Gia đình tôi vừa đạt mốc đi qua 50 tỉnh thành dọc chiều dài đất nước. Hành trình của chúng tôi bắt đầu từ tháng 2/2022, khi con gái Nguyễn Khánh An của tôi vừa tròn 3 tháng tuổi.
Tôi là Nguyễn Ngọc Minh (29 tuổi), quê ở Sóc Trăng, hiện là nhân viên marketing kiêm nhà sáng tạo nội dung về du lịch (travel content creator). Trong những ngày qua, bức ảnh "flex" (khoe) toàn bộ tài sản du lịch bụi của tôi được chia sẻ rộng rãi trong các hội nhóm mê xê dịch.
Bức ảnh không căn góc kĩ càng, nhưng gói gọn một gia đình nhỏ với chiếc xe bán tải 2 cầu và nhiều vật dụng cá nhân, đồ dùng cắm trại. Ngoài ra, còn một thứ quan trọng chỉ có thể khoe bằng lời kể, đó là những trải nghiệm vô giá tôi góp nhặt được trong suốt 2 năm rong ruổi trên dải đất hình chữ S.
Khi thấy tôi du lịch khắp nơi trong nhiều tháng liền, nhiều người nghĩ rằng gia đình tôi có điều kiện hoặc ngân sách dồi dào, nhưng xuất phát điểm của tôi lại không mấy khá giả.
Từ nhiều năm trước, tôi theo dõi hầu hết travel blogger ở Việt Nam và trên thế giới. Nhìn lại bản thân, tôi cũng có niềm đam mê mãnh liệt với du lịch, từng phượt xe máy xuyên Việt 2 lần và du lịch balo (hay còn gọi là backpacker - du lịch bụi) qua một số nước Đông Nam Á, nhưng không thể bỏ hoàn toàn công việc.
Tôi luôn tự đặt cho mình câu hỏi: "Tại sao họ du lịch hết nơi này đến nơi khác, đi không ngừng nghỉ mà vẫn kiếm ra tiền?".
Đến năm 2020, tôi bén duyên với vợ. Chúng tôi kết hôn vì đồng điệu về sở thích du lịch lẫn tầm nhìn công việc. Trước đây, vợ tôi từng tự xách balo du lịch một mình qua 15 quốc gia châu Âu. Cuối năm 2021, chúng tôi đón con gái đầu lòng.
Vợ cùng tôi thực hiện hóa ước mơ vừa du lịch vừa kiếm tiền, lên kế hoạch thật tốt để đưa con đi khắp nơi. Trước khi đi, tôi lướt nhiều kênh thông tin để tìm những công việc online (trực tuyến), may mắn là lúc đó tôi biết đến thuật ngữ digital nomad (du mục kỹ thuật số) - những người làm việc từ xa, không đòi hỏi có mặt ở văn phòng. Đặc biệt, digital nomad cũng trở nên thịnh hành sau đại dịch Covid-19.
Công việc chính của tôi và vợ là digital marketing, chuyên sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội và xây dựng chiến lược quảng cáo cho doanh nghiệp theo từng dự án. Ngoài ra, chúng tôi còn phát triển sản phẩm của các thương hiệu trong lĩnh vực du lịch.
Du lịch bụi xuyên Việt là một hành trình không dễ dàng, nhất là với những người có con nhỏ. Tôi và vợ không chọn cách đi tùy hứng hay đợi đến lúc tài chính dư dả để không phải lo nghĩ về tiền bạc. Khi tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm cũng như các kỹ năng cần thiết, chúng tôi vừa du lịch vừa kiếm tiền.
Từ năm 2022 đến nay, gia đình tôi chỉ ở nhà lâu nhất là 2-3 tuần, phần lớn thời gian rong ruổi từ tỉnh này sang tỉnh khác.
Trên chiếc xe bán tải chất đầy quần áo, vật dụng cá nhân, bình nước sinh hoạt 100 lít, trạm điện, tấm chống lầy, bạt che nắng, dụng cụ nấu nướng và ăn uống..., tôi cùng vợ con đến Phú Quốc (Kiên Giang).
Chúng tôi không thuê phòng nghỉ mà cắm trại để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thiên nhiên. Sau 2-3 ngày sẽ đến khách sạn để tắm, giặt và sạc các thiết bị điện tử. Trước khi hạ trại, chúng tôi thường đi chợ mua nguyên liệu và nấu ăn như ở nhà.
Cách tôi và vợ chọn điểm đến khá đơn giản, chỉ cần có khung cảnh thiên nhiên đẹp và không khí trong lành để con gái có cơ hội làm quen với cây cỏ và các loài động vật. Phú Quốc đáp ứng được những điều này nên chúng tôi ở lại đây gần một năm.
Tháng 8/2023, tôi và vợ rời đảo ngọc. Chọn TP.HCM làm điểm xuất phát mới, chúng tôi di chuyển theo tuyến cao tốc đến thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), sau đó tiếp tục chạy dọc cung đường ven biển để đến Phú Yên.
Điểm dừng chân đầu tiên là cù lao Mái Nhà, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30 km. Nơi đây được mệnh danh là "hòn đảo Robinson” vì vắng khách du lịch, cảnh quan vẫn giữ nguyên nét nguyên sơ, bãi biển sạch và trong dù nằm gần khu vực người dân sinh sống.
Khi đến thảo nguyên Bùi Hui (Quảng Ngãi), chúng tôi gặp trận mưa lớn đến mức không thể ra khỏi xe. Mây giăng mù mịt, khuất tầm nhìn nên chúng tôi chạy lạc vào làng Ba Tơ của người H'rê. Đoạn đường rất khó đi do đang sửa chữa, bánh xe cũng mắc kẹt trong vũng lầy. Chúng tôi cố rịn ga, chạy vào bên trong để hỏi người địa phương, may mắn được chỉ dẫn lối ra, nhưng mất khoảng 2 tiếng mới thấy được đường lớn.
Những ngày sau đó, tôi và vợ chọn cắm trại tại các địa điểm an toàn như bãi Nước Ngọt (Ninh Thuận), bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), biển Hàng Dương (Huế), bến phà sông Gianh (Quảng Bình).
Cuối tháng 9/2023, gia đình tôi tiến đến khu vực Tây Bắc - Đông Bắc. Làng nguyên thuỷ Hang Táu (Sơn La), đèo Khau Phạ (Yên Bái), thảo nguyên Suôi Thầu (Hà Giang), đỉnh đồi chè Tân Uyên (Lai Châu)… là những địa điểm chúng tôi hạ trại.
Dù mỗi nơi mang vẻ đẹp và đặc trưng riêng, nhưng chúng tôi ấn tượng nhất là làng nguyên thủy Hang Táu. Ngôi làng nằm trong thung lũng cách trung tâm huyện Mộc Châu gần 20 km, không có mạng lưới điện, không có Internet, cũng không có sóng điện thoại. Nhưng khung cảnh nên thơ, bãi cỏ xanh trải dài và những căn nhà gỗ biệt lập khiến chúng tôi mê đắm, quên đi những tiện ích thường ngày.
Tại đây chỉ vỏn vẹn 20 hộ dân tộc Mông sinh sống, nhưng họ vẫn hạnh phúc và vui vẻ. Ban ngày, người lớn đi làm rẫy, trồng trọt và chăn nuôi, còn trẻ con xúng xính váy áo sặc sỡ, nô đùa khắp làng. Càng đi sâu vào những bản làng chúng tôi càng thấy rõ sự khó khăn của người dân vùng cao.
Những ngày dừng chân ở Tây Bắc cũng mang đến cho chúng tôi nhiều nguồn cảm hứng. Trong tương lai, nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ quay lại để giúp cuộc sống người dân khá hơn.
Dịp Tết Dương lịch vừa qua, tôi và vợ quay trở lại khu vực Tây Nguyên. Theo dự tính, chúng tôi chỉ cắm trại tại thị trấn Măng Đen (Kon Tum) khoảng 1-2 ngày, nhưng vì trót yêu không khí mát mẻ và nét tĩnh lặng của vùng đất này, chúng tôi ở lại hơn một tháng.
Tôi và vợ xem du lịch là đam mê và công việc, những thuận lợi hay khó khăn trong chuyến đi đều là kỉ niệm đáng có trong cuộc sống.
Trong 2 năm du lịch bụi, chúng tôi bỏ lỡ nhiều buổi tiệc tùng, ăn nhậu và vui chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng đổi lại là một gia đình nhỏ ngày càng gắn kết, xem nhau như những người bạn tri kỷ để tin tưởng và dựa vào.
Đáng ra ở độ tuổi này, nhiều bé đã đi học mầm non, nhưng tôi và vợ tạm hoãn vì muốn mở rộng thế giới quan và đồng hành cùng con trong quá trình lớn lên. Với chúng tôi, đưa con đi du lịch sớm là một trong những cách tốt nhất để bé tăng khả năng tự lập, hình thành những thói quen tốt và phát triển tư duy.
Chúng tôi hạnh phúc khi thấy con nhận biết được nhiều sự vật, hiện tượng ngoài môi trường và dạn dĩ lên từng ngày. Hơn nữa, việc kề cận giúp chúng tôi dễ kết nối và thấu hiểu con hơn. Cả 2 thống nhất sẽ đưa con du lịch bụi đến khi vào lớp 1.
Ngoài ra, ở mỗi điểm đến, tôi và vợ có duyên gặp được những người bạn mới. Có người cùng chung chí hướng, có người bỏ phố về rừng để thực hiện những dự án cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và bảo vệ môi trường. Mỗi cuộc gặp gỡ đều góp thêm ý nghĩa vào hành trình du lịch.
Với tôi, chuyến đi xuyên Việt được xem là bước ngoặt tuổi trẻ, giúp tôi hiểu rõ điều mà bản thân thật sự đam mê và mở rộng góc nhìn. Để lan toả những hình ảnh đẹp về Việt Nam đến bạn bè trên khắp thế giới, gia đình tôi lập một kênh cá nhân, lưu lại hành trình và truyền cảm hứng cho những gia đình đang muốn đưa con đi du lịch.
Hiện tại, tôi và vợ vẫn tiếp tục hành trình khám phá các nước láng giềng. Chúng tôi đang nghiên cứu kĩ các thủ tục và xin giấy phép cho những chuyến đi sắp tới.
Nguồn: Lifestyle.znews