Chợ nổi này là điểm dừng chân đầu tiên của nhiếp ảnh gia Huy Lê (TP HCM) cùng các đồng nghiệp trong hành trình khám phá Tết tại Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp.
Quang cảnh các ghe thuyền buôn bán nhộn nhịp trên chợ nổi Ngã Năm, lúc sáng sớm một ngày cuối tháng 1. Chợ nằm cách thành phố Sóc Trăng khoảng 60 km, là nơi thu hút du khách khi trải nghiệm sông nước miền Tây. Chợ thường họp từ 4h. Đông đúc nhất thường từ 6h đến 7h với cảnh hàng trăm ghe thuyền tụ họp trên bến sông.
Chợ Ngã Năm là điểm trung chuyển hàng hóa của người dân các tỉnh. Nhịp sống trên chợ nổi diễn ra tấp nập mỗi ngày, với các ghe hàng không thể thiếu là thịt lợn, các loại hoa, trái cây.
Ở đầu mỗi ghe có cọc tre, treo mặt hàng cần bán gọi là “bẹo”. Trong ảnh, ghe bán bắp cải, cà rốt, khoai lang, gói me nấu canh chua, tỏi và củ hành tây.
Tượng phật Thích Ca nhập niết bàn sắp hoàn thành tại chùa Som Rong, tọa lạc tại đường Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng. Tượng dài 63 m, cao 22,5 m và nặng 490 tấn, sẽ là tượng Phật Thích Ca nằm lớn nhất Việt Nam.
Toàn cảnh chùa Som Rong.
Một góc phần chóp trên khối kiến trúc chùa Som Rong, tên đầy đủ là Botum Vong Sa Som Rong. Chùa có lịch sử hình thành trên trăm năm, gắn liền với đời sống của người dân địa phương, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Đây đang là điểm thu hút du khách đến check-in và các nhiếp ảnh gia đến sáng tác.
“Kiến trúc ngôi chùa trang trí với những màu sắc tươi sáng, gắn với truyền thống của đồng bào Khmer. Tôi đến chùa sáng tác ảnh đúng vào dịp một cặp đôi người Khmer đang chụp ảnh cưới”, anh Huy Lê chia sẻ.
“Chợ quê” Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang nhìn từ trên cao. Nét đặc biệt của khu "chợ quê" là nằm giữa lòng thành phố. Người dân ngồi bán theo một địa điểm cố định có diện tích 2 - 4m2. Họ ngồi giữa, xung quanh bố trí các mặt hàng cần bán, vị trí người bán cứ nối tiếp trên mặt đất thành một hàng dài, chỉ chừa lối đi nhỏ cho người lựa, mua hàng.
Chợ quê này họp chợ nhộn nhịp lúc 2-3h sáng, bán những sản vật đồng quê, từ các loại cá như ba sa, lóc, rô cho tới các loại rau, củ như bắp cải hay cà rốt.
Chợ nổi Phong Điền, Cần Thơ lúc bình minh, cách trung tâm thành phố khoảng 17 km về phía đông nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5h và đến 7-8h sáng thì tan dần. Nơi đây buôn bán đầy đủ các mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ, thức ăn. Dù không nhộn nhịp như xưa kia, chợ nổi này vẫn là nơi thu hút nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài.
Hai thiếu nữ trải nghiệm đi cầu khỉ tại xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Cầu khỉ làm bằng thân tre xếp nối tiếp trên những cây chống trên sông và cây sào vắt ngang thắt lưng để vịn tay. Qua cầu khỉ là thách thức không nhỏ cho du khách thử lần đầu.
Làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp được xem là thủ phủ hoa kiểng khu vực đồng bằng sông Cửu Long với diện tích gần 600 hecta, tập trung hơn 2.000 hộ sản xuất. Vào tháng Chạp hàng năm, làng nhộn nhịp không khí xuân khi người dân tưới nước, bón phân, tỉa hoa để cung ứng cho thị trường Tết.
“Chuyến trải nghiệm các tỉnh dọc sông Mekong mang đến nhiều thú vị. Chúng tôi vừa được thăm thú nhịp sống đặc trưng vùng sông nước, vẻ đẹp các ngôi chùa đậm chất Khmer mà còn được thưởng thức các món ăn ngon trên hành trình đi qua như bún nước lèo hay canh chua cá lóc”, anh Huy Lê chia sẻ.
VươngTM - VnExpress