Cảnh sắc đèo Khánh Sơn thay đổi theo mùa, rõ nét nhất vẫn là hai mùa mưa nắng của vùng cao nguyên. Đến với con đường này mùa mưa, bạn sẽ được đắm chìm trong sắc xanh của cỏ cây, sắc xanh của mây trời, luyến lưu những cánh hoa xuyến chi ven đường, trinh nguyên, níu chân kẻ lãng du. Đứng giữa lưng chừng đèo, ngắm nhìn đất trời thênh thang, rộng mở, lòng người có bộn bề đến mấy cũng sẽ thấy mát lành, an yên đến lạ. Mùa nắng, cỏ cây như được khoác một bộ áo mới với đủ sắc màu rực rỡ, xen lẫn màu xanh thường thấy là sắc vàng của những lá tre, lá nứa “quá tuổi”, sắc đỏ của những chiếc lá “vô danh”, đẹp như một bức họa mùa thu.
(Hoa Dại Ven Đèo)
Vượt đèo giấc sáng sớm, du khách sẽ dễ siêu lòng trước bức tranh phong cảnh tuyệt vời với những dải sương mù kết dài thành những làn mây trắng bao trùm cả không gian núi rừng. Có cảm giác như đang dạo bước trên mây ở một xứ sở thần tiên đầy huyền bí và thơ mộng. Mặt trời cũng như ngủ quên, chẳng buồn cho tia nắng ban mai xóa tan màn sương sớm, mặc cho những làn sương ôm ấp lấy núi rừng, níu chân người đừng vội bước.
(Sương mù bao trùm không gian núi rừng)
Hoàng hôn, từ trên đỉnh đèo, bạn sẽ bắt gặp cả thung lũng Ba Cụm Bắc bình yên ngập trong ánh chiều buông. Thấp thoáng xa xa những cánh chim bay về rừng, những mái nhà e ấp trong làn sương mỏng cuối ngày tỏa khói lam chiều bay lên hòa quyện thành án mây hoàng hôn trên miền núi rừng Khánh Sơn.
( Thung lũng xã Ba Cụm Bắc- Annh: Quốc Đệ)
Nhắc đến Khánh Sơn là nhắc đến văn hóa của người Raglai từ thuở khai sông mở núi. Bởi thế, đến với Khánh Sơn, không chỉ để trải nghiệm cảm giác chinh phục con đèo quanh co, nên thơ, trải lòng với núi non, đất trời, bạn còn được khám phá nền văn hóa Raglai vô cùng độc đáo, chinh phục những con thác hùng vĩ giữa núi rừng hoang sơ… Còn chần chờ gì nữa mà không xách balô lên và đi, để làm đầy thêm cảm xúc và những trải nghiệm cho bản thân, bạn nhỉ! “Vì cuộc đời là những chuyến đi dài, những giấc mơ dài…” Một điều lưu ý nho nhỏ cho những bạn muốn khám phá đường đèo Khánh Sơn là các bạn cần kiểm tra kỹ xe, và đem đủ những hành trang cần thiết để tránh trường hợp xe tắt máy giữa lưng chừng đèo. Đoạn đường từ chân đèo lên đến đỉnh đèo, dường như không có nhà dân sinh sống, nếu không có số điện thoại vá xe lưu động, bạn sẽ phải dắt bộ khá xa mới đến được tiệm sửa xe.