Đi Sa Pa không khó, nhưng vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp và tuyết rơi dày, du khách cần chuẩn bị thật kỹ trước khi lên đường. Hãy tham khảo những bí quyết sau để có chuyến săn tuyết Sa Pa thành công.
Đi lại như thế nào? Thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cách Hà Nội khoảng 370 km. Để đến đây, du khách có 3 lựa chọn đi xe máy, xe khách hoặc tàu hỏa. Thời gian di chuyển từ 5-8 tiếng tùy phương tiện
Nhiều bạn trẻ thích đi xe máy vì có thể chủ động được thời gian và tự do dừng lại dọc đường để ngắm cảnh, chụp hình. Nếu đi xe máy, bạn cần mang theo áo mưa, mắt kính và giày ấm để đảm bảo an toàn. Thời gian đi xe máy từ Hà Nội lên đến Lào Cai sẽ mất khoảng 8-10 tiếng
Một phương tiện khác an toàn hơn để lên Sa Pa là ôtô. Bạn có thể ra bến xe, mua vé, nhưng bạn nên gọi đặt vé trước. Giá vé trung bình hiện nay khoảng 250.000 đồng/vé, loại ghế giường nằm. Đến Sa Pa, du khách có thể thuê xe máy để thăm thị trấn
Phương tiện di chuyển được lựa chọn phổ biến khi đến Sa Pa là tàu hỏa. So với xe máy và xe khách, đi tàu lên Sa Pa sẽ an toàn và tiết kiệm hơn rất nhiều. Bạn nên đi chuyến tàu đêm để tới nơi khi sáng sớm. Giá vé dao động từ 150.000-300.000 đồng, tùy ghế cứng hay giường nằm
Ở đâu, ăn gì? Vài năm gần đây, các dịch vụ lưu trú ở Sa Pa phát triển rất nhanh, vì vậy bạn cũng không cần quá lo lắng về chỗ ở. Hai khu tập trung nhiều nhà nghỉ khách sạn giá rẻ ở đây là đường Xuân Viên và Fansipan
Giá phòng ở Sa Pa cũng rất phong phú, phụ thuộc vào từng loại phòng và các trang thiết bị đi kèm. Giá trung bình cho một phòng hai người vào khoảng 500.000 đồng. Để tiết kiệm, bạn có thể ở phòng dorm với giá khoảng 100.000-200.000 đồng/người
Đồ ăn ở đây khá ngon và phong phú. Sa Pa có khu chợ ẩm thực gần quảng trường, đối diện nhà thờ với rất nhiều đồ ăn. Những đặc sản nên thử khi đến Sa Pa là cơm lam, xôi bảy màu, thịt gà đen, cá hồi. Đặc biệt, rau củ quả ở đây rất tươi ngon
Kinh nghiệm săn tuyết: Không phải địa điểm nào ở Sa Pa cũng có tuyết. Mọi năm, băng giá thường xuất hiện trên đỉnh Fansipan, núi Hoàng Liên Sơn, thác Bạc và đèo Y Tý và khu vực đèo Ô Quy Hồ
Thời điểm lý tưởng nhất để chụp tuyết là buổi sáng khi mặt trời chưa lên cao, các bông tuyết chưa bị tan chảy. Nếu chịu khó, bạn có thể đi lên những đỉnh núi cao, ít người qua lại để chụp được những bức ảnh ấn tượng hơn
Trang phục: Áo - Kinh nghiệm cho thấy rằng, việc mặc nhiều lớp áo mỏng sẽ giúp bạn giữ được thân nhiệt ổn định lâu hơn việc mặc những chiếc áo to sụ, dày cộm. Nên mặc chiếc áo thun dài tay để giữ nhiệt, lớp thứ 2 là áo len rồi đến áo khoác. Áo khoác ngoài cùng nên là áo gió hoặc áo da, chống thấm nước
Quần- Nên mặc quần tất có lớp lót bông hoặc nỉ bên trong, mặc thêm bên ngoài những chiếc quần có chất liệu co giãn như cotton dày, nỉ, hoặc quần gió
Giày chống trượt và ủng đi mưa: Nên dùng giày cao cổ, mặt trong có chất liệu giữ ấm. Đế giày chống trơn trượt. Ủng đi mưa là chiếc ủng bằng nylon, với ưu điểm nhỏ, gọn, dùng một lần là bỏ đi, bạn có thể bọc ngoài đôi giày để đi mưa hoặc bọc vào chân đã đi tất rồi mới đi vào giày để giữ ấm
Đồ dùng: Ngoài những vật dụng mang theo khi du lịch thường thấy như điện thoại, sạc pin, máy ảnh, thẻ nhớ, bật lửa, ô, áo mưa… bạn cũng cần chuẩn bị thêm những miếng dán tạo nhiệt, túi sưởi, sạc dự phòng…
Thuốc: Khi du lịch đến những nơi trên cao vào mùa lạnh, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng thuốc men, đặc biệt là những thuốc chống cảm lạnh, cúm, sốt, nhức đầu, dầu gió, dầu gừng bên mình để chống rét kịp thời. Mang thêm vài túi trà gừng để dùng nóng lúc sớm mai sẽ giúp tinh thần thư thái, ổn định thân nhiệt
(Theo An Ninh Thủ Đô)