Nhắc tới địa danh Bạc Liêu, người ta thường nhớ tới chàng công tử đã được lưu danh và những bài đờn ca tài tử len lỏi khắp xứ. Không chỉ có vậy, Bạc Liêu còn gắn với cánh đồng điện gió hiện đại, thương hiệu muối được người Nhật ưa chuộng hay kiến trúc chùa Xiêm Cán lộng lẫy và đẹp nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ…
Trên cánh đồng muối.
Ấn tượng nhất trong chuyến trở lại Bạc Liêu lần này với chúng tôi chính là cánh đồng điện gió hiện đại, như một điểm đến nào đó ở trời Âu. Nó cho người ta cảm nhận được sự chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất vương vấn nét hoài cổ này.
Những tua-bin gió khổng lồ, dựng lên sừng sững trên nền trời xanh. Càng tới gần, du khách càng háo hức tận mắt chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của những tua-bin gió. Khu vực cánh đồng điện gió Bạc Liêu có tổng cộng 62 quạt gió. Mỗi cột tua-bin cao 80 m, đường kính 4 m, nặng trên 200 tấn và được làm từ thép không gỉ. Nhìn xa, những cánh quạt trông nhỏ là vậy nhưng có chiều dài tới 42 m và được làm bằng nhựa đặc biệt. Khi mới được mở cửa, khu vực này không thu phí khách du lịch.
Tuy nhiên, cái tên điện gió Bạc Liêu ngày càng được giới trẻ biết đến, thu hút đông người tới từ khắp nơi. Du khách phải trả 20.000 đồng để vào tham quan một phần của cánh đồng gió với những con đường ngang dọc nối các tua-bin với nhau. Gọi là “cánh đồng” gió nhưng kỳ thực, nó được xây dựng trên vùng nước lợ ven biển. Những lúc cạn, du khách có thể thấy cả thềm biển khi đi bộ về phía tua-bin gió. Có thể thấy, biển ở Việt Nam nhiều nơi đẹp hơn Bạc Liêu, nhưng cánh đồng gió trên biển thì chỉ có ở Bạc Liêu.
Rồi tới chùa Xiêm Cán- ngôi chùa cổ và đẹp nhất ở Bạc Liêu khiến du khách phải ngỡ ngàng vì đây là một trong những ngôi chùa Khmer đẹp và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ. Chính điện là tòa nhà thờ chính, nằm ở vị trí trung tâm khuôn viên trên nền cao 1,5 mét, được chia làm nhiều cấp bậc và có hành lang bao xung quanh. Trong chính điện có hai hàng cột cao và to nâng đỡ mái chùa. Trên mái vòm và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.
Chùa mang kiến trúc Angkor của người Khmer, thể hiện ở những họa tiết nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Chùa Xiêm Cán tọa lạc trong khuôn viên rất rộng, bao quanh bằng bức tường rào chạm khắc Rắn thần và nhiều hoa văn sặc sỡ, đẹp mắt. Chùa được xây dựng vào năm 1887, là một quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am…Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. Cổng chùa đúc nổi nhiều hoa văn tỉ mỉ cùng có một màu vàng đất dịu mắt, đậm sắc thái Khmer.
Vãn cảnh chùa, cảm nhận một không gian yên tĩnh, bầu trời trong xanh, nắng vàng, không khí trong lành, không hề nhuốm chút bụi trần…làm cho tâm hồn du khách cảm thấy thư thái lạ thường. Với hai màu chủ đạo là đỏ và vàng, kiến trúc ở đây lúc nào cũng rờ rỡ dưới nắng, dường như không chịu sự chi phối của thời gian…
Điện gió, hình ảnh hiện đại trên đất Bạc Liêu.
Về ẩm thực, Bạc Liêu có nhiều món ngon, nhưng món ăn độc đáo có tên gọi ngộ nghĩnh: năn bộp thì không phải ai cũng biết. Xưa năn bộp là món ăn được các gia đình nghèo dùng trong những ngày đói. Nhưng giờ loại rau này được ví là đặc sản “lộc trời” của tỉnh Bạc Liêu. Gọi là năn bộp vì thân rỗng, khi vỗ vào sẽ phát ra tiếng “bộp” rất vui tai. Hằng năm sau mùa khô hạn, những cơn mưa kéo đến khiến nước ngoài đồng dâng cao là lúc cỏ năn bắt đầu mọc bạt ngàn trên đồng. Người dân miệt vườn khéo léo có thể chế biến những món ăn dân dã nhưng ngon đến lạ thường từ loại rau này. Đặc sắc và đúng điệu nhất phải kể đến rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng. Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn.
Nhưng đặc sản nức tiếng xứ Bạc Liêu, nhất thiết phải kể đến năn xào tép. Trước hết chọn một mớ đọt năn thật tươi ngon, tách nhẹ phần ngoài, giữ lại cọng non và phần ngọn, cắt khúc và rửa sạch. Tép có thể là tép bạc, tép trấu hoặc tép đất, làm sạch, ướp với tiêu, hành, tỏi và bột nêm, nước mắm cho thấm đều. Cho dầu ăn hoặc mỡ vào chảo nóng và phi tỏi trước khi xào. Khi tép vừa chín vàng mới cho đọt năn vào đảo cho thật đều, nêm nếm, rắc thêm tiêu. Chỉ vậy là đã có được một đĩa năn dậy mùi, chỉ cần nhìn thôi đã thấy ứa nước miếng…Mùa mưa đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản vật ở miền Tây Nam Bộ. Món ăn nào cũng mang nặng tình người, dân dã và quyến rũ đến lạ.
Cùng với đó là vẻ đẹp của những cánh đồng muối trắng muốt, trải dài bất tận. Muối Bạc Liêu tập trung ở hai huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Những cánh đồng muối trắng muốt ở Bạc Liêu thực sự khiến người ta phải trầm trồ vì vẻ đẹp nên thơ. Buổi sớm, bạn sẽ ngỡ ngàng với cảnh bình minh trên biển rực rỡ hơn bao giờ hết. Trong ánh nắng cuối ngày, muối trắng hiện lên cùng với hoàng hôn trên biển tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt sắc, khiến ai cũng phải lặng ngắm cảnh vật yên bình, dịu dàng nơi đây. Lúc này cũng là thời điểm mà những người nông dân bắt đầu kéo những xe muối, thậm chí là gánh những thúng muối đầy trở về nhà trong cái nắng chiều. Bóng dáng thấp thoáng của những con người chân phác, thật thà và rất đỗi thân thương ấy trong tà áo bà ba và nón lá khiến du khách lưu luyến mãi.
Tuy vậy, nói về muối Bạc Liêu, không thể không nhắc tới câu chuyện vui nhưng cũng chất chứa đầy tâm tư của diêm dân Bạc Liêu. Thời gian qua người Nhật đã nhận ra hương vị độc đáo của muối Bạc Liêu. Bởi vậy, hạt muối Bạc Liêu hiện đã có mặt trên các siêu thị Nhật, nhất là tại tỉnh Nagoya. Với những gói muối ăn mang nhãn hiệu Shakuenno Shio hay Joisei Shio được đóng bao bì đẹp mắt, hạt muối Bạc Liêu đã trở thành món hàng chính hiệu của Nhật Bản, nhưng số lượng mối xuất khẩu cũng chẳng được là bao so với trữ lượng muối khổng lồ Bạc Liêu đang có. Nói vậy để thấy, hạt muối Bạc Liêu khi vươn ra biển lớn được đánh giá cao, nhưng ở trong nước lại luôn trong tình trạng tồn đọng chờ đầu ra, cuộc sống của diêm dân vẫn cứ bấp bênh. Do đó việc lưu giữ và phát triển nghề muối truyền thống ở Bạc Liêu không phải là chuyện dễ dàng…
(Theo daidoanket.vn)