Khi đi cắm trại, leo núi ở nơi rừng núi, bạn có thể gặp phải rất nhiều loại động vật hoang dã, trong đó, có một số loài có thể tấn công con người, ví dụ điển hình là loài rắn.
Phần lớn rắn sẽ chỉ cắn người nếu chúng cảm thấy bị đe dọa, nhưng những người đi bộ đường dài, người đi cắm trại và những ai dành một lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động giải trí ngoài trời có thể vô tình đi vào đường đi của rắn và rất dễ bị rắn cắn. Khi đó, việc cần làm ngay lập tức là gì là điều rất quan trọng, bất cứ ai cũng nên biết để xử lý vết thương bị rắn cắn để ngăn ngừa các tổn thương nghiêm trọng và dẫn đến tử vong.
Hiện nay, nhiều người vẫn có những quan niệm sai lầm về vết rắn cắn, phổ biến nhất là quan niệm cho rằng chất độc nên được hút ra khỏi vết thương ngay lập tức bằng miệng, ngăn không cho chất độc đi vào máu. Ngoài ra, một số người còn cho rằng buộc chặt một đầu vết thương để làm chậm sự lan ra của chất độc trên cơ thể hoặc cắt bỏ phần tế bào bị rắn cắn để cứu sống nạn nhân. Không quan niệm nào ở trên là đúng cả, thậm chí còn khiến mọi việc tệ hơn.
Những điều nên và không nên làm khi bị rắn cắn
Nếu có thể đưa nạn nhân bị rắn cắn tới bệnh viện, hãy giữ cố định bộ phận cơ thể bị tấn công, đây là việc làm ưu tiên số một, tiếp theo là ngay lập tức đến bệnh viện. Đây là lựa chọn hiệu quả duy nhất cho vết thương bị rắn độc cắn.
Trường hợp không có bệnh viện ở gần đó thì sao?
Khi một giải pháp y tế là hoàn toàn không khả thi, tình hình trở nên rất khó khăn. Trong thực tế, khi không có chất kháng nọc độc, bạn không thể làm gì nhiều để chữa trị vết rắn cắn, nhưng ít nhất bạn có thể làm chậm sự phát tán của độc tố. Đây là những gì bạn có thể làm khi sự chăm sóc về y tế không có sẵn:
- Giữ cố định vết thương, và rửa với xà phòng và nước.
- Giữ nạn nhân bình tĩnh và nằm im - giảm đến mức tối thiểu nhịp tim và ngừng tất cả các hoạt động thể chất.
- Nếu có thể, liên hệ với Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai qua số điện thoại 04 3869 3731, máy lẻ 6821 của bệnh viện Bạch Mai để được tư vấn.
- Không dùng đá hoặc garô. Đừng cho nạn nhân uống rượu, đồ uống chứa caffein hoặc thuốc giảm đau.
- Đừng làm di chuyển vết thương - trên thực tế, hãy làm ngược lại. Để nạn nhân ngồi hoặc nằm xuống với vết cắn thấp hơn vị trí của tim.
- Đặt một băng gạc sạch lên vết thương, và hy vọng mọi việc sẽ biến chuyển theo chiều hướng tốt. Một số vết rắn cắn là “vết cắn khô” không đủ gây ngộ độc, nên nạn nhân có thể sống sót mà không cần sự chữa trị chuyên khoa.
- Nếu nạn nhân đã nhiễm độc tố thần kinh và bạn không thể có được sự chăm sóc y tế hoặc chất kháng nọc độc có sẵn thì bạn cũng không thể làm gì hơn ngoài giữ bình tĩnh và cố gắng ra dấu hiệu cầu cứu.
Ngăn chặn rắn cắn
Nếu bạn gặp rắn trên đường đi, hãy giữ bình tĩnh. Rắn chỉ tấn công khi chúng cảm thấy bị đe dọa, nhất là nếu khi bạn dồn nó vào góc hoặc làm nó giật mình. Nếu gặp rắn, đừng tiến đến gần, hãy từ từ lùi ra xa và tránh không gây ra bất cứ chuyển động đột ngột nào.
Khi tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời, bạn đừng quấy rầy hay chọc tức rắn hay các loại động vật khác ở nơi ở của chúng. Và một lời khuyên khá hiển nhiên là đừng chơi đùa hoặc cố làm quen với một con rắn trừ khi bạn là chuyên gia. Nếu rắn cắn người, đó chỉ đơn giản là hành động tự vệ và có khả năng sẽ chỉ để lại đủ lượng nọc độc để làm thể trạng của nạn nhân yếu đi.
Lưu ý khi đi dã ngoại
Rắn chuông có thể tấn công từ khoảng cách bằng một nửa chiều dài cơ thể chúng. Để con rắn trượt đi, hoặc đi bên nó. Khi đi vào những con đường mòn dốc nhiều đá, chú ý quan sát chỗ bạn đặt tay, đặc biệt ở những tảng đá có nắng chiếu vào.
Tránh đi bộ ở những khu vực được biết đến là có rắn. Tránh xa các đồng cỏ cao và đi vào đường mòn nhiều nhất có thể. Nếu bạn phải đi vào chỗ ở của rắn, mặc quần dài, đi giày cao đến mắt cá chân, hoặc dùng ghệt tránh rắn. Hãy cẩn thận khi bước vào những khu vực nơi rắn có thể ẩn nấp như bên dưới hoặc xung quanh các tảng đá và khúc cây. Nếu bạn sẽ đi vào một địa điểm mà bạn không thể nhìn thấy bàn chân mình, đá về phía trước bạn để cho rắn nhận được sự cảnh báo và có thời gian để trượt đi. Đơn giản là hãy luôn tránh xa những khu vực mà khi đi vào bạn không thể nhìn thấy tay và bàn chân mình.
Triệu chứng của vết rắn cắn:
- Vết thương chảy máu
- Vết răng nọc hoặc sự sưng tấy ở vết thương
- Đau buốt ở vị trí vết cắn
- Tiêu chảy
- Cảm giác bỏng rát
- Ra nhiều mồ hôi
- Sốt
- Nhịp tim nhanh
- Cơ thể yếu ớt
- Mất đi sự phối hợp của các cơ
- Mắt mờ
- Hoa mắt
- Buồn nôn và nôn mửa
- Cơ thể tê liệt hoặc có cảm giác đau nhói
- Co giật
- Ngất
Rắn chỉ trở nên hung hăng hơn ở một số thời điểm hoặc mùa nhất định?
- Khi thời tiết bắt đầu ấm áp cũng là lúc bắt đầu mùa dễ bị rắn cắn nhất khi rắn xuất hiện sau kỳ ngủ đông.
- Chúng thích phía có nắng của một bãi đá, mép vách đá hoặc tường đá. Hãy cẩn thận khi bạn ngồi trên mép của một vách đá được nắng chiếu vào và thả chân xuống đu đưa.
- Ngoài ra, rắn có xu hướng ở gần nguồn nước, đặc biệt nếu đó là một môi trường khô hạn. Nếu bạn ở trong một khu vực gần một hồ nước, phải đặc biệt thận trọng.
- Chúng là loài động vật ăn thịt sống về đêm. Chúng có thể xuất hiện ở mép của một miếng đất nhỏ ngập nắng vào buổi sáng vì ánh nắng buổi trưa quá nóng (cảnh giác khi chạy bộ vào sáng sớm).
Có thể bạn chưa biết về rắn:
- Ngoài trời càng lạnh, chúng càng di chuyển chậm, trời càng ấm, chúng bò càng nhanh.
- Đừng bao giờ bước qua một khúc cây, hãy bước lên nó hoặc đi bên cạnh
- Khi ra ngoài, bạn có thể gặp phải BẤT CỨ loại rắn nào.
- Chất độc có thể ảnh hưởng đến bạn trong một vài phút, cũng có thể lên tới 1-2 ngày.
- Đừng bao giờ đặt tay hay chân vào nơi bạn không thể nhìn rõ với mắt thường
Bạn nên làm gì nếu có một con rắn trên đường mòn và bạn không thể đi bên cạnh?
Giậm mạnh chân và vẫy tay. Rắn không thể nghe nhưng có thể nhìn thấy bạn và cảm nhận được sự chuyển động khi bạn giậm chân. Điều này sẽ khiến chúng biết để đi đường khác.
Phương Dung