Núi lửa Dallol được mệnh danh là "sao Hỏa trên trái đất". Vùng đất ở Ethiopia này là một trong những địa điểm thu hút các nhà nghiên cứu về địa chất nhất châu Phi.
Khu vực quanh núi lửa Dallol ở Ethiopia là một nơi cực kỳ lạ lùng, không giống bất cứ đâu trên trái đất. Hơi độc clo kèm lưu huỳnh làm tắc nghẽn không khí. Trong khi đó, những đụn muối và sắt có hình hài như nấm khổng lồ bao phủ toàn bộ cảnh quan. Ảnh: Red Bull.
Các mạch nước ngầm sôi sục, bốc hơi nghi ngút lên mặt đất, tạo thành những con suối khoáng mà bạn hoàn toàn không muốn ngâm mình xuống. Tới Dallol, bạn như bước vào một bộ phim khoa học viễn tưởng hay địa điểm siêu thực. Ảnh: Bing Wallpaper.
Wilfred Pattiger, nhà thám hiểm người Anh, đã mô tả nơi này là vùng đất của sự chết chóc. Đối với các nhà khoa học, Dallol lại là khu vực có nhiều nét tương đồng với sao Hỏa nhất. Bởi vậy, đây cũng là nơi thích hợp để nghiên cứu về sự sống trên các hành tinh ngoài trái đất. Ảnh: Globetrottingcom, jpuigdengolas.
Ngoài môi trường khắc nghiệt, Dallol còn có một sa mạc khô cằn đến khó tin, nơi sở hữu hệ thống sông mang tính axit hay những lỗ thoát nhiệt cực kỳ nóng. Hiếm có sinh vật nào có thể tồn tại được ở đây, nhưng nếu có, chúng sẽ là những loài thích nghi tốt nhất với cuộc sống trên sao Hỏa. Ảnh: Wired UK.
Núi lửa Dallol nằm trong vùng suy thoái Danakil ở khu vực Afar, phía bắc Ethiopia. Đây được coi là nơi nóng nhất trái đất, với nhiệt độ trung bình mùa đông luôn ở mức trên 34 độ C và mùa hè lên tới 50 độ C. Ảnh: Twitter.
Đây cũng là một trong những nơi thấp nhất trái đất, với địa hình phần lớn nằm dưới mực nước biển vài chục mét. Bản thân núi lửa chỉ hình thành vào năm 1926 khi nước ngầm nóng lên và mở rộng đủ để khiến hơi nước phun trào khỏi trái đất. Ảnh: Nina_musiyachenko.
Hệ thống thủy nhiệt đầy màu sắc xung quanh núi lửa được tạo thành từ các mạch nước nhỏ, suối nóng có tính axit cao và các ụ muối phun nước, hơi nước và khí lưu huỳnh.
Tất cả cảnh quan được bao quanh bởi một đồng bằng muối khô được người dân Afar khai thác bằng tay. Sau đó, họ vận chuyển các khối muối băng qua sa mạc bằng lạc đà. Ảnh: Tvandewerve, cristravellingtheworld.