Trước khi tròn 6 tuổi, Pan Wenwen đã khám phá Himalaya, chơi dù lượn ở Nepal và có thể đi bộ tới 10 km một ngày.
Một ngày như bình thường tại thành phố Thượng Nhiêu (Giang Tây, Trung Quốc), Pan Wenwen thức dậy sớm. Cô bé ăn sáng và xắn tay, đứng lên ghế nhỏ để tự rửa bát.
Wenwen trông giống bất kỳ cô bé nào bằng tuổi, tuy nhiên điều khác biệt chính là tên tuổi của em nổi như cồn trên Internet: "Phượt thủ nhỏ tuổi nhất Trung Quốc".
Lớn lên như một bông hoa dại
Hiện Wenwen 6 tuổi và đi học lớp một từ tháng 9. Kể từ khi mới 15 tháng tuổi, Wenwen thường cùng bố mẹ phượt đến những vùng miền núi xa xôi và nghèo khó. Cả gia đình ngủ trong nhà dân, bởi bố mẹ Wenwen muốn con biết đến những người có cuộc sống khó khăn hơn để trân trọng những gì mình có. Khi còn nhỏ, Wenwen thường được bố mẹ cõng trên đường, lớn hơn một chút em có thể tự đi bộ đường dài tới khoảng 10 km.
Bố của Wenwen là Pan Tufeng, 40 tuổi, bán mật ong online. Tufeng và vợ Yuan Rui, 42 tuổi, quyết định không cho con gái đi mẫu giáo vì họ muốn thiên nhiên hoang dã trở thành lớp học của Wenwen và để em lớn lên như một bông hoa dại.
Vợ chồng anh còn một cậu con trai Boru, lớn hơn Wenwen 3 tuổi và cũng từng xin nghỉ học tới 50 ngày để phượt cùng cả nhà. Kết quả học tập của Boru không hề bị ảnh hưởng, cậu bé đạt 99 điểm trong các bài kiểm tra Toán và 89 điểm bài kiểm tra tiếng Trung, ECNS đưa tin. Thực tế, từ năm Boru vào lớp 1, Yuan Rui đã giãn bớt những chuyến phượt đường dài.
Lên rừng xuống biển
Năm 2016, cô bé cùng bố du lịch từ Thành Đô đến Lhasa, Tây Tạng trong 2 tháng. Theo China.org, bố con họ Pan đã đi quãng đường dài 2.167 km cùng nhau, vượt qua những địa hình nguy hiểm từ núi tuyết, sông băng, rừng rậm... Họ ăn rau rừng, ngủ trong lều dựng dọc đường. Họ không ngừng nghỉ ngay cả khi trời mưa nặng hạt.
"Chúng tôi gặp bão, mưa đá và lở đất. Bé thậm chí còn không khóc quấy hay gây rắc rối gì trên đường. Con gái tôi đã rắn rỏi hơn trước, chắc chắn là do những chuyến đi tới Vân Nam trước đó".
Vào mùa xuân hàng năm, Wenwen phải vượt qua một trong những nhiệm vụ vất vả nhất: theo bố mẹ vào rừng nguyên sinh Vân Nam lấy mật ong trong khoảng hai tháng. Theo đó, nhà họ Pan dựng lều ở với người dân trong các làng ít nhất 3 ngày ở một khu vực, kiếm được gì trong rừng ăn nấy.
Bé không bao giờ quấy khóc vì biết bố mẹ bận làm việc và học cách tự bảo vệ mình. "Khi chúng tôi đập vỡ tổ, đàn ong túa ra. Bé cũng tìm chỗ nấp như bố mẹ. Nhưng cũng thật khó để tránh bị ong đốt", anh Tufeng kể lại.
Cuối tháng 10/2017, vợ chồng Tufeng quyết định đưa con tới Lop Nur, nơi được mệnh danh là biển chết của Trung Quốc nằm giữa sa mạc. Họ cho rằng bọn trẻ đã lên rừng, leo núi, khám phá biển... nên cần đến sa mạc để hiểu về giá trị của nước.
Sau khi bạn bè can ngăn rằng trẻ em chưa đủ sức chinh phục môi trường khắc nghiệt như vậy, vợ chồng Tufeng thuê một hướng dẫn viên địa phương và dành 10 ngày phượt sa mạc. Anh cũng nhấn mạnh mình không bao giờ đùa với tính mạng con trẻ, và thuê ôtô đi theo dự phòng.
Wenwen (giữa) cùng bố và anh trai ngồi nghỉ trên sa mạc Lop Nur. Ảnh: West China City News.
Chuyến đi không hề nhẹ nhàng bởi bọn trẻ phải tự mang theo nước: ba lít cho Boru, và một lít cho Wenwen. Sau hai ngày đầu hào hứng, hai bé đều thấm mệt với lịch trình đi bộ đường dài. Lúc này vợ chồng anh Tufeng quyết định nghỉ ngơi, dù vẫn nghiêm khắc yêu cầu các con phải tự lập dù mệt đến đâu.
Vào ngày thứ 6, cả nhà đã ra khỏi sa mạc. Bố mẹ Wenwen quyết định dừng hẳn chuyến đi do thiếu nước: "Đó không phải một thử thách thành công, song chúng tôi đã học được nhiều điều".
Anh cho rằng mọi người luôn cảm thấy sa mạc như vô tận, dù có hướng dẫn viên đi kèm. Trải nghiệm này giúp bọn trẻ hiểu tầm quan trọng của lòng kiên trì, đồng thời chúng biết tìm thấy niềm vui và trân trọng những điều nhỏ bé.
Trước khi Wenwen vào lớp 1 năm nay, nhà họ Pan quyết tâm đi bộ đường dài dọc theo cao tốc Thanh Hải - Tây Tạng. Đây là một trong bốn đường cao tốc quốc gia dẫn đến Tây Tạng, trong đó Wenwen đã chinh phục ba con đường, theo China.org.
Phương pháp dạy con gây tranh cãi
Bà nội của Wenwen ban đầu không ủng hộ phương pháp giáo dục khắc nghiệt này, nhưng bà đã thấy cô bé khỏe mạnh và có khả năng thích nghi tốt hơn sau những chuyến đi.
Thực tế, dư luận Trung Quốc cũng tranh cãi gay gắt về cách nuôi dạy con của gia đình họ Pan. Nhiều người cho rằng đây là một phương pháp tiến bộ và ưu việt để giáo dục bọn trẻ khi đưa bé ra thế giới bên ngoài.
Một phụ nữ họ Fang phần nào ủng hộ vợ chồng Tufeng, cô lo ngại đứa con thành thị của mình thiếu kiên nhẫn và không biết trân trọng những gì nó được hưởng: "Con tôi thậm chí còn kêu than mệt mỏi khi phải bắt tàu điện nếu tôi không thể lái ôtô đưa nó đi học". Cô dự định gửi con về vùng nông thôn để trải nghiệm cuộc sống thiếu thốn hơn.
Câu chuyện của Wenwen thậm chí đã truyền cảm hứng cho nhiều người. Một bà mẹ trẻ ở Thành Đô đã đưa con gái 5 tuổi đi Thái Lan cùng nhà họ Pan. "Con gái tôi chơi với Wenwen trong một tuần và sẵn sàng dành nhiều thời gian đi bộ hơn. Trước chuyến đi, nó thường đòi tôi bế", cô nói.
Trong khi đó, nhiều người nhận định rèn luyện thể chất theo cách của bố mẹ Wenwen có thể gây hại cho con, hơn nữa bọn trẻ quá bé để có thể ghi nhớ kỷ niệm về những chuyến đi. Một số ý kiến chỉ trích vợ chồng Tufeng.
"Tôi nghĩ bố mẹ Wenwen thật ích kỷ. Đơn giản là họ từ chối thay đổi cách sống vì con, thay vào đó họ ép bọn trẻ thích nghi với điều đó", một người giấu tên bày tỏ.
Hou Lerong, một giáo sư y học thể thao của Đại học Thể dục Thể thao Thành Đô, cho rằng một đứa trẻ dưới 6 tuổi sẽ không có đủ thể lực để đi bộ đường dài tới 10 km. Ông lo ngại hoạt động ngoài trời quá sức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của Wenwen.
Bai Ling, một chuyên gia tâm lý tại Thành Đô, nhận định trẻ không đi học mẫu giáo có thể khó phát triển kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục Liu Xia lại nói rằng, điều quan trọng khi dạy trẻ theo cách của gia đình Pan là chúng phải thực sự yêu thích chuyến đi, thay vì làm vừa lòng cha mẹ.
Bố mẹ Wenwen nói gì
Đối mặt với chỉ trích từ dư luận, Pan Tufeng thấu hiểu nỗi lo của những người xung quanh nhưng không thay đổi mô hình giáo dục riêng của gia đình. Vợ chồng anh không có máy tính hay TV trong nhà. Thay vào đó, Boru và Wenwen ra ngoài học kỹ năng sinh tồn từ khi còn nhỏ. Hai bé được dạy kỹ năng leo trèo cơ bản, nhóm lửa và tự chế một số dụng cụ.
"Từ khi bắt đầu đi mẫu giáo, gần như mọi đứa trẻ đều bị giới hạn trong những không gian nhất định. Bé sẽ có ít nhất 12 năm học ở trường. Đi học, tốt nghiệp và tìm một công việc, tất cả sẽ ngốn hết thời gian rảnh. Ngay từ khi con còn nhỏ, chúng tôi muốn dạy những thứ bé không được học ở trường", anh giải thích.
Anh Tufeng và chị Rui có thể trông thấy lũ trẻ lớn lên qua từng năm. "Wenwen khỏe mạnh hơn. Khi gặp khó khăn, bé không khóc. Con tình nguyện làm việc nhà và khi thấy rác trên đường, bé sẽ nhặt lên và vứt vào thùng rác", bố cô bé chia sẻ.
Dù nhiều người nói rằng trẻ em quá nhỏ tuổi không thể nhớ hết các chuyến đi khi lớn lên, nhưng Tufeng nhận định chúng sẽ ấn tượng với những cảnh đẹp, và khó khăn trên đường giúp hình thành khả năng thích nghi.
Wenwen cũng thú thực bé không thể nhớ quá nhiều về chuyến phượt Nepal và còn không biết quốc gia này nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Song cô bé thích thú khi được hỏi rằng chơi dù lượn trên trời có vui không. Trong ảnh là Wenwen (trước) và anh trai Boru chơi dù lượn. Ảnh: People.cn.
Anh Tufeng chia sẻ mình là người khá nghiêm khắc, Wenwen từng khóc khi chân bị phồng rộp nhưng cô bé không được dừng bước: "Tôi chăm sóc con nhưng cũng muốn bé rèn luyện. Tương lai sẽ còn nhiều thử thách lớn hơn".
"Tôi muốn con tự lập và cứng cỏi, bé có thể tự điều chỉnh bản thân mỗi khi gặp khó khăn sau những chuyến đi", Tufeng nói về cách giáo dục của vợ chồng mình.
Khi câu chuyện về Wenwen lan tỏa trên mạng, vợ chồng anh không hề trốn tránh. Công việc kinh doanh thậm chí thuận lợi hơn. Một số nhà tài trợ còn tiếp cận gia đình nhưng họ từ chối hợp tác, vì cho rằng những khoản đài thọ sẽ hạn chế hành trình.
Bố mẹ Wenwen hy vọng trải nghiệm của gia đình sẽ truyền đi thông điệp tới các phụ huynh khác rằng: không phải bọn trẻ không thể làm được điều gì đó, mà chính người lớn đã không cho chúng cơ hội chứng tỏ khả năng của bản thân.
(Theo Vn Express)