[WeNews] Thế giới sau khi có Virus Corona - Yuval Noah Harari

Ngày đăng 17/08/2020 02:02 PM - 1.310 lượt xem
"Cơn bão này rồi cũng sẽ qua thôi. Nhưng những lựa chọn của chúng ta lúc này có thể sẽ thay đổi cuộc đời của chúng ta trong nhiều năm tới". Yuval Noah Harari


Đấu trường La Mã ở Rome
"Những bức hình kèm theo bài viết này được ghi lại từ webcam ghi hình những con đường vắng vẻ như bị bỏ hoang ở Ý, được tìm thấy bởi Graziano Panfili, một nhiếp ảnh gia cũng đang sống ở khu vực bị phong tỏa".

 

 

Loài người hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có lẽ đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của thế hệ chúng ta. Những quyết định mà chính phủ và người dân đưa ra trong vài tuần tiếp theo có thể sẽ định hình thế giới trong nhiều năm tới. Những quyết định này sẽ không chỉ định hình các hệ thống y tế mà còn cả nền kinh tế, chính trị, và văn hóa của chúng ta. Chúng ta phải hành động nhanh chóng và dứt khoát. Chúng ta cũng nên tính để cả hậu quả lâu dài của những hành động của mình. Khi đứng giữa những lựa chọn thay thế, chúng ta nên tự đặt câu hỏi không chỉ về việc làm thế nào để vượt qua mối đe dọa trước mắt, mà còn nên đặt những câu hỏi về chuyện thế giới mà chúng ta sẽ cư ngụ khi cơn bão qua đi. Vâng, cơn bão rồi sẽ qua, loài người sẽ sống sót, hầu hết chúng ta sẽ vẫn còn sống - nhưng chúng ta sẽ sống ở một thế giới khác.

 

 

 

Nhiều biện pháp khẩn cấp ngắn hạn rồi sẽ trở thành việc mặc định trong cuộc sống. Đó là bản chất của những giải pháp khẩn cấp. Họ tua nhanh quá trình lịch sử. Các quyết định trong thời gian bình thường có thể mất nhiều năm cân nhắc, giờ đây được thông qua trong vài giờ. Các công nghệ chưa được phát triển trọn vẹn và thậm chí nguy hiểm được đưa vào phục vụ, vì rủi ro khi không làm gì còn lớn hơn. Toàn bộ các quốc gia đều đang đóng vai trò là những chú chuột lang trong các thí nghiệm xã hội quy mô lớn. Điều gì xảy ra khi mọi người làm việc ở nhà và chỉ giao tiếp ở khoảng cách xa? Điều gì xảy ra khi toàn bộ trường học và trường đại học lên mạng? Trong thời gian bình thường, chính phủ, doanh nghiệp và hội đồng giáo dục sẽ không bao giờ đồng ý tiến hành các thí nghiệm như vậy. Nhưng đây không phải là thời gian bình thường.

Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng ta phải đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Đầu tiên là giữa giám sát toàn trị và trao quyền công dân. Thứ hai là giữa sự cô lập dân tộc và sự đoàn kết toàn cầu.

"GIÁM SÁT DƯỚI DA"

Để ngăn chặn dịch bệnh, toàn bộ dân số cần tuân thủ một số nguyên tắc nhất định. Có hai cách chính để đạt được điều này. Một phương pháp là chính phủ giám sát người dân và trừng phạt những người vi phạm luật lệ. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, công nghệ giúp cho việc theo dõi mọi người mọi lúc trở nên khả thi. Năm mươi năm trước, KGB không thể theo dõi 240 triệu công dân Liên Xô 24/7, KGB cũng không thể hy vọng xử lý hiệu quả tất cả các thông tin thu thập được. KGB phụ thuộc hoàn toàn vào con người, là các điệp vụ và nhà phân tích, và nó không thể giao một đặc vụ đi theo dõi một người dân được. Nhưng bây giờ các chính phủ có thể dựa vào các cảm biến có mặt ở khắp mọi nơi và các thuật toán mạnh mẽ thay vì phụ thuộc vào các ma quỷ rình rập bằng xương bằng thịt.

Quảng trường Beato Roberto ở Pescara - © Graziano Panfili​


Trong cuộc chiến chống lại dịch virus Corona, một số chính phủ đã triển khai các công cụ giám sát mới. Trường hợp đáng chú ý nhất là Trung Quốc. Bằng cách giám sát chặt chẽ điện thoại thông minh của người dân, sử dụng hàng trăm triệu máy ảnh nhận diện khuôn mặt và bắt buộc mọi người phải kiểm tra và báo cáo tình trạng cơ thể và tình trạng y tế của họ, chính quyền Trung Quốc không chỉ có thể nhanh chóng xác định người bị nghi ngờ mang virus Corona, mà còn theo dõi chuyển động của họ và xác định bất cứ ai họ có tiếp xúc gần. Một loạt các ứng dụng di động cảnh báo người dân về khoảng cách của họ với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.

Công nghệ như thế không chỉ giới hạn ở Đông Á. Thủ tướng Israel Netanyahu gần đây đã cho phép Cơ quan an ninh Israel triển khai công nghệ giám sát vốn chỉ sử dụng để chống khủng bố để truy tìm bệnh nhân Corona. Khi tiểu ban nghị viên từ chối uỷ quyền thực hiện, Netanyahu gây sức ép bắt buộc bằng một lệnh khẩn cấp.

Bạn có thể tranh cãi rằng điều này chẳng có gì mới. Trong nhiều năm qua, chính phủ lẫn doanh nghiệp đã sử dụng nhiều công nghệ còn tiên tiến hơn để theo dõi, truy tìm và kiểm soát người dân. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, đại dịch này có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử công nghệ giám sát. Không chỉ bình thường hóa chuyện dùng công cụ giám sát hàng loạt tại những quốc gia trước đây đã phản đối nó, mà còn báo hiệu một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ từ “giám sát ngoài da" sang “giám sát dưới da".

Cho đến nay, khi ngón tay của bạn chạm vào màn hình điện thoại thông minh của bạn và nhấp vào một đường link liên kết, chính phủ muốn biết chính xác ngón tay của bạn đang nhấp vào cái gì. Nhưng với virus Corona, trọng tâm của mối quan tâm đã thay đổi. Bây giờ chính phủ muốn biết nhiệt độ của ngón tay của bạn và huyết áp dưới da bạn.

BÁNH PUDDING KHẨN CẤP

Một trong những vấn đề chúng ta gặp phải khi lựa chọn quan điểm của mình đối với vấn đề bị giám sát là không ai trong chúng ta biết chính xác chúng ta đang bị giám sát như thế nào, và những năm tới có thể xảy ra chuyện gì. Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và những gì dường như chỉ có trong khoa học viễn tưởng của 10 năm trước, giờ đã là tin tức cũ. Thử suy nghĩ xem, hãy tưởng tượng một chính phủ giả định yêu cầu mọi người dân đeo vòng đeo tay sinh trắc học theo dõi nhiệt độ cơ thể và nhịp tim 24/7. Dữ liệu kết quả được tích trữ và phân tích bằng các thuật toán của chính phủ. Các thuật toán sẽ biết rằng bạn bị bệnh ngay cả trước khi bạn biết điều đó và họ cũng sẽ biết bạn đã ở đâu và bạn đã gặp ai. Các chuỗi nhiễm bệnh có thể được rút ngắn đáng kể, và thậm chí cắt giảm hoàn toàn. Một hệ thống như vậy có thể ngăn chặn được dịch bệnh trong sự kiểm soát và theo dõi của nó trong vài ngày. Nghe thật tuyệt phải không?

Nhược điểm là, tất nhiên, điều này sẽ hợp pháp hóa một hệ thống giám sát mới đáng sợ. Ví dụ, nếu bạn biết rằng tôi đã nhấp vào liên kết Fox News chứ không phải liên kết CNN, điều đó có thể dạy cho bạn một vài điều về quan điểm chính trị của tôi và có lẽ cả tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn có thể theo dõi những gì xảy ra với nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim khi tôi xem video clip, bạn có thể tìm hiểu điều gì khiến tôi cười, điều gì khiến tôi khóc và điều gì khiến tôi thực sự, thực sự tức giận.

Veduta della Casa Universitaria ở Lodi © Graziano Panfili​


Điều quan trọng cần nhớ là sự tức giận, vui vẻ, buồn chán và tình yêu là những hiện tượng sinh học giống như sốt và ho vậy. Công nghệ tương tự với loại dùng để xác định bệnh ho cũng có thể xác định những nụ cười. Nếu các tập đoàn và chính phủ bắt đầu thu hoạch dữ liệu sinh trắc học của chúng ta, họ có thể hiểu chúng ta hơn cả chính chúng ta hiểu bản thân mình, và sau đó họ không chỉ dự đoán cảm xúc của chúng ta mà còn thao túng cảm xúc và bán cho chúng ta bất cứ điều gì họ muốn - có thể là sản phẩm hoặc một chính trị gia. Giám sát sinh trắc học sẽ làm cho các chiến thuật hack dữ liệu của Cambridge Analytica trông giống như một thứ gì đó từ thời Đồ Đá. Hãy tưởng tượng Triều Tiên vào năm 2030, khi mọi người dân phải đeo vòng tay sinh trắc học 24/7. Nếu bạn lắng nghe một bài phát biểu của Nhà lãnh đạo vĩ đại và chiếc vòng tay nhặt ra được những dấu hiệu của sự tức giận, thế là bạn tiêu đời.

Tất nhiên, bạn có thể coi trường hợp giám sát sinh trắc học như một biện pháp tạm thời được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp. Nó sẽ biến mất khi tình trạng khẩn cấp kết thúc. Nhưng các biện pháp tạm thời có một thói quen khó chịu là những trường hợp khẩn cấp thường tồn tại lâu dài, chưa kể đến việc luôn có một tình huống khẩn cấp mới đang rình rập. Chẳng hạn, đất nước Israel của tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong Chiến tranh Độc lập năm 1948, để biện minh cho một loạt các biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt báo chí và tịch thu đất đai cho đến các quy định đặc biệt để làm bánh pudding (Tôi không đùa đâu). Chiến tranh Độc lập đã kết thúc từ lâu, nhưng Israel chưa bao giờ tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp và đã thất bại trong việc bãi bỏ nhiều biện pháp “tạm thời” của năm 1948 (sắc lệnh khẩn cấp về việc làm pudding đã bị bãi bỏ một cách thương xót vào năm 2011).

Spiaggia di Porto San Giorgio, Mare Adriatico © Graziano Panfili​

Ngay cả khi sự lây nhiễm từ vi rút Corona giảm xuống đến mức 0, một số chính phủ đói dữ liệu có thể lý luận rằng họ cần phải giữ các hệ thống giám sát sinh trắc học vì họ sợ một đợt virus Corona thứ hai hoặc do có một chủng Ebola mới phát triển ở Trung Phi, hoặc bởi vì . . . bạn hiểu ý tôi nói rồi đấy. Một trận chiến lớn đã và đang hoành hành trong những năm gần đây về quyền riêng tư của chúng ta. Cuộc khủng hoảng virus Corona có thể là điểm bùng phát của trận chiến. Vì khi mọi người được lựa chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ thường sẽ chọn sức khỏe.

CẢNH SÁT XÀ PHÒNG

Yêu cầu mọi người lựa chọn giữa sự riêng tư và sức khỏe, trên thực tế, chính là gốc rễ của vấn đề. Bởi vì đây là một lựa chọn không nên tồn tại. Chúng ta có quyền và nên được tận hưởng cả sự riêng tư và sức khỏe. Chúng ta có thể chọn bảo vệ sức khỏe của mình và ngăn chặn dịch virus Corona không phải bằng cách thiết lập chế độ giám sát toàn trị, mà bằng cách trao quyền cho công dân. Trong những tuần gần đây, một số nỗ lực thành công nhất để ngăn chặn dịch virus Corona đã được Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore tạo ra. Tuy rằng các quốc gia này đã sử dụng một số ứng dụng theo dõi người dân, trên hết họ đã dựa nhiều vào việc xét nghiệm rộng rãi dân số, báo cáo trung thực và sự sẵn sàng hợp tác của một cộng đồng được cung cấp thông tin đầy đủ.

Giám sát tập trung và các hình phạt khắc nghiệt không phải là cách duy nhất để khiến mọi người tuân thủ các quy định có lợi cho người dân. Khi mọi người được thông báo về các thông khoa học được xác thực và khi mọi người tin tưởng vào việc các cơ quan công quyền sẽ nói cho họ biết những sự thật này, công dân có thể làm điều đúng đắn ngay cả khi không có Big Brother (khái niệm về một nhà nước/ cộng đồng nơi có một đấng tối cao giám sát tất cả mọi hành vi của người dân) trông chừng từ sau lưng họ. Một nhóm công dân tự có ý thức và được nhận những thông tin xác thực thường có sức mạnh và phối hợp hiệu quả hơn nhiều so với một nhóm công dân thiếu hiểu biết, và bị phụ thuộc vào việc phải có người khác giám sát.

Cung điện Hoàng Gia Caserta ©️ Graziano Panfili​

Hãy xem xét ví dụ về rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những tiến bộ lớn nhất từ trước đến nay trong ý thức vệ sinh của con người. Hành động đơn giản này cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm. Mặc dù chúng ta coi đó là điều hiển nhiên, nhưng mãi đến thế kỷ IX, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng. Trước đây, thậm chí các bác sĩ và y tá đã tiến hành từ cuộc phẫu thuật sang cuộc phẫu thuật tiếp theo mà không rửa tay. Ngày nay, hàng tỷ người rửa tay hằng ngày, không phải vì họ sợ cảnh sát xà phòng, mà là vì họ hiểu được sự thật đằng sau việc rửa tay. Tôi rửa tay bằng xà phòng vì tôi đã nghe nói về vi rút và vi khuẩn, tôi hiểu rằng những sinh vật siêu nhỏ bé này gây bệnh và tôi biết rằng xà phòng có thể loại bỏ chúng.

Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như vậy, bạn cần niềm tin. Mọi người cần tin tưởng vào khoa học, tin tưởng các cơ quan công quyền và tin tưởng vào các phương tiện truyền thông. Trong vài năm qua, các chính trị gia vô trách nhiệm đã cố tình làm xói mòn niềm tin vào khoa học, vào các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông. Bây giờ, những chính trị gia vô trách nhiệm này có thể thấy rất bị cám dỗ trong việc đi theo con đường đến với chủ nghĩa độc đoán, cho rằng bạn không thể tin tưởng rằng công chúng có thể làm điều đúng đắn.

Thông thường, niềm tin đã bị xói mòn trong nhiều năm không thể được xây dựng lại trong ngày một ngày hai. Nhưng đây không phải là thời gian bình thường. Trong một thời khắc khủng hoảng, tâm trí cũng có thể thay đổi nhanh chóng. Bạn có thể có những cuộc cãi vã nhiều cay đắng với anh chị em của mình trong nhiều năm, nhưng khi một số trường hợp khẩn cấp xảy ra, bạn đột nhiên phát hiện ra một kho báu chứa vô vàn niềm tin và lòng nhân ái, và bạn liền lao vào giúp đỡ lẫn nhau. Thay vì xây dựng một chế độ giám sát, vẫn chưa quá muộn để xây dựng lại cho mọi người niềm tin vào khoa học, vào các cơ quan chức năng và các phương tiện truyền thông. Đương nhiên chúng ta cũng nên sử dụng các công nghệ mới, nhưng những công nghệ nên là những công nghệ có thể trao quyền cho công dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi nhiệt độ cơ thể và huyết áp, nhưng dữ liệu đó không nên được sử dụng để tạo ra một chính phủ toàn năng. Thay vào đó, dữ liệu đó sẽ cho phép tôi đưa ra các lựa chọn cá nhân sáng suốt hơn và cũng để chính phủ có nhiều trách nhiệm hơn đối với các quyết định của họ.

Lungomare di Forte dei Marmi, ở Versilia © Graziano Panfili​

Nếu tôi có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình 24/7, tôi sẽ không chỉ biết liệu tôi có trở thành mối nguy hiểm cho sức khỏe của người khác hay không, mà còn biết rõ thói quen nào giúp tôi khỏe mạnh hơn. Và nếu tôi có thể truy cập và phân tích các số liệu thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của vi rút Corona, tôi sẽ có thể đánh giá được liệu chính phủ có nói cho tôi biết sự thật hay không và liệu họ có đang áp dụng các chính sách đúng đắn để chống lại dịch bệnh hay không. Bất cứ khi nào mọi người nói về hoạt động giám sát, hãy nhớ rằng không chỉ chính phủ có thể sử dụng công nghệ để giám sát các cá nhân, mà các cá nhân cũng có thể sử dụng công nghệ tương tự để giám sát chính phủ.

Do đó, đại dịch virus Corona là một thử nghiệm lớn về quyền công dân. Trong những ngày sắp tới, mỗi người trong chúng ta nên chọn tin tưởng vào dữ liệu khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, hơn là tin vào các thuyết âm mưu vô căn cứ và các chính trị gia tự phục vụ mục đích cá nhân. Nếu chúng ta không lựa chọn đúng, chúng ta có thể thấy mình đang từ bỏ các quyền tự do quý giá nhất của mình, nghĩ rằng đây là cách duy nhất để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

CẦN MỘT KẾ HOẠCH TOÀN CẦU

Sự lựa chọn quan trọng thứ hai mà chúng ta phải đối mặt là giữa sự cô lập dân tộc và sự đoàn kết toàn cầu. Cả dịch bệnh và kéo theo là cuộc khủng hoảng kinh tế là những vấn đề toàn cầu. Chúng chỉ có thể được giải quyết hiệu quả bằng sự hợp tác toàn cầu.

Đầu tiên và quan trọng nhất, để đánh bại virus, chúng ta cần chia sẻ thông tin trên toàn cầu. Đó là lợi thế lớn của con người đối với virus. Một con virus Corona ở Trung Quốc và một con virus Corona ở Mỹ không thể trao đổi các mẹo về cách lây nhiễm cho con người. Nhưng Trung Quốc có thể dạy cho Mỹ nhiều bài học quý giá về vi rút Corona và cách đối phó với nó. Những gì một bác sĩ người Ý phát hiện ra ở Milan vào sáng sớm cũng có thể cứu được cuộc sống ở Tehran vào buổi tối. Khi chính phủ Anh do dự giữa vô vàn chính sách khác nhau, họ có thể nhận được lời khuyên từ người Hàn Quốc, những người đã phải đối mặt với một tình huống khó xử tương tự một tháng trước. Nhưng để điều này xảy ra, chúng ta cần có tinh thần hợp tác và tin tưởng toàn cầu.

Các quốc gia nên sẵn sàng chia sẻ thông tin một cách cởi mở, và khiêm tốn tìm kiếm lời khuyên, và nên có sự tin tưởng vào dữ liệu và những hiểu biết mà họ nhận được. Chúng ta cũng cần một nỗ lực toàn cầu để sản xuất và phân phối thiết bị y tế, đáng chú ý nhất là bộ dụng cụ xét nghiệm và máy hỗ trợ hô hấp. Thay vì mọi quốc gia cố gắng thực hiện tại địa phương và tích trữ bất kỳ thiết bị nào họ có thể có, một nỗ lực phối hợp toàn cầu có thể giúp tăng tốc sản xuất và đảm bảo thiết bị cứu sinh được phân phối công bằng hơn. Giống như các quốc gia đã quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt trong một cuộc chiến tranh, cuộc chiến của con người chống lại virus Corona có thể yêu cầu chúng ta phải nhân hóa các dây chuyền sản xuất quan trọng. Một quốc gia thịnh vượng với ít ca bệnh nhân mắc virus Corona nên sẵn sàng gửi thiết bị quý giá đến một quốc gia nghèo hơn với nhiều ca mắc hơn, với niềm tin rằng nếu sau đó, khi nước vừa hỗ trợ nước nghèo hơn cần trợ giúp, các quốc gia khác sẽ đến hỗ trợ.

The Duomo ở Florence © Graziano Panfili​

Chúng ta có thể xem xét một nỗ lực toàn cầu tương tự trong việc tập hợp nhân viên y tế. Các quốc gia hiện ít bị ảnh hưởng có thể đưa nhân viên y tế đến các khu vực bị thiệt hại nặng nhất trên thế giới, vừa để giúp họ trong lúc họ cần, và để có được kinh nghiệm quý giá. Nếu sau này tâm dịch bệnh thay đổi,sự giúp đỡ có thể bắt đầu chảy theo hướng ngược lại.

Hợp tác toàn cầu cũng cực kỳ cần thiết trên mặt trận kinh tế. Với bản chất của nền kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ đều bất chấp lợi ích của quốc gia khác và hành động động lập, hậu quả sẽ là sự hỗn loạn và khủng hoảng sâu sắc. Chúng ta cần một kế hoạch hành động toàn cầu, và chúng ta cần nó càng nhanh càng tốt.

Một việc quan trọng khác là đạt được thỏa thuận toàn cầu về du lịch. Việc đình chỉ tất cả các chuyến du lịch quốc tế trong nhiều tháng sẽ gây ra những khó khăn to lớn và cản trở cuộc chiến chống lại vi rút Corona. Các quốc gia cần hợp tác để cho phép ít nhất một nhóm cá nhân có vai trò chủ chốt tiếp tục đi lại: các nhà khoa học, bác sĩ, nhà báo, chính trị gia, doanh nhân. Điều này có thể được thực hiện bằng cách đạt được thỏa thuận toàn cầu về việc tầm soát trước khách du lịch của mỗi đất nước. Nếu bạn biết rằng chỉ những khách du lịch được kiểm tra và tầm soát cẩn thận mới được phép lên máy bay, bạn sẽ sẵn sàng hơn khi chấp nhận để họ nhập cảnh.

Torre San Giovanni, ở Lecce © Graziano Panfili​

Thật không may, vào thời điểm này, các quốc gia lại không có bất kỳ động thái nào. Cộng đồng quốc tế đang trong trạng thái tê liệt. Thế giới như một căn phòng đầy trẻ con không có người lớn quản lý. Người ta trông chờ vào một cuộc họp khẩn cấp với sự hiện diện của các lãnh đạo toàn cầu để tìm ra một kế hoạch hành động chung từ nhiều tuần nay. Cuối cùng, mong ước thành sự thật khi các lãnh đạo G7 cuối cùng cũng tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tuần này, nhưng cũng không đi đến kế hoạch nào cả.

Trong các đợt khủng hoảng toàn cầu trước đây, như lần khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đợt dịch bệnh Ebola năm 2014 - nước Mỹ đã thực hiện vai trò của một người lãnh đạo. Tuy nhiên lần này, chính phủ Mỹ đã lựa chọn quẳng gánh lo đi và chỉ quan tâm đến “sự tuyệt vời của nước Mỹ”, bỏ mặc tương lai của nhân loại.

Mỹ đã lựa chọn nước cờ bỏ rơi cả những đồng minh thân thiết của mình. Khi Mỹ cấm tất cả mọi hình thức nhập cảnh của các nước EU, họ thậm chí không buồn đánh tiếng cho EU biết trước về quyết định này chứ đừng nói tới việc lịch sự tham khảo ý kiến của đối phương về quyết định mạnh bạo của mình. Mỹ thậm chí còn khiến Đức vô cùng hoang mang khi đưa ra “cơ hội” được sở hữu độc quyền vắc xin Covid-19 mới từ một công ty dược phẩm ở Đức với giá 1 tỉ đô. Cho dù cuối cùng chính quyền Mỹ có lấy lại vị thế và ra được một chiến lược phản ứng toàn cầu, chắc sẽ có rất ít ai chịu phục tùng một vị lãnh đạo không bao giờ biết chịu trách nhiệm, không chịu thừa nhận lỗi sai của mình, một kẻ chỉ biết vơ vét hào quang về mình và đổ lỗi cho người khác. Nếu vị trí của Mỹ không được lấp đầy bởi ai khác, chẳng những sẽ khiến bệnh dịch khó dập tắt hơn mà việc này sẽ còn đầu độc các mối quan hệ quốc tế trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Chúng ta phải hy vọng rằng dịch bệnh lần này sẽ giúp loài người nhìn nhận và hiểu ra về sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu. Nhân loại cần đưa ra lựa chọn. Liệu nên tiếp tục đi sâu vào lối mòn của sự chia rẽ hay rẽ lối sang con đường gắn kết toàn cầu? Nếu lựa chọn sự chia rẽ, đây không những là quyết định kéo dài cuộc khủng hoảng mà còn dẫn đến những thảm họa khác tồi tệ hơn trong tương lai. Nếu lựa chọn sự gắn kết thì đó không chỉ là chiến thắng của loài người với vi rút Corona, mà còn với tất cả các bệnh dịch và khủng hoảng đang rình rập nhân loại trong thế kỷ 21.

Yuval Noah Harari là tác giả “Lược Sử Loài Người" và “21 Bài Học cho Thế Kỷ 21” Dịch từ bài được đăng tại: Yuval Noah Harari: the world after coronavirus​
 
Theo Tinh Tế
Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
‘Tam giác quỷ’ ở Tây Bắc Việt Nam, nơi những chiếc máy bay một đi không trở lại…

‘Tam giác quỷ’ ở Tây Bắc Việt Nam, nơi những chiếc máy bay một đi không trở lại…

Tại huyện Bắc Yên, Sơn La, có một khu vực mà nhiều năm trước không hiểu vì sao lâu lâu lại có một chiếc máy bay lao xuống nổ tan tành.
Giới thiệu về thương hiệu SCARPA

Giới thiệu về thương hiệu SCARPA

Scarpa là một thương hiệu giày thể thao uy tín có có nguồn gốc tại Ý, nổi tiếng với chất lượng giày cao cấp, có khả năng thõa mãn nhu cầu của các vận động viên, những người yêu thích leo núi, và môn thể thao mạo hiểm ngoài trời. Đặc biệt là về loại giày cho môn thể thao núi như giày leo núi, giày leo đá, giày dã ngoại và một số sản phẩm cho các hoạt động ngoài trời.
Hướng dẫn cách xây dựng nền lều trại: Bí quyết và những điều cần biết

Hướng dẫn cách xây dựng nền lều trại: Bí quyết và những điều cần biết

Những điều cần biết khi xây dựng nền lều trại cho chuyến cắm trại tiếp theo của bạn!
Không cần nhân phẩm vẫn có thể săn mây thành công bằng ứng dụng Windy.com

Không cần nhân phẩm vẫn có thể săn mây thành công bằng ứng dụng Windy.com

Săn mây trên đỉnh núi là một trải nghiệm tuyệt vời cho những người yêu thích du lịch và khám phá thiên nhiên. Tuy nhiên, để có thể săn mây thành công, bạn cần phải biết cách đọc và theo dõi thông tin thời tiết một cách chính xác. Điều này càng trở nên dễ dàng hơn với ứng dụng Windy.com, một trong những ứng dụng thời tiết được yêu thích nhất hiện nay. Với Windy.com, bạn có thể dễ dàng đoán trước được sự xuất hiện của mây, giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi của mình.
Review giày leo núi cổ cao Humtto Trekking Sneakers 210696A-2

Review giày leo núi cổ cao Humtto Trekking Sneakers 210696A-2

Giày leo núi là một trong những vật dụng không thể thiếu của bất kỳ phượt thủ nào. Tuy nhiên, để tìm kiếm một đôi giày phù hợp với nhu cầu và sở thích của mình là một điều không hề dễ dàng.
Lý do nên đầu tư vào một chiếc lều chất lượng cao

Lý do nên đầu tư vào một chiếc lều chất lượng cao

Khi bạn đi cắm trại, Lều là một trong những vật dụng cơ bản nhất và quan trọng nhất. Lều không chỉ cung cấp nơi trú ẩn và bảo vệ khỏi thời tiết xấu, mà còn giúp tạo ra một không gian riêng tư và thoải mái để bạn có thể tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ của mình.
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc