CHỮA RẮN ĐỘC CẮN: TỪ CỔ ĐẠI ĐẾN HIỆN ĐẠI

Ngày cập nhật 08/09/2021 09:39 PM - 1.301 lượt xem

 chua-ran-doc-can-tu-co-dai-den-hien-dai-wetrekvn

Hiện nay có một số quan điểm tranh luận tính hiệu quả của việc chữa rắn cắn giữa các thầy thuốc dân gian (Đông Y) và bệnh viện (Tây Y). Wetrek xin gửi tới bạn một bài viết từ nhóm Nhận dạng và sơ cứu rắn cắn về vấn đề này và hy vọng bài viết này thỏa mãn một phần nào đó các băn khoăn của các bạn.

Bài viết gồm các mục:

1. Người cổ đại chữa rắn độc cắn như thế nào

2. Các nghiên cứu khoa học về cách trị rắn độc cắn trong dân gian

3. Huyết thanh: lịch sử và phát triển

4. Các biện pháp lỗi thời trong sơ cứu rắn độc cắn

5. Bị rắn cắn thì phải làm gì

6. Kết luận

7. Tài liệu tham khảo.
 

1. NGƯỜI CỔ ĐẠI CHỮA RẮN ĐỘC CẮN NHƯ THẾ NÀO

Nhà thông thái người La Mã Gaius Plinius Secundus (AD 23/24 – 79), người soạn bộ bách khoa toàn thư “Lịch sử tự nhiên” [1] khẳng định rằng có thuốc giải cho mọi loại nọc rắn trừ rắn hổ mang. Tuy nhiên, điều này không còn đúng so với sự tiến bộ y học ngày nay. Các phương thuốc cổ đại bao gồm một số chất vô hại như rue, myrrh, tanin, sữa đông,… hoặc các chất có hại hay phi lý như ếch luộc, chồn khô và tinh hoàn hà mã,... [2]. Việc đưa ra một toa thuốc cụ thể với các quy trình trị liệu rõ ràng cũng như tính khoa học của các biện pháp này là không được kiểm chứng.

(Note: tính khoa học trong khuôn khổ bài này có nghĩa là có quy trình, hệ thống rõ ràng và lặp lại được một cách khách quan. Vd. dùng thuốc A chữa bệnh B cho nhiều người, nhiều lần, và thấy có hiệu quả như nhau)

Theo nghiên cứu của Adrienne Mayor là Học giả Nghiên cứu về Lịch sử Khoa học Cổ điển, Đại học Stanford, những người dân bản địa Psylli sống ở Bắc Phi - nơi có nhiều rắn độc và bị rắn cắn thường xuyên - có khả năng miễn dịch mạnh với nọc rắn. Nước bọt của họ có tác dụng như thuốc giải độc rắn. Người Psylli đạt được điều này dựa trên nguyên lý kháng huyết thanh (antiserum principle). Điều này tương tự với những trường hợp một số nhà nuôi rắn ở phương tây tiêm nọc rắn từ từ vào người để tạo kháng thể (trong kiếm hiệp gọi là lấy độc trị độc  ). Lịch sử xác nhận người Psylli đã chữa tốt cho những binh lính La Mã bị rắn viber cắn trong chiến tranh Cato ở Bắc Phi vào thế kỷ thứ I TCN [2]. Họ đã sử dụng miệng để hút nọc rắn ra khỏi người bị rắn cắn (đây là phương pháp cổ xưa nhất để chữa rắn cắn). Tuy nhiên, điều này có nguy hiểm nếu người hút nọc bị vết xước trong miệng. Sau này các bác sĩ cổ đại đã dùng đĩa để hút nọc rắn. 

Thời trung cổ, các bác sĩ phương tây thường sử dụng một hợp chất nổi tiếng gọi là Theriac để chữa rắn cắn. Hợp chất này được cho là có nguồn gốc truyền từ thời cổ đại. Công thức của Theriac bao gồm rắn nấu với thuốc phiện, thảo mộc, gia vị, hạt óc chó, rue, bột xác ướp và một số vật liệu bí truyền. Theriac được cho là đặc biệt hiệu quả đối với vết cắn có độc và nó được dùng cho đến tận thế kỷ XVIII [3]. Trong thời cận đại, việc sử dụng rượu mạnh (uống), mù tạt (bôi), amoniac (xoa hoặc thậm chí tiêm vào máu) được coi là phổ biến nhưng không mang lại hiệu quả mong đợi [4]. 

chua-ran-doc-can-tu-co-dai-den-hien-dai-wetrekvn

Bình đựng đất nung được thiết kế để đựng theriac, Ý, 1641 

Đối với đông y có nguồn gốc từ Trung Quốc, từ thời thượng cổ, phân người được coi là dược liệu chữa rắn cắn tuyệt hảo. Sách Hải Thượng Phương (海上方) của Song Qian Hong đề xuất sử dụng phân tươi để chữa lành vết cắn và tránh hoại tử. Tuy nhiên các y văn này lại không giải thích về nguyên lý. Các phương thuốc khác như dùng nước tiểu người bôi lên vết cắn, dùng trứng gà khoét lỗ rồi áp lên vết cắn để hút nọc, dùng phèn chua hơ nóng áp vào chỗ cắn, dùng xuyên bối mẫu (川贝母) giã nát hòa với rượu uống còn bã thì đắp lên vết cắn, hay dùng tỏi, rượu, giấm,… [5]. Nhiều nghiên cứu đã phủ định hầu hết tính hiệu quả các phương pháp này, chỉ một số ít được công nhận là có hiệu quả điều trị.

Như vậy, việc buộc trên chỗ cắn để chặn nọc độc đi vào tim, rạch, hút và đắp thuốc cũng như uống các chất được cho là những biện pháp rất cổ xưa để điều trị rắn độc cắn. Các phương pháp này là không hiệu quả vd: garo, rạch, hút (đã được khuyến cáo không sử dụng [6]), hoặc tính hiệu quả không được kiểm chứng một cách khoa học mà chỉ được xác nhận một cách rời rạc theo dòng lịch sử.

2. CÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ CÁCH TRỊ RẮN ĐỘC CẮN TRONG DÂN GIAN

Đối với việc chữa trị rắn độc cắn, ở mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ có những bài thuốc dân gian được lưu truyền khác nhau ứng với những loại rắn ở đó. Ví dụ như bộ tộc sống tại rừng Amazon nổi tiếng vì những bí quyết chữa rắn cắn hiệu quả [7]. Việc chữa trị rắn độc cắn bằng những bài thuốc này thường được truyền miệng về tính hiệu quả của nó mà có ít kiểm chứng khoa học. Trong đó, có những trường hợp rất hiệu quả và gây ra tiếng vang cho những thầy lang địa phương. Tuy nhiên, tính khả thi trong đa số trường hợp là thấp và bất định (đôi khi dựa vào may mắn do lượng nọc mà rắn tiêm vào người không đủ để tử vong). Hơn nữa, rất nhiều bài thuốc được chứng minh là vô dụng hoặc có hại cho bệnh nhân.

chua-ran-doc-can-tu-co-dai-den-hien-dai-wetrekvn

Do dùng thuốc lá đắp dẫn tới bị hoại tử ngón tay

Do chủ quan chỉ lấy thuốc thầy lang đắp vào vết rắn cắn, nam thanh niên ở Đắk Lắk phải cưa cả cánh tay

Câu hỏi đặt ra là, các bài thuốc dân gian này có thực sự hiệu quả? Nếu có thì khả năng và phạm vi chữa trị là bao nhiêu? Chữa trị triệt để hay một phần? Dựa vào các chất nào trong các thảo dược để ngăn chặn hay kháng nọc rắn?

Để trả lời những câu hỏi này, cần có các nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Đáng tiếc đây là một lĩnh vực có lợi ích y tế rất cao nhưng ít được quan tâm. Cụ thể, các công trình khoa học về các bài thuốc này được công bố chưa nhiều (sau khi lướt google scholar với các từ khóa thì mình thấy vậy. Đặc biệt, mình vẫn chưa tìm thấy một công bố quốc tế uy tín nào từ Việt Nam, nơi có rất nhiều thầy lang nổi tiếng và nhiều bài thuốc được đồn như thánh dược). Đây là một ngành hẹp cần được đầu tư kinh phí nhiều hơn cho các nhà khoa học vì nếu thành công nó sẽ mang lại lợi ích lớn cho người dân.

Trong phần này mình sẽ nói sơ qua một số nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, cũng như một số bài thuốc dân gian Việt Nam trên các trang uy tín mà mình tìm được.

Trong các nghiên cứu ít ỏi về vấn đề này, các công trình nổi bật nhất thường khảo sát tại Sri Lanka, Nigeria, và đặc biệt là Ấn Độ, nơi tôn thờ rắn và có trung bình từ 30000 đến 50000 người chết vì rắn cắn hàng năm [8]. Nghiên cứu về phương pháp truyền thống sử dụng những cây thuốc dân gian ở Nigeria đã xác nhận chúng có tác dụng ngăn những triệu chứng gây ra do nọc rắn như viêm, đau, phù nề, nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi, tăng tiết nước bọt và chậm nhịp tim do bị kích thích thần kinh [9].

Bảng báo cáo gồm 24 loài cây cho thấy có hiệu quả trong việc ngăn chặn hầu hết các triệu chứng do rắn độc cắn. Một báo cáo tổng quan nghiên cứu (review) chi tiết và công phu hơn khảo sát cách sử dụng thực vật truyền thống để chữa rắn cắn đã đánh giá toàn bộ các công trình nghiên cứu trước đó tại tiểu lục địa Ấn Độ (gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Nepal) và cho kết quả như sau [10]:

- Một số cây thuốc và động vật được xác nhận có tác dụng trung hòa nọc độc của rắn và đã được thử nghiệm dược lý cũng trích xuất các tinh chất liên quan.

- Liệt kê danh sách 198 loài cây đã được nghiên cứu và trích xuất các chất có khả năng kháng độc từ các cây này.

Đối với đông y, một số nghiên cứu khoa học nội địa của Trung Quốc (bao gồm các công trình khoa học cũng như các báo cáo lâm sàng ở các bệnh viện) cũng cho thấy các thang thuốc sắc trị rắn cắn của nước này mang lại tính hiệu quả [11-14].

Các nghiên cứu về sử dụng đông y dược-phương để trị rắn cắn cho thấy các bài thuốc dân gian, cổ truyền và các phương pháp châm cứu, giác hơi điều trị có hiệu quả cho các vết thương bên ngoài (ngoại thương) như sưng tấy, sung huyết và hoại tử [15]. Các nghiên cứu này luôn có nhóm chứng và cơ sở khoa học rõ ràng.

Ngoài ra, còn nhiều nghiên cứu khác về các bài thuốc y học dân tộc trên khắp các địa phương khác cũng xác nhận hiệu quả của những loại thực vật địa phương trong việc chữa trị rắn cắn. Các công trình này sẽ là động lực cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu hơn về các chất chiết xuất thô và các hợp chất tinh khiết từ các loại thực vật này, qua đó có thể dẫn đến việc phát hiện ra các hợp chất hóa-sinh có tiềm năng điều trị rắn độc cắn.

Như vậy, việc khảo sát một số các loại cây thuốc dân gian cho thấy rằng một số phương pháp trị rắn độc cắn truyền thống vẫn có hiệu quả. Tuy nhiên, cần có những nghiên cứu sâu và rộng hơn để đảm bảo tính đúng đắn cũng như loại bỏ các phương thuốc vô dụng hoặc có hại.

Ngoài lề: tuy không tìm được các nghiên cứu tương tự tại Việt Nam nhưng mình cũng tìm thấy các phương pháp chữa trị theo y học dân tộc với các bài thuốc trị rắn cắn cụ thể. Các bạn có thể tham khảo link ở tài liệu số [16,17]. Trong đó tài liệu số [16] vẫn trình bày các phương pháp sơ cứu sai lầm như garo, rạch, hút và cung cấp các bài thuốc bắc lấy từ Trung Quốc. Tài liệu số [17] của một bác sĩ đông y, có độ tin cậy cao hơn với phương pháp sơ cứu đúng đắn và các bài thuốc nam cây nhà lá vườn. Cả hai tài liệu [16] và [17] vẫn chưa nêu ra được bằng chứng về tính hiệu quả của các bài thuốc trong đó. Do đó, không khuyến kích tham khảo. 

3. HUYẾT THANH: LỊCH SỬ VÀ PHÁT TRIỂN

Theo dòng lịch sử, các phương pháp luận và triết học cổ đại đã phát triển và đặt nền tảng hình thành các phương pháp khoa học hiện đại. Việc chữa trị rắn cắn với các bài thuốc cổ không có nguyên lý và hệ thống cũng dần được khảo sát nghiêm túc hơn. Song song với điều này, các phương pháp miễn dịch của y học hiện đại cũng tạo ra một cách chữa trị mới cho bệnh nhân bị rắn độc cắn, đó là huyết thanh. Người Trung Quốc đã có những bước tiến lớn từ xa xưa trong việc tạo ra miễn dịch cụ thể như dùng dịch của người bị bệnh đậu mùa bơm vào mũi những người khỏe mạnh để tạo ra miễn dịch (một loại tiền vaccine). Tuy nhiên, người phương Tây mới là chủ đạo để phát triển công nghệ này đi lên đỉnh điểm với những thành công được ứng dụng toàn cầu. Louis Paster được coi là người đầu tiên và đại diện tiêu biểu cho việc tạo ra vaccine theo cơ chế “miễn dịch thu được” (khác với miễn dịch tự nhiên). 

Nói về huyết thanh kháng nọc (antivenom), nó cũng được tạo ra thông qua cơ chế miễn dịch. Các kháng thế nọc độc rắn được thu thập thông qua việc tiêm nọc độc rắn vào các loài động vật (đa số là ngựa), sau đó được tinh chế để tạo ra một loại chất kháng nọc. Như ta đã biết, vaccine được tiêm vào người vẫn có xác suất bị sốc phản vệ và huyết thanh cũng có ảnh hưởng đó. Lịch sử cho thấy đến cuối thế kỷ XIX, người ta mới bắt đầu chú ý đến những ca tự tiêm nọc rắn vào người và bản thân rắn không bị ảnh hưởng bởi nọc của chính chúng. Các nhà nghiên cứu tiên phong trong lĩnh vực tạo ra huyết thanh như Joseph Frayer, Lawrence Waddell, Sir Thomas Fraser, Césaire Phisalix và Gabriel Bertrand đã bắt đầu có những thành công trong việc điều chế huyết thanh nhưng lại bị che lấp bởi sự thành công của trường phái Pasteur [18].

Một nhân vật đặc biệt cần nhắc đến đó là nhà khoa học người Pháp Albert Calmette (1863-1933). Ông là thành viên viện Pasteur chi nhánh Đông Dương. Calmette được chính Louis Pasteur bổ nhiệm làm giám đốc Viện Pasteur ở Saigon năm 1891. Ông nổi tiếng về các nghiên cứu nọc ong, rắn, bệnh lao, bệnh sốt rét. Là một người theo trường phái Pasteur, ông cũng nghiên cứu và tìm ra huyết thanh tương tự cách Pasteur đã tìm ra vaccine bệnh dại. Nọc độc rắn được ông tiêm vào động vật, hệ miễn dịch tự nhiên đã tạo ra các kháng thể chống độc. Năm 1894, Calmette đã phân lập ra được các protein kháng độc tố của rắn hổ mang Ấn Độ [19,20] và được coi là huyết thanh đầu tiên trên thế giới [21]. Thành công này của ông che lấp một số kết quả trước đó của Sir Thomas Fraser do Louis Pasteur thời gian này đang trên đỉnh của danh vọng và sức ảnh hưởng. Là môn đệ của trường phái Pasteur, ông cũng đã ít nhiều được vinh quang và do đó nghiên cứu của ông được coi trọng hơn (Césaire Phisalix và Gabriel Bertrand cũng đã thành công trong điều chế huyết thanh nhưng chỉ có Calmette được công nhận [21,22]). Tên của Calmette đã được đặt cho một con đường và một cây cầu tại Sài Gòn để vinh danh ông (đường Calmette và cầu Calmette nối quận 1 và quận 4).

Ngày nay, các nghiên cứu về huyết thanh thế hệ mới ngày càng phát triển dựa trên các phương pháp luận proteomic, transcriptomic, và genomic. Sau khi Watson và Crick mô tả thành công cấu trúc DNA và đặt nền tảng cho công nghệ sinh học phân tử, các kháng thể và cấu trúc của nó được nghiên cứu một cách thấu triệt và khoa học. Vào thập niên 70, các kháng thế đơn giá đã được thu thập qua việc nuôi cấy các tế bào tiết kháng thể thông qua công nghệ hybridoma [22] và sau đó là công nghệ Antibody phage display nhằm tổng hợp các huyết thanh điều trị đa giá. Các công nghệ sinh học hiện đại ngày nay dựa trên việc can thiệp DNA đã tạo ra những thành công rực rỡ trong việc điều chế vaccine nói chung và huyết thanh nói riêng. Việc sản xuất huyết thanh ngày nay dựa trên các phân tử kháng thể và một số phân tử không dựa trên kháng thể như oligonucleotide aptamers, các hạt nano, peptides, chất ức chế protein tự nhiên và chất ức chế tiểu phân tử,... (chi tiết xem trong tài liệu [22]). Các loại huyết thanh hiện đại đang nghiên cứu phát triển và có triển vọng cao là các loại huyết thanh tái tổ hợp, với hiệu quả cao và ít tác dụng phụ.

Hiện nay, có hai loại huyết thanh là huyết thanh đơn giá (trị 1 loại rắn cắn) và huyết thanh đa giá (trị nhiều loại). Các loại huyết thanh được phân bố cho các bệnh viện trọng điểm như Chợ Rẫy, và một số bệnh viện tuyến tỉnh. Đa phần các loài rắn độc ở Việt Nam đều đã có huyết thanh, trừ loài rắn hoa cỏ cổ đỏ. Loài này rất phổ biến, tuy nhiên nó khá hiền lành và các vết cắn nông không tiêm được độc vào cơ thể người (vì cơ chế tiêm độc bằng răng nanh sau). Hiện nay trên thế giới chỉ có Nhật bản là đã sản xuất được huyết thanh của rắn hoa cỏ cổ đỏ tại Nhật và chỉ sử dụng nội bộ mà không thương mại [23]. Do đó, cần cẩn thật tuyệt đối với loài này, nhất là trẻ em.

4. CÁC BIỆN PHÁP LỖI THỜI TRONG SƠ CỨU RẮN ĐỘC CẮN

“KHÔNG” thực hiện các hành động sau [6,19]:
- Việc garo không cho thấy có hiệu quả mà còn tệ hại hơn khi bị rắn có nọc độc máu cắn. Chỉ một số trường hợp được báo cáo là có hiệu quả khi bị rắn hổ mang cắn [24] . Việc garo không đúng cách rất nguy hiểm.
- Cắt mở vết cắn (dễ nhiễm trùng)
- Hút nọc bằng miệng hoặc bằng bơm (lượng nọc hút ra không đáng kể)
- Ngâm sữa chua/nước ấm, đắp đá hút nọc
- Uống rượu, hoặc khử trùng vết cắn bằng rượu.
- Bôi kali penmaganat hoặc acid cromic 
- Sốc điện (bên Tây hay dùng)

5. BỊ RẮN CẮN THÌ PHẢI LÀM GÌ.

- Chụp hình con rắn lại đưa bác sĩ xem
- Đi bệnh viện

chua-ran-doc-can-tu-co-dai-den-hien-dai-wetrekvn

Anh Tâm ở Tây Ninh khi bị rắn Hổ Mang Cắn đã giữ chặt con rắn trên tay khi đến bệnh viện-Ảnh: TTXVN

Không khuyến khích bạn đến thầy lang, nhưng đi viện hay đến thầy là quyền của bạn, tuy nhiên:
Bạn không thể biết được thầy lang mà bạn đến chữa có sở hữu một bài thuốc hiệu quả hay vô dụng. Hay cụ thể hơn là vô dụng với loại rắn cắn bạn hoặc cơ địa của riêng bạn dị ứng với thuốc của thầy. Vd: thầy chữa tốt 9 người bị rắn độc máu cắn (vì trong tay thầy có loại thuốc ngăn hoại tử chẳng hạn), đến người thứ 10 bị rắn độc thần kinh cắn thì thầy lại không chữa tốt. Nên hãy cân nhắc và ưu tiên đi viện.

6. KẾT LUẬN

- Một số bài thuốc đông y, dân gian thực sự có hiệu quả trong việc điều trị rắn cắn. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực này. Và chỉ nên áp dụng các phương thuốc và phương pháp điều trị đã được nghiên cứu và kiểm chứng một cách khoa học. Ranh giới giữa lương y (được đào tạo chuyên sâu và có hệ thống) và lang băm đôi khi rất mơ hồ.
- Huyết thanh là công cụ tốt nhất để điều trị rắn độc cắn hiện nay, kết hợp với các biện pháp y tế.
Nếu bị rắn cắn:
- Không thực hiện các biện pháp sơ cứu rắn độc cắn đã lỗi thời.
- Nên đi viện càng nhanh càng tốt (Và đừng quên chụp hình ảnh con rắn càng rõ càng tốt).

7. TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] https://en.m.wikipedia.org/wiki/Pliny_the_Elder
[2] Mayor A., Treating Snake Bite in Antiquity, https://www.wondersandmarvels.com/.../treating-snake-bite...
[3] Osterloff, E. & Lotzof, K., https://www.nhm.ac.uk/discover/mastering-venom.html
[4] Hobbins P., University of Sydney, https://theconversation.com/hissstory-how-the-science-of...
[5] https://www.epochtimes.com/gb/17/6/11/n9250695.htm
[6] Warrell, D. A. (2010), Guidelines for the management of snake-bites. World Health Organization.
[7] https://www.forest-trends.org/.../amazonian-tribe-secret.../
[8] Sharma, S. K., Chappuis, F., Jha, N., Bovier, P. A., Loutan, L., & Koirala, S. (2004). Impact of snake bites and determinants of fatal outcomes in southeastern Nepal. The American journal of tropical medicine and hygiene, 71(2), 234-238.
[9] Ismaila, M. S., & Adamu, S. A. (2012). The impact of traditional methods of managing snake bite in humans and livestock among the Hausa-Fulani communities of Sokoto State (North-western Nigeria). Journal of Medicinal Plants Research, 6(28), 4489-4493.
[10] Dey, A., & De, J. N. (2012). Traditional use of plants against snakebite in Indian subcontinent: a review of the recent literature. African Journal of Traditional, Complementary and Alternative Medicines, 9(1), 153-174.
[11] https://www.zhangqiaokeyan.com/academic.../020313122813.html
[12] 解毒通腑汤治疗毒蛇咬伤肢体肿胀的临床研究[J] . 张琦,于庆生,王景祥 . 现代中医临床 . 2014,第005期
[13] 解毒通腑汤治疗毒蛇咬伤肢体肿胀的临床研究[J] . 张琦,于庆生,王景祥 . 北京中医药大学学报(中医临床版) . 2014,第005期
[14] 蛇伤解毒汤治疗毒蛇咬伤32例[J] . 吴锡琨 . 蛇志 . 2001,第002期
[15] https://www.yzthesis.com/.../zhongyi.../2018-10-04/85493.html
[16] https://healthvietnam.vn/.../phong-va-dieu-tri-ran-doc...
[17] https://www.duocphuha.com/chua-ran-doc-can/
[18] https://en.wikipedia.org/wiki/Antivenom
[19] https://en.wikipedia.org/wiki/Snakebite
[20] Calmette A. Contribution à l''étude du venin des serpents, immunization des animaux et traitement de l''envenimation . Ann Inst Pasteur. (1894) 8 : 275–91.
[21] Hawgood, B. J. (1999). Doctor Albert Calmette 1863–1933: founder of antivenomous serotherapy and of antituberculous BCG vaccination. Toxicon, 37(9), 1241-1258.
[22] Pucca, M. B., Cerni, F. A., Janke, R., Bermúdez-Méndez, E., Ledsgaard, L., Barbosa, J. E., & Laustsen, A. H. (2019). History of envenoming therapy and current perspectives. Frontiers in immunology, 10, 1598.
[23] Hifumi, T., Sakai, A., Yamamoto, A., Murakawa, M., Ato, M., Shibayama, K., ... & Kuroda, Y. (2014). Effect of antivenom therapy of Rhabdophis tigrinus (Yamakagashi snake) bites. Journal of intensive care, 2(1), 1-5.
[24] Watt, G., Padre, L., Tuazon, M. L., Theakston, R. D., & Laughlin, L. (1988). Tourniquet application after cobra bite: delay in the onset of neurotoxicity and the dangers of sudden release. NAVAL MEDICAL RESEARCH UNIT NO 2 MANILA (PHILIPPINES).

Ps: rất đáng tiếc với khả năng hiện tại của mình thì vẫn chưa tìm đọc được các sách đông y dân gian thời xưa (VN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) về vấn đề chữa rắn cắn. Vì tài liệu hạn hẹp và mình không biết các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh. Trong quá trình viết, chắc chắn còn nhiều sai sót, mong mọi người góp ý để chỉnh sửa tốt hơn. Trân trọng cảm ơn.

Lê Tấn Phúc
Nhóm nhận dạng và sơ cứu rắn cắn
 

 

Chia sẻ bài viết:
Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
Những câu trích dẫn đầy cảm hứng tiếp sức cho niềm đam mê du lịch của bạn

Những câu trích dẫn đầy cảm hứng tiếp sức cho niềm đam mê du lịch của bạn

Đối với nhiều bạn trẻ, du lịch và cắm trại là món ăn tinh thần không thể thiếu, mang lại những trải nghiệm phong phú và ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng đi du lịch hay cắm trại chỉ là sự hưởng thụ của những kẻ “vô công rỗi nghề”. Vì vậy, WeTrek xin gửi tới bạn những câu quote hay về du lịch và cắm trại để truyền tải thông điệp ý nghĩa, giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị đích thực của những chuyến đi.
Bí quyết duy trì động lực chạy bộ khi về già: Bí quyết từ Yuko Gordon - Vận động viên marathon 70 tuổi

Bí quyết duy trì động lực chạy bộ khi về già: Bí quyết từ Yuko Gordon - Vận động viên marathon 70 tuổi

Bạn có đam mê chạy bộ và muốn duy trì thói quen này ngay cả khi về già? Bài viết này sẽ chia sẻ những bí quyết từ vận động viên marathon 70 tuổi Yuko Gordon, giúp bạn có thêm động lực và niềm vui để tiếp tục chinh phục đường chạy. Hãy cùng WeTrek khám phá những lời khuyên thú vị này nhé!
Kỹ năng sinh tồn từ A-Z cần biết để ứng phó với động đất

Kỹ năng sinh tồn từ A-Z cần biết để ứng phó với động đất

Cùng WeTrek tìm hiểu các biện pháp cần thiết để bảo vệ bản thân và mọi người trong trường hợp xảy ra động đất. Tìm hiểu cách ứng phó đúng cách và kịp thời trong mọi tình huống khẩn cấp để đảm bảo an toàn.
Thương hiệu Snowline Hàn Quốc - Từ thiết bị leo núi cho đến đồ cắm trại

Thương hiệu Snowline Hàn Quốc - Từ thiết bị leo núi cho đến đồ cắm trại

Snowline là một thương hiệu Hàn Quốc chuyên về đồ leo núi và cắm trại đã có kinh nghiệm hơn 30 năm trên thị trường. Với sự đa dạng về mẫu mã và chất lượng cao trong từng dòng sản phẩm của Snowline, đây là một thương hiệu uy tín bạn không thể bỏ qua trong những chuyến đi dã ngoại ngoài trời của mình. Hãy cùng WeTrek tìm hiểu về thương hiệu đồ outdoor đến từ "xứ sở kim chi" này nhé!
Captain Stag - Chú hươu đầu đàn của thương hiệu cắm trại Nhật Bản

Captain Stag - "Chú hươu đầu đàn" của thương hiệu cắm trại Nhật Bản

Captain Stag là thương hiệu lâu đời chuyên về các sản phẩm gia dụng phục vụ các hoạt động cắm trại và giải trí ngoài trời của Nhật Bản. Thương hiệu nối tiếng với các sản phẩm chất lượng cao và giá cả phải chăng gồm bếp nướng, lều, túi ngủ và các dụng cụ dã ngoại khác. Captain Stag cũng cung cấp nhiều loại phụ kiện ngoài trời đáp ứng đa dạng nhu cầu cho các hoạt động bên ngoài như đạp xe, leo núi, chèo thuyền. Hiện nay, các sản phẩm của Captain Stag đã có mặt tại thị trường Việt Nam, được nhập khẩu và bán chính hãng tại WeTrek. Khách hàng có thể tham khảo thêm thông tin và nhận tư vấn qua website Wetrek.vn hoặc tới các cửa hàng của thương hiệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chi phí đi nóc nhà Yên Bái ngắm mùa hoa chi pâu đẹp lịm tim, đắm chìm giữa biển mây Tà Chì Nhù

Chi phí đi "nóc nhà" Yên Bái ngắm mùa hoa chi pâu đẹp lịm tim, đắm chìm giữa biển mây Tà Chì Nhù

Tà Chì Nhù - "nóc nhà" Yên Bái được mệnh danh là thiên đường cho giới trẻ ưa xê dịch thích đi săn mây, bắt gió Tây Bắc, ngắm hoa chi pâu. Bật mí chi phí đi trekking Tà Chì Nhù
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc