Một ngày của phượt thủ 64 tuổi bắt đầu từ 5h30 sáng đến khoảng 5h chiều, ông chinh phục quãng đường khoảng 30 km bất kể nắng mưa.
Chỉ đơn giản là đi khắp đất nước, chinh phục sức khỏe của bản thân, ông luôn sử dụng tiền tự túc cho các chi phí.
“Không ăn gian một km nào”
Ông Trần Ngọc Công sinh năm 1953 (Linh Đàm, Hà Nội) muốn thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt từ địa đầu Lạng Sơn đến đất mũi Cà Mau. Ban đầu, gia đình ngăn cản quyết liệt, nhưng rồi cũng ủng hộ quyết định tuổi già của ông.
Đầu năm nay, ông đi từ cửa khẩu Hữu Nghị về Hà Nội trong 6 ngày để đón Tết Đinh Dậu cùng gia đình. Mùng 6 (2/2 dương lịch), ông quay lại Hồ Gươm, đúng điểm ông dừng lại trước đó để tiếp tục hành trình vào Nam.
Một ngày của phượt thủ 64 tuổi bắt đầu từ 5h30 sáng đến khoảng 5h chiều, ông chinh phục quãng đường khoảng 30 km bất kể nắng mưa. Ông Công chuẩn bị kỹ càng những vật dụng giúp chống chọi với thời tiết như áo mưa, mũ, khăn, nước uống… Mỗi ngày ông tiêu hết khoảng 300.000 đồng, tự túc mọi chi phí.
Hành trình của ông Công được nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, ngỏ ý giúp đỡ. Ảnh: NVCC.
Ông Công cho biết quãng đường xuyên Việt hầu hết qua quốc lộ 1, đôi khi ông đi theo chỉ dẫn trên bản đồ để đi đường ven biển.
"Các bạn trẻ đi trekking, leo núi, đạp xe xuyên Việt. Tôi chọn đi bộ từ bắc vào nam để tận hưởng, để tham quan một cách chậm rãi", ông nói.
Ông Công đã đi du lịch nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn thấy Việt Nam có nhiều cảnh đẹp mà chưa đi hết. Ông không hề coi chuyến đi của mình là “hành xác” bởi ông có nhiều trải nghiệm như những du khách bình thường: thăm bảo tàng, di sản, dạo đêm ở Hội An, tắm bùn tại Nha Trang…
Người tốt - kẻ xấu trên đường
Tại những nơi ông Công đi qua, người dân khá tò mò với hình ảnh một người đàn ông có tuổi “vác balô đi phượt”. Nhiều lần ông phải nói dối rằng đang điều trị bệnh, phải đi bộ 30 km mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ thì mọi người mới yên tâm để ông đi tiếp.
Nhiều người khiến ông rất cảm kích khi ngỏ ý cho ông đi nhờ xe, đi cùng một đoạn hay cho ở lại miễn phí. “Tôi đếm được 39 người ngỏ ý cho tôi quá giang. Thậm chí có hai bạn trẻ còn dúi bằng được vào tay tôi mấy chục nghìn phí đi xe buýt vì nghĩ tôi không có tiền”, ông Công kể.
Người địa phương đang chạy xe thấy ông Công đi bộ liền quay lại đưa tiền nói "Chú cầm tạm để đi xe buýt" khiến ông rất cảm kích. Ảnh: NVCC.
Trên đường độc hành, ông Công cũng gặp không ít sự cố và tình huống nguy hiểm. Có lần đi bộ xuống đèo Cổ Mã (Khánh Hòa) - khu vực thưa dân cư, ông Công gặp một thanh niên lao xe máy về phía mình tỏ ý muốn “xin đểu”. Ông cho anh ta chiếc balô cũ chứa vài bộ quần áo và chai nước. Người đó bỏ đi vì nghĩ ông là “kẻ tâm thần đi lang thang”, không có gì để cướp.
Với phượt thủ 64 tuổi này, tình cảm và sự ủng hộ của bạn bè, người thân, người gặp gỡ qua đường về hành động vốn được cho là liều lĩnh của tuổi già là điều đáng quý nhất của chuyến đi. Ông đã đến mũi Cà Mau, như thời gian dự kiến (giữa tháng 4).
Ông Công cùng vợ trong một lần chinh phục đỉnh Fansipan. Ảnh: NVCC.
(Nguồn: VnExpress.net)