Để sống sót, Hazen Audel ăn trứng sống, uống máu bò và suýt mất ngón chân ở Bắc Cực.
Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng Hazen Audel, 44 tuổi, lại có niềm đam mê khám phá những vùng đất xa xôi, hẻo lánh và khắc nghiệt nhất thế giới. Ngay từ khi 19 tuổi, nhà sinh vật học kiêm hướng dẫn sinh tồn này đã xách ba lô lên đường, sống cùng bộ lạc Huaorani và Quechua ở tận sâu trong những khu rừng nhiệt đới của Ecuador. Đây cũng là một trong những bộ lạc còn giữ lối sống nguyên thủy nhất trên thế giới.
'
Chàng Tarzan' bỏ nước Mỹ để thám hiểm những nơi khắc nghiệt nhất
Sau đó, những bước chân phiêu lưu đưa Hazen tới một vùng đất khác, cũng khắc nghiệt không kém để sinh sống. Đó là bộ lạc Samburu ở miền bắc Kenya. Tại đây, anh đã sống suốt 2 tuần liền mà chỉ uống máu bò và sữa tươi.
Khi tới một hòn đảo nhiệt đới ở Vanuatu, điều đón "Tarzan đời thực", theo cách gọi của NatGeo, không phải là những rạn san hô đủ màu sắc, những bãi biển cát trắng và nước xanh như ngọc, mà là trận bão khủng khiếp. Những người đi cùng Hazel đã bị bợt da chân do ngâm nước quá lâu. Riêng Hazel bị một vết rách ở chân và mưng mủ.
Trong suốt đêm ở trên đảo, Hazen bị kiến lửa và chuột cắn. Những con gặm nhấm này đã ăn gần hết thức ăn của cả đoàn. Hậu quả của chuyến thám hiểm này là sau 8 tháng, những vết thương trên da của anh vẫn không thể chữa khỏi.
Rời Vanuatu, Hazen đi tiếp tới Nepal để trải nghiệm cuộc sống của những người dân du mục ở Loba, tại độ cao hơn 4.200 m của dãy Himalaya.
Hành trình của con người đam mê thám hiểm này chưa dừng ở đó. Trong chuyến đi kéo dài 5 ngày trên sa mạc Sahara, anh đã vượt qua vùng đất với thời tiết có lúc lên đến 43 độ C với một con lạc đà. Giữa hành trình, con lạc đà đã không hợp tác và bỏ rơi anh. Một trong những chiếc máy ảnh của anh bị cát làm hỏng, cáp nóng chảy do nhiệt độ quá cao.
Trong chuyến phiêu lưu vượt sông Sepik hung dữ, Hazen tới vùng đất Papua New Guinea để tìm kiếm những bộ lạc ăn thịt người còn sót lại trên thế giới. Tới đây, anh bị muỗi đốt thường xuyên, bị ruồi cát và ruồi ngựa cắn liên tục và có nguy cơ mắc các căn bệnh nhiệt đới. Bù lại, Hazen được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho rất nhiều thực phẩm để ăn và có rất nhiều thứ cuốn hút khiến anh khao khát được quay trở lại.
Trong chuyến đi tới phía bắc vùng Scandinavia, cách Bắc Cực 160 km, Hazen sống một mình với 200 con tuần lộc, ngủ trong hang tuyết.
Ở chuyến đi này, anh suýt mất 2 ngón chân vì sống thời gian dài dưới nhiệt độ lạnh giá của vùng lãnh nguyên. Có thời điểm, nhiệt độ xuống -43 độ C.
Khi sống trong rừng rậm ở Panama, mỗi người trong đoàn của Hazen chỉ có một cốc nhỏ thức ăn cho bữa tối và da chân bị nhăn nheo lại do ngâm quá lâu trong nước, vượt sông liên tục.
Theo NatGeo
Ảnh: Icon films