[Cập nhật] Cháy rừng tại Australia bùng phát đến mức khẩn cấp, nửa tỷ động vật bị thiêu rụi

Ngày đăng 21/01/2020 10:20 AM - 2.579 lượt xem
Hàng nghìn khách du lịch và người dân địa phương mắc kẹt trên bãi biển ở đông nam Australia từ hôm 31/12 vì ngọn lửa bao phủ. Cháy rừng biến nơi này thành chảo lửa đỏ rực.







Tới 4 nghìn người bị mắc kẹt ở thị trấn ven biển Mallacoota vì lửa bùng phát khắp nơi và các đám khói biến ngày thành đêm. Ngọn lửa bùng phát dữ dội một phần vì gió lớn cuốn theo các tro tàn đỏ rực. “Chỗ chúng tôi bị cháy và các đám cháy đã ảnh hưởng đến Mallacoota”, Ủy viên Quản lý Tình trạng khẩn cấp bang Victoria, Andrew Crisp, nói với đài ABC và cho biết thêm các nhân viên cứu hỏa đã được triển khai đến để giải cứu người mắc kẹt. Ảnh: Reuters.



Robert Phillips, đồng sở hữu một siêu thị ở Mallacoota, nói với Reuters rằng ông đang che chở cho khoảng 45 người trong siêu thị của mình, trong khi những người khác đã đi đến cầu cảng chính của thị trấn. “Những đám cháy bùng lên ở khắp nơi, tro tàn đỏ rực bay khắp đường phố chính (của thị trấn)”, ông Phillips nói. “Rất nhiều trẻ em ở đây không thở được”. Ảnh: Twitter/@bluesfestblues.



Trên mạng xã hội bắt đầu xuất hiện các bức ảnh của một số người bị mắc kẹt ở Mallacoota cho thấy bầu trời đỏ quạch như máu. Dù chụp ở bãi biển nổi tiếng của thị trấn, quang cảnh chỉ còn một màu đỏ mù mịt vì khói lửa. Người nào người nấy phải mang mặt nạ phòng độc. Ảnh: Reuters.


 
Các nhà chức trách trong nhiều ngày cảnh báo 30.000 khách du lịch đang tận hưởng kỳ nghỉ hè ở Australia phải rời khỏi khu vực và đây chỉ là một trong hàng trăm vụ hỏa hoạn trong mùa cháy rừng tàn khốc. “Chúng tôi đã cử 3 đội cứu hỏa đến Mallacoota để lo cho 4.000 người ở đó. Chúng tôi rất lo ngại họ sẽ bị cô lập bởi các đám cháy”, ông Crisp nói. Quy mô các đám cháy là chưa từng có. Ảnh: Reuters.



Giới chức Australia đã chuẩn bị các phương án sơ tán theo đường biển hoặc đường hàng không trong trường hợp cần thiết. Những người mắc kẹt đã mặc sẵn áo phao để trốn dưới nước nếu ngọn lửa lan tới. Ảnh: Twitter/@brendanh_au.



Nhiệt độ ở đây có thể lên tới hàng trăm độ C và thiêu rụi bất cứ thứ gì. Và đại dương chính là “lựa chọn cuối cùng” cho những người mắc kẹt, theo Ủy ban Quản lý Tình trạng khẩn cấp bang Victoria. Ảnh: Twitter/@anthonyplummer.



Ở phía bắc, trên các bờ biển ở New South Wales, những người đi nghỉ mát cũng được cảnh báo rằng các đám cháy đang lan nhanh và họ nên tìm nơi trú ẩn. “Các đám cháy di chuyển rất nhanh vào sáng nay. Chúng là mối đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Đừng đi vào hướng đi của chúng, tránh xa các khu vực rừng rậm hoặc đi đến các thị trấn lớn hơn nếu có thể”, Sở Cứu hỏa Vùng nông thôn của New South Wales thông báo. Ảnh: Twitter/@anthonyplummer.


 
Các đám cháy rừng lịch sử đã bùng phát ở Australia trong nhiều tháng nay. Đợt sóng nhiệt và gió mạnh mới đã làm tăng thêm phần nghiêm trọng của chúng. Cháy rừng đã tấn công các thành phố lớn như Sydney và Melbourne, nơi sinh sống của hàng triệu người. Pháo hoa đêm giao thừa bị hủy bỏ ở Canberra và một số nơi khác. Ảnh: Twitter/@jacanab.
 

SÔNG BĂNG NEW ZEALAND HÓA NÂU VÌ TRO TÀN TỪ CHÁY RỪNG AUSTRALIA 

Sông băng ở New Zealand đã chuyển sang màu đỏ hồng từ tháng 12, đến nay đã chuyển nâu vì tro tàn và bụi từ các đám cháy rừng ở Australia bay sang. Chuyên gia cho rằng băng sẽ tan nhiều hơn 30% trong mùa này.
 
Ngày 1/1, người dân ở nhiều khu vực của Đảo Nam bất ngờ chứng kiến khói mù màu cam và mặt trời đỏ rực khi thức dậy. Hiện tượng này xuất hiện do khói từ các đám cháy ở bang Victoria và New South Wales của Australia bắt đầu bay sang phía đông hôm 31/12.
 
Đến ngày 2/12, những bức ảnh được chụp từ dãy núi Nam Alps (trải dài theo chiều dài của Đảo Nam) cho thấy khói mù cuốn theo bụi đã nhuộm các đỉnh núi tuyết và sông băng thành màu nâu.
 
Cựu thủ tướng Australia Helen Clark bày tỏ lo ngại về các tác động môi trường lâu dài với Nam Alps.
 
“Tác động của tro bụi đến sông băng là có thể đẩy nhanh quá trình băng tan”, ông Clark viết trên Twitter. “Làm thế nào thảm kịch của một nước có thể lan sang nước khác”.
 
Theo Guardian, New Zealand có hơn 3.000 sông băng nhưng kể từ những năm 1970, các nhà khoa học ghi nhận 1/3 số này đã biến mất. Với tình hình hiện tại, ước tính sông băng sẽ biến mất hoàn toàn ở New Zealand vào cuối thế kỷ.


Các sông băng ở New Zealand bị chuyển thành màu nâu vì khói và tro tàn từ cháy rừng Australia. Ảnh: Twitter/@Rachelhatesit.

Giáo sư Andrew Mackintosh, Hiệu trưởng trường Trái đất, Khí quyển và Môi trường thuộc Đại học Monash, cho biết trong gần hai thập kỷ nghiên cứu về sông băng ở New Zealand, ông chưa từng thấy lượng bụi lớn như vậy bay qua biển Tasman. Đây là vùng biển hơn 2.000 km giữa Australia và New Zealand.
 
Lượng tro bụi hiện tại có khả năng làm tăng sự tan chảy của băng hơn 20-30% dù đây chỉ là ước tính, theo ông Mackintosh.
 
Cư dân ở Auckland và Đảo Bắc của New Zealand hôm nay thức dậy với bầu trời màu cam bất thường, được cho là kết quả của các đám cháy rừng từ Australia.
 
“Tác động của bụi có thể sẽ kéo dài không quá một năm nhưng nếu Australia tiếp tục bị ảnh hưởng bởi hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng thì đó sẽ là một trong những yếu tố phá hủy toàn bộ sông băng ở New Zealand”, giáo sư này cho biết độ trắng của băng và tuyết phản ánh sức nóng của mặt trời và băng tuyết sẽ tan nhanh hơn nếu nó chuyển đục.
 
Cơ quan khí tượng của New Zealand MetService cho biết phần lớn khói sẽ lưu lại ở đảo quốc này đến hết ngày mai, 3/1.
 

CHÍNH QUYỀN BANG AUSTRALIA TUYÊN BỐ TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VÌ CHÁY RỪNG

Bang New South Wales của Australia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và có thể sẽ bắt đầu sơ tán người dân khỏi các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận cháy rừng thảm khốc đang hoành hành.
 
Thủ hiến bang New South Wales, bà Gladys Berejiklian, hôm 2/1 cho biết tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực kể từ sáng ngày 3/1 và kéo dài 7 ngày, do điều kiện thời tiết dự kiến xấu đi đáng kể vào ngày 4/1, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn, theo CNN.
 
Đây là lần thứ ba bang New South Wales tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vài tháng gần đây. Hai lần trước là vào tháng 11 và tháng 12/2019, mỗi lần kéo dài 7 ngày.
 
Cư dân cũng có thể bị buộc phải sơ tán, đường phố cấm phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn cho người dân. "Chúng tôi muốn đảm bảo thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho khả năng hôm 4/1 có thể là một ngày khủng khiếp", bà nói.

Lính cứu hỏa trong đám cháy rừng ở bang New South Wales hôm 1/1. Ảnh: AFP.

Hàng nghìn người đã phải sơ tán khỏi bờ biển phía nam của bang New South Wales hôm 2/1. Trong khi đó, sở cứu hỏa đã phải thiết lập một "khu vực sơ tán cho khách du lịch" gần sát với ranh giới bang Victoria. Tất cả du khách được khuyến cáo đi sơ tán trước ngày 4/1, do nhiệt độ dự kiến tăng trên 40 độ C, làm tăng nguy cơ hỏa hoạn bùng phát nghiêm trọng hơn.
 
"Tình hình sẽ trở nên nguy hiểm. Đừng ở lại khu vực này hôm 4/1", sở cứu hỏa cảnh báo.
 
Vụ cháy rừng thảm khốc diễn ra khi mùa hè ở Australia vẫn còn kéo dài ba tháng nữa. Tính đến nay, vụ hỏa hoạn đã khiến ít nhất 17 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán để tránh bị ảnh hưởng. Cho tới nay, vụ cháy rừng đã phá hủy hơn 4 triệu ha đất.

[CẬP NHẬT]
NỬA TỶ ĐỘNG VẬT BỊ THIÊU RỤI TRONG TRẬN CHÁY RỪNG KỶ LỤC 

Đợt cháy rừng năm nay đã biến một khu vực rộng lớn ở miền nam Australia trở thành vùng đất chết, quét sạch nửa tỷ động vật bao gồm các loài có vú, bò sát và chim.
 
Theo CNBC, bên cạnh những thiệt hại lớn về người và nhà cửa, ước tính có khoảng 480 triệu cá thể động vật thuộc các loài có vú, bò sát và chim đã chết trong đợt cháy rừng vẫn đang diễn ra ở miền nam Australia.
 
Con số này được đưa ra bởi các nhà sinh thái học đến từ Đại học Sydney, với lưu ý rằng con số thực tế có thể sẽ còn cao hơn, do những đám cháy vẫn chưa dập tắt. Đây được coi là sự mất mát khủng khiếp về đa dạng sinh học không biết khi nào mới có thể phục hồi.
 
Những đám cháy đã biến khu vực miền đông nam Australia thành một vùng đất chết và tình hình được dự báo sẽ càng tồi tệ hơn trong những tháng mùa hè tới. Nhiệt độ cao kỷ lục và hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu đã tạo điều kiện thuận lợi cho những ngọn lửa lan rộng, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà và khiến 18 người thiệt mạng.

 
Ngọn lửa được dự báo là sẽ đạt đến đỉnh điểm vào cuối tuần này, đe dọa xóa sổ toàn bộ một số loài động vật bản địa. Australia vốn đang là nơi có tỷ lệ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
 
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những chú gấu túi bị bỏng nặng đang được chăm sóc y tế, xác động vật nằm la liệt trên mặt đất và những con chuột túi tuyệt vọng chạy thoát những đám cháy. Các chuyên gia ước tính hàng triệu động vật có vú bao gồm gấu túi, chuột túi, chuột túi wallaby và gấu túi wombat đã chết kể từ khi các đám cháy bắt đầu vào tháng 9 năm ngoái.



Bên cạnh việc bị chết trực tiếp bởi ngọn lửa, nhiều con vật không thể tồn tại do thiếu thức ăn và nguồn nước cũng như nơi trú ẩn.
 
Loài gấu túi (koala), vốn đã bị suy giảm trong nhiều năm qua, bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng trong đợt cháy rừng lần này. Các quan chức môi trường Australia ước tính khoảng 30% dân số loài này đã chết, tương đương với 8.000 cá thể. Với bản tính di chuyển và hoạt động chậm, chúng không thể thoát khỏi những ngọn lửa.
 
Koala là một trong những động vật có tính biểu tượng ở Australia, đóng góp từ 1,1 đến 2,5 tỷ USD mỗi năm cho ngành du lịch nước này.
 
Giáo sư Dieter Hochuli từ Đại học Sydney nhận định mặc dù cháy rừng là sự kiện bình thường đối với hệ sinh thái của Australia, tần suất và cường độ của những đám cháy đang ngày tăng lên, và để lại hậu quả to lớn với tương lai của các loài động thực vật.
 
"Không chỉ những loài động vật nổi tiếng đang bị đe dọa, các loài côn trùng mà rất nhiều hệ sinh thái của chúng ta dựa vào để thụ phấn hay trao đổi dinh dưỡng, cũng rất nhạy cảm với lửa", ông Hochuli cho biết.
 
Khoảng 34 loài động vật bản địa ở Australia đã tuyệt chủng trong vòng 200 năm qua.
 
(Theo Zing và tổng hợp thông tin) 
Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
‘Tam giác quỷ’ ở Tây Bắc Việt Nam, nơi những chiếc máy bay một đi không trở lại…

‘Tam giác quỷ’ ở Tây Bắc Việt Nam, nơi những chiếc máy bay một đi không trở lại…

Tại huyện Bắc Yên, Sơn La, có một khu vực mà nhiều năm trước không hiểu vì sao lâu lâu lại có một chiếc máy bay lao xuống nổ tan tành.
Giới thiệu về thương hiệu SCARPA

Giới thiệu về thương hiệu SCARPA

Scarpa là một thương hiệu giày thể thao uy tín có có nguồn gốc tại Ý, nổi tiếng với chất lượng giày cao cấp, có khả năng thõa mãn nhu cầu của các vận động viên, những người yêu thích leo núi, và môn thể thao mạo hiểm ngoài trời. Đặc biệt là về loại giày cho môn thể thao núi như giày leo núi, giày leo đá, giày dã ngoại và một số sản phẩm cho các hoạt động ngoài trời.
Hướng dẫn cách xây dựng nền lều trại: Bí quyết và những điều cần biết

Hướng dẫn cách xây dựng nền lều trại: Bí quyết và những điều cần biết

Những điều cần biết khi xây dựng nền lều trại cho chuyến cắm trại tiếp theo của bạn!
Không cần nhân phẩm vẫn có thể săn mây thành công bằng ứng dụng Windy.com

Không cần nhân phẩm vẫn có thể săn mây thành công bằng ứng dụng Windy.com

Săn mây trên đỉnh núi là một trải nghiệm tuyệt vời cho những người yêu thích du lịch và khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể săn mây thành công, bạn cần phải biết cách đọc và theo dõi thông tin thời tiết một cách chính xác. Điều này càng trở nên dễ dàng hơn với ứng dụng Windy.com, một trong những ứng dụng thời tiết được yêu thích nhất hiện nay. Với Windy.com, bạn có thể dễ dàng đoán trước được sự xuất hiện của mây, giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi của mình.
Review giày leo núi cổ cao Humtto Trekking Sneakers 210696A-2

Review giày leo núi cổ cao Humtto Trekking Sneakers 210696A-2

Giày leo núi là một trong những vật dụng không thể thiếu của bất kỳ phượt thủ nào. Tuy nhiên, để tìm kiếm một đôi giày phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình là một điều không hề dễ dàng.
Lý do nên đầu tư vào một chiếc lều chất lượng cao

Lý do nên đầu tư vào một chiếc lều chất lượng cao

Khi bạn đi cắm trại, Lều là một trong những vật dụng cơ bản nhất và quan trọng nhất. Lều không chỉ cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ khỏi thời tiết xấu, mà còn giúp tạo ra một không gian riêng tư và thoải mái để bạn có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc