Không chờ đến khi TP HCM chính thức yêu cầu áp dụng "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) từ 0 giờ ngày 15-7, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện phương án vừa sản xuất vừa cách ly cách đây nhiều ngày. Hai tuần nay, do diễn biến dịch Covid-19 khá phức tạp, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã bố trí cho cán bộ, công nhân viên ăn, ngủ, làm việc tại nhà máy. "Mỗi ngày có thêm một số ít nhân viên phải tạm nghỉ việc vì ở trong khu cách ly, phong tỏa hoặc đi lại giữa các quận, huyện không thuận tiện. Do vậy, việc cắm trại sản xuất vừa bảo đảm giữ được "quân số", vừa giảm nguy cơ nhân viên bị nhiễm bệnh từ cộng đồng, mang vào nhà máy" - ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, giải thích.
Đã thực hiện "3 tại chỗ" từ trước
Nhờ sớm kích hoạt chế độ sản xuất "thời chiến", hơn một tuần nay, Vissan bảo đảm cung cấp cho thị trường khoảng 1.500 con heo tươi sống/ngày (cao gấp 3 lần trước đó). Các mặt hàng chế biến cũng xuất xưởng liên tục để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến của thị trường TP HCM.
Với Công ty TNHH Cỏ May, Tổng Giám đốc Phạm Minh Thiện cho biết doanh nghiệp (DN) đã sớm kích hoạt chương trình sản xuất trong thời điểm dịch bệnh. Theo đó, chỉ bố trí cho công nhân ở lại nhà máy làm việc ở khu vực ít nguy cơ như nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tại nơi được xác định là có nguy cơ cao như nhà máy chế biến thủy sản, DN không bố trí công nhân ở lại nhà máy để tránh lây nhiễm không đáng có. Các bộ phận cần tăng ca được hưởng 200% lương, được xem xét thi đua, tăng lương trước thời hạn.
Người lao động Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng thực hiện phương án “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp
Tương tự, việc sinh hoạt, ăn ở của 500 công nhân làm việc tại Công ty CP Cơ khí Xây dựng Thương mại Ðại Dũng trong KCN An Hạ (huyện Bình Chánh) đã thay đổi hoàn toàn khi DN thực hiện phương án "vừa cách ly vừa sản xuất" từ ngày 7-7.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết hoạt động của tất cả các bộ phận không chỉ bảo đảm các quy định phòng chống dịch của ngành y tế mà còn tuân thủ nhiều điều kiện nghiêm ngặt do DN đưa ra. Cụ thể, đơn vị cung cấp suất ăn không đưa trực tiếp vào công ty, chỉ chuyển suất ăn đến chốt kiểm soát dịch bệnh phía ngoài. Người cung cấp dịch vụ ăn uống phải được kiểm tra, giám sát sức khỏe; bảo đảm các điều kiện vệ sinh; ký cam kết thực hiện quy định về phòng chống dịch.
Người lao động (NLÐ) tham gia phương án "3 tại chỗ" sẽ lưu lại công ty cho đến hết thời gian thực hiện (một tháng) và chỉ được ra ngoài khi cần thiết sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR và được sự đồng ý của cơ quan y tế có thẩm quyền... "Với phương án này, NLĐ được ăn 4 bữa mỗi ngày. Bữa trưa và chiều do công ty lo, ăn sáng và ăn tối do Công đoàn phụ trách" - ông Hùng thông tin.
Tại Công ty CP Cơ khí Thương mại Tân Thanh (TP Thủ Đức), 70 lao động trực tiếp cũng đã được bố trí "3 tại chỗ" với đầy đủ vật dụng cần thiết, như: lều bạt, phích nấu nước, dụng cụ sạc pin, nhu yếu phẩm… Bộ phận gián tiếp, các trưởng phòng ban và ban giám đốc làm việc tại nhà.
Gấp rút triển khai
Đã xây dựng phương án "3 tại chỗ" từ nhiều tuần trước, sáng 14-7, Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt gửi công văn đăng ký đến phường An Phú Đông (quận 12) và chờ cơ quan chức năng đến đánh giá để kịp triển khai trong ngày 15-7.
"Chúng tôi sắp xếp cho bộ phận văn phòng làm việc tại nhà, bộ phận sản xuất được chia làm 2 khu vực riêng biệt nhằm giảm thiểu rủi ro. Công ty còn có 2 khu vực lưu trú độc lập được cải tạo từ nhà kho mới xây dựng dành cho hơn 100 công nhân đang làm việc trực tiếp tại nhà máy. Ngoài chỗ ở, công ty lo trọn chi phí điện nước, 3 bữa ăn trong ngày kèm 1 bữa phụ vào buổi tối cho cán bộ, công nhân" - ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc công ty, nói và cho biết vợ chồng ông cũng đã mang theo quần áo, sẵn sàng ở lại công ty.
Công ty CP Thương mại Cơ khí Tân Thanh bố trí lều bạt cho người lao động ăn, ngủ, nghỉ ngơi tại doanh nghiệp Ảnh: HỒNG ĐÀO
Đại diện Công ty CP Sài Gòn Food cho biết hiện DN có 5 nhà máy đang hoạt động tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh). Trước yêu cầu của TP, từ ngày 15-7 công ty sẽ dừng hoạt động 2 nhà máy để lấy chỗ làm nơi ở dã chiến cho khoảng 400 công nhân. Số còn lại, một phần đang bị "kẹt" trong các khu phong tỏa, cách ly; một phần cho tạm nghỉ. Với phương án này, nơi ở và làm việc của công nhân sẽ trong một khuôn viên, có hàng rào ngăn giữa khu ở và khu làm việc. Mọi hoạt động của công nhân sẽ bảo đảm khép kín từ chỗ ở đến nhà máy.
"Công nhân phải tạm nghỉ việc sẽ được hỗ trợ theo quy định của nhà nước. Về phía công ty, chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể và sẽ cố gắng xem xét đến khả năng hỗ trợ thêm song chưa thể hứa trước vì DN đang phải gồng gánh rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm" - đại diện DN này bày tỏ.
Ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Chế biến Thực phẩm Sài Gòn, tự tin DN đủ điều kiện hoạt động theo yêu cầu của TP. Tại trại chăn nuôi và nhà máy giết mổ ở huyện Củ Chi, nhờ lợi thế diện tích lớn, công ty có thể bố trí công nhân ở lại làm việc khá thuận tiện.
Còn tại xí nghiệp chế biến ở quận Bình Thạnh, DN đã liên hệ với địa phương để triển khai thuê một khách sạn gần nơi sản xuất phục vụ công nhân ăn, ở tại chỗ. Trong trường hợp cần thiết, công ty sẽ sắp xếp lại phòng ốc ở xí nghiệp để công nhân ở lại làm việc lâu dài. "Công nhân ở lại nhà máy, xí nghiệp, trại chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/người/ngày. Tất cả cán bộ, công nhân viên đều được nhận đủ 100% lương" - ông Thiệu cho biết thêm.
Một số công ty thực phẩm khác như Công ty CP Thực phẩm Cholimex, Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn… cũng đã chuẩn bị đầy đủ phương án, thực hiện nghiêm chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm giữ hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt.
Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, Unilever đã duyệt chi khoản ngân sách khá lớn để mua lều trại, tổ chức cho công nhân ở lại nhà máy ở KCN Tây Bắc Củ Chi trong những ngày tới.
Theo NLD