Món cải mầm đá không được bán nhiều tại thị trấn sương mù này vì loại hiếm, mọc trên đỉnh núi đá cao và chỉ phát triển vào mùa lạnh. Vào cuối năm, khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 dương lịch là mùa cải mầm đá, món ngon không phải ai cũng biết nhưng đã một lần thưởng thức sẽ muốn ăn thêm và mua về.
Gọi là cải mầm đá hoàn toàn không liên quan đến chuyện Trạng Quỳnh mà bởi rau có hình dáng giống như rau cải ngồng nhưng to với nhiều nhánh mọc xung quanh như hình tháp nhọn, tươi non mơn mởn. Thời tiết càng lạnh, mầm đá càng ngọt càng ngon hơn. Tên mầm đá khiến người ăn liên tưởng đến một món ăn phải chờ lâu và cứng, nhưng chế biến món này thực ra chỉ cần sơ sẩy vài giây sẽ rất dễ bị nhũn.
Cải mầm đá vừa là thức ăn vừa là vị thuốc bồi bổ xương khớp, có tác dụng giã rượu. Dân đi núi thường ăn món ăn này để hồi phục sức khỏe. Vị cải ăn khá giống cải ngồng bán ngoài chợ, nhưng mềm và ngọt hơn.
Cách chế biến cải mầm đá phổ biến nhất là luộc, nhưng thực ra chỉ cần nhúng sơ qua là các ngồng cải đã có thể ăn được. Cải mầm đá có thể chấm với nước mắm trứng hoặc với vừng lạc. Đây là cách chế biến quen thuộc của những người thích thưởng thức hương vị thuần khiết nhất của món cải.
Nhưng xào cải mầm đá mới được nhiều người ưa chuộng, nhất là xào với thịt trâu. Khi luộc, vị ngọt của cải tiết ra nước, nhưng khi xào, vị ngọt ấy ngấm ngược vào thịt trâu. Khi xào chỉ cần tuân thủ theo lối ăn “sần sật, giòn giòn chín tới” của cải mầm đá là đã có một món ăn thật tuyệt. Vì vậy, khi xào lửa phải vừa, tay đảo nhanh, liên tục. Cải mầm đá đặc biệt xào với mỡ lợn ngon hơn hẳn với dầu ăn. Miếng cải xanh non bóng mỡ, ăn không ngấy ngán mà ngọt lịm, càng ăn càng thích thú.