Ở Việt Nam, có nhiều loại quả rừng không những ăn được mà còn ăn rất ngon với nhiều giá trị cho sức khỏe. Cùng Wetrek cập nhật những loại quả rừng này nhé
Xay rừng
Là loại trái cây ăn vặt dân dã xuất hiện rất nhiều ở những cánh rừng rậm như: Gia Lai, Ninh Hòa (Khánh Hòa), Tuy Hòa (Phú Yên), Quảng Ngãi, Ninh Thuận. Người ta thường bán 2 loại là tươi và loại rim đường. Xay rừng thường to khoảng 2 cm, có hình bầu dục hơi hẹp, khi ở trên cây vỏ màu đen tuyền và mịn như nhung nên còn có tên là xay nhung.
Khi hái xuống, quả chín sẽ đổi màu sang nâu hoặc vàng mơ. Vỏ bên ngoài khá nhũn, chỉ cần ấn nhẹ sẽ thưởng thức được ngay hương vị bên trong. Thịt bên trong thường có màu vàng đậm, xốp và mềm, khi ăn có vị chua nhưng để lâu một chút sẽ thấy vị thanh ngọt dễ chịu.
Thanh mai
Thanh mai là loại trái cây mọc ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, nhiều nhất vẫn là ở Lào Cai và Quảng Ninh. Mùa thanh mai chín khoảng từ tháng 3 đến tháng 5. Màu đỏ hồng của thanh mai rất bắt mắt, hơn nữa vị chua nhẹ đặc biệt cũng khiến thanh mai trở thành loại trái cây ăn vặt nhiều người thích.
Cách ăn cũng khá giống dâu tằm, có thể ăn ngay hoặc ngâm với đường làm siro để giải khát mùa hè vào những ngày nắng nóng của tháng 7 tháng 8.
Sim rừng
Đây là một loại quả rừng rất đặc biệt, không chỉ mọc ở nhiều cánh rừng miền núi phía bắc như: Lạng Sơn, Quảng Ninh mà còn mọc ở các vùng hải đảo như Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quốc.
Đối với những tín đồ ăn vặt, sim rừng cũng là một cái tên cũng không còn xa lạ với vị ngọt dịu không thể lẫn. Bên ngoài vỏ sim cũng mềm và mịn như nhung, nhưng bên trong thịt sim có một màu tím đen, vị ngọt dịu dịu mà chắc chắn khi ăn nhiều miệng bạn cũng sẽ đen tím như màu sim.
Được xem là loại cây có tác dụng chữa bệnh với cả lá, hoa, quả, thân, rễ, sim rừng là một trong những loại quả có giá trị cao về mặt y học.
Mắc mật
Trước đây, mắc mật bị coi là loại cây dại nhưng giờ đây khi được phát hiện ra nhiều công dụng thì đây lại là một trong những loại quả được ưa chuộng.
Mắc mật khi chín có vỏ màu vàng, có thể ăn tươi hoặc chế biến kèm theo những món ăn. Khi ăn tươi, ban đầu sẽ cảm nhận được vị ngọt nhưng rất nhanh sau đó là một vị chua ập đến ngay lập tức.
Là một thứ quả rừng sạch, an toàn, lá mắc mật còn được sử dụng như một loại gia vị để chế biến món ăn, chế biến tinh dầu và hạt mắc mật còn được phơi khô rồi xay thành bột để làm gia vị.
Táo mèo
Táo mèo là loại quả mọc nhiều ở những tỉnh miền núi, ngon nhất và nổi tiếng nhất người ta thường nói đến táo mèo ở 2 vùng là Yên Bái và Lào Cai.
Vị đặc trưng nhất của táo mèo chính là vị chát, tiếp đến là vị chua và có một chút ngòn ngọt. Táo mèo có thể ăn tươi chấm muối, dầm với ớt đường hoặc ngâm siro.
Không chỉ ngon miệng, táo mèo còn được sử dụng trong Đông y để làm thuốc cùng những công dụng như: hạ huyết áp, hạ mỡ máu, giãn động mạch vành, cải thiện sức co bóp của tim.
Thảo quả
Thảo quả là một loại thảo dược được sử dụng làm gia vị rộng rãi trong nhiều món ăn. Nhờ hương vị vừa thơm, vừa ngọt lại vừa cay, thảo quả được coi là nữ hoàng trong các loại gia vị.
Thảo quả thường mọc hoang dại và được trồng ở vùng khí hậu mát lạnh như vùng núi Hoàng Liên Sơn hay vùng Tây Bắc như Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái…
Công dụng chủ yếu của thảo quả là để chế biến gia vị và làm thuốc trong Đông y. Tính ấm, cay và thơm của thảo quả có tác dụng rất tốt trong việc: trừ đờm, ấm bụng, tiêu tích, kích thích ăn ngon, chữa nôn mửa, sốt hay ho có đờm…
Trám rừng
Trám rừng là một trong những đặc sản của vùng núi phía Bắc. Có hai loại trám rừng là trám trắng (có màu xanh lá cây) và trám đen.
Trám trắng có thể ăn tươi, chấm muối hoặc dầm ăn với mắm và ớt. Vị của trám trắng thường là chát và ngọt xen lẫn vào nhau. Người ta có thể dùng trám trắng để kho thịt, nấu canh chua, om cá.
Trám đen lại có một màu đen mượt được phủ ngoài một lớp trắng mỏng trên vỏ. Trám đen có vị bùi ngậy rất đặc trưng, thịt bên trong khá bở màu vàng. Đến những vùng núi cao phía Bắc, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức những đặc sản được chế biến từ loại quả này như: xôi trám, thịt ba chỉ kho trám, thịt rang trám đen, dầu trám, cá kho… béo ngậy và bổ dưỡng.
Dâu tằm
Dâu tằm (hay còn gọi là dâu ta) mọc ở rất nhiều nơi, mọc bên đường cũng có, mọc trong vườn của các gia đình ở miền núi phía Bắc.
Dâu tằm thường mọc thành chùm nhỏ, từ khi ra hoa kết trái cho đến khi chín mọng sẽ qua rất nhiều lần thay đổi màu sắc khác nhau rất thú vị: ban đầu sẽ có màu trắng pha xanh lá cây, rồi chuyển dần qua màu hồng, tiếp đến là màu đỏ và cuối cùng khi chín sẽ có một màu đen giống như quả nho.
Dâu tằm được mọi người ưa chuộng bởi hương vị mềm ngọt, hơi chua chua, mọng nước, có thể ăn tươi, làm mứt, ngâm rượu và cả công dụng làm thuốc rất hữu ích.
Nguồn ( Tổng hợp)