Một trong những câu hỏi thường gặp khi chúng ta khoe với mọi người về kế hoạch du lịch là “làm sao mà bạn chi trả được?”. Theo cách nào đó chúng ta chỉ là gặp may (vì chúng ta đặt trái tim, tâm hồn và tâm tư vào chuyến đi, và kết quả là chúng ta làm được), nhưng thật ra chính khả năng theo đuổi giấc mơ có được nhờ nỗ lực chăm chỉ làm việc, mục tiêu rõ ràng và sự quyết đoán mới chính là câu trả lời.
Hầu hết những người có mơ ước bỏ lại cuộc sống thường nhật phía sau và đi du lịch khắp nơi không nhận ra được rằng tiết kiệm rất đơn giản, cũng như không nhận ra rằng họ thật ra có thể kiếm nhiều tiền hơn họ nghĩ. Dưới đây là những bí quyết tiết kiệm tiền cho những chuyến đi, WETREK.VN muốn chia sẻ với những ai đang nung nấu ý tưởng đi xa.
1. Đặt mục tiêu tài chính
Tính toán xem bạn cần phải tiết kiệm bao nhiêu cho chuyến đi, và khoảng thời gian cần thiết để thực hiện kế hoạch tiết kiệm tiền. Luôn mang nhiều hơn số tiền dự tính, thường thì các chi phí và khoản chi sẽ được tính ra trong kế hoạch nhưng cũng không hại gì khi bạn mang nhiều tiền hơn. Số tiền bạn mang theo phụ thuộc vào địa điểm và thời điểm bạn muốn đi và cách bạn dự tính chi tiêu trong chuyến đi. Hãy nghiên cứu trước về chỗ ở, giá đồ ăn, và bất kỳ điểm tham quan hay hoạt động nào mà bạn quan tâm tại nơi bạn chọn, và dự toán chi phí cho một ngày điển hình tại đó. Viết những mục tiêu này ra và nhớ theo sát chúng.
2. Bắt đầu tiết kiệm và hạn chế chi tiêu
Trông có vẻ khó, nhưng tiết kiệm tiền thật ra lại rất dễ nếu bạn biến nó thành thói quen. Phần lớn các ngân hàng đều có công cụ giúp bạn tiết kiệm - hãy đi tới ngân hàng gần nơi bạn ở và trao đổi với họ về các khoản tiết kiệm dài hạn có yêu cầu tiền gửi và hạn mức rút hoặc lựa chọn kỳ hạn gửi. Thiết lập chế độ tự động chuyển tiền thẳng vào tài khoản tiết kiệm của bạn sau ngày nhận lương, và một khi tiền được chuyển vào, bạn chỉ nên rút ra khi chi tiêu cho các khoản du lịch. Thẻ tín dụng thường không có lợi cho quá trình tiết kiệm, vì thế hãy hủy tài khoản thẻ hoặc giữ nó ở một nơi an toàn và chỉ sử dụng để mua vé máy bay, trả tiền chỗ ở hoặc các khoản chi lớn.
3. Thực hiện những thay đổi cần thiết trong lối sống của mình
Trong khi, theo lý thuyết, việc này có vẻ dễ dàng nhưng đây lại chắc chắn là khía cạnh thử thách nhất với vấn đề tiết kiệm tiền. Nhiều người không theo dõi chặt chẽ chi tiêu hàng ngày, đây chính là nguyên nhân chính gây nên tâm lý "tôi-quá-nghèo-để-xê-dịch". Hãy ngồi xuống và cân nhắc về những khoản chi tiêu hiện tại. Tiền thuê nhà, tiền đồ ăn, tiền tham gia các hoạt động xã hội và mua sắm là những khoản thầm lặng bòn rút tài chính của phần lớn mọi người. Hãy tìm ra cách giảm thiểu tối đa những chi phí này. Tiền thuê nhà là khoản khó giảm trừ nhất, nhưng hãy nghĩ đến việc chuyển tới nơi nhỏ hơn, rẻ hơn hoặc chuyển về ở cùng bố mẹ. Cố gắng ăn ở nhà bởi như vậy không chỉ rẻ hơn mà còn lành mạnh hơn. Dành ra chiều Chủ Nhật để chuẩn bị đồ ăn cho cả tuần để bữa tối chỉ phải hâm lại đồ ăn và bữa trưa có thể mang đồ ăn theo.
Hạn chế các hoạt động xã hội. Không cần phải tuyệt giao các mối quan hệ nhưng hãy cắt giảm nhiều nhất có thể, đặc biệt là các buổi tụ tập đêm và bữa tối sang trọng. Hẹn hò cà phê, dã ngoại trong công viên, đi cắm trại và các chuyến leo núi là những lựa chọn thay thế có chi phí rẻ hơn rất nhiều. Giảm mua rượu bia, đồ có cồn sẽ giúp tiết kiệm nhiều, vậy nên hãy cân nhắc bỏ nhậu một tháng, hoặc ít nhất hạn chế nhậu nhẹt xuống còn 1 tuần/lần. Bỏ việc mua sắm lung tung, cụ thể bao gồm mua sắm ở các trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại và mua sắm trực tuyến. Khi định mua quần áo/phụ kiện/đồ chơi mới, hãy cân nhắc liệu bạn có thấy vui hơn nếu dùng khoản tiền đó để đi ăn hoặc tiêu tại những nơi bạn thích. Nếu bạn chắc chắn cảm thấy cần mua đồ mới, hãy tìm mua những đồ cần thiết cho chuyến đi, như máy ảnh hoặc giày leo núi. Đừng mua những thứ không cần thiết. Bạn sẽ không còn thích đôi giày mà bạn đã định mua sau khi đi du lịch về nữa đâu. Theo dõi chi tiêu hàng tuần, nhưng trên hết hãy tự hối lỗi khi mua đồ không cần thiết và coi đó là lí do để đặt ra giới hạn mua sắm sau này. Tiết kiệm là một quá trình. Hãy luôn nghĩ về mục tiêu và bạn sẽ nhanh chóng thấy được kết quả.
4. Cân nhắc các nguồn thu nhập thay thế
Nếu dường như thu nhập hàng ngày khiến bạn khó có thể chi trả cho chuyến đi, hãy cân nhắc đến việc kiếm thêm tiền khi có thời gian rảnh. Có vô số các cơ hội việc làm mỗi ngày và rất nhiều trong số đó chẳng nặng nhọc gì. Nếu bạn có phương tiện, hãy nghĩ về việc làm thêm cho Uber hoặc Grab khi rảnh. Có phòng trống trong nhà? Đăng lên các trang cho thuê và chờ hưởng thành quả. Một trong số những cách để kiếm thêm tiền phổ biến là qua trang freelancer.com. Tại đây, bạn có thể đấu giá các công việc trực tuyến dựa trên kỹ năng của bản thân, nhận hoàn thành nó khi rảnh tại chính ngôi nhà của bạn. Nếu bạn biết biên tập, thiết kế, lập trình, điều tra hoặc copywriting, bạn có thể tìm những từ khóa này trên freelancer và kiếm tiền. Nếu bạn có quần áo/sách vở/đồ dùng không còn sử dụng, hãy bán chúng trên web thương mại điện tử, hoặc tìm bất kỳ chợ địa phương nào và tổ chức bán giảm giá. Thậm chí nếu bạn chỉ thu được một khoản nhỏ, chúng đều sẽ giúp tích lũy trong tương lai.
5. Lập kế hoạch và mua trước
Khi đề cập đến vấn đề chi trả cho các chuyến bay, chỗ ở và các khoản chi tiêu lớn khác, tốt nhất là hãy chi tiêu ở thời điểm không quá sớm cũng không quá muộn. Sau rất nhiều khoản chi tiêu không hiệu quả (một trong số đó là mua vé máy bay ngay trước khi giá vé giảm một nửa), chúng tôi nhận ra rằng trả hết các khoản chi phí đi lại lớn trước không chỉ tốt cho tài khoản ngân hàng, mà còn tốt cho cả kế hoạch du lịch của bạn. Thời điểm mang tính quyết định ở đây. Hãy theo dõi biến động giá và tỉ giá ngoại tệ của ít nhất 1 tháng trước khi chi tiêu. Chỉ đưa ra quyết định mua khi bạn đã kiểm tra các điều khoản và so sánh giá với các bên khác. Như một quy luật chung, nên đặt trước các chuyến bay quốc tế ít nhất 4 tháng vì giá thường có xu hướng biến động tăng từ thời điểm này trở đi.
Luôn quyết định thận trọng khi lựa chọn nơi ở, bởi nếu bạn tìm kiếm đủ kỹ, bạn sẽ thấy hầu như các nơi đều có chỗ phù hợp với túi tiền và gu thưởng thức của bạn. Nếu khách sạn giá rẻ hoặc bình dân không phù hợp, hãy cân nhắc sử dụng homestay hoặc nhà nghỉ. Cố gắng lựa chọn trang web đặt chỗ ở phù hợp và theo dõi thường xuyên, bởi sẽ có nhiều chương trình thưởng cho khách hàng thường xuyên. Đừng bao giờ để các khoản mua bán lại đến phút cuối vì không những bạn sẽ không mua được giá tốt mà thường bạn còn không giữ được tiền cho đến thời điểm đó. Mua đồ cần thiết trước là mấu chốt để giữ tiền và làm chủ tài chính.
Khi chúng ta không chỉ trông chờ vào điều kỳ diệu, chúng ta biết rằng những thay đổi nhỏ nhặt sẽ góp phần lớn cải thiện kỹ năng tiết kiệm và đưa ta đến gần hơn với ước mơ xê dịch.
Chu Nguyên