Những lầm tưởng về việc vứt vỏ cam hay rửa bát bên hồ, bất kể là điều gì, bạn có lẽ đã nghe ít nhất một trong những hiểu lầm phổ biến sau về nguyên tắc Không để lại dấu (Leave No Trace) - cũng có thể bạn đang tin vào những điều đó. Để WETREK.VN chỉ cho bạn 6 lầm tưởng phổ biến về nguyên tắc Không để lại dấu khi đi dã ngoại, cắm trại.
1. Vỏ cam (hoặc vỏ hạt, vỏ chuối, hạt) sẽ phân hủy trong môi trường tự nhiên, nên tôi không cần gói chúng lại để vứt đi.
Thật ra, tùy thuộc vào môi trường, vỏ cam có thể mất đến sáu tháng để phân hủy. Với vỏ chuối, có thể mất đến hai năm. Mặc dù những thứ này phân hủy nhanh hơn các chất liệu như nhựa hoặc thủy tinh, chúng sẽ vẫn ở lại nơi bạn vứt lại trong một khoảng thời gian dài. Và ở một khu vực nổi tiếng có rất nhiều du khách mỗi ngày, chỉ cần một số ít người bỏ lại rác từ đồ ăn cũng có thể góp phần làm tăng lượng rác thải đang phân hủy ở nơi đó.
2. Giấy vệ sinh phân hủy nhanh nên tôi có vứt chúng lại khu cắm trại.
Ở bất cứ nơi nào, giấy vệ sinh cũng mất từ hai đến năm tháng để phân hủy. Không hề nhanh như bạn nghĩ. Ngoài ra, dù giấy vệ sinh có phân hủy nhanh hay không, vứt giấy vệ sinh xung quanh khu cắm trại rõ ràng là vô ý thức. Không ai muốn lật một tảng đá lên và thấy toàn giấy vệ sinh đã qua sử dụng ở bên dưới cả. Vậy nên, giống như tất cả những thứ rác thải khác - gói lại và vứt đúng nơi quy định.
3. Em thú cưng của tôi rất ngoan nên tôi có thể để nó chạy xung quanh khu cắm trại.
Mặc dù, bạn có thể đã dành thời gian huấn luyện chú chó của bạn và tin nó sẽ nghe bạn trong bất kỳ tình huống nào, nhưng bạn cũng không thể luôn tin tưởng vào hành vi của những chú thú cưng mà người khác mang theo. Hoặc bạn sẽ không biết chắc cún cưng của bạn có thể làm gì nếu nó chạm trán một sinh vật mà nó chưa bao giờ nhìn thấy trước đó (bạn sẽ không muốn phát hiện ra chú chó của bạn gầm gừ với một chú nai trên đường mòn). Ở nhiều nơi, như các vườn quốc gia, người ta yêu cầu du khách phải buộc dây xích cho thú cưng, giữ chúng gần bên khi gặp các nhóm động vật khác, để chú chó của bạn không làm chúng hoảng hốt.
4. Tôi không cần thiết dọn phân mà chú chó của tôi thải ra - nó cũng giống như chất thải của các động vật hoang dã khác thôi mà.
Phân chó thật sự khác chất thải của các động vật khác. Phân chó chứa hàm lượng ni tơ cao, không giống chất thải của động vật hoang dã, vì thức ăn của chó được xử lý hóa học. Trên thực tế, tùy thuộc vào nơi bạn đến, nhiều loại cây lớn nhanh trên đất có hàm lượng ni tơ thấp, và sự xuất hiện nhiều của phân chó có thể ảnh hưởng đến thành phần cấu tạo của đất trong khu vực - và khả năng phát triển của thực vật bản địa.
5. Đi bộ ngoài đường mòn chẳng gây ra vấn đề gì đáng kể cả.
Chắc chắn việc đó sẽ không là một vấn đề lớn nếu chỉ một người đi bộ ngoài đường mòn. Những con đường tắt luôn hấp dẫn mọi người, đặc biệt khi bạn mệt mỏi. Hoặc nếu có một loài hoa hoang dã đẹp tuyệt vời khiến bạn muốn chụp ảnh. Nhưng những con đường mòn được xây dựng để tập trung tác động của người đi dã ngoại lên đó, giúp quản lý hiện tượng xói mòn, cùng với các mục đích khác, và đi bộ ngoài đường mòn làm mất tác dụng của những mục tiêu đó. Ngoài ra, khi bạn để lại dấu chân ngoài đường mòn, những người đi sau cũng sẽ làm tương tự, người ta sẽ dẫm lên cỏ mà không hề áy náy vì nghĩ mọi người đều đi ra ngoài đường mòn như vậy và dẫn đến nhiều người đi theo con đường mới mà bạn tạo ra. Vậy nên, nếu bạn là người lãnh đạo, hãy đi trên đường mòn, ngay cả khi nó lầy lội!
6. Việc rửa bát trong hồ hoặc sông hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì nếu tôi dùng xà phòng phân hủy sinh học.
Cho dù xà phòng có phân hủy sinh học hay không, nguyên tắc Không Để Lại Dấu khuyên bạn không sử dụng nó gần nguồn nước. Xà phòng có thể gây ra những vấn đề “từ tăng nồng độ ni tơ cho đến việc gây hại đáng kể tới các sinh vật sống dưới nước.” Những gì bạn nên làm với bát đĩa bẩn và việc rửa tay là rửa cách xa nguồn nước 60 mét, sau đó đổ nước vào một cái hố nhỏ (mà trước đó đã gạn lại những vụn thức ăn).
Chu Nguyên