“Tuy nhiên, cơ chế này hiện không đủ sức điều hòa lượng bùn cát cho khu vực bờ biển phía bắc Cửa Đại, mà chỉ đủ sức tập trung bùn cát tại cửa sông Thu Bồn mà thôi”, Th.S Thế nói. Cụ thể, lượng bùn cát tạo thành đảo cách bờ khoảng 15 phút chạy thuyền nhỏ (như vừa xuất hiện) là do cát từ ngoài khơi bị “lấy” theo gió mùa rồi không được trả lại, chứ không phải cát đổ từ thượng nguồn sông Thu Bồn về. Bởi năng lượng của dòng chảy sông Thu Bồn hiện không đủ sức đưa bùn cát về bồi lắng như vậy được.
LOAY HOAY GIẢI PHÁP CỨU CỬA ĐẠI
Bên cạnh việc xuất hiện “đảo cát” mới, sau tình trạng "hỗn loạn" tại vùng hạ lưu Thu Bồn khiến bờ biển Hội An có đoạn xói lở, khu vực Cửa Đại cũng mở thêm cửa mới (Thanh Niên nhiều lần phản ánh) nay cũng bất ngờ có dải cát khác cản trở luồng lạch. Thực tế này cần có đánh giá đầy đủ về sự biến đổi của dòng chảy từ thượng nguồn, các dòng hải lưu ngoài biển và độ tác hại từ vụ xúc trộm cát vài năm trước... để tìm ra giải pháp hiệu quả cứu Cửa Đại.
Trái ngược với lo lắng của chính quyền, người dân Hội An thích thú với bãi cái mới và bãi cát đang thu hút nhiều khách du lịch
Theo ghi nhận của PV , từ năm 2013, tình trạng sạt lở bờ biển phía bắc Cửa Đại đã diễn biến ngày càng khốc liệt. Được sự hỗ trợ của T.Ư và tỉnh Quảng Nam, UBND TP.Hội An đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng kè biển bằng bê tông, kể cả sử dụng đê bao bằng cát để bảo vệ bờ biển phía bắc dài hơn 7,5 km. Tuy nhiên, kinh phí có hạn nên địa phương chỉ làm được trên 1,35 km.
Qua nhiều hội thảo quốc tế lẫn hội thảo trong nước, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp để cứu bờ biển Cửa Đại, tuy nhiên địa phương và cơ quan quản lý vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Cuối tháng 2.2019, tại TP.Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam mở thêm hội thảo để nghe các chuyên gia đầu ngành góp ý cho một số giải pháp, trong đó có giải pháp tạo bãi nuôi bờ chống xói lở bờ biển. Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho rằng giải pháp tạo bãi nuôi bờ - thi công đê ngầm kết hợp nuôi bãi và làm thêm đê bảo vệ bờ là giải pháp có tính khả thi cao nhất. “Từ năm 2013 đến nay, xu thế sạt lở bờ biển Hội An ngày càng diễn biến phức tạp. Nếu giải pháp này được triển khai cho 7,5 km bờ biển Cửa Đại sẽ tạo nên sự ổn định, yên tâm cho người dân và các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực ven biển Hội An”, ông Nguyễn Thế Hùng mong mỏi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia về động lực học sông biển - Viện Khoa học thủy lợi VN, cho rằng khi triển khai thi công theo giải pháp thiết kế tạo bãi nuôi bờ cần hết sức cẩn trọng để không lãng phí kinh phí đầu tư. Trước hết, phải làm từng đoạn, sau đó đánh giá hiệu quả. Trong quá trình này, nếu phát sinh sai sót thì kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.
HÚT CÁT TRẢ LẠI CHO BỜ BIỂN CỬA ĐẠI?
Trả lời PV , ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng đồng tình với nhận định của chuyên gia về cơ chế hình thành đảo cát. Theo ông, khoảng 5 - 6 năm trước, doi cát này hình thành với kích thước nhỏ nhưng không rõ lý do.
Sau đó, vì chế độ dòng chảy ven bờ có thay đổi, vào khoảng tháng 9 (gió mùa đông bắc) dòng chảy mang cát ở phía bắc thuộc bờ biển Cửa Đại, TP.Hội An vào phía nam (phía H.Duy Xuyên), đến doi này thì cát bị đọng lại chứ không trả về lại theo dòng chảy mùa hè, lâu dần thành "đảo cát". Luồng cửa biển truyền thống hiện cũng dịch chuyển về phía nam.
"Đảo cát" này ngày càng lớn, gia tăng nguy hại cho luồng tuyến của tàu thuyền ngư dân. Vì vậy, theo ông Lê Trí Thanh, địa phương đang nghiên cứu, thăm dò hút cát từ đảo mới hình thành để phun trả về phía bờ biển Cửa Đại vốn đang bị xói lở nghiêm trọng. Tương tự, vệt cát phía trong bờ cũng sẽ nạo vét để khơi thông luồng tuyến.
(Theo tinmoitruong.vn)