Đơn vị đo đạc đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và đề nghị hiệu chỉnh sách giáo khoa, các tài liệu theo số liệu mới.
Ngày 26/6, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, đơn vị này đang hoàn tất thủ tục để công bố kết quả đo độ cao của đỉnh Fansipan thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Vị trí cao nhất của đỉnh Fansipan đạt 3.147,3 m, cao hơn 4,3 m so với kết quả do người Pháp đo đạc vào năm 1909.
Cục đã sử dụng công nghệ GNSS, kết hợp đo liên kết với các điểm quốc tế ở Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc; ở Việt Nam kết hợp với điểm đo Điện Biên, Lào Cai và Hà Nội. Việc đo đạc được thực hiện liên tục 24 tiếng, dữ liệu chuyển về sẽ được xử lý, tổng hợp bằng công nghệ hiện đại để cho ra kết quả.
"Đây là phương pháp đo hiện đại, có độ chính xác cao nhất hiện nay. Việc xác định lại độ cao của Fansipan nhằm bảo tồn vị trí, cột mốc. Chúng tôi đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét và đề nghị hiệu chỉnh sách giáo khoa, các tài liệu theo số liệu mới", ông Hiếu nói.
Lãnh đạo Cục Đo đạc bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, cách đây 110 năm, người Pháp đo độ cao đỉnh Fansipan bằng phương pháp Barometer, dùng vi áp kế đặt ở đỉnh núi và chân núi để đo chênh lệch áp suất. Từ giá trị chênh lệch áp suất, họ lập mô hình toán học để tính toán chiều cao.
Theo ông Hiếu, hai nguyên nhân có thể dẫn đến chiều cao của đỉnh Fansipan thay đổi là thời điểm cách đây 110 năm công nghệ đo còn hạn chế nên có sai số so với phương pháp đo hiện đại. Ngoài ra, dãy Hoàng Liên Sơn là phần nối tiếp của dãy Himalaya, mỗi năm dãy này cao thêm 2-3 cm nên có thể đỉnh Fansipan cao lên.
Thời gian tới, Cục sẽ quan trắc liên tục để xác định nguyên nhân cụ thể của việc chênh lệch số liệu chiều cao đỉnh Fansipan.
Fansipan là ngọn núi cao nhất Đông Dương, nằm ở phía Tây Bắc của Việt Nam, giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) khoảng 9 km.
(Theo Vnexpress.vn)