Bức tranh mùa xuân ở Lũng Táo. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông.
Với phương tiện cá nhân, du khách đi theo tuyến QL2 - TP Vĩnh Yên - QL 2C - TP Tuyên Quang - Thị trấn Việt Quang - TP Hà Giang. Cung đường này không quá khó đi, tuy nhiên xa và mất nhiều thời gian. Cung đường ngắn hơn cho ôtô: đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tới điểm IC4 đi về hướng Tam Đảo. Sau đó đi tiếp QL2C - TP Tuyên Quang - huyện Vị Xuyên - TP Hà Giang. Cung tham khảo cho xe máy: QL32 – Cầu Trung Hà – thị xã Phú Thọ – QL2 – TP Tuyên Quang – Thị trấn Việt Quang – TP Hà Giang.
Từ TP Hà Giang, du khách sẽ tiếp tục di chuyển tới thị trấn Đồng Văn, theo hướng quốc lộ 4C. Cung đường này dài khoảng 130 km. Do đường đèo khó đi, thời gian di chuyển, nghỉ chân và ngắm cảnh có thể kéo dài 4, 5 tiếng.
Trên đường, bạn có thể dừng chân ở huyện Quản Bạ, nơi có các điểm ngắm cảnh như núi Cô Tiên và cổng trời. Sau đó đi tiếp khoảng 60 km đến địa phận huyện Yên Minh, nơi có rừng thông được ví như Đà Lạt.
Yên Minh là điểm đầu tiên cho cung đường đèo nhiều khúc cua tay áo và khó đi nhất để tới cao nguyên đá. Rẽ theo lối đi Đồng Văn khoảng 30 km, bạn sẽ đến dốc Thẩm Mã, nơi nhiều người dừng, chụp ảnh khúc cua quanh co nằm giữa 2 dãy núi cao. Từ đây đi thẳng, bạn sẽ qua thung lũng Sủng Là, nơi có ngôi nhà của Pao và xã Phố Cáo, nơi có dốc 9 khoanh. Sủng Là và Phố Cáo là điểm bạn có thể dừng chân ngắm hoa, ngắm cảnh.
Từ đây, đi khoảng 30 km nữa qua cao nguyên đá, du khách sẽ đến với phố cổ Đồng Văn. Trên đường đi, du khách có thể ghé qua dinh thự vua Mèo, ở thung lũng Sà Phìn.
Ở Đồng Văn, du khách có thể đi dạo ở khu phố cổ với nhiều ngôi nhà 100 - 300 tuổi, làm bằng đất đá và mái lợp ngói âm dương. Bạn có thể chụp ảnh sau khi hỏi ý kiến người dân. Ngoài ra, khu chợ cũng có nhiều quán ăn vặt, quán cà phê để nghỉ chân.
Nếu dành trọn một ngày ở Đồng Văn, bạn có thể thăm làng Thiên Hương, sau phố cổ. Đây là nơi ở của người dân tộc Tày với nhiều gốc đa cổ thụ và nhà cổ. Lựa chọn tiếp theo là làng Lao Xa, nơi có nhiều hoa cải, hoa đào vào mùa xuân.
Từ Đồng Văn, bạn đi ngược về hướng dinh thự sẽ thấy đường chỉ dẫn đi cột cờ Lũng Cú. Quãng đường kéo dài khoảng 30 km, đường đất đá xấu và khó đi. Dù còn cách điểm cực bắc khoảng 2 km, cột cờ được nhiều người check-in, đánh dấu nơi địa đầu tổ quốc. Ở đây, bạn sẽ gửi xe máy trong sân và leo gần 400 bậc thang để lên tới chân cột cờ.
Bên trong cột cờ còn có 140 bậc thang để lên tới đỉnh cao nhất. Ảnh: Jimmy Tran/Shutterstock.
Quay trở lại quốc lộ 4C, du khách tiếp tục hành trình tới Mèo Vạc. Trên đường, du khách sẽ đi qua Mã Pí Lèng, một trong những cung đường đẹp và hiểm trở nhất của miền bắc Việt Nam. Đoạn đèo dài khoảng 30 km, có một điểm nhìn xuống sông Nho Quế và vực Tu Sản. Nếu muốn xuống sông và ngồi thuyền ngắm cảnh, bạn có thể đi thêm cung Pả Vi - Xín Cái - Thượng Phùng. Giá vé thuyền là 100.000 - 150.000 đồng một người, một lượt.
Từ đây, du khách đi khoảng 17 km nữa để đến thị trấn Mèo Vạc. Nếu không bạn có thể đi tiếp tới cầu Mậu Duệ và rẽ trái theo biển chỉ vào QL34. Đoạn đường từ Mậu Duệ tới Du Già kéo dài khoảng 40 km, đi qua những thửa ruộng bậc thang. Tuy nhiên, không phải mùa lúa chín, nên bạn nghỉ ngơi và chụp ảnh ở điểm chữ M. Ở Du Già còn có một đoạn đường điểm đỏ sắc hoa gạo.
Sáng sớm, du khách có thể thức dậy, đi dạo ở Du Già để ngắm cuộc sống người dân và đi chợ phiên (sáng chủ nhật). Khởi hành từ Du Già, bạn đi theo hướng Đường Thượng. Ở đây, trải nghiệm không thể bỏ lỡ là ngắm cảnh sông Miện và thăm làng dệt Lùng Tám. Đây là nơi các hộ gia đình người H'Mong lưu giữ nghề dệt truyền thống, làm ra các sản phẩm đa dạng như quần áo, khăn, túi xách.
Từ Lùng Tám, du khách quay về thành phố Hà Giang.
Cô gái H'Mong kiểm tra tấm vải dệt. Ảnh: SuperMop/Shutterstock.
Có nhiều đặc sản mà bạn có thể thưởng thức qua như phở gà đồi. Món ăn này được bán nhiều ở khu vực Quản Bạ và Đồng Văn, với giá trung bình 35.000 đồng. Thịt gà ở đây chắc, da giòn và thơm. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử cháo ấu tẩu, món ăn có vị đắng nhẹ. Củ ấu tẩu có vị cay tê và tính nóng, khi nấu cháo có lợi cho sức khỏe. Cháo ấu tẩu có thể nấu chung với trứng, chân giò.
Trong buổi tối và buổi sáng ở Đồng Văn, bạn đừng nên bỏ lỡ bánh cuốn vùng cao ở quán bà Hà, trong chợ phố cổ. Bánh ở đây tráng dày, mềm, ăn chung với nước ninh xương và giò cuốn. Bánh cuốn trứng cũng là một gợi ý. Nước dùng có vị ngọt thanh, ăn kèm rau mùi, hành lá giống nước bún ở vùng xuôi. Bạn có thể thêm gia vị, mắm, chanh, ớt để vị đậm đà hơn. Ở khu chợ còn bán xôi ngũ sắc và bánh tam giác mạch.
Trên đường đi, du khách sẽ đi qua nhiều đường đèo, khúc cua nguy hiểm, vì vậy cần chú ý an toàn. Đặc biệt, không nên di chuyển vào buổi tối vì đường đèo không có đèn sáng. Các điểm đến ở Hà Giang cũng cách xa nhau. Du khách lưu ý đổ đầy xăng tại thành phố, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Thời tiết mùa xuân ở Hà Giang vẫn lạnh, đặc biệt vào buổi tối. Vì vậy, du khách nên mang theo lều cắm trại, túi ngủ. Ở một số cung đường còn làm dở nên bụi, du khách có thể mang theo đồ bảo hộ bên ngoài.
Trên đường đi có một số vườn hoa do người dân trồng và thu phí. Du khách nên hỏi trước hoặc nhìn biển hiệu. Khi gặp trẻ em vùng cao, du khách có thể tặng sách vở hoặc bánh kẹo, không nên tặng tiền.