Mù hoàn toàn còn tai gần như điếc nhưng người đàn ông 39 tuổi đến từ một thị trấn thuộc miền tây nam nước Anh vẫn rất tự hào khi đặt chân qua 125 quốc gia trên thế giới. Đó là một con số rất đáng ngưỡng mộ bởi thậm chí ngay cả với người bình thường cũng ít ai đạt được.
Bạn hãy thử nhắm mắt và bịt tai lại rồi tự... du lịch Rome một mình. Viễn cảnh này dường như không khả thi với bất cứ ai. Nhưng đó là những gì Tony Giles đã làm và tự mình vượt qua tất cả.
Tony Giles, 39 tuổi, đến từ Teignmouth, một thị trấn nhỏ thuộc miền tây nam nước Anh. Ngay từ lúc chào đời, Tony đã gặp vấn đề về thị lực. Ban đầu, anh còn nhìn thấy mọi thứ lờ mờ, phân biệt được màu đen trắng. Nhưng rồi đến năm 8 tuổi, đôi mắt ấy đã khép lại mọi thứ.
Thế giới của anh không sụp đổ như nhiều người vẫn nghĩ. Mọi chuyện thay đổi năm Tony 16 tuổi có chuyến du lịch tới Mỹ đầu tiên. Chuyến đi làm thay đổi cuộc đời anh, khiến anh tự đặt mục tiêu chu du khắp năm châu.
Ở thời điểm hiện tại, Tony mù hoàn toàn và điếc tới 80%, phải sử dụng máy trợ thính. Nhưng đó không phải là yếu tố ngăn cản việc anh khám phá thế giới.
"Tôi dự kiến sẽ đến tất cả mọi nơi cho tới khi qua đời. Nhiều người hỏi tôi giao tiếp thế nào? Nhờ máy trợ thính, tôi vẫn nói chuyện bình thường như giống như một cuộc trò chuyện trên đường dây điện thoại hỏng", Tony tâm sự.
Việc du lịch của một người bị mù hoàn toàn là sự thiệt thòi không nhỏ với Tony, nhưng anh lại không nghĩ vậy. "Tôi vẫn cảm nhận được không gian thay đổi khi đi bộ trên đường mòn nhỏ hẹp của cánh rừng. Khi tới thăm các nhà thờ, đền đài nổi tiếng, tôi chạm tay lên những bức tường đổ nát để cảm nhận kết cấu của chúng qua nhiều thế kỷ. Tôi tận hưởng mùi hương nồng nàn của gia vị qua nhiều thành phố", Tony hào hứng với những trải nghiệm của mình.
Để lên kế hoạch cho các chuyến đi của mình, Tony sử dụng một loại phần mềm có tên JAWS hỗ trợ anh đọc màn hình máy tính. Qua đó, Tony tìm hiểu được các điểm đến, cách đặt phòng, sắp xếp một chuyến đi hợp lý. Trên trang web của những hãng hàng không nổi tiếng cũng có phần hỗ trợ cho người khiếm thị.
Sau đó, với 1 thiết bị kỹ thuật số lưu trữ tài liệu bao gồm các số điện thoại liên quan, đường chỉ dẫn từ sân bay tới khách sạn hay phương tiện giao thông tại điểm đến, Tony lên đường cùng những món đồ cần thiết, bao gồm từ máy trợ thính cho tới rất nhiều pin dự phòng và một cây gậy dẫn đường.
"Công nghệ giúp tôi tìm vị trí điểm đến nhanh và độc lập, nhưng tôi vẫn thích giao tiếp với người bản địa hơn. Ví dụ như ở châu Phi, việc nói chuyện với người dân giúp bạn tìm đường tốt hơn", anh nói.
Khi được hỏi phải làm gì nếu bị lạc, Tony chia sẻ kinh nghiệm khá thiết thưc. "Trước khi tới đâu, tôi luôn cố học một vài từ cơ bản như 'xin chào', 'cảm ơn' hay 'nước'. Còn nếu thực sự mắc kẹt, tôi chỉ còn biết gọi một chiếc taxi để nhờ họ chở về nơi ở. Rất may mắn, đến đâu tôi cũng tìm được một ai đó có thể nói chút tiếng Anh".
Anh đã gặp tình yêu của đời mình tại Hy Lạp
Tony cho biết, chi phí mọi chuyến đi của anh được trích từ tiền lương hưu người cha đã qua đời, cùng tiền xuất bản cuốn tự truyện thứ 2 có tựa đề "The World My Way".
Nhờ những chuyến đi, Tony đã gặp một nửa của đời mình khi đặt chân tới Hy Lạp. Sắp tới, anh chuẩn bị tới Petra - một trong 7 kỳ quan của thế giới.
(Theo TG/news)