Điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình ngày thăm thú thứ hai này là ngọn núi Phnom Bakkheng, một địa chỉ ngắm hoàng hôn hấp dẫn bao nhiêu du khách. Thật may khi iem tuk tuk phi như tuấn mã phi nước đại đã chiến thắng cơn giông tố trên khu đền East Mebon rồi đó.
Bakkheng là một ngọn đồi nằm giữa Angkor Wat và Angkor Thom. Đây là trung tâm của vương quốc Khmer đầu tiên ở Angkor. Trên đồi Bakkeng có một ngôi đền Hindu dưới dạng một núi đền với chiều cao 65m . Đền được xây để thờ thần Shiva vào cuối thế kỷ 9. Đền Bakheng là biểu tượng của đỉnh núi thiêng Meru trong thần tích đạo Hinduđược và là ngôi điện thờ trung tâm của thành phố đầu tiên tại Angkor. Con đường lên đỉnh núi Bakkheng khá dốc. Với độ cao 1300m so với mực nước biển, du khách đứng trên đỉnh Bakkheng có thể phóng tầm mắt thu được hình ảnh của bình nguyên Angkor rộng lớn, của những đỉnh tháp Angkor Wat cách đó không xa, thu được cả dải Tonle Sap phía mặt trời lặn. Trên đường lên núi, du khách thậm chí có thể sử dụng dịch vụ cưỡi voi, để giảm bớt sự mệt mỏi. Giá là 20$/ lượt hoặc tiết kiệm hơn với 35$/ khứ hồi cho mỗi người. Cô em gái có dấu hiệu mệt mỏi, vừa đi vừa thở hổn hển. Động viên em ấy đi như kiểm mấy bác “dưỡng sinh” vừa đi vừa đánh tay có lẽ đỡ hơn đấy. Nhìn dáng cô bé loắt choắt, thấy thương em quá, thế là phải nhắc: “Em không được cố nhá, nếu mệt quá, bảo chị, chị cõng lên đỉnh. Gì chứ, đỉnh này ngon mà. Dễ xơi cực kỳ, trả chị 2$ là okie.:)"
Tại điểm dừng chân đầu tiên, chị em nó gặp một đoàn khách Việt Nam. Đây là một đại gia đình dắt díu nhau 3, 4 thế hệ đi leo núi. Nhân vật dẫn đầu đoàn là một cụ bà tóc bạc trắng. Trông cụ có lẽ cũng ngoài 70, thế mà cụ cứ từng bước, từng bước leo núi, không cần nhờ con cháu dìu đâu nhá. Nhìn cụ rồi nhìn em mình, nó bật cười khi nghĩ em nó phải học tập cụ bà ấy thôi. Rồi nghĩ tới cái sở thích leo núi của nó, nó nghĩ khi nó bằng tuổi cụ ấy, chắc là vẫn đủ sức leo Fansipang đấy nhỉ? :D
Điện thờ nằm ở khu trung tâm của ngọn đồi và rất biệt lập. Có mỗi điểm khác nhau quan trọng, Bakheng mô phỏng hình ảnh của điện thờ Bakong ở Roluos được xây dựng khoảng 2 thập kỷ trước đó. Tháp xung quanh có hình vuông còn tháp trung tâm có hình chóp bao bọc xung quanh là những tháp phụ bao bọc vô cùng linh thiêng với bốn ngọn tháp trên tầng cao nhất, năm tầng ở giữa với mỗi tầng 12 tháp được dựng lên bằng gạch nung tượng trưng cho 12 con giáp. Một con số thật bất ngờ: tổng cộng 108 tháp đền tượng trưng cho bốn chu kỳ mặt trăng tương ứng với 27 ngày cho một chu kỳ trong trời đất. Toàn bộ kiến trúc ngôi đền xây dựng trên một ngọn đồi cao. Tính từ chân đền đến đỉnh đền hình vuông 31 m, và được kết nối với gần 108 tháp nhỏ. Ngày nay, các tháp này hầu hết đều trong trạng thái đổ nát. Leo lên những bậc cầu thang cao và dốc để lên đỉnh. Lại gặp lại cụ bà ban nãy. Cụ vẫn bước đều đều, các con cháu cụ kẻ trước người sau muốn trợ giúp mà cụ vẫn từ chối, khiến ai cũng căng thẳng và lo lắng. Đúng là niềm tin tôn giáo luôn mang lại một sức mạnh phi thường. Nó nhớ lần đầu tiên trek Tây Yên Tử, nghĩ lại cung đường mà thấy choáng, thấy nản. Thế mà nhiều cụ bà với câu thần chú “Nam mô A di đà Phật” cũng đã tới được đất Phật dâng hương. Ý chí của con người phần lớn do niềm tin tạo dựng và duy trì.
Phnom Bakheng là ngọn núi thiêng của Angkor, như núi Meru thiêng liêng trong thần thoại Ấn Độ giáo. Trên đỉnh Phnom Bakheng là một đền thờ đã đổ nát. Nơi đây trên mặt đất đá, các nghệ nhân Khmer xưa đã khắc xuống nền đá một bàn chân khổng lồ. Tương truyền rằng bàn chân này là của đức Phật. Một bàn chân khác của Phật thì trên một phiến đá trên chùa Phật Lớn mà ngày mai chúng nó sẽ thăm trên núi Kulen. Một sự kiện lý thú về Phnom Bakheng là nó có tác dụng như một cái trống, phản hồi và cộng hưởng âm thanh. Lý do là ở dưới tháp cao chính của đền có một vùng trũng tạo nên âm thanh vang dội cộng hưởng. Ngoài ra ở đấy cũng có một mộ vuông nằm sâu trong lòng đất, mộ này có duyên cơ từ câu truyện thần thoại "Mười hai cô gái Angkor". Câu chuyện kể về một người tiều phu nghèo có 12 người con gái, một trường hợp được coi là kém may mắn. Vì ông không thể nuôi nổi gia đình, ông đã mang con vô rừng bỏ, nhưng không thành công lúc đầu. Lần thứ hai thì ông thành công, nhưng thay vì chết, 12 cô gái được bà hoàng hậu Santhomea của thế giới chằng tinh cứu. Bà Santhomea mang các cô gái về nuôi chúng như con mình. Sau này vì quá cô đơn, các cô đã bỏ trốn. Chúng đến Vương quốc Angkor, tại đấy vị vua trị vì đã thương các cô và mang về làm vợ. Các cô đã sống trong hạnh phúc cho đến một ngày khi bà hoàng Santhomea tìm được tông tích của các cô. Để trả thù, bà đã mê hoặc vua và làm cho vua đuổi nhốt các cô gái vào một hố sâu trong lòng đất, sau khi đã khoét mắt các cô. Đây là lần thứ ba các cô đã bị bỏ rơi cho chết. Một trong các chị em đã dấu được một con mắt và vẫn còn có thể thấy được. Người con gái một mắt giúp tìm thức ăn cho các chị em sinh sống. Một trong các cô có mang một đứa con trai. Người con trai này lớn lên trả thù cho mẹ và các dì của mình. Anh ta đã giết được bà chằng tinh Santhomea và các chị em được trở về với nhà vua sống hạnh phúc.
Đã có rất đông du khách ngồi đợi “Mặt trời lửa”. Còn sót lại hai chỗ phía trước, chị em nó nhanh chân ngồi xuống. Không hiểu sao, bảo vệ khu di tích ở đây lại không cho phép sử dụng tripot để tác nghiệp. Ngồi kế bên trái nó là ba anh chị cũng từ Việt Nam qua săn ảnh sunset. Nhìn bộ ba máy ảnh, ống kính cùng chân máy các loại lỉnh kỉnh, đủ thấy mức độ bờ rồ của họ như thế nào. Chỉ tiếc là có lẽ hôm nay sẽ thật khó để có hoàng hôn. Vì cơn giông lúc chiều dù đã tan nhưng vẫn để lại chút tàn dư là những đám mây xám xịt nơi cuối chân trời. Nhưng thôi, đã mất công lên đây rồi, không thể dễ dàng bỏ về được. Còn bao nhiêu người tiếc nuối không được leo lên đền vì đã quá 5h30 rồi kia kìa. Một vài du khách quá nản vì biết chắc chẳng có sunset gì hôm nay đâu, đã lững thững đi xuống núi. Luôn luôn tâm niệm “chỉ cần kiên nhẫn, ắt không hối hận”, chị em nó quyết ngồi tới khi bị đuổi xuống thì thôi.
Một chút ánh sáng le lói cuối cùng cũng len khỏi đám mây thứ nhất, lọt vào khoảng cách hẹp giữa hai đám mây, điều đó cũng đủ an ủi lắm rồi. Lòng tham của con người quả là rất lớn. Lúc ở East Mebon thì chỉ cầu trời đừng mưa. Trời không mưa nặng hạt, chỉ vài giọt điểm danh thì lại được đà ao ước. Ước chi lên đỉnh Bakkheng sẽ nhìn thấy mặt trời lặn. Tới khi cuộc chiến xuất hiện của mặt trời với hai đám mây xám xịt có kết quả, mặt trời lộ diện, thì lại tham lam muốn nhiều hơn nữa. Vì “quả trứng ốp la” chiều nay chưa tròn, chưa đỏ nên ước chi mặt trời đỏ ối, tròn xoe xuất hiện đi. “Được voi đòi Hai Bà Trưng” như thế cơ mà. Nhưng vài phút len lỏi xuất hiện trước mặt bao nhiêu bàn dân thiên hạ như thế là đủ trong buổi trình diễn hôm nay của ông mặt trời rồi. Muốn mặt trời đỏ au, không “vỡ” thì đeo kính râm vào mà nhìn. Ồ, đúng là ý tưởng hay, thỏa mơ ước hoàng hôn nhuộm đỏ chân trời nhá. Chẳng những chân trời đỏ mà cả trời đỏ luôn. :D
Cũng tới lúc bị lùa xuống núi. Con đường lúc xuống có những đoạn bị ách tắc giao thông. Nó thật không thích cảm giác “đổ đèo, lao dốc” mà cứ lúc lúc lại phải “hãm phanh” như thế này. Chẳng phiêu, chẳng đã chút nào hết. Lại nhớ lần leo Fan giỗ Tổ năm ngoái, chẳng hiểu nó lao dốc ấn tượng như thế nào mà tới lúc xuống ô-tô, nhìn thấy bậc lên xuống là Nghĩa Mặt Sẹo muốn hét lên với nó: “Vân Anh, đổ đèo!!!”. Chiếc tuk tuk đón chúng nó rồi lại theo con đường cũ, ngược về qua Angkor Wat. Những thảm cỏ xanh rờn bên hồ lúc này là nơi tụ tập picnic của các gia đình người bản địa. Nhà nào nhà nấy bố mẹ con cái, với thùng to túi nhỏ đồ ăn, trải tất cả trên tấm nilon, rồi vừa ăn uống vừa ngắm cảnh. Cuộc sống, còn gì ý nghĩa hơn nữa chứ.D: Chiều tà, bóng tối đang dần dần buông xuống. Đi ngược lại theo hướng này, chúng nó phát hiện ra, 5 ngọn tháp lúc này vẫn như có một ma lực kỳ bí, vẫn đẹp một cách quyến rũ. Lại dừng xe và lao nhanh ra bờ hồ chụp tháp. Nhưng có lẽ vì đói, vì mệt, nên khi nhìn lại, tấm ảnh nào cũng bị nhòe nhoẹt vì run tay quá.
Trong lúc ngồi nghỉ giữa hiệp, nó lại lân lê bắt chuyện anh Kun, vì nó thấy không thể nào không chiêm ngưỡng Angkor Wat lúc lên đèn buổi tối được. Nhưng nghe vẻ không phải là chuyện đơn giản, nếu nó có ý định “lậu vé”. Cái vé ngày chỉ có giá trị từ 5h30 sáng tới 5h30 chiều mà thôi. Lúc này, các bác Police đã bắt đầu lảng vảng xung quanh khu vực đền, và dấu hiệu của khách du lịch chắc là mục tiêu hỏi han của các bác ấy. Buổi chiều này, con đường toàn là các bạn Cambodian đi thôi. Thế là nói xa nói gần chẳng qua nói thật, nó hỏi anh Kun xem nó có giống Cambodian không. Anh ấy cười bảo rất giồng, nếu nó không tin thì ngày mai có thể giả vờ đi dẫn tour cũng không bị phát hiện đâu. Haha, thế là tiếp tục dò hỏi xem nếu nó đi lang thang trong đây buổi tối thì có bị các bạn Police phát hiện ra nó là khách du lịch không? Có vẻ như Mr. Kun chưa hiểu ý định lậu vé của nó lắm, anh ấy hảy dựng lên “ở đây buổi tối đi 1 mình nguy hiểm lắm ah”. Nghe Mr. Kun nói chữ “dangerous” mà nó buồn cười quá, có gì nguy hiểm chứ, nó còn gặp những pha, đi một mình giữa hai rừng dương lúc 10h đêm nơi đất khách quê người rồi. Chả có gì mà sợ cả.
Trở về khách sạn, không quên nhờ Mr. Kun gọi điện cho bác Som, bác Sokhan về vụ sáng mai đón đi Kulen. Và cũng không quên “gạ gẫm” anh này chở xe ôm quay lại Angkor Wat xem ngôi đền lên đèn ra sao. Anh ấy nói anh ấy chưa chở khách vào Angkor buổi tối bao giờ, và anh ấy cũng không biết liệu hôm nay Angkor Wat có lên đèn hay không.Anh ấy nói hình như Angkor Wat chỉ lung linh ánh đèn trong những dịp đặc biệt mà thôi. Nhưng có lẽ cái bản mặt háo hức mong chờ kèm thêm cái sự năn nỉ ỉ ôi đến tội nghiệp của nó, rồi cái sự không muốn tin điều anh ấy nói làm anh tuk tuk cũng thương tình. Vốn là khách quen hai ngày hôm nay, lại còn là cái mác “student” nên anh ấy đồng ý màn trốn vé chui này :D. Lúc nó hỏi giá, anh ấy nói tùy tâm làm nó thấy khó nghĩ quá. Thật chẳng biết như thế nào cho phải phép. Có lẽ nhìn vẻ mặt khó xử của nó lúc này trông buồn cười lắm, anh ấy đành phải dỗ bằng một mức giá có lẽ là không thể tốt hơn được nữa J. Lúc này là 7h30 tối, anh Kun nói 8h sẽ quay lại đón đi vào Angkor. Còn mọi người thì đi ăn buffet lẩu hải sản Hansa như chỉ dẫn của các anh chị phuot.vn. Thế là nhanh nhanh chóng chóng sạc pin máy ảnh, cop ảnh vào máy tính, thậm chí chẳng kịp ăn gì, chỉ mong mau mau thấy ánh đèn lung linh trong ngôi đền kỳ bí mà thôi.
Chiếc tuk tuk ban ngày giờ bỏ đi phần tuk tuk đằng sau thì lại là một chiếc Honda chính hiệu. Con đường vào Angkor buổi tối chỉ dành cho người Cambodia thôi. Mà trông nó lúc này cũng giống người Khmer bỏ xừ. Hai ngày phơi nắng đủ làm cho làn da bánh mật thêm phần sậm màu. Nó tính đội cái mũ bảo hiểm to sụ kia, nếu mà cóa ai hỏi thì chỉ cần nói Mr. Kun nói nó là con bé em họ bị câm và điếc là okie thôi mà. Nhưng mà suốt cả chặng đường vào chưa thấy gì. Hi vọng đầu xuôi thì đuôi lọt. Tiếc là hôm nay đã không còn trăng, chứ nếu không, bên hồ ngắm trăng và ngắm Angkor Wat thì còn gì bằng. Nhưng có lẽ, háo hức hơn cả là cảm giác đi “chui” như thế này. Phàm là con người nên những tình huống “đau tim” luôn kích thích chúng ta hơn rất nhiều, chứ nếu bỏ ra 18$ rồi ung dung tự tại đi vào thì còn gì là thú vị nữa.
Con đường buổi sớm nhộn nhịp với những tuk tuk, ô-tô, xe đạp là thế, đêm xuống không một bóng người. Bảo sao, anh Kun thấy nó đúng là quá liều nếu vào đây một mình. Những cột đèn vàng lờ mờ sáng, và khoảng cách chỉ đủ khoảng sáng của đèn này chạm tới khoảng sáng của bóng đèn kia. Xa xa, hầu như tối om. Nó đem câu chuyện về mấy trường học và bệnh viện ra nói chuyện với anh Kun. Anh ấy nói ở Cambodia, chính phủ cực kỳ chăm lo cho vấn đề dân sinh. Giáo dục và y tế luôn được đặt lên quan tâm hàng đầu. Thế là nó thắc mắc thêm là cần phải quan tâm tới điện nữa, điện ở đây tối quá. Anh Kun nói cho nó biết điện trên đường này sử dụng năng lượng mặt trời. ở Siem Reap chỉ có nhà nào giàu có và khá giả mới mua điện mà dùng. Các gia đình nghèo hơn thì chỉ dùng pin thôi. Câu chuyện tiếp tục xoay quanh cuộc sống hàng ngày. Anh Kun nói mặc dù Siem Reap là thành phố du lịch nhưng quả thật những người lao động lái xe tuk tuk cũng rất vất vả trong việc chạy xe kiếm tiền chăm lo cho gia đình. Anh Kun nhìn vậy nhưng thật ra vẫn còn trẻ. Anh mới có một đứa con trai lên 4 tuổi. Ngoài thời gian chở khách cho khách sạn thì anh cũng lái tự do. Thu nhập của một tuk tuk làm việc ở khách sạn về cơ bản là ổn định hơn tuk tuk tự do.
Câu chuyện đời thường khiến con đường như bớt xa hơn. Nhưng đáng tiếc, lậu được vé rồi mà đèn thì không bật. Lúc trước đọc thông tin trên tripadvisor, không để ý là thông tin đấy từ năm 2009. Hiện tại, Angkor Wat chỉ thắp đèn và biểu diễn Apsara trong các dịp lễ hội mà thôi. Tưởng như không gì có thể thất vọng hơn.
Nhìn thấy vẻ thất vọng cùng sự ảo não, anh Kun hỏi nó có muốn qua chỗ em gái đang ăn lẩu không, hay về khách sạn. Chán chả buồn tiếp chuyện. Nghĩ ngẫm một lúc rồi nói anh ấy chở đi ra chỗ các bạn ăn uống. Thế là anh ấy gọi điện cho bạn tuk tuk đã chở mấy anh chị em đi ăn xem quán đó ở đâu, rồi đưa nó qua. Lúc xuống xe, nhìn vẻ mặt như bị mất ví của nó, anh ấy không quên an ủi, lần sau đi vào dịp lễ hội, nhất định được thấy Angkor Wat lung linh lắm. Và vì anh ấy không giúp nó thực hiện được ước mơ giản dị tối nay nên anh không nhận tiền công. Cảm động quá đi mất, bảo sao Cambodia làm du lịch tốt thế. Cảm giác ấm lòng biết bao nhiêu, chẳng bù ở nhà mình, hễ thấy “chăn” gà được là không nề hà gì cả. Nói đi cũng phải nói lại, nơi nào cũng có người này người nọ, thằng cha Police lúc sáng đúng là con sâu làm rầu nồi canh đấy thôi. Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy nó đúng là may mắn gặp được một anh tuk tuk tốt bụng và nhiệt tình như Mr. Kun. Mấy ngày qua, chúng nó vẫn cười nói rằng mặc dù đi xe anh Kun, biết là chẳng rẻ hơn, nếu mà đi tuk tuk tự do, nhưng mà cảm giác thấy thật thoải mái. Một quãng đường xa xôi như thế, không thể không trả anh ấy tiền xăng được. Ngại ngùng chìa tiền trả anh ấy, nói mấy câu cảm ơn rối rít, kèm thêm vẻ mặt năn nỉ, cuối cùng anh ấy cũng cầm chút tiền công nho nhỏ cho nó bớt áy náy.
Đồng bọn đang oánh chén bên trong. Gì thế này, một hình thức lẩu buffet chắc là ở Việt Nam chưa sáng tạo được. Nướng kết hợp lẩu nước. Bên trên là vỉ nướng, xung quanh là nước dùng để ăn lẩu. Chưa bao giờ nó tưởng tượng được một hình thức ăn uống tạp phí lù như thế này. Bạn hãy thử tưởng tượng khi miếng mực nướng của bạn nó gần chín rồi thì ôi thôi, “tỏm”, miếng mực rơi xuống nước lẩu. Tóm lại là tới giờ nó vẫn còn thấy đấy là một bữa ăn kinh hoàng nhất trong chuyến đi. Ai bảo ham hố buffet mà lại chỉ có 4$/pax thì đúng là ăn uống chỉ như vậy thôi hà.
Cả một ngày đi rạc cẳng, ăn xong mấy đứa chúng nó bắt tuk tuk về Pub Street, lần này quay lại chỗ hàng massage cá gần hàng cơm tối qua. Vì chỗ đó có bể cá với số lượng và chất lượng hơn hẳn mấy quầy bên ngoài. Với giá 1$ cá sẽ rỉa chân cho bạn 15p. Nhưng có nhiều anh bạn, không được những kích thích mà lũ cá mang lại, có khi chỉ thò chân xuống lại rụt chân, đứng dậy ngay, mất toi 1$, ah không 2$ chứ. Vì cái 1$ này cũng là giá mà chúng nó mặc cả được.
Chị em nó cũng thấy không thể chịu được những con cá to như bàn tay bu bám vào chân mà rỉa, mà cũng không cam tâm đứng lên ngay, thế là chuyển qua bể bên cạnh, toàn là cá nhi đồng, để tập quen với các kích thích nhẹ trước đã, sau sẽ qua chơi cùng các em cá khổng lồ sau. Chính nhờ có chiến thuật như vậy nên dù có ngồi tới 40p, cũng không là gì. Hehe, đúng là sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người, gặp phải mấy “thượng đế” chúng nó thì giá chỉ có 1$, mà ngồi hàng tiếng. Không phải là mấy đứa mặt dày không về, mà là thấy vắng khách nên hỏi chị chủ hàng 1$ ngồi được bao nhiêu phút, ai dè chị ấy nói muốn ngồi khi nào xong thì về. Ặc, thế nên trong lúc ngồi đợi quái khách đi chợ đêm mua thêm vài món đồ, chị em nó vẫn cứ ngồi chơi cùng mấy em cá háu đói. Ban đầu là tê tê, buồn buồn, tiếp tới khi sang bể cá to thì cảm giác giần giật nơi lòng bàn chân càng ngày càng rõ rệt, đôi lúc thậm chí thấy đau như bị véo. Nhưng nói chung là khá sảng khoái. Nghĩ ra trò này đúng là thật thú vị.
Cả buổi tối, thất vọng nhiều lần nhưng bù lại lúc này đây nó cảm thấy thật thoải mái. Thoải mái vì nhìn những vẻ mặt nhăn nhó, rồi những nụ cười ha ha không thể kiềm chế vì bị kích thích quá đà của những vị khách xung quanh. Kết thúc một ngày với rất nhiều thứ bỏ lỡ là sự vui vẻ tới bất ngờ bên quầy massage cá. Về thôi, ngủ và lấy sức ngày mai chiến đấu tiếp!
Vân Anh Nguyễn