Đi xuyên Việt bằng ô tô tự lái dịp Tết đang ngày càng được ưa chuộng do người người nhà nhà đã chán cảnh năm nào cũng đón Tết tại gia mà muốn thay đổi không khí bằng cách vi vu đó đây mà vẫn sum vầy được cả gia đình. Tuy nhiên, thực hiện một chuyến xuyên Việt bằng ô tô tự lái chưa bao giờ là điều đơn giản. Chắc chắn rằng trên hành trình dài ấy bạn sẽ gặp phải các bất trắc. Vì vậy, việc lường trước những sự cố có thể xảy ra và giắt túi các kiến thức để phòng tránh và khắc phục các sự cố cơ bản khi đi đường xuyên Việt là điều tối cần thiết cho những ai có dự định nhé.
1. Gặp phải các điểm đen tai nạn
Một trong những nỗi lo lớn nhất của những người đi xuyên Việt bằng xe tự lái là các điểm đen tai nạn giao thông. Trên những tuyến đường xuyên Việt quen thuộc như quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh hay ngay trong các thành phố bạn đặt chân đến trong lộ trình xuyên Việt của mình như Sài Gòn, Đà Nẵng, Tây Nguyên, … đều tồn tại các điểm đen này. Và chắc chắn rằng không ai trong chúng ta muốn chuyến xuyên Việt đáng nhớ bị cản trở bởi những tai nạn nguy hiểm như vậy.
Cách tốt nhất để phòng tránh sự cố điểm đen tai nạn này là hãy cẩn thận nghiên cứu tình hình giao thông và các điểm đen tai nạn trên lộ trình xuyên Việt của bạn để có sự chuẩn bị trước.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết của WETREK.VN liệt kê danh sách các điểm đen trên những tuyến đường xuyên Việt thường đi và các lưu ý khi đi qua các điểm đen này
TẠI ĐÂY
2. Gặp rắc rối với các chốt giao thông
Các điểm có chốt giao thông cũng là một vấn đề khiến dân xuyên Việt bằng ô tô tự lái đau đầu. Lời khuyên vẫn như trên: Hãy tìm hiểu kỹ luật và tình hình giao thông của mỗi vùng trước khi bạn đến bởi lẽ mỗi nơi, mỗi đoạn đường lại có một số luật khác nhau.Và đặc biệt nghiêm túc chấp hành luật giao thông tại những nơi đi qua vì vừa là đảm bảo an toàn cho bạn và những người khác, vừa tránh những rắc rối không cần thiết làm cản trở chuyến đi do vi phạm luật.
Còn nếu bị bắt lại và đúng là lỗi của bạn, hãy bình tĩnh xử lý. Tốt nhất nên thương lượng để được nộp phạt ngay tại chỗ, tránh phải quay lại để nộp tiền rất mất thời gian, làm lỡ lịch trình chuyến đi và cũng làm mọi người mất tinh thần.
3. Nổ lốp giữa đường
Vấn đề nổ lốp vốn dĩ vẫn thường gặp khi lái ô tô, chưa kể là đi những hành trình dài như xuyên Việt. Và việc gọi và chờ cứu hộ đến sẽ mất rất nhiều thời gian của bạn hay phải đi một đoạn xa nữa mới đến được cửa hàng sữa chữa. Vì vậy, xử lý tình huống xe nổ lốp giữa đường là một trong những kỹ năng cơ bản bạn cần nắm vững trước khi bắt đầu chuyến xuyên Việt của mình nhé. Cách khắc phục tạm thời dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn có thể tới được điểm sửa chữa uy tín mà không gặp trở ngại gì về vết thủng của lốp xe.
-
Khi xe có mang theo lốp dự phòng
Bước 1: Việc đầu tiên bạn cần làm là đỗ xe cẩn thận vào lề đường phía bên phải hay lựa chọn một nơi bạn cảm thấy an toàn để dừng xe, bật đèn khẩn cấp của xe lên để dễ dàng cảnh báo cho các phương tiện qua lại trên đoạn đường mình đang đỗ xe.
Bước 2: Hãy chuẩn bị cách dụng cụ cần thiết để tháo lắp bánh xe mà thông thường đã được trang bị cho mỗi chiếc xe.
Bước 3: Tiến hành việc tháo lỏng các bu-lông cố định bánh xe bằng dụng cụ chuyên dụng như ống tuýp, tròng,… tháo lỏng cần phải vặn ngược theo chiều kim đồng hồ bạn nhé.
Bước 4: Sử dụng kích để kích bánh xe lên giúp bạn dễ dàng tháo bánh xe ra.
Bước 5: Thay thế lốp dự phòng có sẵn trên xe vào bánh bị hỏng, tiến hành các bước ngược lại so với khi tháo để bánh xe mới được lắp đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật vào xe. Nên nhớ cần phải kiểm tra áp xuất của lốp xe để bơm bổ sung nếu thấy thiếu hơi trước khi vận hành.
Bước 6: Tháo kích ra khỏi xe, cất các dụng cụ, bánh xe tháo ra vào nơi quy định là bạn có thể tiếp tục hành trình của mình.
Khi xe không có lốp dự phòng
-
Khi không mang theo hoặc hết lốp dự phòng:
Chuẩn bị sẵn sàng một số đinh vít nhiều kích cỡ, cuộn cao su non, dùi sắt có đầu nhọn.
Các bước xử lý:
Bước 1: Bước đầu tiên hiển nhiên bạn cần lựa chọn một vị trí đậu xe an toàn, thuận lợi cho quá trình sửa chữa sau đó bật đèn cảnh báo cho các phương tiện khác lưu thông trên đường.
Bước 2: Xác định và đánh dấu lại vị trí đinh găm vào lốp xe của bạn.
Bước 3: Sử dụng một chiếc đinh vít có kích thước ngang bằng với vết thủng của lốp xe, tiến hành cuộn cao su non quanh đinh vít đó và ấn vào vết thủng cho thật chặt. Nếu bạn thấy vẫn còn lỏng lẻo thì cần thay thế bằng một chiếc đinh vít to lớn hoặc có thể khắc phục bằng cách cuốn thêm cao su non quanh đinh vít trước đó. Cần đảm bảo chiếc đinh vít đó có thể găm chặt ở trong lốp xe của bạn.
Bước 4: Dùng bơm để bơm căng lốp xe, kiểm tra lại chắc chắn là bạn có thể tiếp tục chuyến đi của mình.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu sẵn các số điện thoại cứu hộ các miền (hoặc nơi định đến) đề phòng hỏng hóc không tự khắc phục được.
4. Những tai nạn không đáng có do thiếu kỹ năng xuống dốc đổ đèo
Đi xuyên Việt là xác định bạn sẽ phải lái qua rất nhiều địa hình khác nhau, mà cần đặc biệt chú ý là các đoạn đèo dốc. Đã có kha khá các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do các xế thiếu hiểu biết và kỹ năng trong việc xuống dốc đổ đèo. Do đó, cần nắm vững và thành thạo kỹ năng này trước chuyến đi xuyên Việt của mình nhé.
WETREK.VN tổng hợp giúp bạn hướng dẫn xuống dốc đổ đèo một cách đầy đủ và an toàn nhất nhé.
a. Xe số sàn
Leo đèo từ vị trí đứng yên
Đây là bài Đề-pa cơ bản mà bạn phải học khi qua kỳ thi sát hạch lái xe. Lý thuyết rất đơn giản, đầu tiên, hãy giữ chặt chân phanh và côn, vào số 1. Tiếp tục giữ chặt chân phanh, nhả côn từ từ và nghe tiếng máy sao cho bạn có thể cảm giác đã bám côn. Sau đó, nhả phanh, đệm ga và bắt đầu thả chân côn. Hãy nhớ nhả côn bằng chân trái một cách chậm rãi. Trong khi đó, chân phải cũng nhấn ga từ từ cho phù hợp. Lúc này, chiếc ôtô có thể bị lùi về phía sau một chút nhưng bạn đừng lo vì xe sẽ sớm tiến lên phía trước.
Tùy thuộc vào độ dốc của đèo, tốc độ động cơ sẽ dao động trong khoảng từ 2.000 – 3.000 vòng/phút. Ví dụ, trên đèo dốc thẳng đứng, tốc độ động cơ rơi vào khoảng 3.000 vòng/phút sẽ giúp xe khởi động dễ dàng hơn. Tiếp đến là giai đoạn tiến lên đỉnh đèo, chuyển sang số 2 hoặc 3 tùy thuộc vào độ dốc.
Leo đèo khi xe đang chạy
Bạn hãy dùng mắt để quan sát và đánh giá độ dốc của đèo chuẩn bị leo. Giữ chặt chân côn và xuống một số trước khi leo đèo nếu độ dốc ở mức vừa phải. Ví dụ, bạn chuyển từ số 5 xuống số 4 hoặc 4 xuống 3 và duy trì tốc độ phù hợp. Giữ tốc độ động ở trong khoảng từ 5.000 – 7.000 vòng/phút để xe có công suất cao hơn khi leo đèo.
Nhấn ga và xuống số lần nữa nếu đèo dốc hơn. Ví dụ, chuyển từ số 3 xuống số 2. Duy trì tốc độ động cơ trong khoảng như trên để leo dốc.
Bí quyết: nếu có điều kiện và thời gian, bạn có thể tập ở những đoạn đèo vắng. Làm như vậy, bạn có thể biết nên nhấn ga như thế nào cho phù hợp khi leo dốc. Thứ hai là để mắt đến những xe khác chạy phía sau bạn.
Khi đổ đèo, bạn nên hạn chế dùng phanh liên tục. Liên tục phanh trên những đoạn đường đèo núi dài có thể khiến nhiệt độ của hệ thống phanh tăng cao. Hậu quả là phanh có thể mất tác dụng hoàn toàn, đột ngột và bạn sẽ hoảng hốt không xử lý kịp tình huống. Hãy để ý những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh bị quá nóng như mùi khét hoặc khói bốc ra từ bánh xe.
Thứ hai, hãy học phân biệt âm thanh động cơ bằng cách lắng nghe khi lái xe hàng ngày. Nghe âm thanh động cơ để biết vòng tua máy là một kỹ năng cần thiết khi đổ đèo.
Chuyển xuống số thấp để xe chạy chậm nhưng cũng đừng quên quan sát vòng tua động cơ. Động cơ phải chạy ở tốc độ cao hơn mức trong điều kiện lái thông thường. Nếu cảm thấy tốc độ xe nhanh hơn mức bạn muốn kiểm soát, bạn nên chuyển xuống một số.
Giảm tốc độ của xe khi ôm cua bằng cách chuyển xuống số thấp hơn. Nhấn chân ga để tăng vòng tua động cơ và thả côn. Nhấn phanh để đưa xe về vận tốc thấp khi ôm cua. Thông thường, có một lời khuyên là lên đèo số nào thì xuống đèo số đó. Tuy nhiên, bạn cũng nên áp dụng linh hoạt tùy vào vận tốc của xe bạn trong lúc đổ đèo để chiều chỉnh cho phù hợp.
Lên số cao hơn khi vào đường thẳng để tăng tốc. Hãy sẵn sàng để chuyển số thường xuyên hơn bình thường vì đường đèo đòi hỏi người lái phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp. Tiếp tục theo dõi hệ thống phanh và tấp xe vào khu vực an toàn nếu thấy có dấu hiệu nhiệt độ của hệ thống phanh tăng cao.
b. Xe số tự động
Nhiều người cứ nghĩ sẽ không phải lo lắng về việc chuyển số khi leo đèo bằng xe số tự động. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không đúng. Khi leo đèo, xe của bạn cần công suất lớn hơn bình thường. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn phải biết cách tăng sức mạnh cho xe.
Điều này khá dễ dàng với xe số sàn vì bạn có thể chỉnh tốc độ bằng cách chuyển số. Đối với xe số tự động, bạn có thể thử dùng số 3 để leo đèo. Sau đó, tăng tốc càng nhanh càng tốt. Khi cảm thấy xe đang chậm dần, bạn cần đổi về số 2 và tiếp tục nhấn chân ga.
Bạn có thể sẽ thấy động cơ xe kêu như muốn nổ tung. Tuy nhiên, đừng lo lắng vì tiếng động cơ như thế mới đảm bảo sự an toàn cho bạn và giúp xe leo đèo ổn định. Rõ ràng, ngay cả với xe số tự động, bạn vẫn phải tự tay điều chỉnh để leo đèo. Dù sao, leo đèo bằng xe số tự động cũng dễ dàng hơn vì hệ thống đã lo “trọn gói” động cơ của xe.
Hệ thống phanh sinh ra để giảm tốc độ và dừng xe. Tuy nhiên, khi đổ đèo bằng xe số tự động, sử dụng một mình phanh để giảm tốc vẫn chưa đủ. Thêm vào đó, làm như vậy sẽ khiến phanh bị mòn và mất tác dụng. Đó là lý do vì sao bạn cần học cách đổ đèo bằng xe số tự động mà không dùng mỗi phanh để giảm tốc. Nên chuyển sang chế độ bán tự động để có thể điều khiển xe được tốt nhất.
Đầu tiên, hãy bỏ chân ra khỏi chân ga khi xe ở trên đỉnh đèo. Nếu xe của bạn có hệ thống điều khiển hành trình, hãy tắt đi. Bạn có thể ngắt hệ thống điều khiển hành trình bằng nút điều khiển hoặc nhấn nhả phanh một cách từ tốn.
Nếu đang di chuyển chậm, bạn hãy chuyển số tự động xuống số thấp hơn hoặc số 2. Đây là hành động tương đương với việc “phanh động cơ” và giảm tốc độ xe. Nếu xe đang chạy ở tốc độ cao hơn 50-60 km/h hoặc nhanh hơn mức mà bạn cảm thấy an toàn, hãy giảm số, nhấn phanh từ từ để giảm tốc.
Nhấn nhả phanh từ từ để giúp động cơ duy trì ở tốc độ mong muốn. Chỉ đến khi đổ đèo xong, bạn mới chuyển hộp số về chế độ tự động hoàn toàn.
Lưu ý: trước khi đổ đèo, bạn hãy chắc chắn hệ thống phanh của xe hoạt động tốt. Khi đổ đèo trong điều kiện đường đông, ở tốc độ thấp hoặc đường uốn lượn, bạn mới nên dùng số 1 thấp nhất. Tốc độ tối đa của xe khi ở số 1 là 25-32 km/h. Đừng bao giờ chuyển hộp số sang chế độ “Neutral” nếu không muốn lao xuống chân đèo ở tốc độ nhanh hơn mong muốn.
Ngoài ra, bạn cũng đừng chuyển hộp số tự động sang chế độ “Park” để đổ đèo. Lúc đó, xe của bạn sẽ tạo ra những âm thanh rất khó nghe. Thậm chí, điều này còn có thể làm hỏng hộp số xe.
5. Phạm phải những lỗi cơ bản khi xe có trẻ em
Tết này có người đi xuyên Việt với bạn bè, hội nhóm những chắc chắn rằng cũng không ít người lựa chọn đi với gia đình. Và nếu gia đình có trẻ em đi cùng thì càng cần có những lưu ý đặc biệt hơn để tránh phạm phải những lỗi cơ bản. Một số lưu ý khi đi xe xuyên Việt có trẻ nhỏ bạn nên ghi nhớ lại như sau:
- Sử dụng ghế nâng cho trẻ nhỏ
- Không cài đặt khoảng cách rộng giữa các ghế
- Chú ý thắt dây đai đúng vị trí
- Không để trẻ ngồi ở hàng ghế trước
- Đừng quên khóa cố định cửa
- Cất giữ các đồ vật nguy hiểm mang theo vào cốp xe
- Không cho trẻ chơi đồ chơi
- Không để trẻ ở một mình trên xe
- Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi: Mỗi khi lái xe liên tục 2 giờ thì bạn nên có một đoạn nghỉ ngắn.
- Chuẩn bị đủ vật dụng chăm sóc trẻ
Chúc bạn có một chuyến xuyên Việt bằng ô tô tự lái thật an toàn và vui vẻ nhé! Ai còn gặp rắc rối nào hãy cùng chia sẻ với WETREK.VN và cộng đồng để cùng tìm cách đề phòng và khắc phục nhé!
(Tham khảo và Tổng hợp: Outdoorsy)