Chuối là một trong những loại trái cây được tiêu thụ rộng rãi nhất trên hành tinh, đồng thời là một trong những loại siêu thực phẩm bổ dưỡng. Nhưng ít ai ngờ nó còn có thể giảm nguy cơ chuột rút.
Chuột rút, hay vọp bẻ, là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ. Ai cũng có thể bị chuột rút, tại bất cứ đâu từ tay, chân cho đến bụng. Rất khó để biết bao giờ cơn chuột rút sẽ đến khi và đến như thế nào.
“Có hai nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút. Nguyên nhân thứ nhất là thiếu ôxy đến cơ, nguyên nhân thứ hai là thiếu nước và kali.”
Có hai nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút: thiếu ôxy đến cơ và thứ hai là thiếu nước, kali
Theo Viện nghiên cứu Linus Pauling (Mỹ), nếu hay bị chuột rút thì bạn nên ăn nhiều chuối hơn. Lý do bởi chuối chứa nhiều Kali. Chuột rút phần lớn do mất cân bằng giữa các chất điện giải - đặc biệt sự sụt giảm của magiê và kali. Những chất này mất đi theo mồ hôi.
Đó là lý do khi thi đấu trong thời tiết nóng, các VĐV thường xuyên phải uống nước tăng lực có chứa kali, magiê và những chất điện giải khác. Một quả chuối trung bình chứa 420 miligam kali, hay gần 10% số lượng kali mà cơ thể người lớn cần trong một ngày (4.700 mg).
Bên cạnh chuối, nhiều thực phẩm tự nhiên khác có thể thay thế là khoai lang, nho khô, nho sấy, đậu sấy, đậu Hà Lan và đậu lăng, rau chân vịt hay bí mùa đông.
Chuối là siêu thực phẩm và chứa nhiều kali - chất giúp bạn tránh bị chuột rút
Nhưng bạn nên lưu ý: Chuối có thể ngăn ngừa chuột rút nhưng nó không chữa được chuột rút. Hầu hết những trường hợp chuột rút đều không cần sự can thiệp y tế. Bạn chỉ cần kéo dãn cơ và xoa bóp là đủ để tan biến cơn đau.
Không cần phải vận động nhiều, mạnh mới có thể gây chuột rút. Bạn ngồi hay đứng cả ngày, uống nhiều chất có cồn, không uống đủ nước, mang thai hay đi giày quá chật... cũng có thể gây chuột rút.
Nếu uống đủ nước và kali mà vẫn bị chuột rút, tốt nhất hãy đi khám sức khỏe. Đó là dấu hiệu của nhiều bệnh như suy giảm hoạt động tuyến giáp, bệnh tiểu đường và Parkinson.
(Theo Web Thể Thao)