Một trong những địa điểm nổi tiếng được săn đón nhiều nhất trong mùa lúa chính là Y Tý – Lào Cai. Nơi đây như tiếp điểm giữa đất trời tựa chốn bồng lai tiên cảnh, mùa lúa chín vàng thật không khỏi khiến người ta xao xuyến.
WETREK.VN sẽ chia sẻ với bạn những thông tin đầy đủ nhất để bạn có một chuyến đi tới Y Tý thật tuyệt và đáng nhớ.
1. Vị trí
Y Tý nằm ở độ cao trên 2000m, lưng tựa vào dãy núi Nhìu Cồ San mà đỉnh của nó cao tới 2660m, gần như quanh năm mây phủ. Đường lên Y Tý là những con đường mòn vạch ngoằn nghoèo rồi chìm nghỉm trong đám lá rừng, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây. Cũng chính vì thế mà khi tới Y Tý nhiều người cảm thấy mình như đang bước vào một thế giới khác tách biệt với trần gian.
2. Thời gian hợp lí
Y Tý có 3 khoảng thời gian khá được các bạn trẻ yêu thích đó là mùa lúa chín từ khoảng tuần thứ 3 của tháng 8 cho đến giữa tháng 9, mùa săn mây vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 4 hàng năm và mùa nước đổ vào khoảng tháng 5 đến tháng 6. Ngoài ra, vào những năm thời tiết lạnh, Y Tý cũng là một điểm có khả năng có tuyết rơi cùng với SaPa và Mẫu Sơn.
3. Di chuyển
Từ Hà Nội, bạn có thể mua vé tàu lên Lào Cai hoặc bắt xe khách giường nằm lên lào Cai. Tuy nhiên để tận mắt chiêm ngưỡng phong cảnh một cách gần nhất thì bạn nên chạy xe máy. Bạn có thể chạy xe từ Hà Nội hoặc đến SaPa mới thuê xe. Đường vào Y Tý hiện nay cơ bản đã khá đẹp và thuận tiện khi trời khô, nếu trời mưa thì đoạn Ngải Thầu – Y Tý hơi khó đi.
Bạn sẽ mất 1 ngày tham quan nếu bạn xuất phát từ SaPa, và 3 ngày nếu bạn chạy xe máy từ Hà Nội lên Y Tý. Đường lên Y Tý chia theo 2 ngả, đường nào cũng phải vượt hơn 100km mới tới.
+ Theo ngả Lào Cai đi Trịnh Tường vòng lên Lũng Pô, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, vòng qua A Mú Sung rồi lên Y Tý. Đường xuyên trong những cánh rừng già, chạy qua những cánh rừng thảo quả thưa vắng người, những bản làng nép mình bên sườn núi. Con đường thử thách và không dễ đi chỉ dành cho những tay lái xe máy vững tay lái.
+ Ngả Lào Cai - SaPa đến Mường Hum, Dền Thàng, Dền Sáng, A Lù đến Y Tý đường đẹp và dễ đi hơn. Con đường này bạn có thể chạy xe máy và ô tô nhưng chú ý vì đường cũng có nhiều đoạn cua tay áo trơn trượt đầy thử thách.
4. Một số địa điểm đẹp
- Mốc 92 - Ngã 3 Lũng Pô
Đây là ngã 3 nơi sông Nguyên Giang (Trung Quốc) gặp dòng Lũng Pô trên đất Việt Nam, hòa mình vào nhau và chảy vào đất Việt với tên gọi Sông Hồng. Đây cũng là nơi có mốc 92 biên giới Việt Nam và Trung Quốc.
- Đường A Lù - Ngải Thầu và Y Tý - Mường Hum.
Con đường này dẫn qua những cánh đồng lúa chín đẹp nhất ở Y Tý. Bạn sẽ đi qua ngọn đồi lúa phủ chín vàng. Lúa ở Y Tý cũng gần tương tự như ở Mù Cang Chải, thân lúa không quá cao và thường chín vào cùng một thời điểm.
- Thôn Hồng Ngài
Hồng Ngài là thôn xa nhất của xã Y Tý nằm sát với biên giới Trung Quốc. Nhiều người hiểu nhầm bản Hồng Ngài này là bản Hồng Ngài trong “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài nhưng thực ra không phải. Hồng Ngài trong “Vợ chồng A Phủ” là ở huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Tuy là thôn xa nhất của xã Y Tý nhưng cuộc sống cũng tương đối ổn bởi đây là thôn trồng khá nhiều thảo quả, một loại nông sản mang lại giá trị cao.
5. Chuẩn bị đồ dùng và lưu ý cần thiết cho chuyến đi
- Kiểm tra, bảo dưỡng xe đầy đủ trước khi đi.
- Balo (kèm áo mưa balo), Mũ bảo hiểm kín đầu, nên mang theo mũ bảo hiểm của mình cho đảm bảo; Bảo vệ gối và tay nếu có; Găng tay đi xe máy; Bộ quần áo đi mưa; Áo phản quang... Bạn có thể lựa chọn trọn bộ sản phẩm chuyên dụng của thương hiệu GIVI.
- Dụng cụ đa năng (dụng cụ sửa xe, dụng cụ dã ngoại đa năng) là trang bị cần thiết để giúp bạn xử lý các tình huống và sử dụng trên đường.
- Mang theo chiếc lều dã ngoại 2 người, bàn/ghế xếp nhỏ gọn để bạn có thể dừng lại, hạ trại và tận hưởng cuộc hành trình một cách chill nhất
- Giấy tờ tùy thân, chứng minh thư nhân dân để trình báo biên phòng, tiền đủ dùng cho chuyến đi.
- Do Y Tý là một xã biên giới nên dọc đường đi sẽ có một số đồn và trạm biên phòng, nên dừng lại và báo với các anh mỗi lần qua trạm.