4 chuyên gia lặn hang động đã tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng nhí "Heo rừng" ở Thái Lan đã nhận lời tham gia một cuộc thám hiểm tại hang Sơn Đoòng. Một cuộc thám hiểm dự báo sẽ đưa Sơn Đoòng trở nên siêu kỳ vĩ…
Các chuyên gia hang động đang chuẩn bị lặn thám hiểm một lối đi dưới nước dài 600m chưa từng được khám phá bên trong Hang Sơn Đoòng với hi vọng tìm thấy một lối thông từ hệ thống hang hiện hữu đến một hang động gần đó, theo thông báo của công ty Oxalis - đơn vị chuyên tổ chức các tour du lịch mạo hiểm và khám phá hang động.
Nếu thành công, đợt thám hiểm lần này sẽ chứng tỏ hệ thống Hang Sơn Đoòng còn lớn hơn rất nhiều so với ghi nhận hiện nay, củng cố vị trí hang động tự nhiên lớn nhất thế giới của nó.
Chuyến thám hiểm do công ty Oxalis và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh phối hợp chuẩn bị và triển khai, sau khi người ta phát hiện một lối đi dưới nước bên trong Hang Sơn Đoòng có khả năng thông với Hang Thung gần đó.
Hang Thung được khám phá lần đầu tiên năm 1994 và cũng có một con sông lớn chảy bên trong lòng hang tương tự như Hang Sơn Đoòng.
Nhóm của ông Howard Limbert - thành viên Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, đồng thời là Giám đốc kỹ thuật của Oxalis, đã dành 8 năm nghiên cứu các cách thức khác nhau nhằm xác định xem lối đi này có thể dẫn đến đâu và cuối cùng rút ra kết luận chỉ có phương pháp lặn truyền thống mới có thể khám phá toàn bộ phần này của hang để phục vụ mục đích lập bản đồ một cách chính xác nhất.
Việc tìm ra một đường thông là cách tốt nhất để chứng minh 2 hang động này thực chất là một, theo ông Limbert.
Ngày tiến hành chuyến thám hiểm đã được ấn định vào đầu tháng 4-2019, khi dòng chảy của con sông là thuận lợi nhất cho việc lặn.
Đơn vị tổ chức đã mời bốn thợ lặn hàng đầu thế giới - Rick Stanton, John Volanthen, Jason Mallinson và Chris Jewell - cùng tham gia chuyến thám hiểm lần này.
Đây là những thợ lặn đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan bị mắc kẹt trong Hang Tham Luang ở tỉnh Chiang Rai miền bắc Thái Lan hồi tháng 7-2018.
Chuyên gia hang động Martin Holroyd, người đang giữ vai trò hướng dẫn an toàn cho du khách tham gia tour khám phá Hang Sơn Đoòng, sẽ tham gia chuyến thám hiểm với tư cách trưởng nhóm theo lời mời của Oxalis.
Bênh cạnh những thợ lặn và chuyên gia hang động, một nhóm nhân viên hỗ trợ cũng sẽ tháp tùng đoàn thám hiểm, trong đó có 10 người khuân vác đảm nhiệm việc vận chuyển bình dưỡng khí dự phòng, máy nén khí và các thiết bị cần thiết khác vào một điểm tập kết bên trong lòng hang phục vụ đợt thám hiểm.
Các nhân viên này đều là những người được huấn luyện kỹ càng và đã làm việc cùng nhóm chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh trong các chuyến thám hiểm hang động tại Việt Nam trong 15 năm qua.
"Những người tham gia đều là những thợ lặn hàng đầu thế giới, và chúng tôi tin rằng họ sẽ thành công trong việc kết nối hai hang động này với nhau, giúp tăng kích thước được ghi nhận của Hang Sơn Đoòng lên lớn hơn trước rất nhiều" - ông Limbert chia sẻ.
Theo Oxalis, các thành viên đoàn thám hiểm đều là những người có niềm đam mê hang động, lòng tôn trọng và sự ngưỡng mộ đối với những tuyệt tác thiên nhiên dưới lòng đất.
Nhóm cam kết tuân thủ những hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giữ nguyên vẹn hệ sinh thái Hang Sơn Đoòng cũng như không gây hư hại đến các vật chất hình thành bên trong lòng hang.
Những bức ảnh ấn tượng mới nhất về Sơn Đoòng được chụp bởi các tay máy nước ngoài. Ảnh: Elinna Yao, Stephen Dang & Kevin Lee, Andrej Sevkovskij, Ty Horton, Ryan Deboodt, Jason Speth.
Rick Stanton (56 tuổi) và John Volanthen (47 tuổi) chính là 2 thợ lặn đã tiếp cận đầu tiên với các nạn nhân sau gần 10 ngày mất tích, theo đài BBC.
Phát hiện của họ đã mở đường cho chiến dịch giải cứu quy mô lớn kéo dài hơn một tuần với kết quả là toàn bộ các nạn nhân được đưa ra khỏi hang an toàn.
Theo tờ Telegraph, Stanton và Volanthen được biết đến là hai trong số những thợ lặn giải cứu trong hang động hàng đầu thế giới, nhưng lặn lại không phải là công việc chính của họ.
Ông Stanton là một lính cứu hỏa có thâm niên hơn 25 năm, trong khi ông Volanthen lại là một chuyên viên tư vấn trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Cả 2 đều là những tình nguyện viên thường xuyên của đội cứu hộ hang động khu vực South và Mid Wales (Anh).
Năm 2011, bộ đôi này đã xác lập kỷ lục thế giới cho lần lặn dài nhất trong hang động với quãng đường lặn 9km trong một hệ thống hang ở Tây Ban Nha, với sự giúp sức của các thiết bị chuyên dụng, theo Telegraph.
Ông Volanthen bắt đầu lặn khi còn là hướng đạo sinh và dành thời gian rảnh của mình để tập chạy marathon nhằm tăng cường sức khỏe và sự dẻo dai cho những đợt lặn đòi hỏi thể lực tốt.
"Lặn không nguy hiểm nếu bạn làm đúng, chỉ có điều bạn luôn phải để ý đến rất nhiều chi tiết nhỏ nhặt" - ông Volanthen nói với tờ Telegraph.
Tuy vậy, ông thừa nhận công việc lặn, nhất là lặn cứu hộ trong điều kiện khắc nghiệt như hang động, luôn tiềm ẩn những rủi ro chết người.
"Nếu bạn gặp sự cố khi đã lặn sâu 10km vào trong một đường hầm ngập nước, bạn chỉ có đủ thời gian cho đến khi dưỡng khí cạn kiệt để nghĩ ra giải pháp hoặc là chấp nhận số phận" - ông cho biết trong một bài phỏng vấn với tạp chí Sunday Times năm 2013.
Còn đối với Rick Stanton, đam mê với bộ môn lặn đến với ông như một duyên số vào năm 18 tuổi, sau khi ông được truyền cảm hứng bởi một chương trình truyền hình.
Trong suốt sự nghiệp lặn cứu hộ của mình, ông Stanton cho biết chiến dịch khó khăn nhất mà ông từng thực hiện đó là khi ông tham gia giải cứu một thợ lặn nghiệp dư người Pháp bị mắc kẹt trong hệ thống hang động Draggonniere Gaude ở miền đông nam nước Pháp vào năm 2010.
"Tôi cùng một thợ lặn nữa đã ở đó suốt 10 ngày và đó là khoảng thời gian cực kỳ căng thẳng" - ông Stanton nhớ lại trải nghiệm phải tự mở lối đi dưới nước xuyên qua lớp bùn lở và bóng tối đen đặc để tiếp cận thi thể nạn nhân, cũng là một người bạn của ông.
Dù được nhắc đến như những thợ lặn cứu hộ hàng đầu thế giới, cả ông Stanton và Volanthen đều khiêm tốn thừa nhận đó là việc họ làm vì đam mê và không muốn truyền thông ca ngợi mình quá mức.
"Chúng tôi còn việc phải làm" - ông Volanthen đã nói với báo giới như vậy khi cùng Stanton đi vào hang Tham Luang để bắt đầu cuộc tìm kiếm các thành viên đội bóng bị mất tích.
Đối với ông Jewell, đó là chiến dịch giải cứu đầu tiên mà ông tham gia và chắc chắn nó đã để lại một kỷ niệm không thể quên khi ông suýt mất mạng trong đợt lặn cuối cùng sau khi để tuột tay khỏi sợi dây cáp dẫn đường và bị dòng nước bùn chảy xiết làm mất phương hướng trong nhiều phút, theo đài ABC.
"Tôi đã nghĩ đó chỉ là một sự cố nhỏ và tôi có thể với tay để tìm lại sợi dây đó, nhưng rồi tôi quờ quạng khắp nơi mà chẳng thấy nó đâu" - ông tiết lộ trong một bài phỏng vấn.
Ba mẹ của Jason Mallinson thì cho biết ông có sở thích "kỳ lạ" từ nhỏ là luôn tỏ ra hứng thú với những không gian chật hẹp.
"Tôi nhớ có lần khi Mallinson còn nhỏ, tôi kiểm tra phòng ngủ và không thấy con đâu. Tôi tìm khắp nhà cũng không thấy, hóa ra cậu chàng dùng drap giường trải bên trong tủ chén rồi trốn trong đó ngủ", bà Anne Mallinson, mẹ của Jason Mallinson nhớ lại.
"Một số người được sinh ra để làm những điều phi thường, và Jason là một trong số đó" - bà tự hào về con trai mình.
Những bức ảnh ấn tượng mới nhất về Sơn Đoòng được chụp bởi các tay máy nước ngoài. Ảnh: Elinna Yao, Stephen Dang & Kevin Lee, Andrej Sevkovskij, Ty Horton, Ryan Deboodt, Jason Speth.
Nội dung: Luke Ford - Tuấn Sơn (chuyển ngữ)
Thiết kế: Vũ Hoàng
Concept: Bảo SuZu
(Theo Tuổi Trẻ)