Ngọc Trân trong chuyến trekking Himalaya
Dù không phải dân chuyên đi trekking nhưng cô nhân viên văn phòng vẫn gắng sức chạm vào Himalaya.
Để hiện thực hoá ước mơ, Trân đã follow facebook một đàn anh có nhiều kinh nghiệm leo núi ở điều kiện khắc nghiệt và chờ khi nào người này có 'kèo' đi Himalaya thì 'đu' theo.
Sau thời gian dài chờ đợi cộng thêm 7 tháng ròng rã chuẩn bị, tập hợp lực lượng, cuối cùng Ngọc Trân cũng bước vào chuyến trekking trong mơ.
Tuy nhiên, quá trình chinh phục Himalaya quá khó so với những gì cô gái SN 1990 tưởng tượng. Với những người làm công việc văn phòng, cả ngày chỉ ngồi nhìn màn hình máy tính thì việc trekking là một thử thách đầy cam go và thách thức với họ.
Dẫu biết trước là đi leo núi ở vùng xa xôi hẻo lánh, thời tiết sẽ lạnh và khắc nghiệt nhưng Ngọc Trân không bao giờ nghĩ chuyến trekking lại 'khó nhằn' và gian khổ đến thế. Cô đăng ký đi với một sự tự tin về sức khỏe của bản thân và không biết sợ là gì.
Đối với những người không chuyên thì trekking là việc nằm ngoài sức tưởng tượng
Cả đoàn của Trân đã phải trải qua nhiều khó khăn
Thế nhưng mới xong ngày trekking thứ nhất, chân cô gái SN 1990 đã mỏi rã rời vì băng đèo lội suối. Cô nôn, đầu đau như búa bổ, mũi chảy máu, hai tay sưng phù... do bị say độ cao. Không riêng Ngọc Trân, cả đoàn đi cùng cô cũng mắc triệu chứng này và mọi người đã dùng tới thuốc chống say độ cao để khắc phục.
Nhưng với riêng Ngọc Trân, cô uống được nửa viên thuốc là lập tức ói ra ngoài. Vậy là Trân không uống nữa. Cô tiếp tục hành trình mà không dùng tới thuốc hỗ trợ. May mắn là mấy ngày sau, cơ thể của cô gái 9X thích nghi tốt với mọi thứ.
'Mình thường nói với các anh chị trong đoàn rằng 'Đây là lần chơi ngu lớn nhất trong cuộc đời em cho đến hiện tại'. Tuy nhiên, đó chỉ là đùa thôi. Dù khổ cực thật sự nhưng mình chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Phần vì tiếc tiền (tổng kinh phí chuyến trekking của Trân là gần 50 triệu đồng), phần vì thường làm gì mình muốn làm cho đến tận cùng, đã chơi là phải chơi cho tới nóc!. Rốt cuộc sau 9 ngày chông gai thì mình cũng lết lết lên được tới đỉnh', Ngọc Trân chia sẻ.
Ngọc Trân hoàn thành chuyến trekking mà không dùng tới thuốc chống say độ cao
Một sai lầm nhỏ khiến cả đoàn suýt mất mạng
Ngọc Trân cho hay, chuyến trekking Himalaya với cô là cuộc chơi khá rủi ro. Ngày summit (lên đỉnh), 18 người trong đoàn được chia thành 5 nhóm, dẫn đầu mỗi nhóm là 2 guide người Ladakh và 3 chuyên gia leo núi người Nepal.
Mỗi nhóm sẽ đeo dây đai vào hông và dùng dây thừng nối các thành viên trong nhóm lại với nhau. Khi ấy, số phận của những người trong cùng một 'team' sẽ được gắn liền. Sự bất cẩn, sơ suất của bất kỳ một thành viên nào cũng có thể ảnh hưởng đến cả nhóm.
Và Trân đã phạm một sai lầm khiến 'team' của cô rơi vào thời khắc sinh tử. Trong quá trình leo xuống, lúc đi qua sông băng, Ngọc Trân bất cẩn để trượt chân lăn xuống sông băng, kéo cả nhóm trượt theo.
Dụng cụ gắn kết các thành viên trong một nhóm
Chỉ cần một người ngã là cả đoàn sẽ ngã theo
'Đó là những giây phút kinh hoàng đối với cả nhóm mình và tất cả các nhóm còn lại khi phải chứng kiến cảnh này. Rất may, tuyết mềm nên mọi người không sao. Nếu có cục đá to nào trên sông băng ấy hoặc đà lăn không dừng lại ở sông băng mà lăn tiếp xuống phần núi đá bên dưới thì hậu quả khôn lường. Mình đã rất cắn rứt vì sự bất cẩn, ích kỷ, ngu ngốc của mình đã làm ảnh hưởng đến mọi người.
Vào khoảng 8h sáng ngày 1/8/2019 (tính theo giờ Delhi), mình và một số bạn người Việt Nam đã lết lên tới đỉnh Mentok Kangri, một đỉnh núi cao hơn 6.000 m nằm trong dãy Himalaya hùng vĩ thuộc vùng Ladakh ở Bắc Ấn. Sau 9 ngày trèo đèo lội suối gian khổ, sau bao lần đấu tranh tinh thần để không bỏ cuộc, cuối cùng chúng mình cũng làm được', Ngọc Trân kể lại chuyến đi đáng nhớ.
8h sáng ngày 1/8/2019 (tính theo giờ Delhi), Ngọc Trân và một số bạn người Việt Nam đã lết lên tới đỉnh Mentok Kangri
Đây là một đỉnh núi cao hơn 6.000 m nằm trong dãy Himalaya hùng vĩ thuộc vùng Ladakh ở Bắc Ấn
Lời khuyên dành cho những người định trekking
Sau lần trekking Himalaya, cô gái SN 1990 đã thu được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu. Theo Ngọc Trân, các bạn trẻ và dân văn phòng nếu có điều kiện và thời gian thì nên thử một lần trải nghiệm giống cô.
Bởi điều đó sẽ giúp mọi người có thêm kinh nghiệm sống, phá vỡ giới hạn bản thân, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, có thêm bạn mới… Và đặc biệt. khi đi đến những nơi mà định nghĩa thành công của người ta không giống bạn, có thể bạn sẽ thấy những thứ mình đang theo đuổi tới kiệt sức hóa ra lại thật phù phiếm.
Cô gái SN 1990 chia sẻ những việc cần làm trước một chuyến trekking:
'Tập luyện kỹ lưỡng thể chất; Tìm hiểu kỹ phong tục văn hóa, ăn uống tại nơi mình sẽ tới; Nghiên cứu kỹ điều kiện thời tiết; Chuẩn bị thuốc men và quần áo phù hợp; Đem theo boardgame, bài, trò chơi để chơi; Chú ý và nghiêm túc tuân theo sự chỉ dẫn của trưởng đoàn và các hướng dẫn viên địa phương; Dù có mệt, buồn nôn cũng phải cố ăn uống để có đủ sức đi tiếp'.
Trekking sẽ giúp mọi người phá vỡ giới hạn bản thân
Những món đồ trekking cần thiết mà bạn nên trang bị cho mỗi chuyến đi của mình