Tình trạng quá tải đang tái diễn trên đỉnh Everest, khiến người leo núi có thể tử nạn vì thiếu oxy trong lúc chờ đợi.
Tháng 5/2019, cảnh cả trăm người xếp hàng trên con đường mòn dưới cái lạnh âm 30 độ chờ lên đỉnh Everest từng gây sốt trên các phương tiện truyền thông toàn thế giới. Thảm họa tắc đường năm đó đã khiến 11 người đã chết vì kiệt sức và thiếu oxy.
Đầu tháng 6 vừa qua, cảnh tượng này một lần nữa lặp lại. Đoạn video ngắn trên TikTok ghi lại hàng dài người leo núi nhích từng bước, nối đuôi nhau đi qua đoạn đường núi tuyết hiểm trở trên "nóc nhà thế giới" thu hút hơn 3 triệu lượt xem và đang được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo cơ sở dữ liệu của Himalaya, số người chết khi leo Everest năm nay đã vượt qua con số 11 người của năm 2019. Tính đến tháng 6, có tới 12 trường hợp tử nạn và 5 người mất tích trên đỉnh núi này.
Trang tin News (Australia) cho biết người thiệt mạng gần đây nhất, vào 3 tuần trước, là nhà leo núi nghiệp dư Australia Jason Kennison. Nguyên nhân tử vong được xác định là do sốc độ cao nghiêm trọng. Đơn vị tổ chức chuyến thám hiểm cho biết Kennison đã leo đến đỉnh và bắt đầu có dấu hiệu kiệt sức. Khi được đội cứu hộ đưa xuống khu vực nghỉ gần đỉnh, Kennison đã qua đời.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều nhà leo núi tử nạn trên đường chinh phục nóc nhà thế giới là vấn nạn tắc đường. Việc chờ đợi trong cái lạnh âm chục độ C ở độ cao trên 8.000 m gây nhiều nguy hiểm cho người leo núi, nhất là những người chưa đủ kinh nghiệm.
Người đàn ông Australia tử nạn khi chinh phục đỉnh Everest cách đây 3 tuần. Ảnh: News.com.au.
Tại nơi gần đỉnh núi, thường được gọi là "tử dịa", người leo núi cần sử dụng nhiều oxy để hoàn thành chặng đường chinh phục. Do đó, chờ đợi trong thời gian dài dễ dẫn đến cạn kiệt oxy trong bình dưỡng khí.
Tình trạng tắc đường tại Everest xuất hiện bởi hai nguyên nhân chính là lượng người leo núi quá tải và điều kiện thời tiết xấu. Thảm họa năm 2019 khiến 11 người chết cũng diễn ra trong cảnh hàng dài người kẹt cứng chờ lên đỉnh trong điều kiện thời tiết cực đoan với tuyết và gió mạnh. Một nguyên nhân khác được cho là ngày càng nhiều người đăng ký chinh phục Everest nhưng chưa đo lường được thể lực và tích lũy đủ kinh nghiệm để đối mặt với những rủi ro trên đỉnh núi tử thần.
Tắc đường trên đỉnh Everest được chụp vào tháng 5 năm 2019. Ảnh: Project Possible.
Bigyan Koirala, quan chức Bộ Du lịch Nepal, cho biết trong 5 tháng đầu năm đã cấp phép leo Everest cho 478 người, tăng hơn 100 người so với năm ngoái.
Lukas Furtenbach, người điều hành một công ty du lịch có trụ sở tại Áo, cho biết người leo núi nhận thức được độ nguy hiểm khi chinh phục Everest nhưng chính thử thách chết chóc đó là yếu tố thu hút ngày càng nhiều người đặt mục tiêu đặt chân đến nóc nhà thế giới.
Ông Furtenbach nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp đủ oxy cho người leo núi trong suốt chặng đường. Ngoài ra, các đơn vị tổ chức nên sử dụng bình oxy một cách hợp lý để phòng trường hợp tắc đường kéo dài.
"Tôi tin rằng với các tiêu chuẩn an toàn, thiết bị và công tác hậu cần chu đáo, những nhà tổ chức chinh phục Everest có thể tránh được nhiều trường hợp người leo núi tử vong", ông Furtenbach nói.
Nguồn: Theo Reuters, News.co.au (Bích Phương - Vn Express)