Speleology là thuật ngữ để chỉ việc nghiên cứu hang động, và Slovenia được coi là nơi khai sinh ra ngành thám hiểm đầy cuốn hút nhưng rất nguy hiểm này. Nơi đây cung cấp nhiều hang động cho phép mọi người đi xuống lòng đất, từ những hang du lịch dễ dàng đến những hố sâu nhất thế giới. Các hang động tại đây có vẻ đẹp độc đáo sánh với các địa mạo karstic nổi tiếng khác ở Đông Nam Trung Quốc, Việt Nam, Lào và Papua New Guinea.
Bên trong Krizna jama, nơi dành cho khách du lịch di chuyển bằng thuyền. Ảnh: National Geographic
Nơi những dòng sông biến mất bí ẩn
Với 20.271km2 và 2 triệu dân cư, Slovenia cung cấp cho thế giới đến hơn 20 hang động nổi tiếng trong số hơn 8.000 thành tạo karstic gọi là jamas. Nơi đây người ta dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường những con sông hùng vĩ đột ngột biến mất một cách bí ẩn vào lòng đất, rồi tạo thành những hệ thống đường dẫn ngầm xuyên qua các núi đá vôi tạo thành hang động.
Nơi đây người ta cũng đã tìm thấy dấu tích của những cư dân hang động của gần 5.000 năm trước, bút tích một cuộc thám hiểm năm 1557 lưu lại trên vách đá động Krizna, và từ đó ngành du lịch hang động ở Slovenia nở rộ từ thế kỷ XVII.
Krizna jama, nơi khai sinh ngành thám hiểm hang động.
Cuộc thám hiểm các hang động đá vôi kiểu địa mạo karstic rất nguy hiểm, kể cả với việc chụp những tấm ảnh trong một thế giới hoàn toàn khác với không gian dưới ánh mặt trời.
Robbie Shone, nhiếp ảnh gia và là nhà nghiên cứu hang động người Anh đã ấp ủ 10 năm mới chụp được những bức ảnh nơi động Kacna. Lối vào qua cửa sổ cao hơn trần động 250 bộ (feet), và còn thêm 250 bộ mới đến dòng sông ngầm, cọng chung có đến 500 bộ rơi tự do mà việc lên xuống nhờ vào dây thừng và máy nâng.
Chìa khóa của hệ thống hang động Slovenia nằm nơi các dòng sông, khi ẩn khi hiện, mà nổi tiếng nhất là các sông Reka, Rak, và Pivka.
Hang động sông không phải là hiếm, tuy nhiên, chỉ có một số cảnh quan karst mà các hang động sông đạt kích thước rộng lớn như ở Slovenia. Cao nguyên karst tạo thành một vùng địa lý đặc biệt tại đây, nó kéo dài từ bờ biển Adriatic ở phía Nam tới Thung lũng Vipava, tạo thành một hành lang nối vào vùng đá vôi Đông Bắc nước Ý.
Bên dưới ngôi làng Škocjan là những hang động cùng tên, một di sản của UNESCO, trong đó cả một con sông – sông Reka – dường như bị trái đất nuốt chửng. Từ trên mặt đất, con sông đột ngột lao vào một ống hút (siphon) trong đá, tiếp tục chảy quanh co theo các dòng ngầm, rồi nổi lên cách đó 24 dặm gần Monfalcone nước Ý trước khi nhập vào sông Timavo đổ ra biển Adriatic.
Nơi con người sống chung với hang động
Hơn nơi nào hết, Slovenia không chỉ là nơi khai sinh kỹ nghệ du lịch hang động mà còn là nơi cộng sinh giữa con người với cấu trúc địa chất đặc biệt. Những người Ý và người Slovene sinh sống dọc hành lang các núi đá vôi đã tạo cho mình loại nho Teran đặc sắc để làm ra loại rượu vang đỏ giàu sắt rất nổi tiếng.
Các hang động đã đóng nhiều vai trò trong suốt lịch sử. Người ta đã sử dụng chúng như một nguồn nước, tủ lạnh, và thậm chí là kho chứa đạn dược trong chiến tranh. Trong suốt thời kỳ Băng hà, Krizna jama là nơi trú ẩn quan trọng của gấu – khoảng 2.000 bộ xương gấu vẫn còn. Ngày nay, các hang động trên sông là môi trường sống quan trọng của nhiều loài động vật, trong đó có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Postojna jama là hang động lớn nhất và thu hút khách du lịch nhất của Slovenia, được thiết kế hoàn chỉnh với những chuyến tàu đưa du khách qua các đường hầm và hội trường mê cung chứa đầy hóa thạch cùng các hang động nguyên sơ, tuyệt đẹp. Postojna và Planinska jama gần đó là nơi sinh sống của proteus anguinus, một loài kỳ nhông hang động dưới nước có nguy cơ tuyệt chủng được gọi một cách trìu mến là “cá người”. Trong lễ Giáng sinh, một cảnh Chúa Hài Đồng được dựng lên ở Postojna và hơn 500 người tập trung trong một thạch thất để chứng kiến màn trình diễn lễ hội được dàn dựng giữa các nhũ đá và măng đá.
Postojna jama được thiết kế hoàn chỉnh với những chuyến tàu đưa du khách qua các đường hầm... Ảnh: postojnska-jama.eu
Ở đây du khách có thể chọn lựa cấp độ du lịch hang động thích hợp cho mình. Động Postojna được coi là viên ngọc bích lớn nhất, nơi đây chuyến tàu hang động sẽ đưa du khách đến những tác phẩm điêu khắc, nhũ đá, măng đá và sảnh đường tráng lệ. Động Škocjan tuyệt đẹp nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.
Ở đây du khách có thể ngắm nhìn những hẻm núi ngầm sâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Và hơn thế nữa, phía sau những cửa hang là nơi dành cho những du khách có nhiều can đảm khám phá. Hang động Krizna gây ấn tượng mạnh với hàng loạt hồ nước ngầm trong xanh như ngọc bích, trên đó du khách có thể đi thuyền đến các sảnh núi đá vôi tráng lệ dưới sự hướng dẫn an toàn của các nhà thám hiểm giàu kinh nghiệm.
Nơi khai sinh ngành thám hiểm hang động
Lịch sử ngành thám hiểm hang động gắn liền với Krizna jama nằm ở vành đai đá vôi Cerknica Polje gần khu định cư Loz. Chiều dài hang lên tới 8.273m, trong đó khoảng 600m được bố trí cho các chuyến tham quan thường xuyên của khách du lịch, phần còn lại cho các nhà thám hiểm.
Trên thực tế, Krizna được coi là một trong những hang động du lịch hấp dẫn nhất ở Slovenia, do có những hồ nước ngầm lớn với nước trong vắt được hình thành sau những con đập bằng đá thạch anh và được trang trí rất nhiều kiểu cách bởi các hòn đá lăn. Một trong những điểm thu hút khách du lịch là hang gấu.
Hiện tại, Krizna jama nằm dưới sự quản lý của Hiệp hội Thám hiểm hang động Krizna Cave Caving Society, và ở đây du khách di chuyển bằng thuyền có người hướng dẫn.
Bút tích đầu tiên của đoàn thám hiểm Krizna khắc trên vách đá, vào năm 1557.
Tên ban đầu của Krizna là Hang lạnh vùng Loz (Mrzla jama pri Lozu), đổi thành Động lạnh dưới núi Krizna (Mrzla jama pod Krizno goro), và nay lấy tên nhà thờ Thánh giá nằm trên ngọn đồi đặt cho hệ thống hang động, gọi là Cerkev Svetega kriza. Cư dân đầu tiên của động Krizna thuộc thời kim khí với nhiều di vật để lại bao gồm đồ gốm, nhưng tổ tiên của họ sinh sống trong các hang động thuộc về thời đồ đá cũ, khoảng 2.800 năm trước Công nguyên.
Có thể đây là nguyên nhân cuốn hút các cuộc thám hiểm Krizna, và bút tích đầu tiên của một đoàn thám hiểm ghi rõ trên vách đá dòng chữ 1557. Các cuộc thám hiểm tiếp tục qua nhiều thế kỷ như một thứ du lịch khám phá, nhưng phải đến năm 1832, một báo cáo chính thức mới được J.J. Tobin thiết lập, và năm 1838, J. Cerar cung cấp bản phác thảo mô tả đầu tiên.
Các cuộc khám phá thực sự không dễ dàng, và mãi đến năm 1962 mới có một nhóm học sinh trung học từ Ljubljana Šiška vượt qua hồ nước đầu tiên dưới sự hướng dẫn của giáo sư Prezelj. Các nhà thám hiểm từ những câu lạc bộ Slovenia và nước ngoài đã dành nhiều thập kỷ, từ năm 1970 đến năm 1990 để tìm kiếm, phát hiện những lối đi và các sảnh mới của hang động, và nhất là lặn xuống khảo sát ống hút của giếng Kittlow.
Các cuộc đo đạc, khảo sát và thám hiểm được đẩy mạnh giữa những năm 1990 và năm 2003 nhờ 2 hiệp hội Speleological society of Karlovec và Assotiation of Krizna cave lovers. Họ bắt đầu rửa sạch các hang động, chụp hình nó, và phát hiện ra những đường hầm mới cùng lặn sâu, tìm kiếm ống hút mới.
Và ngày nay, du lịch hang động trở thành hoạt động kinh tế đặc sắc ở Slovenia.
Hoàng Quân