[TP HCM] Mỗi gian hàng đều được trang trí mang đậm không khí ngày Tết. Mọi ông đồ người mặc áo dài, khăn đóng khi cho chữ. Năm nay có khoảng 10 gian hàng với "bà đồ" viết thư pháp.
Năm thứ 14 liên tiếp, phố ông đồ trên đường Phạm Ngọc Thạch được tổ chức, thu hút đông người tới chụp ảnh, xin chữ.
Từ ngày 8/1, khoảng 30 gian hàng ông đồ bày mực tàu giấy đỏ để cho chữ du khách trên đường Phạm Ngọc Thạch (quận 1). Những cành mai vàng cắm bên đường càng làm con đường rộn ràng sắc xuân.
Mỗi gian hàng đều được trang trí mang đậm không khí ngày Tết. Mọi ông đồ người mặc áo dài, khăn đóng khi cho chữ. Năm nay có khoảng 10 gian hàng với "bà đồ" viết thư pháp.
Đây là năm đầu "bà đồ" Minh Anh viết câu đối, thơ chúc tết cho mọi người. "Tôi mới học thư pháp được gần một năm nay nên xin ra phố để phụ giúp, nâng cao tay nghề là chính. Cảm giác cho những câu chữ tốt đẹp trong ngày Tết rất vui", cô gái 22 tuổi chia sẻ.
Bà đồ Khánh Vy (18 tuổi, đại học Văn Lang) bên bức thư pháp vẽ hình chuột ôm tiền vàng của mình. "Năm đầu ra phố ông đồ nên em chỉ viết mấy chữ ngắn, đơn giản thôi", Vy chia sẻ.
Mới 20 tuổi, Xuân Thành đã có thâm niên 7 năm cho chữ trên phố ông đồ Sài Gòn. "Đây là bức tranh tôi tâm đắc nhất khi hội tụ đủ 12 con giáp, trung tâm là chữ "phúc", điều mọi người luôn mong đợi trong năm mới. Có khách hỏi mua bức này với giá 10 triệu đồng", ông đồ trẻ cho biết.
Theo các thầy đồ, khách thường xin chủ yếu các chữ phúc - tài - lộc... Những chữ mọi người xin mang ý nghĩa về sự may mắn, hạnh phúc. Các gian hàng đều có sách tham khảo để khách hiểu từng chữ, câu đối...
Các bức tranh thủy mặc, thư pháp... được bán với giá từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng. Những sản phẩm được viết, vẽ trên nhiều chất liệu như giấy, lụa, gỗ...
Những gian bán đồ lưu niệm, móc khóa, linh vật hình chuột có chữ thư pháp cũng đắt hàng.
Không gian đậm hương vị Tết truyền thống thu hút nhiều người tới chụp hình trên phố ông đồ.
Theo các thầy đồ, hiện khách chủ yếu tham quan và chụp hình là chính, phải sau ngày cúng ông Táo (23 tháng Chạp) mới có nhiều người xin chữ. Phố ông đồ mở cửa đến hết ngày 29/1 (mùng 5 Tết Canh Tý).x
TungTT - VnExpress