Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn - Kỳ 2: Kế hoạch điên rồ của hai gã thanh niên lạ mặt hay là công cuộc tìm kiếm Pót-tơ

Ngày cập nhật 23/07/2024 09:33 AM - 2.771 lượt xem

Kỳ 2: Kế hoạch điên rồ của hai gã thanh niên lạ mặt hay là công cuộc tìm kiếm Pót-tơ

Tôi đặt tên cho kế hoạch khảo sát là "Xuyên tâm Ngũ Chỉ Sơn - ngọn núi hùng vĩ nhất vùng Tây Bắc", với ý định đi xuyên qua chân những vách đá đá dựng đứng, tìm đường đi từ bên này qua bên kia. Bằng trực giác và kinh nghiệm, tôi tin rằng có con đường xuyên qua những khe núi này, vì quan sát trên ảnh vệ tinh, thấy những khu vực ven suối Thầu và suối Trung Sơn thuộc địa phận xã Tả Giàng Phình bị khai thác tới kiệt quệ, còn lại toàn đồi trọc, nương lúa. Từ ngàn xưa, người Mông đã vào rừng kiếm củi, săn con thú,chặt cây làm nhà, rồi sau đó đốt nương làm rẫy hoặc trồng sấy thảo quả kiếm kế sinh nhai, vì vậy việc vào rừng núi đối với họ cũng tự nhiên như người Kinh ra đồng trồng lúa, tát giòn (ròn) đánh giậm vậy. Rừng phía này đã cạn kiệt rồi, tất phải tìm đường qua núi sang bên kia kiếm cái nương, đánh bẫy con thú lớn hơn ở sâu trong rừng già. Những con đường mòn cứ thế hình thành theo thời gian, chỉ khác nếu chúng không có dấu chân người đi qua thì cây rừng sẽ nhanh chóng lấp đi khoảng trống. Vì vậy chỉ có những con đường mòn men theo suối là sẽ tồn tại lâu. Theo kinh nghiệm đó, tôi vạch cho mình kế hoạch đi theo con suối lớn nhất, lên tới đầu nguồn rồi lần theo những dấu chân người thợ rừng để tìm được nơi gần nhất tiếp cận các đỉnh núi. Việc phát cây mở đường lên các đỉnh hoang vu chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Hơn nữa hiện nay thú hoang còn rất ít, đa phần chỉ còn các nương thảo quả của người Mông với độ cao tối đa là 2200m, lên nữa là địa phận của rừng già, hoặc giống trúc cao với khả năng phát triển và chiếm đất khủng khiếp. Lên trên nữa, tới các đỉnh núi hoặc sống gió là lãnh địa của giống trúc lùn, vốn tiến hóa để thích nghi với không khí lạnh, lượng nước rất ít và đặc biệt, gió núi gào thét quanh năm.

Đánh úp Ngũ Chỉ Sơn - Kỳ 2: Kế hoạch điên rồ của hai gã thanh niên lạ mặt hay là công cuộc tìm kiếm Pót-tơ

TT. Sa Pa sáng sớm 17/1/2013

Sáng sớm 17/01/2013, thị trấn Sapa đón chúng tôi bằng những màn sương mờ quen thuộc. Không khí Sa pa ướt đẫm, gió Đông Bắc thổi nhẹ, nhiệt độ khoảng 9-11o C, hứa hẹn một chuyến đi ướt át trơn trượt. Ông chủ khách sạn Mùa Xuân, nơi chúng tôi ngủ qua đêm trước với giá chỉ 200 ngàn đồng ái ngại nhìn hai thanh niên mảnh khảnh đeo những cái ba-lô to tướng sau lưng: "Leo Fan à? Mấy hôm nay lên núi là rét đấy, các anh đã có guide chưa?" Dường như ở thị trấn này mọi người đã quá quen thuộc với những du khách leo Fan đông như trảy hội mỗi kỳ nghỉ dài. Nặng nề tôi và Chuẩn giúp nhau khoác những chiếc balo nặng trĩu trên vai, chúng tôi đã cẩn thận mang đủ đồ ăn cho cả tuần trong rừng cũng như đầy đủ lều trại, túi ngủ,khăn áo, giày dép, găng tay leo núi, túi cứu thương có dụng cụ phòng rắn cắn và những đồ sinh tồn thiết yếu khác. Chuẩn còn cẩn thận chạy ù ra chợ Sa Pa mua thêm con dao rừng, vài đôi pin và cái đèn dự phòng. Ăn sáng cafe ở một góc quán quen thuộc, lặng ngắm thị trấn mù sương, rà lại trong đầu xem còn những thứ thiết yếu nào bỏ quên hay không - đó là những phút giây thanh bình nhất trước chuyến đi khảo sát đầy mơ hồ vào những đỉnh Ngũ Chỉ Sơn hoang vu.

Bất chợt, tôi nghĩ tới một gia đình tốt bụng sống ở lưng chừng đèo Ô Quy Hồ. Anh chị Bình Lan từng cho chúng tôi gửi nhờ xe ô-tô suốt cả tuần trong chuyến xe đạp vượt đỉnh sừng trời Nhìu Cồ San bữa trước.Tôi bốc máy gọi hỏi nhờ anh tìm giúp một bác porter người Mông để đi cùng từBình lư sang Tả Giàng Phình. Anh chị đã đôn đáo điện thoại khắp nơi để tìm người,nhờ cả anh Cường trước là dân trồng thảo quả ở Bình Lư tìm hộ, nhưng do thời gian quá gấp, lại đúng vào vụ đào mận giáp tết, người Mông đổ hết lên rừng tìm đào về bán tết, nên không thể tìm được ai đi cùng. Tuy nhiên có một thông tin từ anh mà tôi hết sức vui mừng: Anh khẳng định trước đây dân buôn "hàng trắng"từ biên giới vẫn theo đường rừng từ Tả Giàng Phình qua Bình Lư để tránh chốt Sapa, sang phía Lai Châu để vận chuyển về xuôi. Vào thăm anh chị, tôi mô tả sơ qua lộ trình dựa trên bản đồ địa hình, anh khẳng định với tôi chính xác con đường đó.

Lúc này đỉnh đèo Ô Quy Hồ đang rét đậm,anh Bình ngồi trước bếp củi rít thuốc lào kể lại thời trai trẻ oanh liệt của mình. Ánh mắt như xa xăm đượm trong khói thuốc, những nếp nhăn hằn sâu và bàn tay gai góc chứng tỏ sự từng trải của người đàn ông ngoài 40 tuổi. Nhả một hơi thuốc dài, anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đời mình. Trước đây anh kiếm được rất nhiều tiền nhờ thảo quả, rồi chẳng biết tiêu tiền vào đâu, anh chơi ma túy, rồi bập sâu vào tận hàng trắng. Trải qua 8 năm vật vã cai, vật vã bán từng thứ tài sản của gia đình, hành hạ vợ con, anh đã quyết tâm cai được 2 năm rưỡi trời không tái nghiện, tuyệt giao với đám bạn cũ. Nhìn gia sản của anh, ngôi nhà 3 tầng khang trang đầy đủ tiện nghi, chị vợ tháo vát đảm đang, tấm ảnh chụp cậu con trai hiền lành học đại học ở Hà Nội, tôi thật khó tin chủ nhà lại từng là con nghiện.

Nói đến leo đỉnh Ngũ Chỉ Sơn, ánh mắt anh sáng lên nhưng lại tối lại ngay, anh phải ở nhà bán hàng dịp giáp tết, còn tôi nghĩ rằng anh không muốn đi vào con đường cũ, dẫu là theo nghĩa đen. Chúng tôi đành tạm biệt anh, tiếp tục vượt đèo Ô Quy Hồ hướng về phía Bình Lư, còn chị Lan vẫn liên tục gọi các cuộc điện thoại tìm giúp người đi cùng, nhưng chẳng có kết quả. Chị điện thoại trách tôi sao không cho chị biết trước mấy hôm, chắc chắn sẽ tìm được người Mông đi cùng.

Tới một bản nhỏ cách thị trấn Bình Lư vài km, đầu con suối nơi chúng tôi dự tính là điểm khởi hành từ quốc lộ 4D, theo kinh nghiệm chúng tôi dừng lại ở quán nước lớn nhất ven đường ngay đầu một bản nhỏ của người Mông. Hai anh em kêu chai nước rồi bắt đầu dò hỏi thông tin. Chủ hàng là người Kinh, và bản này người Kinh với Mông sống lẫn lộn với nhau trong một cộng đồng. Không ai biết về con đường vượt núi mà chúng tôi mô tả, họ đều trả lời như nhau: Không, đi đường Ô Quy Hồ thôi, trên đó làm gì có đường!

Tôi và Chuẩn vẫn ngồi bám ở quán nước kiên nhẫn chờ những thanh niên trong bản đi ra, gặp ai tôi cũng túm lại hỏi thăm và đề nghị đi cùng, nhưng họ đều lắc đầu từ chối. Ngay cả khi vào nhà bác Trung trưởng bản tìm người, mọi người cũng quan tâm câu chuyện của hai gã thanh niên mảnh khảnh, quần áo rằn ri màu sắc kỳ lạ với cái kế hoạch vượt núi điên rồ nhưng không ai nhận lời. Hai gã này điên thật rồi, có lẽ họ nghĩ thế. Sao không đi đường Ô Quý Hồ mà cứ dứt khoát phải chui vào rừng sang bên kia? Thậm chí ATrải người cùng bản còn đồ rằng chắc chúng tôi đi tìm vàng hay kho báu nào đó trên núi.

Tôi bắt đầu nản chí với những thanh niên bản"lười nhác" thì ngoài sân vang lên những tiếng phình phịch quen thuộc - tiếng nổ ống pô của chiếc xe kiểu Win 110cc, "made in China" đặc trưng của vùng núi, một thanh niên nhỏ con cưỡi chiếc xe win đi vào sân. Ngay lập tức tôi có cảm tình với thanh niên này. Khác với mấy người anh em, A Sinh, cháu rể ông Trung trông có vẻ thuần chất H'Mông hơn cả, dáng người nhỏ bé nhưng rắn rỏi, bước đi thì đủng đỉnh chảcó vẻ gì là bận rộn. Hỏi qua chuyện, tôi được biết Sinh cũng đang chuẩn bị đi tìm đào bán tết nhưng chưa đi vì còn bận con nhỏ. Tôi lại lóe lên hy vọng và một lần nữa trình bày kế hoạch của mình.

A Sinh vốn là người Tả Giàng Phình, lấy vợ bên này rồi chuyển luôn nhà sang đây ở mới được hơn năm - vì bên đó cái rẫy thảo quả không còn, rừng bị chặt hết rồi, chỉ còn bên này thôi- A Sinh giải thích.Anh thông thuộc các ngọn núi Ngũ Chỉ Sơn từ phía Tả Giàng Phình, nhưng cũng chưa bao giờ vượt qua ngọn núi để sang bên kia. Tôi mạnh mồm nói rằng, chỉ cần A Sinh đi theo mang đỡ đồ ăn, đường xá đã có máy móc lo, rồi giơ cái iPad lên giải thích một hồi, rằng cái này nó hiện đại lắm, anh chưa tới đây bao giờ nhưng địa hình chỗ nào anh cũng biết rõ. Để chứng minh cho lời nói của mình,tôi bảo Sinh: Mình sẽ đi từ đầu con suối, tới ngã ba rồi rẽ phải, qua mộtngã  ba suối nữa rồi đi lên tiếp. A Sinh ngạc nhiên vì sự mô tả chính xác của tôi và từ đó có vẻ tin tưởng hơn.

Tuy nhiên để A Sinh cuối cùng cũng gật đầu nhận lời đi,tôi đã phải mất gần 1h đồng hồ kiên trì thuyết phục. Dường như Sinh không quá quan tâm tới tiền, chỉ lo sẽ không tới được nơi cần đến. Chỉ với cái giá 200,000đ/ngày,chúng tôi ăn gì A Sinh ăn nấy, đi bao nhiêu ngày không quan trọng, miễn là tới được đỉnh. Tôi vỗ vỗ vào balo khoe rằng, với gần chục kg đồ ăn, bếp núc này, ba anh em có thể ở trong rừng ăn uống đàng hoàng 4-5 ngày. Tôi đã mừng như mở cờ trong bụng khi Sinh nhận lời, chạy về lấy dao rừng, áo khoác, còn anh em tôi lấy kẹo bánh làm quà cho gia đình bác Chu rồi gửi xe lại, nhờ một cuốc xe ôm đưa đến đầu con suối trên quốc lộ 4D, nơi tôi nhắm làm điểm xuất phát của chuyến phiêu lưu.

Garnet Cường

Chia sẻ bài viết:
Showroom
Bài viết cùng chuyên mục
[WeTrekology] 17 VẬT DỤNG THIẾT YẾU CHO CHUYẾN DU LỊCH BẰNG ĐƯỜNG BỘ (ROAD TRIP)

[WeTrekology] 17 VẬT DỤNG THIẾT YẾU CHO CHUYẾN DU LỊCH BẰNG ĐƯỜNG BỘ (ROAD TRIP)

Đã có một lần trong đời khi tôi không thực sự tận hưởng được chuyến du lịch bằng đường bộ (Roadtrip). Nhưng bây giờ tôi nhận ra rằng, đó đơn giản là bởi vì tôi đã chưa làm tốt nó. Thay vì ném đồ đạc vào trong ô tô vào thời điểm áp chót, một sự chuẩn bị nho nhỏ - và một vài chiếc chìa khóa - có thể nâng giá trị của một chuyến đi thực dụng đơn giản thành một chuyến đi dễ chịu và đáng nhớ hơn. Đây là một vấn đề khi đặt cả sự thoải mái vào con đường và cảm giác phiêu lưu ở bất kì nơi nào bạn dừng lại.
[Infographic] Phượt là gì? Khái quát về Phượt

[Infographic] Phượt là gì? Khái quát về Phượt

Định nghĩa về phượt: là một hình thức du lịch thu hút nhiều bạn trẻ năng động, chủ động lên lịch trình, tự do khám phá hành trình.
Một số quy tắc khi đi du lịch ba lô: làm thế nào để không trở thành người bất lịch sự

Một số quy tắc khi đi du lịch ba lô: làm thế nào để không trở thành người bất lịch sự

Dưới đây là 24 mẹo đã được kiểm chứng từ những dân du lịch ba lô (backpackers) dày dặn kinh nghiệm, những người có thời cũng từng là những tay mơ.
[WeTrekology] Cách xử lý nước khi đi dã ngoại thám hiểm

[WeTrekology] Cách xử lý nước khi đi dã ngoại thám hiểm

Cho dù bạn là ai, ở đâu, làm gì, nước sạch vẫn là nhu cầu cơ bản cao nhất để tồn tại. Khi đi dã ngoại, nước sạch càng quan trọng hơn nữa. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn cách xử lý nước khi đi dã ngoại thám hiểm để đảm bảo an toàn vệ sinh.
[WeTrekology] Luyện tập thể lực cho chuyến dã ngoại thám hiểm

[WeTrekology] Luyện tập thể lực cho chuyến dã ngoại thám hiểm

Nếu bạn chuẩn bị thực hiện một chuyến dã ngoại thám hiểm dài ngày, bạn cần đảm bảo sức khỏe của mình đủ tốt. Bài viết sau sẽ hướng dẫn bạn một số bài tập và cách luyện tập thể lực cho chuyến dã ngoại thám hiểm của mình.
[Infographic] Bí quyết đóng gói hành trang dã ngoại

[Infographic] Bí quyết đóng gói hành trang dã ngoại

Ba lô là thứ mà bạn không thể thiếu trên mỗi chuyến hành trình khám phá. Bài viết sau sẽ cho bạn biết bí quyết đóng gói hành trang dã ngoại của mình thật gọn ghẽ.
x
Nhập số điện thoại của bạn để tiếp tục
Nhập mật khẩu 4 chữ số được gửi đến
hoặc