Mùa đông ở nhiều nơi trên thế giới, nhiệt độ xuống rất thấp. Để đảm bảo sức khỏe và làn da khỏi dị ứng hay khô nứt do thời tiết, du khách cần chuẩn bị miếng dán nhiệt, túi chườm nhiệt, miếng dán mũi giữ ấm, các loại son chống nẻ môi và các loại sữa dưỡng thể giữ ẩm cho da.
Ở ngoài trời lâu hay uống rượu để giữ ấm… là những điều du khách cần tránh khi đi du lịch mùa đông.
Dưới đây là sai lầm được anh Nguyễn Bảo Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Hướng dẫn viên Việt Nam – Đơn vị trực thuộc Vietravel, với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề, chỉ ra nhằm giúp du khách có chuyến đi trọn vẹn vào mùa đông.
Vận động mạnh khi mặc nhiều quần áo
Chuẩn bị áo khoác chuyên dụng mùa đông bao gồm áo quần giữ nhiệt, áo chống thấm hay mặc nhiều lớp áo... để giữ ấm là điều cần thiết. Quần áo chống lạnh nên rộng thoáng để dễ dàng khi vận động. Tuy nhiên, khi đã mặc quần áo giữ nhiệt, không nên hoạt động mạnh bởi nếu ra mồ hôi nhiều mà không thoát được sẽ khiến bên trong cơ thể quá ẩm, làm giảm khả năng chống lạnh.
Du khách nên giữ ấm các bộ phận khác của cơ thể như đầu, tai, mũi, cổ, tay và chân bằng mũ len (loại mũ chống thấm), khẩu trang vải, khăn choàng cổ, chụp tai, găng tay, tất và giày đi tuyết. Đặc biệt, tất cả cần được giữ khô ráo. Nếu không may bị ướt, du khách phải nhanh chóng thay đồ hoặc hong khô.
Đi du lịch mùa đông, du khách cần chuẩn bị kỹ trang phục để giữ ấm cơ thể.
Mùa đông ở nhiều nơi trên thế giới, nhiệt độ xuống rất thấp. Để đảm bảo sức khỏe và làn da khỏi dị ứng hay khô nứt do thời tiết, du khách cần chuẩn bị miếng dán nhiệt, túi chườm nhiệt, miếng dán mũi giữ ấm, các loại son chống nẻ môi và các loại sữa dưỡng thể giữ ẩm cho da.
Cùng với cái lạnh là sự xuất hiện ánh nắng mặt trời phản chiếu trên tuyết. Điều này thường xảy ra sau một đợt tuyết rơi hoặc ngay cả khi mặt trời bị khuất sau màn sương hay hơi nước mỏng. Triệu chứng của "chói tuyết" là cảm giác như bụi vào mắt, nhức mắt, chảy nước mắt, nhức đầu và chịu không nổi ánh sáng. Muốn đề phòng, các bạn nên đeo kính râm (hay kính khe hẹp tự chế) khi đi trên tuyết.
Ăn, uống ít hơn ngày thường
Để đảm bảo sức khỏe, du khách cần ăn uống đầy đủ. Cần ăn nhiều hơn khẩu phần ăn thường ngày vì trời lạnh cơ thể sẽ tiêu hao nhiều năng lượng. Thêm nữa, cơ thể dễ mất nước và dẫn đến khô da, khô miệng. Do đó, cần chuẩn bị sẵn nước uống bất cứ khi nào bạn đi ra ngoài. Một mẹo để uống nước thật tiết kiệm mà vẫn đảm bảo cơ thể hấp thu lượng nước vừa đủ và bạn không cảm thấy khát, là uống từng ngụm, ngậm nước trong miệng khoảng 5 giây rồi mới nuốt từ từ xuống cổ họng.
Bạn nên mang thêm socola để pha với nước ấm uống nhằm cung cấp năng lượng cho cơ thể. Lúc trời lạnh, việc uống một ly trà gừng tươi nóng cũng giúp cơ thể ấm lên, khả năng tuần hoàn máu tốt hơn. Ngoài ra, bạn cần mang theo thuốc hạ sốt, kháng sinh, cảm cúm, các loại dầu, kem xoa bóp giữ ấm (lưu ý khi sử dụng tránh bị bỏng).
Du khách có thể trải nghiệm một số dịch vụ mùa đông nhưng đừng ở quá lâu ngoài trời lạnh.
Ở ngoài trời lạnh lâu
Mục đích của chuyến du lịch mùa đông là khám phá xứ có tuyết, nhưng du khách không nên ở ngoài trời quá một tiếng liên tục. Khi đó, thân nhiệt dễ bị giảm, dù đã mặc nhiều lớp áo. Chưa kể, những quốc gia như Thụy Sĩ, vào mùa đông, trong khoảng 30 phút, tuyết có thể phủ dày 30 cm.
Theo anh Nguyễn Bảo Toàn, khi khát nước, tuyệt đối không nên ăn tuyết vì thân nhiệt sẽ giảm nhanh hơn.
Uống rượu giữ ấm và ăn tuyết chống khát
Một con số thống kê ở Mỹ cho thấy trong một thập kỷ, 10% trường hợp tử vong là do hạ thân nhiệt liên quan tới tiêu thụ rượu. Uống rượu khi trời lạnh sẽ làm da bạn ấm lên, mang lại cảm giác ấm áp hơn nhưng thân nhiệt có thể giảm xuống. Nếu uống quá nhiều rượu có thể làm hạ thân nhiệt và khiến bạn gặp nguy hiểm.
Một sai lầm khác là ăn tuyết để chống khát nước. Điều này sẽ làm thân nhiệt giảm trầm trọng. Cơ thể dùng hết năng lượng để làm nóng tuyết phục vụ cho quá trình tiêu hóa sẽ làm bạn nhanh chóng kiệt sức. Vì thế, một trong những cách tốt nhất là đun tuyết lên trước khi uống.
Cố đến nơi có tuyết rơi
Đối với chuyến đi đến các điểm được dự báo sắp có tuyết rơi hay bão tuyết, du khách nên theo dõi thông tin, xem xét đổi lộ trình hoặc dừng ngay chuyến đi để bảo đảm an toàn. Việc tạm gác kế hoạch, thay vào đó những địa điểm an toàn hơn cho hành trình sẽ là giải pháp tốt, du khách có nhiều dịp để thực hiện chuyến đi trong tương lai.
TungTT