Nhà khoa học nữ đứng sau thành công của Vaccine AstraZeneca - người giúp các nước mua Vaccine giá rẻ

Ngày cập nhật 27/08/2021 03:39 PM - 1.076 lượt xem

1. Người phụ nữ đằng sau vaccine Oxford/AstraZeneca - một trong những vaccine COVID-19 đầu tiên được phát triển và chấp thuận sử dụng nhưng lại chỉ có giá 3-4$/liều?

Khi làn sóng Covid-19 thứ hai quét qua, nhiều chuyên gia cho rằng một loại vaccine an toàn và hiệu quả là tia hy vọng để đẩy lùi đại dịch. Cộng đồng hướng sự chú ý vào giới khoa học, những người đứng sau thành công của mỗi liều tiêm chủng. Tới ngày 23/11/2020, Đại học Oxford và hãng dược AstraZeneca thông báo vaccine mà hai đơn vị này phối hợp sản xuất có hiệu quả 70%, liều thấp hiệu quả 90%. Đây được coi là dấu hiệu đáng khích lệ trong chuỗi tin vui về tiêm chủng.

Thời điểm đó, hãng dược Pfizer và Moderna công bố hiệu quả hai vaccine của hãng lần lượt là 95% và 94,5%. Khác với dòng vaccine dựa trên mRNA phải trữ đông, sản phẩm của AstraZeneca có thể được bảo quản trong tủ lạnh thông thường ở 2-8 độ C.


Thông báo của Oxford/AstraZeneca đã đặt bước đệm cho quá trình phê duyệt loại vaccine tiếp theo giúp thế giới đối phó với đại dịch Covid-19. Gần 8 tháng sau, tính đến ngày 16/8, vaccine của Oxford/AstraZeneca đã được 121 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng, theo thống kê của Wego Travel Blog.
Và trong khi giá của các loại vaccine đang được cung cấp khác không dưới 10$/liều (Novavax 16$/liều, Pfizer là 19.5$/liều, Moderna 32-37$/liều, Sinopharm 20-30$/liều) thì giá của vaccine Astra Zeneca chỉ 3-4$/liều. Các nước có thể mua vaccine của Oxford/ AstraZeneca với giá chưa đến 5$/liều. Công ty AstraZeneca cũng hứa sẽ không thu lợi khi đại dịch đang diễn ra, giúp các nước đang phát triển và nước nghèo có thể tiếp cận vaccine.


Ít ai biết rằng, điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có người phụ nữ 3 con tên là Sarah Gilbert. Bà hiện là giáo sư về vaccine tại Viện Jenner của Đại học Oxford.

Sarah Gilbert sinh ra trong một gia đình có bố là nhân viên văn phòng và mẹ là giáo viên tiếng Anh ở Kettering (một thị trấn ở Northamptonshire, miền Trung nước Anh). Cô nữ sinh Sarah tốt nghiệp cử nhân ngành sinh học từ Đại học East Anglia, rồi tiếp tục nhận bằng tiến sĩ hóa sinh chuyên ngành di truyền học tại Đại học Hull (cả hai trường đều không thuộc nhóm các đại học tinh hoa ở Anh).

Tốt nghiệp tiến sĩ, Sarah bắt đầu làm việc trong môi trường công nghiệp trước khi quay trở lại môi trường hàn lâm tham gia vào nhóm nghiên cứu của Adrian Hill – giáo sư y khoa tại Viện Nghiên cứu Jenner, Đại học Oxford để bắt đầu những nghiên cứu về vaccine chống sốt rét vào năm 1994. Những nỗ lực trong nghiên cứu vaccine sốt rét đã giúp bà trau dồi kỹ năng trong việc tạo ra vaccine vectơ virus tái tổ hợp, có thể tự kích hoạt phản ứng tích cực từ tế bào T và không chỉ dựa vào phản ứng kháng thể, như đa số vaccine tại thời điểm đó.
Năm 1998, bà sinh con (một ca sinh ba) và sau thời gian nghỉ thai sản, gia đình nhà nữ khoa học trẻ bắt đầu gặp khó khăn để trở lại với công việc nghiên cứu.

“Cân bằng giữa cuộc sống và công việc thật chẳng dễ dàng, và có khi là không thể nếu bạn không có được sự hỗ trợ tốt. Tôi có ba đứa nhỏ, tiền gửi ba đứa đi nhà trẻ còn nhiều hơn cả lương một postdoc như tôi khi đó. Người bạn đời của tôi (tức chồng của bà là nhà khoa học Rob Blundell) đã phải hi sinh sự nghiệp của anh ấy, ở nhà trông ba đứa trẻ để tôi quay trở lại với nghiên cứu”, Sarah thổ lộ trong một phỏng vấn với nhà trường.

Nhưng với Sarah, môi trường khoa học cũng có những điểm lợi thế riêng với thời gian làm việc linh hoạt và không cần cố định. Sự nỗ lực của bà cùng sự hi sinh thầm lặng của chồng đã được đền đáp khi Sarah Gilbert được bổ nhiệm làm giảng viên Đại học Oxford vào năm 1999 và tiếp đó là phó giáo sư (Reader) vào năm 2004.
Năm 2007, Sarah Gilbert thuyết phục được Quỹ Wellcome Trust tài trợ cho bà một dự án lớn phát triển vaccine cúm mùa, và chính thức trở thành Quản lý Chương trình Chiến lược về Phát triển Vaccine cho người và thú y của Quỹ Wellcome Trust. Phải đến tận lúc này, Sarah Gilbert mới thiết lập được một nhóm nghiên cứu đủ mạnh của riêng bà để theo đuổi những hoài bão bà vẫn ấp ủ.
Năm 2014, bà dẫn dắt cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên ngừa Ebola. Và khi dịch MERS-CoV (hội chứng hô hấp Trung Đông) bùng phát, bà đến Ả Rập Xê Út để phát triển một loại vaccine cho loại virus corona này.

“Lời khuyên của tôi cho những phụ nữ vừa muốn duy trì một gia gia đình và sự nghiệp khoa học là cần chấp nhận đó sẽ là công việc đặc biệt khó khăn. Điều quan trọng là phải biết lập kế hoạch và cần đảm bảo sự hỗ trợ hết lòng từ người bạn đời. Dù bằng cách gì chăng nữa, kế hoạch và thực tế về những gì bạn cần mới có thể giúp ích về lâu dài. Tôi có may mắn, các con mình dường như đã phát triển bình thường, nhưng không đứa nào trong số chúng muốn trở thành nhà khoa học”, Sarah Gilbert chia sẻ.

 


 2. Nghiên cứu mang tính lịch sử


Đầu năm 2020, khi vaccine ngừa bệnh MERS mới bước sang giai đoạn thử nghiệm lần 2 thì dịch COVID-19 xuất hiện ở Trung Quốc. Thời điểm này, bà dành một vài ngày theo dõi bệnh (khi đó còn được gọi là bệnh viêm phổi bất thường). Và khi biết đó là do 1 loại virus corona gây ra, bà có ngay ý tưởng phát triển 1 loại vaccine khác tương tự cách đã làm với MERS.

Tình hình dịch COVID-19 xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới khiến bà Gilbert và nhóm nghiên cứu tự nhận thấy rằng "cần phải hành động nhanh chóng". Theo lời kể của đồng nghiệp thì giáo sư Sarah Gilbert đã làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, có hôm bà làm việc từ 4 giờ sáng. Cuối cùng, chỉ trong một tuần sau khi các nhà khoa học Trung Quốc công bố cấu trúc di truyền của loại virus mới, nhóm của bà Gilbert đã thiết kế xong vaccine Covid-19 - vaccine Oxford/AstraZeneca.

Vaccine COVID-19 của Astrazeneca chứa một loại virus gây cảm lạnh thông thường đã được biến đổi gen.

Trong vòng 65 ngày, phòng thí nghiệm của bà đã tạo ra những "mẻ" vaccine đầu tiên, sau đó được thử nghiệm trên những người tình nguyện trong khi virus vẫn đang lan tràn khắp hành tinh.

Điều đáng nói, công việc của bà cũng nhận được sự ủng hộ của các con (các con bà đều chọn ngành hóa sinh tại trường đại học). Họ tình nguyện tham gia thử nghiệm vaccine Oxford/AstraZeneca.

Các thử nghiệm vaccine đã được bắt đầu tại Anh từ tháng 4/2020  nhưng rồi hi vọng thử nghiệm lại lớn trở lại khi họ mở rộng thử nghiệm tại Brazil, Nam Phi. Tuần cuối cùng của tháng 7/2021, nhóm Oxford chính thức công bố kết quả thử nghiệm đầu tiên trên tạp chí y khoa Lancet danh tiếng.
Theo đó, vaccine đã tạo ra kháng thể trung hòa chống lại virus (Neutralising antibodies để tiêu diệt virus) và tạo ra cả tế bào T (T-cells) cho phép hệ miễn dịch ghi nhớ virus để bảo vệ cơ thể trong tương lai; lượng tế bào T-cells đạt đỉnh trong vòng 14 ngày trong khi kháng thể diệt virus sẽ đạt đỉnh trong 28 ngày sau khi tiêm vaccine; vaccine có chút tác dụng phụ là gây sốt và đau đầu nhẹ, nhưng đều có thể giải quyết đơn giản bằng paracetamol, một thuốc hạ sốt giảm đau thông thường.
Và kết quả còn cho thấy vaccine đã hạn chế tối đa việc lan truyền virus từ những người bị nhiễm này thông qua sự giảm mạnh những người nhiễm mà không xuất hiện triệu chứng.

Sự thành công của vaccine Oxford đang đem lại niềm hi vọng lớn lao cho toàn nhân loại, và đứng đằng sau nó là đóng góp lớn từ những nữ khoa học như Sarah Gilbert, Catherine Green, Teresa Lambe và tập thể nhóm nghiên cứu tại Oxford. Một điều quan trọng hơn nữa là, bên cạnh những nỗ lực không mệt mỏi của nhóm nghiên cứu, họ còn gạt bỏ lợi nhuận kinh tế sang một bên để ưu tiên đưa thành tựu khoa học đến với số đông nhân loại.

3. Từ bỏ cơ hội kiếm hàng triệu USD để cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới

Thử nghiệm của vaccine Oxford/AstraZeneca nhận được kết quả tốt, đứng trước cơ hội kiếm hàng triệu USD nhưng bà Gilbert chọn từ bỏ bằng sáng chế vaccine để có thể cứu sống hàng chục triệu người trên thế giới.
Bà nói: "Ngay từ ban đầu, chúng tôi nhận thấy vaccine này sẽ tham gia vào một cuộc đua chống lại virus, chứ không tranh đua với các vaccine khác. Chúng tôi làm việc ở Đại học và không có ý định kiếm tiền từ đó".

Và quả thực, bà đã tặng trọn vẹn thành quả nghiên cứu vaccine này cho cộng đồng, Nhóm nghiên cứu của Oxford đã đạt được thỏa thuận phát triển, sản xuất và phân phối vacicne trên toàn cầu với công ty dược Anh/Thụy Điển AstraZeneca. Theo mong muốn của bà Gilbert, AstraZeneca cam kết không thu lợi nhuận từ vaccine Covid-19 trong đại dịch. Với các nước đang phát triển, giá vaccine này sẽ phải được phân phối phi lợi nhuận đến công chúng với giá gốc chính thức thật rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với giá cả thị trường, chỉ khoảng 3USD mỗi liều và giá vaccine này được giữ nguyên, kể cả khi đại dịch kết thúc.

Giáo sư Sarah Gilbert cùng với nữ đồng nghiệp của mình là Catherine Green.

 

Mới đây, Giáo sư Sarah Gilbert cùng với nữ đồng nghiệp của mình là Catherine Green ghi chép lại và xuất bản cuốn sách "Vaxxers: The Inside Story of the Oxford AstraZeneca Vaccine and the Race Against the Virus" (Vaxxers: Câu chuyện bên trong về vaccine Oxford AstraZeneca và Cuộc chạy đua chống lại Virus). Trong cuốn sách, những câu chuyện chiến đấu với đại dịch của những người bình thường trong những hoàn cảnh phi thường, công việc chế tạo vaccine Oxford/AstraZeneca cũng như khoa học tiên tiến và khó khăn đằng sau nó... đã được truyền tải đầy đủ.

Vaxxers: The Inside Story of the Oxford AstraZeneca Vaccine and the Race Against the Virus


 

4. Sự ghi nhận xứng đáng

Chính bởi những cống hiến to lớn cho khoa học và tấm lòng nhân hậu với cộng đồng của bà Sarah Gilbert mà mới đây, trong giải đấu quần vợt Wimbledon, cả khán đài đã đứng dậy vỗ tay cảm ơn, khi khán giả vô tình phát hiện ra sự có mặt của bà. Bà đã có thể trở thành triệu phú nếu bán kết quả nghiên cứu này cho các công ty dược phẩm.

 

Hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng Mattel Inc. cũng vừa ra mắt phiên bản mới búp bê Barbie được tạo từ hình mẫu giáo sư Sarah Gilbert để vinh danh nhà khoa học này.

Chia sẻ việc được tạo hình búp bê Barbie, bà Gilber bày tỏ rằng bà mong rằng các thế hệ tương lại nhận thức được rằng họ cũng có thể làm việc trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) - lĩnh vực mà trước đây thường ít có phụ nữ tham gia.

Ngoài ra bà còn được tờ BBC vinh danh trong danh sách 100 Phụ nữ Tiêu biểu năm 2020


 

 

Chia sẻ bài viết:
Showroom
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc