Đoạn đường giao thông được xây từ rác thải nhựa đầu tiên tại Việt Nam tại Tổ hợp công nghiệp DEEP C thuộc TP. Hải Phòng. Đây là dự án do Công ty Dow Việt Nam hợp tác với DEEP C Hải Phòg thực hiện.
Dự án được triển khai với mục đích tái chế bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng, bị xả thải bừa bãi hoặc chôn lấp, trở thành vật liệu xây dựng đường giao thông chắc chắn, bền vững hơn. Đây cũng là một bước trong phát triển thị trường đầu ra cho rác thải nhựa.
Để làm nên con đường bằng rác thải có chiều dài thử nghiệm là 1km, các đơn vị thực hiện chuyển hóa gần 4 tấn bao bì nhựa dẻo (tương đương khoảng 1 triệu bao bì nhựa) được cung cấp bởi khách hàng của Dow tại các khu vực lân cận. Rác thải nhựa được sử dụng chủ yếu là bao bì nhựa dẻo đã qua sử dụng như màng nhựa polyethylen, được gia công làm sạch, sấy khô và nghiền nhỏ, sau đó trộn với nhựa đường ở nhiệt độ 150 đến 180 độ C để nóng chảy và hòa trộn hoàn toàn, đồng thời nâng cao độ bền cho chất liệu. Con đường được làm từ nhựa tái chế có khả năng giảm khí thải nhà kính bằng cách thay thế một phần chất nhựa bitum cần có trong nhựa đường.
Sau khi hoàn thành vào tháng 9/2019, con đường sẽ được Đại học Hàng hải Việt Nam đánh giá kết quả thử nghiệm trước khi mở rộng dự án trên phạm vi toàn Tổ hợp công nghiệp DEEP C (Ảnh minh họa)
Trước đó, Công ty Dow đã thực hiện hơn 90km đường giao thông từ rác thải nhựa tại các nước trên thế giới như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Mỹ. Đây chính là nền tảng để công ty áp dụng triển khai dự án tại Việt Nam. Trong khi DEEP C là đơn vị tiên phong trong việc xây dựng và chuyển hóa các khu công nghiệp truyền thống thành các khu công nghiệp sinh thái. Mà mục tiêu chính của sáng kiến khu công nghiệp sinh thái là thúc đẩy sự cộng sinh làm giảm thiểu chất thải công nghiệp, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của DEEP C Hải Phòng I và III cho biết.
Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng
Các hạt nhựa dẻo
Sự hợp tác giữa hai doanh nghiệp này thể hiện cam kết của các tổ chức trong việc thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cũng như giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Dự án xây dựng đường làm từ nhựa tái chế sẽ thu hút chính quyền địa phương, các đơn vị thu gom rác thải. Theo đó, chuỗi giá trị ngành nhựa cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải biển và rác thải nhựa tại Việt Nam, đồng thời phát triển thị trường đầu ra tốt hơn cho rác thải nhựa.
(Theo Baotainguyenmoitruong.vn)