Tiến sĩ Tina Seelig là một người phụ nữ có mái tóc óng ả với đôi mắt luôn biết mỉm cười. Mặc dù là tiến sĩ Thần kinh học tại Standford, nhưng bất ngờ thay bà cũng đảm nhận vai trò giám đốc điều hành chương trình kinh doanh kỹ thuật của trường, một dự án xem chừng chẳng liên quan đến chuyên ngành của bà. Với các cương vị khác nhau như vậy bà có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều sinh viên năng động của Standford.
Tina Seelig từng xuất bản cuốn sách có tên “Nếu tôi biết khi tôi 20”, và trong cuốn sách của mình bà có kể về một lớp học kinh doanh tại Viện thiết kế Hasso Plattner ở Stanford, ở đó bà đã đặt ra một bài thi cực kỳ hóc búa cho các sinh viên: “Thử thách 5 Ðô la”. Ðề bài của thử thách là, với vỏn vẹn 5 USD đựng trong mỗi phong bì, nhóm của bạn phải làm sao kiếm được nhiều tiền nhất có thể trong 2 tiếng đồng hồ. Ngoài ra, bạn muốn lên kế hoạch trong thời gian bao nhiêu tùy thích, tuy nhiên thời gian thực hiện kế hoạch đó sẽ được tính kể từ khi bạn mở phong bì để lấy số vốn mình cần. Các sinh viên có 4 ngày để hoàn thành bài thi, và vào buổi học kế tiếp, họ phải trình bày về kết quả của nhóm trước lớp trong 3 phút.
Một đề bài rất đơn giản nhưng quả thực quá khó, làm sao chỉ với 5 USD một nhóm sinh viên có thể kiếm được kha khá tiền cơ chứ. Ông cha ta có câu “cái khó ló cái khôn” khi mà nguồn lực bị hạn chế, ta buộc phải vượt qua các quan niệm truyền thống để sáng tạo ra những cách thức mới mẻ hơn trong việc giải quyết vấn đề. Và những sinh viên Standford đã nằm lòng điều này.
Khi bắt tay vào kế hoạch, một vài nhóm phát hiện ra rằng tiền bạc bó chặt tư duy của họ, hãy quên những con số đó đi, và bắt đầu suy nghĩ với hai bàn tay trắng! Họ chuyển hướng sang quan sát và tìm kiếm những nhu cầu mà các sinh viên trong trường muốn được cung cấp nhưng chưa có ai phục vụ.
Một nhóm nhận thấy nhu cầu đặt bàn vào ngày cuối tuần tăng vọt ở các quán ăn gần trường, vì vậy họ quyết định trở thành những nhà môi giới bàn ăn. Họ đặt chỗ từ sớm, dùng chỗ ngồi đó để bán lại cho các cặp đôi thực sự cần đến, để tăng tỷ lệ giao dịch thành công, những thành viên nữ sẽ trở thành người chào hàng, còn các bạn nam sẽ tìm kiếm nhà hàng còn chỗ trống. Sau đó, họ còn tập trung bán các bàn ăn của nhà hàng có máy nhắn tin báo đồ ăn đã được nấu xong (vì chúng hút khách hơn các quán khác), đồng thời kiếm thêm một khoản chênh lệch từ những chiếc máy nhắn tin đó.
Một nhóm khác tiếp cận vấn đề còn đơn giản hơn, họ mở một cửa hàng bơm xe đạp. Ðiều đáng chú ý là bạn sẽ được kiểm tra áp suất của lốp xe miễn phí, nếu muốn bơm xe bạn chỉ cần trả thêm 1 đô la. Sau đó họ sớm nhận ra rằng việc đo áp suất miễn phí khiến khách hàng của họ rất biết ơn cửa hàng. Vì vậy nhóm tiến thêm bước nữa với tuyệt chiêu vô cùng độc đáo: “Bơm lốp miễn phí, chi trả tùy tâm”.
Tức là, sẽ không có một mức giá cụ thể nào cho mỗi lốp xe, khách hàng sẽ chi trả tùy theo mức độ họ cảm thấy hài lòng với dịch vụ. Bất ngờ là, chính cảm giác hàm ơn của khách hàng khiến họ mở hầu bao nhiều hơn cho mỗi lốp xe được bơm và nhóm này kiếm được bộn tiền!
Hai nhóm trên thu về vài trăm USD sau hai tiếng làm việc, nhưng đỉnh cao nhất của sức sáng tạo lại đến từ một nhóm có suy nghĩ táo bạo hơn hết thảy. Họ thu về 650 USD với số vốn gần như 0 đồng mà chẳng cần phải tất tả ngoài đường làm gì cho nhọc sức. Nhóm này xác định ngay rằng, nguồn lực giá trị nhất mà họ có không phải là 2 tiếng đồng hồ hay 5 USD, tài sản quan trọng nhất chính là 3 phút thuyết trình trong buổi học tuần sau…
Sinh viên Standford luôn là tầm ngắm của những doanh nghiệp muốn tuyển dụng nhân tài, huống hồ lớp học của họ là một lớp học kinh doanh với bài tập về khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo, vậy là họ quyết định làm một video dài ba phút về lớp học của mình và bán nó cho một công ty như thế. Tính ra tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư của dự án này là 4000 phần trăm, thật quá xuất sắc! Một tài sản không ai nghĩ đến và họ đã khai phá nó thành công.
Những nhóm còn lại cũng thu về được lợi nhuận với những kế hoạch kinh doanh của mình, tất nhiên chúng không cao bằng ba nhóm nêu trên nhưng họ thực sự đã rất nỗ lực và kết quả cũng không làm giảng viên Tina thất vọng.
Với bài tập nhỏ này, Tina đã một lần nữa dạy cho sinh viên của mình rằng cơ hội luôn có rất nhiều trong cuộc sống, từ những vấn đề nhỏ như một cửa hàng xe đạp cho đến những thứ to lớn như biến đổi khí hậu, luôn có những ý tưởng chờ đợi chúng ta khám phá, quan trọng là cách tiếp cận vấn đề của bạn như thế nào.
Ðối với ba nhóm thành công nhất, họ đều không có một phương án hoàn hảo nào ngay từ đầu, nhưng họ biết liên tục cải tiến cách làm trong quá trình thực thi. Ðây cũng là một yêu cầu quan trọng trong việc xây dựng và vận hành một dự án, luôn luôn kiểm tra và cải thiện quy trình
Ngoài ra, chúng ta vẫn thường đóng khung sự việc trong một cái lồng từ duy quá cứng nhắc, mọi người đều muốn nhanh trong bắt tay vào kiếm tiền nhưng họ chẳng nghĩ đến việc dừng lại và xem xét vấn đề ở một góc nhìn rộng hơn.
Khi thoát khỏi sự chật hẹp trong tư duy thông thường, những bạn trẻ có thể tìm thấy một cách giải quyết cực kỳ sáng tạo và hiệu quả. Tiến sĩ Tina đã giao nhiệm vụ cho các sinh viên của mình mà không hề có quá trình giám sát trong khi họ thực thi, nhưng kết quả thu được vẫn hết sức mĩ mãn. Bởi vì, những nhóm sinh viên ấy có kỷ luật rất cao và biết tôn trong luật chơi. Họ hiểu rằng giá trị của một bài thi không năm ở số tiền họ thu được, mà chính là tri thức họ nhận được thông qua quá trình lên ý tưởng và thực thi chúng.
Nguyên Trực