Các kỹ năng cần thiết giúp phượt thủ leo núi an toàn hơn - Ảnh: Yuu L.
Nắm rõ tất tần tật thông tin về ngọn núi
Sẽ rất khó thực hiện việc leo lên một ngọn núi nào đó mà bạn không hề biết thông tin gì về ngọn núi. Bởi điều này là tiền đề gây ra hàng loạt khó khăn và nguy hiểm mà bạn có thể gặp trên đường đi như lạc đường, trượt chân, thời tiết xấu, bị côn trùng hay thú dữ đe dọa,... Chính vì thế, việc đầu tiên cần làm khi muốn leo núi chính là kiểm tra tất tần tật các thông tin liên quan về ngọn núi đó. Từ những thứ đơn giản nhất như độ cao, đường đi, thời tiết, người dân sinh sống, nét đặc trưng cần nhớ,...
Hãy tìm hiểu các thông tin về ngọn núi - Ảnh: Nils
Nắm rõ thông tin giúp phượt thủ có cái nhìn tổng quát về ngọn núi, để vạch ra kế hoạch chinh phục của mình một cách thuận lợi hơn. Có nhiều nguồn để phượt thủ tổng hợp thông tin như sách, báo, internet, người quen, các nhóm phượt đã từng đến đó,... Một lợi ích nữa của việc tìm hiểu thông tin về ngọn núi chính là để phượt thủ dự trù được sự vất vả sẽ diễn ra trong hành trình nhằm xử lý kịp thời nếu có chuyện không hay xảy ra.
Nắm rõ thông tin giúp phượt thủ chinh phục thuận lợi hơn - Ảnh: Marco Kosst
Sức khỏe tốt, tâm lý vững mới lên đường
Không giống với những chuyến du lịch nghỉ dưỡng thông thường, chỉ cần leo lên tàu, xe hay máy bay là bạn có thể nhanh chóng đến được địa danh. Leo núi là việc hết sức gian nan, đòi hỏi thể lực tốt và sức bền dẻo dai, leo núi không dành cho người có thể trạng yếu và tâm lý dễ bị lung lay. Do vậy, hãy đảm bảo rằng bản thân đang có thể trạng tốt cả về sức khỏe lẫn tinh thần để bắt đầu chinh phục ngọn núi. Có được hai thứ này, người phượt thủ sẽ vững vàng vượt qua những khó khăn để ‘chạm tay vào giấc mơ’ của mình bởi đã lường hết mọi trường hợp.
Rèn luyện để có sức khỏe tốt - Ảnh: fabio formaggio
Và tâm lý vững vàng cho chuyến đi - Ảnh: fabio formaggio
Chuẩn bị đầy đủ tư trang và vật dụng thiết yếu
Tùy vào từng ngọn núi mà hành trình của phượt thủ có thể kéo dài chỉ trong một hai ngày hoặc vài ngày, vậy nên tư trang cá nhân và vật dụng thiết yếu luôn cần phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Một số vật dụng thông thường để leo núi mà phượt thủ nào cũng cần chuẩn bị là: giày leo núi cao cổ có độ ma sát tốt, quần áo thoải mái có độ dày và thấm hút tốt vì càng lên cao không khí sẽ lạnh hơn, áo khoác giữ ấm chống thấm nước, áo mưa, mũ khăn bao tay leo núi, gậy leo núi, balo chống thấm đựng giấy tờ và đồ dùng điện tử, đèn pin, dây thừng, hộp nhỏ đựng đồ dùng y tế,...
Các vật dụng từ quần áo giày leo núi - Ảnh: Gable Denims
Đến dây leo đều không thể không mang - Ảnh: Praphakorn Kanchana
Vì leo núi là môn thể thao làm người ta dễ dàng mất sức mà đường rừng lại chẳng có hàng quán gì cả nên đừng quên mang theo bên mình nước uống và một ít lương thực lót dạ. Các thực phẩm dễ mang và bảo quản được lâu như kẹo ngọt, socola, lương khô, vitamin C,... là những thứ được ưu tiên hơn hết đối với các phượt thủ khi leo núi.
Đừng quên mang theo nước uống và thực phẩm để tiếp thêm năng lượng - Ảnh: Gable Denims
Tham gia các khóa hướng dẫn kỹ năng sống
Như đã đề cập ở trên, trong quá trình leo núi, sẽ có không ít vấn đề và nguy hiểm có thể đến với phượt thủ bất kỳ lúc nào. Vì thế nên chuẩn bị cho mình các kỹ năng sống sót để kịp thời ứng biến là điều mà phượt thủ cần thực hiện. Từ kỹ năng leo núi thế nào để điều hòa nhịp thở đều đặn, tránh mất sức đến kỹ năng thoát hiểm khi lạc vào rừng sâu, từ cách sơ cứu khi bị rắn cắn hay trật khớp đến việc tìm đường trong sương mù,... tất cả đều giúp cho phượt thủ ‘đi và trở về’ một cách an toàn.
Trau dồi kỹ năng - Ảnh: fabio formaggio
Để thực hiện giấc mơ chinh phục non cao - Ảnh: Chatrawee Wiratgasem
Đừng bao giờ leo núi một mình
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, đã có rất nhiều phượt thủ tự ý leo núi một mình và xảy ra bất trắc, điều này không hay chút nào, bởi khi có vấn đề xảy ra, người phượt thủ sẽ không được giúp đỡ kịp thời, mà phương tiện liên lạc trong rừng với bên ngoài cũng rất khó. Để tránh bị cô lập và có được chuyến đi ý nghĩa, hãy lập đoàn và tham gia cùng đồng đội. Leo núi với tập thể, các phượt thủ có thể chia sẻ, giúp đỡ nhau trên mọi chặng đường từ niềm vui đến gian nan thử thách. Như vậy sẽ ý nghĩa nhiều hơn đấy.
Hãy đi theo đoàn thay vì ‘chiến đấu’ đơn độc - Ảnh: Dmitriy Markov
Đẹp lắm những ngọn núi cao vời vợi chạm vào biển mây trắng muốt, đứng trên đỉnh cao, bỗng nhiên cảm thấy mình như ở thiên đường, ôm lấy cả một miền quê hương tươi đẹp ngay trong lòng. Và để có thể thực hiện được nhiều chuyến leo núi hơn, khám phá nhiều hơn, chinh phục nhiều hơn, chiêm nghiệm được nhiều hơn, các phượt thủ đừng quên 5 ‘bí kíp’ trên đây nhé!
TungTT - Mytour