Không thể diễn tả hết vẻ đẹp núi rừng khi cả thảo nguyên của Tà Năng - Phan Dũng được phủ lớp áo xanh tươi mướt mắt, cho đến khi những lớp cỏ ngả màu vàng, chúng như được khoác lên mình tấm áo mới toanh, tựa như “mùa cỏ cháy’ của cao nguyên ùa về với núi rừng.
Kể từ khi được phát hiện ra, danh xưng “con đường trek đẹp nhất Việt Nam” đã được dành cho cung đường Tà Năng - Phan Dũng. Là cung đường đi qua ba tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với độ dài 55km, Tà Năng - Phan Dũng thách thức sự giới hạn của bản thân và có thêm nhiều kỷ niệm đẹp với nơi đất trời giao thoa làm một này, nhất là vào khoảng tháng 2, khi cả vùng đất nhuốm một màu cỏ cháy. Cùng Mytour note vào những lưu ý để có một chuyến trekking ngắm “mùa cỏ cháy” hoàn hảo nhất có thể bạn nhé!
Tuy nhiên, đây cũng là mùa có thời tiết rất khắc nghiệt, ban ngày nóng như đổ lửa, đến lạnh lẽo và gió mạnh muốn thổi tung cả lều trại. Vì thế, không gì hơn là chuẩn bị mọi thứ kỹ lưỡng trước hành trình đẹp nhưng nhiều trở ngại như thế này.
Vẻ đẹp ngoài sức tưởng tượng - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
1. Lịch Trình
Thông thường mọi người sẽ mất khoảng 2 - 3 ngày khi từ Đa Quyn đến rừng Tà Năng và kết thúc là cửa rừng Phan Dũng, tuy nhiên nếu xuất phát sớm và có sức khỏe tốt, bạn hoàn toàn có thể lên cung khoảng 1.5 ngày trong rừng với chi phí khoảng 1.5 triệu xuất phát từ Sài Gòn.
Lịch trình Tà Năng sẽ tốn ít nhất 1.5 ngày trekking - Ảnh: Phúc Nguyễn
2. Tìm hiều trước một chút xem
Nếu có tìm hiểu qua, thì phải nói rằng cung đường này thật quá đẹp, rất đáng bỏ thời gian và công sức để trải nghiệm. Bạn sẽ leo dốc, lội suối, trekking từ quả đồi này sang quả đồi khác trong khi đang đeo balo chừng 10kg trên vai. Bạn sẽ phải dùng định vị GPS, traklog… và các loại máy móc khác để tìm đường, nên tốt hơn hết hãy thuê người dẫn đường nếu không muốn phải tự mò mẫm.
Trèo đèo lội suối - Ảnh: Phúc Nguyễn
Tuy nhiên, điều bạn “được” ở đây là… rất nhiều. Bạn sẽ có kỹ năng nấu nướng, dựng trại trong rừng, có những khoảnh khắc ngắm bình minh, hoàng hôn trên những đồi cỏ cháy, có những phút giây quây quần ngắm bầu trời đầy sao, những cảm xúc vỡ òa bên đồng đội trước cảnh đẹp hay những giây phút thoát khỏi khó khăn trở ngại, và hơn hết là bỏ đầy tim những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ.
Bình minh trên hồ Đại Ninh - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
3. Chuẩn bị đồ đạc như thế nào?
Đồ ăn thức uống: Rất quan trọng đối với bất kỳ chuyến đi nào. Nước mỗi bạn phải mang ít nhất 4 lít, sau đó sẽ phải dùng nước suối bởi không thể mang vác quá nhiều nước sẽ nặng gây mất sức nhanh. Đồ ăn cần dự trù trước cả lượng đồ ăn cần dùng và đồ dự trữ đề phòng trường hợp xấu như lạc đường, đồ ăn bị hỏng/rơi trên đường…
Suối trên đường trekking - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Lưu ý, các loại đồ ăn nên gọn nhẹ, bổ sung năng lượng nhanh, nếu là đồ nấu thì cần tối giản không rườm rà, ăn uống đảm bảo vẫn đủ chất mà không mất nhiều thời gian, để thời gian nghỉ ngơi để trekking tốt hơn. Đồ nấu bếp mang theo cũng vậy, bật lửa khò (chống nước), bếp cồn, cồn khô… sẽ hữu ích hơn nhiều.
Cảnh đẹp như trong cổ tích - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Thiết bị điện tử, đồ công nghệ: Luôn nhớ cho vào túi chống nước, chuẩn bị các loại túi bảo vệ cho thiết bị của bạn. Đồ công nghệ rất hữu ích với việc tìm đường, vì thế hãy nhớ sạc đầy pin trước khi đi. Pin/sạc dự phòng cũng rất cần bởi những ngày trong rừng máy cạn pin thì cũng chỉ là cục sắt vô dụng.
Nấu nướng ở điểm hạ trại - Ảnh: Phúc Nguyễn
Đồ dựng trại nghỉ đêm: bao gồm lều, bạt phủ, tấm trải (nếu cần), túi ngủ, chăn hoặc áo bông dày… Buổi tối ở Tà Năng vào “mùa cỏ cháy” khá lạnh nên không thể thiếu những vật dụng giữ ấm để có giấc ngủ ngon, tiếp sức cho ngày hôm sau.
Đồng cỏ cháy với những cành cây mùa rụng lá - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Đồ cá nhân mang theo: Quần áo phải cực gọn nhẹ, chia làm nhiều lớp áo chống rét chứ không nên mang áo dày theo. Giày cần có độ bám tốt, đế giày vừa phải, ôm chân và tạo sự êm ái cho đôi chân. Ngoài ra, mũ nón, khăn, đồ y tế, đèn pin… là những vật dụng không thể thiếu khi đi trek Tà Năng - Phan Dũng.
Chuẩn bị những vật dụng trước khi đi trek - Ảnh: Phúc Nguyễn
4. Một số lưu ý khác
Là cung đường đẹp, chủ yếu là lối mòn nhưng rất nhiều đoàn đã đi lạc ở đây, vì thế nếu trong đoàn chưa có ai từng đi, hoặc đã đi nhưng không chắc chắn về cung đường thì bạn cần chuẩn bị kỹ về traklog GPS, hoặc tốt hơn hết là thuê người dẫn đường cho nhanh chóng và thuận tiện.
Con đường mòn - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Bạn có thế dựa vào địa hình bằng phẳng, các dấu tích nhóm bếp từ các nhóm trước để chọn chỗ hạ trại phù hợp nhất. Tà Năng - Phan Dũng có rất nhiều chỗ đẹp và thích hợp cắm trại nên bạn hoàn toàn yên tâm về vấn đề này.
Cắm trại đêm - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Một vấn đề muôn thuở là rác thải: Gói gọn các loại rác không phân hủy được đem về hoặc tiêu hủy theo các thân thiện với môi trường nhất có thể. Không ai muốn môi trường rừng đẹp đẽ ngập trong rác thải, những người đến sau sẽ rất thất vọng và hình ảnh của người Việt trong mắt bạn bè quốc tế sẽ xấu xí đi nhiều.
Hành trình hứng khởi - Ảnh: Nguyễn Minh Tính
Mùa cỏ cháy của Tà Năng - Phan Dũng không phải thứ gì đó quá cao xa, chỉ là đồng cỏ đến mùa thay da đổi thịt nhưng lại đem cho tất cả mọi người đến đây nhiều cung bậc cảm xúc. Chuẩn bị hành trang thật tốt, chắc chắn chuyến đi của bạn không có gì đáng phàn nàn mà chỉ có niềm vui đáng nhớ bên những người anh em, bè bạn.
TungTT - Mytour