Có một cửa hàng bán đồ du lịch, dã ngoại ở quận 10, TPHCM nhưng anh Võ Viết Tâm thường xuyên bị bạn bè, đối tác thân quen “mắng vốn” vì anh có thể… về rừng bất cứ khi nào. Với anh, trở về với thiên nhiên là một đam mê.
Anh Tâm cho biết, anh bắt đầu những chuyến đi đầu tiên của mình vào những năm từ 2012 đến 2014. Khi đó, anh một mình rong ruổi các nẻo đường khắp các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên. Sau chuyến đi đó, anh yêu màu xanh của những cánh rừng và thích thú trước những nét văn hóa ở mỗi vùng đất đi qua. Từ đó, anh bắt đầu tìm hiểu thêm về du lịch cũng như các hoạt động leo núi, vượt rừng, cắm trại dã ngoại.
Chuyến khám phá hệ thống hang động núi lửa Chư B’luk. Ảnh: NVCC
Những khi không có những chuyến đi xa thì niềm vui của anh Tâm chỉ đơn giản là được leo các ngọn núi gần TPHCM như núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan (Đồng Nai), núi Dinh (Vũng Tàu). Nếu có đủ thời gian, anh và các bạn băng rừng cắm trại giữa đại ngàn cao nguyên Lâm Đồng.
Mới đây, anh cùng bạn bè đã có một chuyến đi băng qua con đường đá bazan, để khám phá hệ thống hang động núi lửa lớn nhất khu vực Đông Nam Á là núi Chư B’luk và hai Thác Dray Sap – Thác Dray Nur ở Đắk Nông.
Anh Tâm cũng cho biết anh đã từng ba lần xuyên Việt từ khi biết đến hình thức du lịch này. Chuyến đi xuyên Việt gần nhất của anh là vào năm 2019 khi anh cùng nhóm bạn đi trên ba chiếc xe bán tải cùng các vật dụng chuyên dụng và lều trại. Xuất phát từ TPHCM, anh cùng bạn bè đã rong ruổi trong khoảng một tháng và điểm xa nhất trong chuyến hành trình lần này là cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) cách TPHCM đến hơn 2.000km.
Điểm đến đầu tiên của nhóm là ở Đà Lạt (Lâm Đồng), kế tiếp là Hội An – Quảng Nam rồi Đà Nẵng – Huế -Phong Nha – Quảng Bình – Ninh Bình – Mẫu Sơn – Lạng Sơn – Cao Bằng – Mèo Vạc – Hà Giang – Văn Chấn, Yên Bái – Tà Xùa – Sơn La…
Đoàn của anh Tâm dừng chân tại núi Mắt Thần (Cao Bằng). Ảnh: NVCC
Và điều đặc biệt là hầu hết các buổi leo núi cắm trại dã ngoại, anh đều tự chuẩn bị tất cả các vật dụng từ bàn ghế, lều bạt đến các loại nguyên liệu để nấu ăn khi tìm được điểm dựng lều.
“Mọi thứ mình mang đi dù hơi cực, nhưng khi bếp lửa mình tự đốt lên và nấu các món ăn dã chiến, do mình tự chế biến và thưởng thức thì cảm thấy rất thích và mọi người cùng ăn uống với nhau rất vui vẻ”, anh Tâm nói.
Ngoài những chuyến đi được chuẩn bị đầy đủ các vật dụng, anh cũng có những chuyến đi tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài và sử dụng rất ít công cụ hỗ trợ. Như những chuyến đi sâu vào Vườn quốc gia Bidoup (Lâm Đồng) hay Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), phải đi băng rừng hàng chục cây số và mất hai đến ba ngày đường trong rừng mới đến điểm hạ trại, có những khi đến nơi phải tìm kiếm nguồn nước ít ỏi từ việc lấy nước từ lá cây hay từ những khe suối nhỏ.
Anh Tâm (đứng thứ tám từ trái qua) trong chuyến đi vào Vườn quốc gia Bidoup (Lâm Đồng). Ảnh: NVCC
Cũng chính bởi vì niềm đam mê với thiên nhiên và du lịch, anh cũng thường xuyên bị bạn bè và khách hàng “mắng vốn” khi bỏ cửa hàng buôn bán để “về rừng” bất cứ khi nào.
“Điều tuyệt vời nhất khi bạn chinh phục được một con đường, một ngọn núi không phải là việc bạn đã đến đích, mà là cảm nhận của bạn đối với mọi thứ xung quanh, từ những con đường gồ ghề đất đá hay khi đất sình bám chặt ở chân, cảm nhận từng làn gió thổi vào tấm áo đã ướt đẫm mồ hôi”, anh Tâm nói.
Với anh, những cảm giác khó quên đó là cảm giác trên cung đường đi, gặp được những người có chung niềm đam mê xê dịch, gửi đến nhau những lời động viên hay chỉ đơn giản là cho nhau cái bánh chiếc kẹo, san sẻ chút nước mang theo; là khoảnh khắc bạn và bạn bè cùng nhau dựng lều, nấu nướng thưởng thức và cảm nhận không khí lạnh buốt khi bạn ở trên một đỉnh núi cao.
Anh Tâm (áo thun xanh) bên chiếc cầu từ thiện tại Long An. Ảnh: NVCC
Anh Tâm cho biết, trong mỗi chuyến đi anh cũng thường xuyên cùng bạn bè của mình tổ chức các chương trình thiện nguyện hỗ trợ những nơi hay cá nhân khó khăn ở một địa phương.
Trong một chuyến đi gần đây, anh cùng bạn bè đã trao tặng 30 chiếc xe đạp cho các em nhỏ tại địa phương và hỗ trợ kinh phí xây dựng cây cầu kênh Rạch Bứa, xã Bình Hòa Tây (Long An).
Anh Tâm cũng chia sẻ thêm, những kinh nghiệm cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu và yêu thích loại hình du lịch dã ngoại này. Nếu chuyến đi đó là lần đầu tiên, thì nên chọn kỹ địa điểm để tìm hiểu địa hình, ngoài ra cần định hướng hành trình để thuận tiện cho việc di chuyển. Các bạn cũng có thể chọn một nơi bán các dịch vụ hỗ trợ dẫn đoàn, để có lộ trình hoàn chỉnh tốt nhất. Hiện nay, các loại hình bán dịch vụ du lịch này đều đảm bảo an toàn và mức trải nghiệm đầy đủ.
Về vật dụng khi các bạn đi leo núi hay cắm trại dã ngoại, thì nên lựa chọn cho mình một đôi giày và chiếc ba lô thật tốt. Nên chọn giày rộng hơn một chút để trên đường đi bạn sẽ thoải mái nhất, với ba lô nên chọn loại bền, nhiều ngăn, có thể đựng được tất cả vật dụng cho chuyến đi, ngoài ra không nên mang theo quá nhiều vật dụng không cần thiết, để tránh mang vác quá nhiều và đặc biệt nhớ mang theo các dụng cụ y tế.
Đối với việc lựa chọn nơi để hạ trại, các bạn nên chọn các khoảng đất trống bằng phẳng, tránh hạ trại nơi mép đồi và dưới các cành cây khô lớn, để phòng tránh sạt lở và cây gãy đổ. Việc lựa chọn một nhóm bạn để cùng đồng hành trong chuyến đi cũng rất thú vị, mỗi người một công việc sẽ giúp mọi thứ diễn ra nhanh hơn và mọi người sẽ có những kỷ niệm đẹp từ việc băng rừng leo núi và cùng nhau hạ lều trại.
Anh Tâm trong một chuyến đi ở Lâm Đồng. Ảnh: NVCC
“Thời điểm đẹp để các bạn lên lịch cho chuyến hành trình của mình là khoảng thời gian mùa khô. Khi đó, không khí, ngoại cảnh sẽ phù hợp để di chuyển cũng như có những tấm hình đẹp”, anh Tâm nói thêm.
Đi nhiều và giờ đây, anh Tâm cho biết mình mong muốn mở ra một hội quán ở TPHCM, để những ai có chung niềm đam mê sở thích xê dịch có thể gặp mặt giao lưu. “Tại đó, mọi người sẽ cùng nhau chia sẻ về những chuyến đi, kinh nghiệm của bản thân cũng như cùng nhau nâng cao ý thức, biết yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường”, anh nói.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Xem thêm về đồ leo núi - cắm trại tại WETREK.VN