Dù ngành du lịch có sáng tạo ra bao nhiêu loại hình dịch vụ mới mẻ, độc đáo hay sang trọng thì có lẽ giá trị cuối cùng mà mọi du khách muốn chạm tới vẫn luôn là được đắm mình trong vẻ đẹp thuần khiết của thiên nhiên. Đặc biệt, trong thời gian dài du lịch bị hạn chế vì dịch bệnh, chúng ta càng thêm chán khép mình giữa những vách tường bức bối. Lúc này, tại sao không đổi gió với camping hay glamping?
Thực ra camping chẳng xa lạ gì với bất cứ ai. Vắn tắt nhé, camping chính là hoạt động cắm trại hay dựng lều trại ngoài trời - nơi mọi người có thể tự do vui chơi, đốt lửa trại, nướng BBQ, đêm ngắm sao trời, sáng sớm nghe chim muông đánh thức… Một chuyến camping không thể khiến bạn “rỗng túi” vì chi phí rẻ, mọi đồ dùng đều tự chuẩn bị, dễ thực hiện mà bạn vẫn có thể chơi theo bất cứ cách nào bạn muốn. Vậy nên, camping phát triển rộng rãi trên thế giới; ngay cả ở Việt Nam, dù du nhập muộn hơn nhưng cũng chẳng còn lạ lẫm gì.
Glamping thì sao? Ngay tên gọi đã cho người ta cảm nhận được mối liên hệ giữa camping và glamping. Quả thật, glamping được phát triển từ cái “gốc” camping, tên gọi cũng được ghép thành từ glamorous (sang trọng) và camping (cắm trại). Hiểu nôm na thì glamping là loại hình cắm trại “sang chảnh”. Quên những điều kiện sinh hoạt mang tính “dã chiến” kiểu camping đi, glamping vẫn đem đến cho du khách trải nghiệm sống giữa thiên nhiên nhưng đi kèm còn có nhân viên phục vụ, những dịch vụ, tiện nghi… đầy đủ và sang trọng (thậm chí là xa hoa) không thua kém bất cứ khách sạn 5 sao nào. Tất cả những việc bạn phải làm là nghỉ ngơi và tận hưởng sự thoải mái của dịch vụ, vẻ đẹp của thiên nhiên. Tất nhiên, số người có thể trải nghiệm glamping không đông đảo như camping vì trước hết, họ phải là những người có tài khoản… rủng rỉnh.
Như đã nói ở trên, camping rất thân quen với người Việt. Hoạt động này sôi nổi nhất ở nhóm các bạn trẻ ưa khám phá và các gia đình trẻ, ngay cả các trường học cũng tổ chức cho học sinh cắm trại trong các buổi ngoại khoá, và nhiều công ty/doanh nghiệp lựa chọn cắm trại khi làm team building… Ngày càng nhiều địa điểm cắm trại xuất hiện ở mọi địa phương, trong rừng núi, bên bờ biển hay thậm chí là công viên trong thành phố, bao gồm cả tự phát và phát triển dịch vụ. Có những nơi thành tụ điểm luôn quá tải vào cuối tuần.
Nhưng nếu search từ khóa “glamping tại Việt Nam”, các kết quả bạn nhận được sẽ chỉ là một số dịch vụ lưu trú có gắn tên glamping. Cũng giống như kết quả tìm kiếm đó, glamping chưa thực sự được coi là một loại hình dịch vụ du lịch ở Việt Nam, sự tồn tại của nó còn rất mờ nhạt, các dịch vụ ít ỏi và chất lượng thì còn xa mới chạm tới tinh thần của glamping. Tuy nhiên, có một cộng đồng những người “mang tinh thần glamping” đang ngày ngày chia sẻ, duy trì và phát triển văn hóa cắm trại này một cách lặng lẽ, không khoa trương hay ồn ào. Nổi bật trong đó phải nhắc đến anh Tùng Lê, người đã giới thiệu khái niệm glamping tới cộng đồng này. Vốn là một người chơi camping sành sỏi từ 10 năm nay, nhưng 4 năm trước, khi tình cờ biết đến glamping qua tìm hiểu trên Internet, Tùng Lê mới bắt đầu phát triển cách chơi camping của mình theo hơi hướng của glamping.
“Hiện tại, tôi và bạn bè vẫn đang chơi camping nhưng với những dụng cụ có tính thẩm mỹ và tinh xảo, với nhiều tiện nghi và sự chỉn chu, cầu kỳ hơn so với hình thức camping đơn thuần. Dù chưa sang chảnh như glamping nhưng những chiếc lều của chúng tôi đều mang màu sắc, cá tính riêng của chủ nhân” - Tùng Lê trải lòng.
Cùng với những người có chung đam mê du lịch, yêu thiên nhiên và có “gu” riêng, anh Tùng đã tạo dựng được một cộng đồng cùng chung chí hướng với mình (nhóm No Hotel Room trên Facebook). Đằng sau những chuyến cắm trại phục vụ nhu cầu và sở thích cá nhân, điều Tùng Lê thực sự mong muốn và ấp ủ là có thể đem mô hình dịch vụ glamping đến với Việt Nam trong tương lai không xa. Theo anh, khi dịch vụ glamping được khai thác và phát triển tại một vùng đất sẽ đồng thời mở ra cơ hội việc làm cho người bản địa - cũng vì thế mà họ sẽ có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái nơi mình sống hơn. Hơn nữa, người Việt cũng có cơ hội thực sự trải nghiệm một loại hình du lịch mới, hưởng thụ cuộc sống giữa thiên nhiên với chất lượng ngày càng đẳng cấp hơn.
Có lợi thế rất lớn về cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hoá hấp dẫn, người dân ngày càng có nhu cầu tận hưởng dịch vụ du lịch chất lượng cao, Việt Nam có đầy đủ điều kiện cơ bản để phát triển glamping. Hy vọng rằng, giống như camping, glamping sẽ sớm được xây dựng thành loại hình du lịch mang tính chuyên nghiệp và trở thành một xu hướng mới được chào đón nồng nhiệt tại Việt Nam.
Theo vntravellive