thám hiểm trẻ tuổi không hề ý thức được sự nguy hiểm của núi Thái Bạch. Họ lên đường với hành trang sơ sài, không mang bản đồ, thuốc, lều, quần áo, ngay cả thức ăn cũng không đầy đủ, thậm chí họ không đi theo con đường đã quy hoạch mà lại chọn sự mạo hiểm bằng con đường quanh co khác.
Sau khi chụp ảnh lưu niệm, đoàn leo núi định xuống núi bằng con đường đã đi lúc đầu. Tuy nhiên, núi Thái Bạch bất ngờ lộ ra hiện tượng thất thường: Thời tiết vừa mới thoáng đãng thì đột nhiên mưa to dữ dội. Vì đang ở trên núi cao nên mây mù dày đặc, cản trở tầm nhìn của mọi người.
Ảnh minh họa.
Lúc này, đoàn người đã phạm một lỗi cực kỳ nghiêm trọng: Tìm đường mới xuống núi. Ở chốn rừng núi hoang vu hiểm trở, việc tìm con đường mới để thoát hiểm là chuyện hầu như không thể.
Cách đúng đắn nhất là phải đợi mưa dừng hẳn, tìm phương hướng rõ ràng rồi đi theo đường cũ để xuống núi. Sau một lúc bàn bạc ngắn gọn, họ đã tìm một ngọn đồi nhỏ và men theo đó mà đi. Sau đó, họ gặp một cánh rừng nguyên sinh.
Tất nhiên, trong rừng không hề có đường đi và thế là họ đã bị lạc mất phương hướng trong cơn mưa to. Đến lúc nhận thức được tình hình thì mọi thứ đã quá trễ, họ đã đi quá xa với địa điểm ban đầu.
Đến ngày 2/5/1992, ở chốn hoang vu xa lạ, 8 người vừa đói vừa lạnh. May thay, họ phát hiện một hang động trên núi. Thế là cả đoàn cùng chen chúc nhau để qua đêm.
Sáng hôm sau, họ lại phát hiện có một con suối. Họ quyết định men theo con suối đó để đi xuống. Lạc đường trên núi, đi theo con suối hay con thác là một biện pháp đúng đắn, vì nước sẽ chảy từ trên xuống thấp và đổ về sông nên có lẽ sẽ có đường thoát khỏi núi và tìm được nhà dân.
Thế nhưng, điều không may là trước đó trời mưa rất to, làm cho mực nước của suối dâng cao, nước cũng chảy xiết hơn.
Dương Hồng Hà, khi đó mới 22 tuổi suýt chút bị dòng nước cuốn đi mất. Triệu Yến thì hoảng sợ, không đồng ý đi theo con suối và cũng không dám tiến về phía trước. Bạn trai Tử Hoài Vũ thấy vậy liền quyết định tạm biệt 6 người kia để đưa Triệu Yến về ngược lại đường cũ.
Ảnh minh họa.
Sự tạm biệt này lại chính là vĩnh biệt
Ngày 4/5, đoàn người quyết định tìm một con thác nhỏ để leo ngược lên đỉnh núi. Thế nhưng khi thấy dòng nước chảy xiết thì Dương Hồng Hà sợ hãi và kéo theo Úc Huy tìm con đường vòng khác để đi. Cứ thế, đoàn người hiện tại chỉ còn 4 người là Cao Sơn, Ngô Quân, Hàn Thụy và Vương Trung Dân.
Ngày 5/5, 4 người leo lên sườn núi cao để tìm đường cho dễ dàng hơn. Nhưng Cao Sơn thể chất yếu ớt, leo lên nửa chừng đã bị tụt lăn xuống, anh mất dấu 3 người bạn còn lại. May mắn anh đã phát hiện được một con đường nhỏ thông đến hồ Tam Thanh.
Với hy vọng trước mắt, Cao Sơn đã ngủ lại bên hồ một đêm và hôm sau tiếp tục đi theo con đường nhỏ tìm lối ra. Cuối cùng, anh đã đến được trấn Hậu Chẩn và thoát khỏi núi Thái Bạch. Cao Sơn chính là người được cứu đầu tiên sau khi mất tích trong chuyến đi mạo hiểm này.
Ngày 7/5, sau khi biết tin những người còn lại đều chưa trở về, Cao Sơn nhanh chóng liên hệ với lãnh đạo trong nhà máy Hàm Dương để huy động đội cứu hộ bao gồm mấy nghìn người, tổ chức thành 13 đội tìm kiếm.
Cảnh sát khu vực thị trấn Hậu Chẩn cũng tập trung lực lượng phối hợp với đội cứu hộ. Thời tiết ở núi Thái Bạch lúc này vô cùng thất thường, hết mưa rồi lại đổ tuyết. Trên núi đã tích lớp tuyết dày hơn 10cm, đường núi trơn trượt, vô hình trung đã gây thêm nhiều khó khăn cho đội tìm kiếm.
Trước đó, 3 người còn lại là Ngô Quân, Vương Trung Dân và Hàn Thụy cũng không khá hơn bao nhiêu. Nhưng vì hy vọng được sống, cả 3 người đã sử dụng hết sức lực còn lại để leo lên đỉnh núi hồ Ngọc Hoàng (cao hơn 3500m). May mắn là bên cạnh hồ Ngọc Hoàng có một ngôi chùa hoang, họ đã ở đó ngủ qua đêm.
Ảnh minh họa.
Ngày 8/5, Ngô Quân vì bị thương ở chân nên không thể tiếp tục đi cùng Vương Trung Dân và Hàn Thụy, cho nên chỉ có 2 người quyết định xuống núi. Họ đã bị đói nhiều ngày, sức cùng lực kiệt, đi đường một quãng thì té ngã lăn xuống một con đường núi. Lúc này, một nhóm sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Nội Mông Cổ đi ngang qua và bắt gặp. Thế là cả 2 được cứu sống.
Về phần Ngô Quân, anh đành ở lại ngôi chùa hoang, ăn tuyết qua ngày để chờ có người đến cứu. Đến ngày 10/5, đội cứu hộ đã đến được hồ Ngọc Hoàng và nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của Ngô Quân. Cuối cùng, Ngô Quân đã được cứu sống và rời khỏi núi an toàn.
Đến thời điểm này, đoàn thám hiểm 8 người đã có 4 người được cứu sống, còn lại hai cặp là Triệu Yến - Tử Hoài Vũ và Dương Hồng Hà - Úc Huy.
Ảnh minh họa.
Sau khi tách đội, Dương Hồng Hà và Úc Huy cũng không tìm được con đường nào dễ đi hơn. Trong quá trình băng núi, Úc Huy đã bị té ngã gãy chân, không thể đi tiếp được. Úc Huy không muốn làm gánh nặng cho Dương Hồng Hà nên khuyên cô tự đi tìm đường thoát một mình.
Thế nhưng, Dương Hồng Hà không đồng ý và quyết định ở lại bên Úc Huy. Sáng hôm sau, Dương Hồng Hà phát hiện Úc Huy đã chết.
Hóa ra, vì vết thương quá nghiêm trọng nên Úc Huy đã qua đời trong đêm. Dương Hồng Hà không nỡ phải rời xa Úc Huy, hơn nữa cô cũng không có khả năng tìm đường để sống sót nên chỉ đành ở lại chờ người đến cứu. Mãi đến 6 ngày sau, đội cứu hộ đã tìm thấy hai người.
Vậy còn cặp đôi tách đoàn đầu tiên là Triệu Yến và Tử Hoài Vũ thì sao? Sau nhiều ngày tìm kiếm đều vô hiệu, dù đội cứu hộ đã huy động lực lượng lớn tìm kiếm nhưng vẫn không tìm ra được tung tích của họ.
Đội tìm kiếm đưa ra nhận định: Khả năng cao là Triệu Yến và Tử Hoài Vũ đã chết, vì diện tích của núi Thái Bạch vô cùng rộng lớn, địa hình hiểm trở. Có thể họ đã gặp tai nạn và thi thể mắc kẹt ở một vực sâu nào đó khó tìm ra. Đến tận ngày hôm nay, sau hơn 29 năm, việc Triệu Yến và Tử Hoài Vũ còn sống hay đã chết vẫn còn là một bí ẩn.
Nguồn: 163