Một trong những người hiếm hoi từng tiếp xúc với bộ tộc Sentinel cho rằng John Chau có thể đã có cơ hội rút lui, nhưng anh không làm vậy.
T. N. Pandit, 84 tuổi, là một nhà nhân chủng học dành cả đời nghiên cứu những bộ tộc thiểu số tại Ấn Độ và từng giữ chức Giám đốc Sở thuộc Bộ Chuyên trách các vấn đề về dân tộc. Ông Pandit từng nhiều lần tới thăm hòn đảo Bắc Sentinel của bộ tộc cự tuyệt thế giới từ những năm 1960 tới 1990.
Sau khi John Allen Chau, 27 tuổi, được cho là chết vì mưa tên của bộ tộc Sentinel - những người từ chối tiếp xúc với bất kỳ người lạ mặt nào, ông Pandit đã lên tiếng về bi kịch xuất hiện trên vô số mặt báo khắp thế giới.
"Tôi cảm thấy buồn trước cái chết của chàng trai trẻ này, người đã lặn lội từ Mỹ. Nhưng cậu ấy đã phạm một sai lầm khi có đủ cơ hội để tự cứu lấy mình. Nhưng cậu ấy cứ tiến tới và đã phải trả giá bằng mạng sống", ông nói.
"Trong những lần tiếp xúc, thổ dân nhiều lần đe dọa chúng tôi nhưng mọi chuyện không bao giờ đến cực điểm khiến họ phải ra tay lấy mạng hay gây thương tích cho ai. Bất cứ khi nào họ tỏ ra kích động, chúng tôi luôn rút lui", ông Pandit trả lời BBC.
Chuyên gia nhân chủng học người Ấn Độ này lần đầu tiên tiếp cận đảo Bắc Sentinel vào năm 1967, trong một chuyến thám hiểm. Ban đầu, người Sentinel trốn trong rừng khi những vị khách lạ mặt xuất hiện, sau đó họ bắn tên ra ngoài để phòng vệ.
Những nhà nghiên cứu thường mang một số vật phẩm trong hành trình để cố gắng lôi kéo thổ dân ra bờ biển. "Chúng tôi mang quà gồm xoong nồi, rất nhiều dừa, những dụng cụ kim khí như búa hay dao dài. Chúng tôi cũng phải đưa ba người Onge (một tộc người thiểu số khác trên quần đảo Andaman) đi cùng, để giúp 'phiên dịch' ngôn ngữ và cử chỉ của thổ dân Sentinel", ông Pandit hồi tưởng.
Tuy nhiên, những chiến binh Sentinel đối mặt với các vị khách bằng ánh mắt giận dữ và vẻ mặt hung tợn, trang bị đầy đủ cung tên và giáo dài, sẵn sàng phòng vệ lãnh thổ.
Dù không có tiến triển, các nhà nghiên cứu luôn để lại quà để cố gắng bày tỏ thiện chí với bộ tộc bí ẩn. Nhóm chuyên gia quan sát phản ứng của người Sentinel, và rút ra kết luận. Ví dụ, khi người Sentinel không đánh giá cao một con lợn được tặng; họ trói nó, đâm chết rồi vùi trong cát.
Ông Pandit (trái) tặng dừa cho thổ dân Sentinel vào năm 1991. Ảnh: T. N. Pandit.
Tiếp xúc
Sau nhiều nỗ lực gây dựng quan hệ với người Sentinel của đoàn thám hiểm, cuộc gặp gỡ hòa bình đầu tiên và duy nhất diễn ra vào năm 1991 - khi các thổ dân tới gần các vị khách ngoài bờ biển.
"Chúng tôi bối rối không biết vì sao họ lại cho phép lại gần. Chính họ quyết định gặp gỡ và mọi thứ diễn ra theo nguyên tắc của họ", ông Pandit nhận định.
Các nhà nghiên cứu đưa những trái dừa và nhiều quà tặng khác cho các thổ dân song không được phép đặt chân lên đảo. Ông không quá lo lắng về chuyện bị tấn công, nhưng luôn cẩn trọng khi tới gần các thổ dân.
Đội nghiên cứu cố gắng dùng ký hiệu để giao tiếp với người Sentinel nhưng không có kết quả, do các thổ dân quá mải mê với những phần quà. "Họ nói chuyện với nhau nhưng chúng tôi không thể hiểu ngôn ngữ ấy. Nó nghe giống ngôn ngữ của nhiều bộ tộc khác trong vùng", ông Pandid nhớ lại.
"Không được chào đón"
Tuy nhiên, có lần một thổ dân Sentinel đã đe dọa ông Pandit. Khi đang đưa dừa cho bộ tộc, ông đứng hơi tách khỏi đoàn và bắt đầu đi gần vào bờ.
"Một cậu bé Sentinel làm vẻ mặt hài hước, cầm dao lên và ra hiệu sẽ lấy đầu tôi. Lập tức tôi gọi thuyền và nhanh chóng rút lui. Cử chỉ của cậu bé rất quan trọng, và thể hiện rõ là tôi không được chào đón", nhà nhân chủng học trả lời BBC.
Chính phủ Ấn Độ từ đó cho dừng những chuyến thám hiểm tặng quà, người ngoài bị cấm tới gần hòn đảo Bắc Sentinel. Sự biệt lập hoàn toàn của người Sentinel khiến họ dễ tổn thương hơn, mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài có thể khiến họ gặp nguy hiểm vì không có hệ miễn dịch chống lại những căn bệnh thông thường nhất như cúm hay sởi.
Ông Pandit cho hay, đoàn thám hiểm luôn kiểm tra và sàng lọc thành viên để ngăn chặn mọi nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm - chỉ những thành viên có sức khỏe tốt được phép ra đảo Bắc Sentinel.
Các nhà chức trách Ấn Độ khẳng định John Chau, người bị cho là đã chết từ 17/11, không có bất kỳ giấy phép nào cho chuyến thăm đảo Bắc Sentinel. Phượt thủ Mỹ này đã trả 25.000 rupee (354 USD) cho các ngư dân địa phương để họ lén lút đưa anh ra đảo, với hy vọng truyền đạo Cơ đốc cho thổ dân Sentinel.
Gia đình tin rằng phượt thủ Mỹ John Chau (ảnh) có khả năng còn sống trên đảo Sentinel, bởi những cuộc tìm kiếm của chính phủ Ấn Độ không có kết quả. Ảnh: John Chau.
Chính phủ Ấn Độ đã dừng tìm kiếm thi thể John Chau, do lo ngại xung đột với bộ tộc. Dù từng tiếp xúc với người Sentinel, ông Pandit không đồng tình với quan điểm coi bộ tộc này là thù địch.
"Đó không phải cách nhìn nhận đúng đắn. Chúng ta mới chính là những kẻ xâm lược ở đây. Chúng ta là những người cố gắng xâm phạm lãnh thổ của họ", ông nói trên Indian Express.
Chuyên gia này nhận định thổ dân Sentinel yêu hòa bình, và không tìm cách tấn công người lạ. Họ không rời khỏi hòn đảo của mình và gây rắc rối với thế giới bên ngoài.
"Đây chỉ là một sự cố hy hữu", ông nhận định về trường hợp của John Chau.
Ông Pandit tỏ ý sẵn lòng thực hiện những chuyến tặng quà tái thiết lập quan hệ với bộ tộ Sentinel, song cho rằng người ngoài nên tôn trọng ý nguyện sống tách biệt của họ.
"Mặt trái khi chúng ta tiếp xúc gần gũi hơn với họ không chỉ nằm ở nguy cơ lây nhiễm những bệnh họ chưa từng mắc phải, mà còn ở khả năng gây tổn hại tới nền văn hóa và lối sống của người Sentinel", ông nói.
(Theo Vn Express)