1. Cây lá ngón
Đứng đầu bảng trong các loài cây độc ở Việt Nam và xuất hiện khá nhiều ở vùng rừng núi. Tuy nhiên, không phải phượt thủ mê mạo hiểm nào cũng phân biệt được hình dáng của loại cây này để tránh.
Cây lá ngón có hoa rất đẹp nên nhiều người còn muốn dừng lại chụp ảnh kỷ niệm cùng. Tuy nhiên, chỉ cần ngắt lá, bẻ cành, để chất nhựa độc dính vào tay rồi vô tình tiếp xúc với đồ ăn, vết thương hở, bạn có thể gặp rất nhiều nguy cơ.
Nguy cơ nhẹ nhất mà lá ngón gây ra là gây hoa mắt, buồn nôn, nặng hơn có thể đau bụng dữ dội, giảm nhịp tim và cả ngừng hô hấp dẫn đến tử vong. Khi có triệu chứng ngộ độc, bạn cần dùng nước rau má tươi hoặc cây rau muống giã nát lấy nước uống để nôn ra hết chất độc.
2. Cây lá han
Cây lá han mọc khá nhiều ở vùng rừng, núi phía Bắc Việt Nam và Tây Nguyên. Cây không gây ra triệu chứng cho đường hô hấp, tim mạch nhưng lại khiến da bạn mẩn ngứa thậm chí là sưng phồng. Với những người da mỏng, nếu đụng phải loại han voi còn có thể gây dị ứng tới mức tử vong.
Việc nhận dạng và tránh xa loại cây này giúp bạn không lâm vào cảnh gãi ngứa khổ sở, khó chịu suốt cả chuyến đi. Khi bị ngứa, bạn chỉ được lấy nước rửa nhẹ và không được gãi để tránh trầy xước da, có thể gây nhiễm trùng.
3. Cây trúc đào
Trúc đào là một trong những loài cây kịch độc gây tử vong nhưng lại được trồng la liệt ở các thành phố, đường sá Việt Nam, đặc biệt là ở các đường quốc lộ 1, quốc lộ 5… Vì có hoa rất đẹp, trúc đào thường thu hút nhiều người tới chụp ảnh kỷ niệm mà không biết đến tác hại của nó.
Nếu lỡ nuốt phải cánh hoa, để nhựa từ hoa dính vào tay rồi đưa lên miệng, vết thương, bạn có thể bị buồn nôn, tiêu chảy, nặng hơn là hôn mê và tử vong. Khi có triệu chứng nhiễm độc trúc đào, cần dừng ngay hành trình để tìm đến cơ sở y tế.
4. Hoa thiên điểu
Cũng giống như cái tên của nó, hoa thiên điểu rất đẹp với sắc cam ánh tím, đặc biệt được nhiều người yêu thích và thích ngắt hoa, chụp ảnh cùng làm kỷ niệm.
Tuy nhiên, loài hoa mỹ miều này có thể khiến bạn buồn nôn, tiêu chảy khi tiếp xúc qua đường miệng. Thậm chí chỉ đứng lâu cạnh cây hoa và ngửi hoa cũng gây cảm giác khó chịu cho du khách.
5. Móc đủng đỉnh
Cây móc đủng đỉnh xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước. Tuy cây mọc khá cao và lá không có lông ngứa nhưng chùm quả lại gây ngứa vô cùng nếu phượt thủ nhỡ tay hái xuống ngắm nghía.
Khi bị ngứa bởi móc đủng đỉnh, không nên rửa nước mà dùng khăn khô hơ lửa nóng, lau đều và không được gãi.
6. Cây sơn
Ai cũng biết đến câu tục ngữ: “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”, nhưng chẳng mấy ai biết được nguồn gốc thực sự của nó chính là cây sơn. Cây sơn mọc ở các tỉnh Bắc, Trung Bộ, có nhựa được dùng để chế sơn ta.
Người có da nhạy cảm tiếp xúc với sơn hay chỉ ngửi qua nhựa sơn cũng cảm thấy nặng nề và bị dị ứng, gây lở loét trên mặt. Khi bị sơn ăn, bạn có thể dùng nước lã, nước chè tươi, nước muối 0,9% nhỏ vào vết thương.