Jo Fraser là một nhà văn Australia có đam mê xê dịch. Dưới đây là chia sẻ của cô trên HuffPost về trải nghiệm của bản thân sau khi bỏ việc đi phượt:
Ngày nay, không khó khăn gì để bạn tìm thấy ai đó viết về chuyện "bỏ việc đi du lịch khắp thế giới" khi lướt Facebook hay Instagram. Một bài đăng không thể thiếu tấm ảnh chụp cây kem gelato Italy đầy màu sắc, một cô gái dang tay giữa khung cảnh tuyệt đẹp, hay một bài phàn nàn về đống rệp trong rèm khách sạn.
Những câu chuyện trên thường thuộc về giới blogger du lịch. Nhờ lao động chăm chỉ và có lẽ một chút may mắn, những blogger này thu hút một lượng người hâm mộ đông đảo, nhận lời mời chu du khắp thế giới, khuyến khích mọi người bỏ việc đi phượt và bắt đầu cuộc sống như họ.
Đó cũng chính là lý do cuộc đời tôi rẽ sang một ngả khác từ đầu năm 2014. Tôi hẹn sếp ra và thông báo rằng mình bỏ việc để đi khắp thế giới, tự tin mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa. Tôi sẽ sớm trở thành một blogger thành công với những câu chuyện hấp dẫn và một album ảnh rực rỡ như minh chứng cho cuộc trốn thoát vĩ đại khỏi đời thường.
Fraser trên đường du lịch. Ảnh: HuffPost.
"Đây sẽ là những năm tuyệt vời nhất trong đời mình, tôi sẽ không bao giờ phải bước chân vào chốn văn phòng bòn rút tâm hồn đó nữa", tôi thầm nghĩ. Những trang blog thúc đẩy tôi và sự phấn khích khiến tôi biến đổi từ một nhân viên văn phòng mệt mỏi thức đêm xem phim truyền hình thành cô gái vui vẻ đi nước ngoài liên tục.
Từ bỏ nguồn thu nhập tốt, tôi mua một tấm vé bay tới Thái Lan kẹp trong ví, đầu đội mũ cói và quyết tâm thành công để không bao giờ phải quay lại. Miễn là có ai đó giúp chụp hình đăng Instagram, tôi sẵn sàng trở thành một phượt thủ tự do tự tại như hằng mong ước.
Tôi đã có những ngày nằm dài tắm nắng trên bãi biển ở Thái Lan, trekking trên dãy Himalaya tuyết trắng, chạy qua những cánh rừng ở Đức, cưỡi lạc đà xuyên thành phố cổ Petra và chiêm ngưỡng Grand Cayon hùng vĩ trên đất Mỹ. Theo một cách nào đó, quyết định bỏ việc đi phượt thắp lên đam mê viết lách trong tôi, tạo nhân duyên gặp người nay trở thành bạn thân nhất và có đủ ký ức hạnh phúc trọn đời.
'Đó là những tháng ngày tôi thấy mình thực sự tự do và vui vẻ', Fraser hồi tưởng về quãng thời gian trên đường phượt. Ảnh: HuffPost.
Tuy nhiên, những ngày vui không kéo dài. Có thứ gì đó dai dẳng trong tâm trí khi tôi nhìn số dư tài khoản vơi dần. Hoàng hôn trên bãi biển Thái Lan miễn phí, nhưng vé xe buýt tới đó thì không. Một đêm đầy tiếng cười giữa lòng Athens miễn phí, nhưng tôi vẫn phải tốn tới 18 euro để thuê giường ngủ trong căn hostel tồi tàn.
Nhiều khi tôi không dám kiểm tra số dư tài khoản trong vài tuần. Tay tôi đẫm mồ hôi còn bụng dạ lạnh ngắt mỗi lần tôi buộc phải nhìn vào những con số trên màn hình cây ATM. Dù blog của tôi bắt đầu nổi tiếng nhưng tới giờ, nó không thu về một xu.
Như một bảng hiệu cẩn thận che chắn khu ổ chuột đằng sau nó, trang cá nhân của tôi đã trở thành biển quảng cáo sáng trưng cho một cuộc sống trong mơ, nhưng thực tế tôi chỉ thấy lo âu và căng thẳng.
Thật mất điểm khi một người đã 25 tuổi mà phải gọi điện thoại cho bố mẹ để xin tiền. Tôi đã phải cầu cứu bố mẹ trả giúp vé tàu đi từ sân bay về nhà bạn - khi tài khoản chỉ còn 3 xu. Hoặc một lần khác, tôi cũng phải nhấc máy gọi về nhà khi bị ngộ độc ở Kenya và dùng chung toilet với hàng chục con gián.
Xin đừng hiểu nhầm, không một giây phút nào tôi thấy hối tiếc. Nhưng tôi đã phải hối hận khi không quản lý tiền bạc chặt chẽ hơn. Những chuyến đi không phải lúc nào cũng hoàn hảo như mong đợi: không xin được visa lao động, sụt giảm tương tác trên blog, máy tính bị đánh cắp, công việc trong mơ không hề đến với tôi.
Nếu bạn đang ấp ủ kế hoạch bỏ việc để lên đường, hãy nhớ rằng không phải ai cũng làm vậy. Phần lớn mỗi người trong chúng ta rồi sẽ về nhà, mở máy tính và bắt đầu nộp đơn xin việc tới hàng loạt công ty đăng tin tuyển dụng.
(Theo Vnexperss)